Quán Tánh Không Theo Trung Quán Luận

1. Tại sao phải quán?

Sự thực hành  chuyển hóa tâm thức của Phật giáo chủ yếu gồm  ba pháp:  Chỉ (hay Định), Quán, và Chỉ Quán song tu. Ba pháp này dựa vào ba khả năng của tâm  thức con người: Sự tập  trung  (Chỉ), sự quan  sát có khi cộng thêm với sự tưởng tượng (Quán), và thực hành cả hai cái ấy cùng lúc.

Quán là quán sát (to examine), quán tưởng (to visualize), tưởng tượng (to imagine); các học giả Tây phương dịch chữ Quán bằng ba động từ này. Mục đích của thực hành quán là để thấy sự thật vô ngã và vô pháp.

Sanh tử và tạo nghiệp  để bị trói buộc vào sanh tử là do thấy có ngã và có pháp. Nói cách khác, sanh tử là do vô minh chấp rằng ngã và pháp là có tự tánh. Thật ra sanh tử là do tâm thức vô minh của chúng ta “quán tưởng” ra là có tự tánh, là có thật, như thí dụ “hư không không có hoa đốm mà thấy ra có hoa đốm”. Vô minh “quán tưởng” ra sanh tử, như Duy thức tông nói sanh tử là do thức “biến”, nghĩa là thức “quán tưởng” ra. Thế nên để tiêu trừ cái quán tưởng sai lầm và hư vọng này, chúng  ta phải quán  tưởng  ngược trở lại: phải chánh quán rằng tất cả các pháp là vô tự tánh.

Thiền sư Từ Đạo Hạnh (mất năm 1115) đời Lý nói:

Tác hữu trần sa hữu
Vi không nhất nhiết không.

Có thể dịch ra là: Lấy cái thức nông cạn mà nhìn thì thấy tất cả đều có. Lấy trí Bát-nhã sâu xa mà nhìn thì thấy tất cả đều Không. “Bổn lai vô nhất  vật”, xưa nay không một vật, như Lục tổ Huệ Năng nói.

Thế nên quán là quán theo trí huệ để thấy bằng trí huệ: đưa cái thấy lầm của thức là có sanh tử trở lại trí huệ soi thấy sanh tử là không có tự tánh. Như thế quán là đưa tướng trở về tánh: đưa giả tướng của sanh tử trở về thật tướng của sanh tử là vô tự tánh, là tánh Không.

Sanh tử là do thức vô minh (biến kế sở chấp tánh) của chúng ta quán tưởng thành. Thế nên chúng ta phải quán tưởng ngược lại, để đưa sanh tử trở về thật tướng của nó là vô tự tánh, là tánh Không.

Niềm tin sai lầm rằng mọi sự có tự tánh là những che chướng ngăn cách chúng ta với sự thật. Sự quán tưởng vô tự tánh sẽ làm những che chướng ấy rơi rụng, dần dần để lộ thực tại, sự thật của tất cả các pháp. Những che chướng ấy là phiền não chướng và sở tri chướng, cả hai đều dựng lập trên vô minh căn bản là tin tưởng rằng có tự tánh. Xóa tan phiền  não chướng  và sở tri chướng  đến  một  mức độ căn bản, chúng  ta sẽ thấy trực tiếp tánh Không, vì thực ra tánh Không vẫn luôn luôn hiện diện ở trước mắt chúng ta.

Tánh Không là Nền tảng, Con đường, và Quả của Đại thừa. Tánh Không là nền tảng của tất cả các tông phái Phật giáo. Bốn tông phái chính của Phật giáo Tây Tạng đều y cứ trên tánh Không, nhất là y cứ vào Trung đạo của Bồ-tát Long Thọ.

