Tịnh Xá Kỳ Hoàn – Truyện Cổ Phật Giáo

Đọc kinh sách Phật, chúng ta thấy Phật thường thuyết pháp ở “Tịnh Xá Kỳ Hoàn hay Kỳ Thọ Cấp Cô Độc viên” cũng thế.

Được truyền tụng hơn hết, Tịnh xá này là công trình kiến tạo to tát của ông Tu Đạt Đa, một Phật tử tại gia thuần thành tên tuổi được hậu thế luôn luôn nhắc nhở.

Tu Đạt Đa, người ở thành Xá Vệ, xứ Ấn Độ, là tôi đại thần của vua Ba Tư Nặc và là một nhà giàu có  nhất thời bấy giờ. Tánh tình hào hiệp ưa cứu giúp kẻ cô bần, hay làm việc bố thí, thi ân, khoan hồng với người dưới, khắp xứ đều biết danh, ông được người thời bấy giờ gọi tặng là Trưởng giả “Cấp Cô Độc”.

Tu Đạt sanh được bảy người con trai. Chúng đều khôn lớn cả và có gia thất, trừ cậu út. Hình dung tuấn tú diện mạo khác thường, chàng có ý tự mình lựa chọn bạn trăm năm. Trưởng giả mới nhờ một thầy Bà La Môn tìm nơi mối lái.

Một hôm thầy Bà La Môn đến hóa trai ở một nhà nọ tại thành Vương Xá.

Một người con gái xinh đẹp tuyệt trần, đem vật thực ra dưng. Hỏi ra mới biết là ái nữ của Trưởng giả Hộ Di. Thầy yêu cầu xin tiếp chuyện với phụ thân của nàng. Thiếu nữ vào trong thưa lại, một chập sau thầy được ra mắt Trưởng giả và lấy thật tình tỏ ý mình muốn tác thành cho hai họ.

Vì đã được nghe đại danh của Trưởng giả Tu Đạt Đa chẳng những là người giàu có muôn hộ, hay cứu giúp kẻ nghèo đói, cô bần, mà còn là một vị đại thần quyền thế ở thành Xá Vệ, nên không ngần ngại gì; Hộ Di vui lòng hứa lời cho đàng trai bước tới.

Nhân dịp có người khách buôn dong xe về Xá Vệ Bà La Môn liền gởi một phong thơ báo tin lành, ông Tu Đạt tức tốc khởi hành, cho gia nhân chở theo rất nhiều châu báu.

Lúc đến nơi, thầy Bà La Môn đưa ông tới nhà ông Hộ Di. Đàng gái hết sức vui mừng, tiếp rước trọng hậu. Nhận thấy tôi trai, tớ gái tấp nập cỗ bàn, Tu Đạt Đa mới hỏi thăm duyên cớ. Trưởng giả Di cho biết sáng hôm sau ông sẽ làm lễ cúng dường Phật và chư Tỳ kheo Tăng.

– Phật là gì? Tu Đạt hỏi

– Quan huynh chẳng nghe ư? Con vua Tịnh Phạn ở thành Ca Tỳ La Vệ, tên Tất Đạt Đa, vì thấy khổ, sanh, già, bệnh, chết, buồn lòng không vui thú gia đình, bèn bỏ cung điện đi tu, sau sáu năm khổ hạnh, được trí huệ đầy đủ, thắng chúng ma vương, tự tại thần thông, quan minh chiếu diệu được người xưng tôn là Phật.

– Còn thế nào gọi là Tăng?

– Tăng chỉ các vị đệ tử của Phật đều là bậc sáng suốt giải thoát, có thể vì chúng sanh làm đám ruộng phước.

Tu Đạt vui mừng vô hạn hỏi tiếp:

– Chẳng hay Phật và chư Tăng ở đâu?

– Tại một Tịnh Xá trong vườn Trúc (Trúc Lâm).

Trong đêm ấy Tu Đạt Đa sanh lòng kính tin, lăn lộn không ngủ, trông mau trời sáng để đến ra mắt Thế Tôn.

Vừa bình minh ông đã trổi dậy, hỏi hướng rồi ra đi.