Chẳng hạn, sự quán  tưởng  Bổn tôn (yidam) trong Kim  Cương  thừa,  từ  lúc khởi đầu, chặng  giữa, cho đến cuối cùng đều y vào tánh  Không. Mọi nghi thức (sadhana) của các tông phái đều tuân thủ trình tự này. Trước tiên, quy y và phát Bồ-đề tâm, rồi từ trong tánh Không quán  tưởng  dĩa mặt  trời, mặt  trăng, trên  đó quán  tưởng  Bổn tôn xuất hiện. Quán tưởng  Bổn tôn hòa nhập vào mình rồi tụng chú của Bổn tôn… Phóng ánh sáng đến tất cả chúng sanh… Cuối thời khóa, mọi hiện tượng thế giới và chúng  sanh tan hòa vào hành giả với tư cách là Bổn tôn, rồi hành giả tan hòa vào tánh Không và Tịnh Quang. Cuối cùng quán sát tánh Không cho đến khi không thiền định nữa thì hồi hướng.

Theo các đại sư Tây Tạng, sự quán  tưởng  Sắc thân của Bổn tôn (tức là Báo thân và Hóa thân của Bổn tôn) sẽ khiến hành giả có được Sắc thân, tức là Báo thân và Hóa thân. Đây là sự tích tập công đức. Đồng thời, phải quán tưởng hình tướng ấy là vô tự tánh, tuy xuất hiện nhưng vô tự tánh như những cầu vồng. Sự quán tưởng vô tự tánh hay tánh Không này khiến hành giả có được Pháp thân. Đây là sự tích tập trí huệ. Nói theo ngôn ngữ kinh Bát-nhã, quán sắc là để tích tập công đức, và quán “sắc tức thị Không” là để tích tập trí huệ. Cả hai sự tích tập này được làm đồng thời, theo các đại sư Tây Tạng, là một điểm đặc sắc của Kim Cương thừa.

Tánh Không là cái chung nhất của hành giả, với thế giới, với chúng sanh, với Bổn tôn và với chư Phật. Tánh Không ấy còn được gọi là Pháp thân.

2. Quán tánh Không theo Trung Quán luận

Trung luận, như tất cả các luận khác của Phật giáo, không phải chỉ nằm ở bình diện lý luận và phân tích. Điều quan  trọng là những  lý luận phân  tích ấy là để thực hành. Phật giáo đi theo tiến trình Văn (nghe, học), Tư (tư duy, phân tích) và Tu (thực hành). Nếu chỉ xem Trung luận như một tác phẩm  triết học xuất sắc như các học giả Tây phương thường quan niệm thì rất uổng vì đã bỏ mất phần thực hành của nó.

Chính vì để  thực  hành  quán  tưởng  nên  mặc  dù nhan  đề của ngài Long Thọ là Trung luận hayTrung Đạo luận, nhưng về sau, các đại sư Trung Hoa (nhất là Tam Luận tông)  lại thêm  vào chữ Quán thành  Trung Quán luận. Điều này cũng  hợp lý, vì mỗi phẩm  theo bản dịch của Cưu Ma La Thập đều bắt đầu bằng  chữ Quán hay Phá. Chẳng hạn phẩm  I, Phá Nhân Duyên. Phẩm VII, Quán Tam Tướng. Thật ra tất cả các phẩm ngài Long Thọ đều  dùng  chữ Pariksa, được David J. Kalupahana dịch là Examination (khảo sát, quán  sát). (Xem Mulamadhyamakakarika of Nagarjuna, David J. Kalupahana dịch và chú thích, Delhi 1996).

Trung Quán luận có tất cả 27 phẩm,  27 chủ đề để quán tánh Không.

Ở đây chúng ta chỉ nói sơ lược về một phẩm, Quán về Pháp, phẩm  XVIII, gồm  có 12 bài kệ, để tìm hiểu pháp quán của Trung Quán luận. Điều chúng ta có thể ghi nhận  là Quán về Pháp, tức là Pháp niệm xứ, một trong Bốn Niệm Xứ (Thân niệm xứ, Thọ niệm xứ, Tâm niệm xứ, và Pháp  niệm xứ) chung  cho cả Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Bắc truyền.

Muốn thực hiện pháp  quán, chúng  ta phải có một mức độ tập trung, một mức độ định căn bản, và định càng sâu thì quán càng có hiệu lực. Định càng sâu thì quán càng rõ.

1. Nếu ngã đồng nhất với năm uẩn, thì ngã là sanh diệt. Nếu ngã khác với năm uẩn thì ngã phải có những tính chất chẳng phải năm uẩn.