Tịnh xá Trúc Lâm vẫn còn yên tịnh, sương lạnh phủ dày, các Tỳ kheo còn đang thiền tọa. Tu Đạt Đa đang ngơ ngác, thì đàng xa có bóng người tiến đến. Thì ra đó là Đức Phật, bởi biết trước nên xuất thiền ra ngoài kinh hành. Vừa trông thấy tướng mạo nghiêm trang, oai nghi, đĩnh đạt của Ngài, Tu Đạt Đa mừng quá quên cả lễ phép:

“Thưa ông, không biết đức Cù Đàm đã dậy chưa? Ngài ở đâu? Tôi muốn gặp liền bây giờ được chăng?” Đức Phật vui vẻ chỉ chỗ mời ngồi, rồi ôn tồn hỏi: “Ông tìm đức Cù Đàm có việc chi? Chính tôi là người ông đang tìm”.

Biết là Đức Phật và cảm kích trước lời nói của Ngài, Tu Đạt Đa liền cúi mình làm lễ và tha thiết bạch rằng: “Lạy Ngài rũ lòng thương xót, mở lòng dạy bảo cho kẻ đệ tử đầy tội lỗi này!”.

Đức Thế Tôn bèn nói Pháp: khổ, không, vô thường, vô ngã và Niết Bàn yên vui vắng lặng cho ông Tu Đạt nghe. Khi nghe xong, ông quá đỗi vui mừng, liền nhiễm Thánh pháp, đắc quả Tu Đà Hoàn, thí như miếng lụa trắng dễ ăn màu nhuộm. Trưởng giả bèn quì xuống, chấp tay lạy Phật: “Bạch Thế Tôn, những người ở thành Xá Vệ nghe pháp có thể dễ thâm nhiễm như con không?” Phật bảo: “Ông vì túc căn nên mới sớm ngộ như thế không phải ai cũng ngộ như vậy đâu. Vả lại dân thành Xá Vệ phần nhiều tin theo tà giáo, khó mà nhiễm thánh pháp”. Tu Đạt bạch Phật: “Cúi xin Ngài thương xót, rủ lòng đại từ quang lâm Xá Vệ đánh chuông cảnh tỉnh để người theo tà quay về lẽ chánh”.

Phật bảo: Phép của người xuất gia không được ở chung chạ với người thế tục, bên ấy không có Tịnh xá thì làm sao ta và các Tỳ kheo sang ấy ở được.

– Đệ tử xin phát tâm kiến tạo Tịnh xá mong Phật từ bi hứa khả cho.

Đức Phật yên lặng, tỏ dấu hứa chịu.

Mấy hôm sau, khi lo vợ cho con xong ông Tu Đạt trở lại rừng Trúc bái Phật xin phái một vị đệ tử đi theo chỉ bảo cách thức xây cất Tịnh xá. Đức Thế Tôn nghĩ rằng ở Xá Vệ bọn Bà La Môn rất nhiều, họ tin tưởng xằng bậy những điều không hợp chánh lý thế nào họ cũng ra mặt tranh đương, người kém tài kém đức, khó bề hàng phục được họ. Chỉ có Xá Lợi Phất trước là dòng dõi Bà La Môn thông minh đa trí, hiểu rõ nội bộ của họ đi mới có lợi. Phật liền sai Xá Lợi Phất đi theo Tu Đạt sang Xá Vệ.

Dọc đường Tu Đạt hỏi Xá Lợi Phất: “Đức Phật đi bộ bao nhiêu dặm trong một ngày?” Xá Lợi Phất đáp: “Chừng nửa do tuần”. Ông Tu Đạt bèn cứ hai mươi dặm là mướn người cất một khách xá (nhà tạm) để khi Phật sang Xá Vệ, đêm có chỗ tạm nghĩ.

Khi về đến nhà, Tu Đạt và Xá Lợi Phất trải qua mấy ngày vất vả và vẩn chưa tìm ra chỗ nào vừa ý. Một hôm đi ngang vườn cây của Thái tử Kỳ Đà, thấy đất đai bằng phẳng, cây cối xum xuê. Xá Lợi Phất bảo Tu Đạt: “Trong vười này cất Tịnh Xá được, vì không xa không gần thành; xa quá thì khó cho sự khất thực, còn gần quá thì ồn ào, loạn động khó yên tâm để tu hành”. Thấy Tu Đạt ra chiều suy nghĩ, Xá Lợi Phất tiếp: “Phải chăng ông sợ không thể mua được chớ gì? Ông nên đến ướm hỏi Đông cung xem sao”.

Ông Tu Đạt liền đánh bạo đến ra mắt Thái tử Kỳ Đà.

– Tâu Thái tử! Tôi muốn kiến tạo một Tịnh xá để thỉnh Phật và chư Tăng sang đây diễn giáo, nhưng tìm mãi không ra chỗ. Nay Thái tử có vườn cây tốt, rộng rãi, xin Thái tử vui lòng nhường, miếng vườn ấy lại cho tôi, công đức của Thái tử thật vô lượng vô biên.

Thái tử cả cười bảo: “Tôi đâu có thiếu thốn gì mà phải bán; vườn này để làm chỗ ngoạn thưởng trong khi nhàn rỗi, cho thư thả tâm hồn, bán đi thì làm thế nào?”.

Ông trưởng giả Tu Đạt năn nỉ mãi. Thải tử tánh dễ cảm, song vì tiếc miếng vườn nên định làm thối chí ông Tu Đạt:

– Nếu trưởng giả mua, xin đem vàng lót khắp mặt đất tôi sẽ bán cho.

– Vâng.

Thái tử hỏi hối:

– Tôi nói chơi như thế, chớ bán đi thì làm gì.

– Quân tử vô hý ngôn, Thái tử sẽ làm vua trị dân, nói bỡn sao được.

Tu Đạt bèn vội trở về nhà hối gia nhân chở vàng đến lót. Khi đã phủ xong nơi đất liền. Trưởng giả suy nghĩ coi phải làm thế nào để lót mấy nơi bị cây mọc choán. Thái tử đến gần vỗ vai hỏi: “Thế nào Trưởng giả suy nghĩ gì? Nếu ông chê mắc thì thôi vàng ông chở về vườn tôi xin trả lại cho ông”.

– Không, tôi không nói mắc rẽ gì đâu, thưa Thái tử. Tôi đang suy nghĩ coi phải chở ở kho nào cho vừa đủ, khỏi đem đi đem về thất công và tính coi mấy gốc bao nhiêu vàng đấy chứ.

Thái tử Kỳ Đà nghe xong hết sức ngạc nhiên, tự hỏi Phật là người thế nào mà Trưởng giả coi của cải như không, xem vàng ròng như đất cục. Thật kỳ lạ quá… Có lẽ là một thánh nhơn, đạo cao đức cả mới có thể cảm hoá được lòng người như thế.

– Thôi, Thái tử bảo, ông đừng chở vàng đến nữa, bây giờ đất vườn thuộc về ông, còn cây thuộc về tôi, tôi xin cúng cho Phật đấy.

Trưởng giả vui sướng quá. Ngay ngày hôm sau kêu thợ đo đất khởi công, còn Xá Lợi Phất thì vẻ bản đồ và chỉ bảo cách thức.

Song một trở ngại lại xảy ra. Phái Lục sư ngoại đạo Bà La Môn kéo nhau đến tâu vua Ba Tư Nặc: “Trưởng giả Tu Đạt Đa mua vườn của Thái tử để kiến tạo Tịnh xá cho bọn Sa Môn Cù Đàm xin bệ hạ cho phép chúng tôi cùng bọn kia tranh tài, nếu họ thắng được bọn tôi, chừng ấy họ mới được phép cất Tịnh xá và sang đây thuyết đạo, còn trái lại, thì ở đâu phải ở đó”.

Nhà vua liền triệu Tu Đạt Đa vào triều vào bảo rằng: “Hàng Lục sư Bà La Môn không chịu có phái nào khác truyền giáo. Nay khanh mau vườn cất Tịnh xá để rước đồ chúng của Đức Cù Đàm về đây dạy đạo. Lục sư vào tâu khi nãy, xin cho hai phái cùng nhau một trận thư hùng, nếu họ thua thì khanh tự ý muốn làm gì thì làm, còn nếu phe Cù Đàm thua thì đừng bén mảng đến đây. Muốn cho yên thuận, ta đã hứa với họ rồi, vậy khanh lo liệu thế nào cho chu tất”.

– Xin bệ hạ cho phép hạ thần trở về bạch lại với đệ tử của Đức Phật xem sao.

– Được, khanh cứ đi, muốn cho bọn họ và công chúng biết được giá trị của đôi bên, ngoài phương pháp đó, không còn gì hơn nữa.