Chữ ngã ở đây với chữ tự tánh là đồng nghĩa, chúng ta có thể dùng chữ nào cũng được. Nếu cho là có một cái ngã bất biến, thì một là nếu ngã đồng nhất với năm uẩn, ngã phải sanh diệt. Điều này không thể. Hai là nếu ngã khác với năm uẩn thì ngã chẳng dính dáng gì với năm uẩn. Điều này cũng vô lý. Thế nên các pháp không có ngã, không có tự tánh.

2. Không có ngã thì làm sao có cái gì thuộc về ngã? Ngã và cái thuộc về ngã diệt mất nên được gọi là trí vô ngã.

Khi không thấy có ngã và những  cái thuộc về ngã, đó là trí huệ thấy được tánh Không, gọi là trí vô ngã.

3. Đạt được trí vô ngã, đó gọi là thật quán. Đạt được trí vô ngã, người ấy là hiếm có.

Thật quán là thấy ngã và pháp đều không có ngã, không có tự tánh. Trí vô ngã này đạt được khi bước vào Kiến đạo vị hay Thông đạt vị. Còn gọi là con đường Thấy (the path of seeing), theo cách dịch của Tây phương. Trí vô ngã là thấy trực tiếp tánh Không, không còn qua lý luận, phân tích, quán sát, nên còn được gọi là Căn bản trí hay Tự nhiên trí.

4. Ngã thì ở trong, cái thuộc ngã thì ở ngoài, cả hai diệt hết trở thành không có. Các thọ cũng diệt mất, thọ diệt thì thân diệt.

Nếu thân  diệt tức là hết thân  kiến, thật  thấy tánh Không. Hết thân  kiến là được Nhập Lưu (vào dòng), tầng bậc đầu tiên trong bốn bậc Thánh của con đường A-la-hán. Đó cũng là địa đầu tiên thật thấy Pháp thân tánh Không trong mười địa của con đường Bồ-tát.

Bằng sự an trụ trong định và quán  tưởng liên tục, các phiền não chướng và sở tri chướng lần lần tiêu diệt, để lộ bày tánh Không. Thật thấy trực tiếp tánh Không được Thiền tông gọi là Thấy Tánh (Không). Một khi thật thấy tánh Không người ta sẽ đi tiếp cho đến khi tánh Không trở thành viên mãn. Giai đoạn này Đại thừa nói chung  là “Tu Tập vị”, “con đường  thiền  định”, hay “sự chứng từng phần Pháp thân”.

5. Do nghiệp và phiền não diệt, thì gọi là Giải Thoát. Nghiệp và phiền não vốn không thật, khi ấy nhập vào tánh Không, các hý luận diệt hết.

Nếu kiên trì đi hết Con đường Tu tập hay Con đường Thiền định, người ta sẽ đến được Con đường Không còn tu nữa (Vô công dụng đạo), hoàn toàn giải thoát. Sự giải thoát hoàn toàn được cả Nam tông và Bắc tông gọi là Không, Vô tướng, Vô nguyện. Đại thừa gọi là Vô sanh pháp nhẫn.

6. Chư Phật hoặc thuyết giảng về ngã, hoặc thuyết giảng về vô ngã. Trong thật tướng của tất cả các pháp, không hề có ngã và chẳng phải ngã.

Trong tánh Không, ngã và chẳng phải ngã chỉ là vọng tưởng hý luận. Như Lục tổ nói, “Bổn lai vô nhất vật”.

7. Thật tướng của tất cả các pháp thì dứt tuyệt ngôn ngữ và tâm hành, không có sanh không có diệt, vốn tịch diệt như Niết-bàn.

Quán tánh Không là thật tướng của tất cả các pháp, trong đó không có mọi ý niệm, ngôn ngữ và tâm hành, không sanh cũng không diệt. Không sanh không diệt vì, “Các pháp không sanh ra từ chính nó, không từ cái khác mà sanh, cũng không từ cả hai, cũng không phải không có nhân, thế nên, biết các pháp  vốn vô sanh”, như câu kệ đầu tiên của phẩm I, Quán Nhân Duyên.

8Hết thảy pháp đều thật, đều chẳng thật, vừa thật vừa chẳng thật, và chẳng phải thật, chẳng phải phi thật. Đó là pháp của chư Phật.