Trưởng giả cáo từ ra về, mặt luôn luôn dàu dàu, đầu óc miên man lo nghĩ: “Không rõ bên ta có thể thắng được không? Hơn chẳng nói gì, còn rủi thua thì khổ biết bao. Lục sư pháp thuật cao cường, lại bè lũ đông đảo, liệu một mình Ngài Xá Lợi Phất có đương cự lại chăng?”. Bao nhiêu câu hỏi làm lòng ông ngổn ngang lo sợ, đến nỗi về đến cửa nhà mà ông không hay.

Trông thấy vẽ mặt đượm đầy u buồn, lo ngại của Tu Đạt, Xá Lợi Phất bèn cất tiếng hỏi: “Hôm nay có việc gì mà Trưởng giả không được vui?”.

Tu Đạt rầu rầu đáp: Thưa Ngài công việc kiến tạo Tịnh xá sợ không thành tựu.

– Tại sao thế?

– Thưa Ngài, bọn Lục sư quyết lòng ngăn trở công việc làm của mình. Họ đã đến khiếu nại với vua, xin cho cùng chúng ta tranh thủ nếu chúng ta thắng họ thì mới được cất Tịnh xá. Vua đã chuẩn y lời của họ. Bây giờ trăm việc tôi xin trông cậy vào Ngài. Tôi lo lắm, bọn họ tu hành theo tiên đã lâu, tài nghệ pháp thuật cao cường, trong thành này ai cũng biết, thêm nỗi bọn họ rất đông, liệu mình Ngài có chống nổi chăng?

– Trưởng giả đừng ngại. Tôi tuy một mình, nhưng ông có thấy chăng, chỉ một ánh sáng mặt trời đủ phá tan bao nhiêu bóng tối; cần gì phải đông. Đồ chúng của Lục sư có nhiều đến bực nào cũng không làm chi tôi nổi. Trưởng giả cứ vững lòng tin tôi và tâu lại nhà vua xin định ngày đấu sức, không sao.

Tu Đạt nghe nhõm người, chạy bay vào cung, xin định ba hôm sau là mở hội tranh tài.

Bọn Lục sư truyền rao cho tín đồ của chúng hảy đến xem cuộc đấu phép ít có mà phần thắng chắc chắn về phái họ. Vua Ba Tư Nặc cũng truyền lệnh cho dân gian và cho phép tam cung lục viện đến dự. Đồng thời vua cho cất khán đài tại một miếng đất trống to lớn phía ngoài thành.

Đúng ngày giờ hẹn, trời vừa tang tảng sáng, bọn Lục sư đã lũ lượt kéo tới, cả dân chúng nữa, người người không thể tính số được. Giữa khán đài, vua và hoàng hậu ngồi ghế lớn, hai bên trăm quan và cung phi mỹ nữ đứng hầu, còn dân chúng chen nhau đứng phía dưới. Trước đài, tả hữu có hai đài khác, dành cho hai phái tranh thủ.

Giờ đấu tài đã đến, bọn Lục sư thấy thế tuyên bố ầm lên: “Bọn Cù Đàm sợ chúng ta rồi, đã tới giờ mà không thấy bóng hình đâu cả”. Tiếng bàn tán cải cọ thêm to. Có kẻ đánh bạo đến gần tâu vua: “Tâu bệ hạ, bọn đệ tử Cù Đàm có lẽ tự biết mình vô tài nên không dám đến. Vậy xin bệ hạ kể họ như thất trận rồi”.

Vua Ba Tư Nặc trầm tĩnh đáp: “Chưa gì mà các người đã vội ca khúc khải hoàn, hãy đợi một chút nữa xem nào”. Đoạn vua xoay qua Tu Đạt: “Tại sao thầy của khanh chưa đến, khanh hãy đi xem thử sao?”.

Lúc ấy, Xá Lợi Phất đang ngồi thiền định dưới cội cây to, yên lặng suy nghĩ: “Hội chúng hôm nay phần đông theo tà giáo đã lâu, tà pháp đã thâm nhiễm vào trong óc của họ, nên họ đầy vẽ kêu mạn, tự cao. Làm thế nào mà cứu vớt họ? Phật đã dạy, trong khi truyền đạo, không nên dùng thần thông làm kinh dị lòng người, nhưng trong trường hợp này, nếu không dùng thần thông thì làm sao gây được tín tâm. Vậy xin Phật thấu hiểu và xá tội cho!”. Vừa nghĩ xong thì Tu Đạt hấp tấp đến.

– Bạch Đại đức, công chúng đã nhóm họp đông đủ cả rồi, nhà vua đang chờ trông, xin Đại đức quang lâm cho.

Xá Lợi Phất bèn xuất thiền đứng dậy, sửa ngay y phục, vất tọa cụ lên vai, rồi oai nghiêm cất bước, từ từ tiến về phía diễn trường mà quang cảnh mà là một biển người, lô nhô đầu là đầu không hàng ngũ trật tự gì cả. Thế mà khi Xá Lợi Phất đến, công chúng lại tự dưng vẹt ra, chừa một đường khá rộng cho Ngài vào. Tu Đạt ung dung theo sau khỏi chen lấn gì cả.

Xá Lợi Phất đi đến đâu thì đám đông cúi chào, xa trông như một đồng lúa bị gió đùa. Còn bọn Lục sư, tuy lúc đầu đã dặn nhau không được tỏ vẻ kính nể nào, nhưng khi thấy vị đại đệ tử của Phật, tất cả như bị một sức mạnh gì ở thâm tâm thúc đẩy, đồng đứng dậy lễ phép chào như bao nhiêu người khác. Xá Lợi Phất chậm rãi thượng đài và an tọa. Vua Ba Tư Nặc liền ra lệnh cho hai bên đấu phép.

Lao Độ Sai, tay huyền thuật giỏi nhất trong phái Lục sư, trổ tài trước. Công chúng đang lao nhao chờ đợi, bỗng thấy một cây đại thọ mọc lên giữa sân sừng sừng, to lớn một cách nhanh chóng khác thường, tàn che kín khắp vùng đất chiếm làm diễn trường.

Đồ chúng của Lục sư, biết là sự biến hóa của phe mình, lấy làm thích chí, trầm trồ khen ngợi vang rền. Tứ phía muôn mắt quay về hướng Xá Lợi Phất đang tĩnh tọa, đôi mắt lim dim như không hay thấy gì hết. Một phút, hai phút… Mọi người đều nóng ruột, nóng hơn hết có lẽ là Tu Đạt Đa. Tiếng ồn ào vừa ngưng trong một hồi chờ đợi thắt thỏm, thì từ đôi mắt của Xá Lợi Phất hai luồn hào quang xẹt ra, bao luyện thân cây rồi cùng với thân cây biến mất trong chớp mắt. Tiếng hoan hô nổi dậy để tức khắc đổi thành tiếng kinh khủng: một con rồng nhiều đầu, thân thể to lớn dị thường, múa lộn trên hư không, giữa tiếng sấm sét vang tai điếc óc. Nhưng kìa, từ miệng của Xá Lợi Phất, một đạo bạch quang phóng ra, biến thành một con đại bàng, to gấp hai kẻ nghịch, xáp đến xớt rồng bay mất.

Thua canh này bày canh khác, Lao Độ Sai bèn dùng mình biến thành một con quỷ Dạ Xoa kếch xù, trên đầu lửa cháy, mắt lồi, miệng đỏ, xồng xộ chạy lại đài Xá Lợi Phất, hung ác vô cùng. Trầm tĩnh vị đệ tử của Phật xòe bàn tay năm ngón dịu mềm: Năm vị Tỳ sa môn Thiên vương hiện ra, đứng bao bốn phía và trên không. Đồng thời lửa tam muội đùng đùng nổi dậy, phủ vây con ác quỷ không phương đào tẩu. Lửa càng cháy, tiếng than khóc cầu tha mạng sống càng lớn. Tâm khinh mạn đã tan, bốn phía lửa dữ cũng hạ, Lao Độ Sai hoàn phục nguyên hình, dập đầu sám hối tạ tội. Xá Lợi Phất bèn bay vọt lên hư không hiện đủ bốn oai nghi, đi, đứng, nằm, ngồi hoặc hiện thân to lớn như hư không rồi lại hiện nhỏ, hoặc nữa, chia thân ra trăm ngàn thân khác rồi thâu trăm ngàn trở lại một. Xong, Ngài trở về chỗ cũ, ngồi yên, thuyết kệ rằng:

Tâm sanh các pháp thảy đều sanh,

Tâm diệt các pháp thảy đều diệt.

Muôn ngàn nghiệp chướng thảy do tâm,

Rồi cũng do tâm mà diệt nghiệp.

Công chúng được xem các phép biến hóa và được nghe bài kệ rồi, nhảy nhót vui mừng như người nghèo được của báu.