Quán tánh Không lìa tứ cú (bốn câu: có, không, vừa có vừa không, chẳng phải có chẳng phải không), tuyệt bách  phi (dứt hết  một  trăm cái “chẳng phải”). Lìa tứ cú, tuyệt bách phi là một câu nói thường  dùng trong Thiền tông. Chúng ta có thể nhớ đến bài kệ “Câu có, câu không” của vua Trần Nhân Tông.

9. Tự chứng biết, không theo ai, tịch diệt không có hý luận. Không khác, không phân biệt. Đó chính là thật tướng.

Khi quán thấy được tánh Không, thì tánh Không tự hiển bày trước mắt. Tánh Không tự hiển bày khi các tướng sai khác hư vọng đã tịch diệt.

10. Nếu pháp theo duyên sanh, thì pháp ấy không phải đồng nhất cũng không phải khác biệt với nhân. Đó gọi là thật tướng, chẳng đoạn cũng chẳng thường.

Ngộ được  thật  tướng, nhập  được  thật  tướng, thì thoát  khỏi sanh tử, và có thể  giúp người khác thoát khỏi sanh tử.

11. Chẳng phải một, chẳng phải khác, chẳng phải thường cũng chẳng đoạn. Đó là vị cam lồ mà chư Thế Tôn giáo hóa.

Chẳng phải một, chẳng phải khác, chẳng phải thường, chẳng phải đoạn, đó là công án hay thoại đầu mà một người tu Thiền theo phái Lâm Tế phải thấu qua. Thấu qua được thì vượt qua Tổ sư quan hay sanh tử quan.

12. Nếu Phật không xuất hiện ở thế gian, khi Phật pháp đã mất ở thế gian, các vị Bích Chi Phật do xa lìa tướng mà phát sanh trí vô ngã này.

Trung luận để phá tất cả các tướng. Khi các tướng đều được xa lìa thì trí huệ Bát-nhã và tánh Không, cả hai hợp nhất, xuất hiện. Kinh Kim Cương nói: “Lìa tất cả tướng gọi là chư Phật”.

Tóm lại, Trung Quán luận, gồm 27 phẩm, là 27 pháp thực hành quán tưởng. Do công phu quán tưởng hàng ngày, ít nhất chúng ta sẽ bớt phiền não, bớt khổ đau, vì phiền não và khổ đau là do chấp ngã và chấp pháp. Khi phiền não khổ đau bớt đến đâu thì tự nhiên có hạnh phúc an lạc đến đó.

Đối với người quyết tâm cao hơn, nghiên cứu (Văn), tư duy (Tư), thực hành (Tu) liên tục, có khi may mắn có được sự hướng dẫn của những thiện tri thức, sẽ có lúc thực sự bước vào con đường đạo, thấy trực tiếp và sống được tánh Không, và tiếp tục đi cho đến rốt ráo, viên mãn.

Chúng ta hãy chấm dứt bằng một đoạn trong Bài ca Chứng Ngộ trong Hang Tịnh Quang của Milarepa:

Thúc đẩy bởi động lực sâu xa, bao la và kiên cố
Của Bồ-đề tâm được phát động mạnh mẽ

Tôi nhìn trở đi trở lại vào tánh Không nền tảng
Với sự chăm sóc dịu dàng không chểnh mảng
Thoát ngoài mọi hy vọng và thất vọng.

Hãy biết rằng tôi đã du hành qua con đường thiền định tốt đẹp này
Giờ đây tôi nhìn nó với quán thấy tỏ suốt.
Hãy biết tôi đã đến trong xứ sở không còn phải du hành;
Hãy biết tôi có bột mà không cần xay.

Hãy biết rằng tôi đang xem quang cảnh không thể thấy.
Hãy biết rằng tôi đã tìm ra quê nhà phúc lạc.

Hãy biết rằng tôi đã tìm ra người phối ngẫu thường hằng.
Hãy biết rằng tôi cung cấp lợi lạc cho chính tôi và những người khác.

Đây là những kho tàng của Milarepa… „

Nguyễn Thế Đăng – Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 142

http://vanhoaphatgiaoblog.com/phatphap/quan-tanh-khong-theo-trung-quan-luan.html

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.