Nhân cơ hội ấy, Xá Lợi Phất dạy: Các pháp là khổ, là không, là vô thường, vô ngã; tất cả đều do tâm, tâm không dính mắc theo trần lao phiền não là Niết bàn tịch tịnh. Trong thính chúng bấy giờ có nhiều người nhớ lại nhân duyên trước của mình, phát tâm hướng về nẻo giải thoát, thấu được lý đạo, kẻ chứng quả Tu đà hoàn, người chứng quả Tư đà hàm v.v… Hơn ba ngàn đồ chúng của Bà La Môn đều làm lễ Xá Lợi Phất xin thọ giáo.

Cuộc so tài đấu phép đến đây chấm dứt, vua truyền bế mạc. Công chúng lục tục ra về với bao vẻ hân hoan, mà người vui mừng nhất là Tu Đạt.

Mờ sáng hôm sau, người ta đã thấy Xá Lợi Phất, Tu Đạt Trưởng giả và những công nhân kiến trúc có mặt tại vườn Kỳ Đà, bắt tay vào việc. Tuy mệt nhọc nhưng mọi người đều vui vẻ sốt sắng.

Một hôm, đi ngang nền Tịnh xá, Xá Lợi Phất bỗng nhiên dừng bước chỉ con kiến càng to lớn đang bò, bảo Tu Đạt trưởng giả: “Một khi ta mất thân người, muôn kiếp khó hoàn phục. Con kiến này đã nhiều kiếp chết đi sanh lại nơi đây là chỗ bảy đời Phật hằng giảng pháp. Ông nên biết, dầu ở sát bên chỗ Phật nói pháp mà trót mang thân súc sanh thì có mắt cũng như đui, có tai cũng như điếc, không giải thoát. Còn làm người mà mê muội, cứ nhắm mắt chạy theo tiếng gọi của vật dục, tham luyến dục lạc hiện tiền, không chịu suy nghĩ, chỉ biết có ngày nay không tin nhân quả, đã vậy còn gây thêm nghiệp hủy bán chánh pháp, thì xét kỹ không hơn con kiến bao nhiêu, cành sống càng xa ánh sáng giác ngộ, khổ não trăm bề, sa đọa vào bậc thấp hèn đem tối. Thế nên sanh được làm người là một điều khó; là một đại bất hạnh khi đã được thân người mà không lo tu sửa để được lần về nẻo giải thoát, hoặc kiếp sau còn trở làm người cố công tu học, thì thật uổng cho một kiếp.

Công trình kiến trúc vĩ đại quá, thành thử Xá Lợi Phất cũng như Tu Đạt trưởng giả phải vất vả, cực nhọc suốt ba bốn thánh mới hoàn thành. Tu Đạt bèn vào triều yết kiến vua Ba Tư Nặc trình các việc và xin vua phái sứ thần sang thành Vương Xá thỉnh Phật quang lâm. Vua y lời.

Một buổi sáng trời quang gió mát, Đức Thế Tôn cùng các đệ tử lên đường sang Xá Vệ, ngày đi đêm nghỉ nơi các khách xá của Tu Đạt đã lo xa cho cất bước kia. Khi gần đến thành, vua quan cùng dân chúng ra đón cách một khoảng xa. Vào đến Tịnh Xá, Đức Phật an tọa, mọi người làm lễ rửa chân cho Ngài và đi nhiểu ba vòng, rồi theo thứ cấp ngồi dưới chân quanh Phật. Đức Thế Tôn phóng ra năm sắc hào quang rực rỡ chiếu khắp thế giới, đoạn Ngài diễn nói công đức bố thí, tu phước cho đại hội thính chúng nghe. Ai nấy đều được lòng dạ sáng tỏ vui vẻ vâng làm.

Từ ấy, mỗi ngày Đức Phật và các đệ tử vào thành khất thực, đến trưa về Tịnh xá thọ trai xong và thăng tòa diễn pháp cho các đệ tử hai phái cùng nghe. Số người theo về quy y đông vô kể.

Chẳng những là một công trình xây dựng lịch sử, Tịnh Xá Kỳ Hoàn còn là một nhắc nhở lớn cho các hàng Phật tử tại gia về bổn phận hộ trì Tam Bảo.

Xây dựng một ngôi chùa,

Tức là đã phá huỷ một nhà lao.

Thêm một đoàn thể học Phật,

Tức nhiên bớt một số người tù tội.

Thầy THÍCH MINH CHIẾU sưu tập

http://4phuong.net/ebook/32252207/120305462/tap-i-6.html

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.