Trong xã hội hiện nay, có những người thầy vì nhiều lý do không đến trường để dạy, nhưng ý thức đào tạo một đội ngũ kế thừa cho xã hội luôn đau đáu trong tâm can…
NHÂN NGÀY HIẾN CHƯƠNG NHÀ GIÁO 20 – 11
Đó là những người thuộc thế hệ trước có kiến thức, chuyên môn, kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực, như nhà nghiên cứu, nhà kinh tế, nhà khoa học. Đó cũng là những bác thợ già trong nhà máy, là những chủ doanh nghiệp già dặn trong thương trường, là tất cả những người sống lâu lên lão làng trong nghề nghiệp của mình. Những người thuộc bậc thầy như thế khi dạy thường không có giáo trình, giáo án, không bị gò bó bởi giờ lên lớp hoặc phải tươm tất, chỉnh tề như trên bục giảng mà, bất cứ lúc nào, ở đâu,trò gặp vướng mắc trong nghề nghiệp, chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm, thì cứ gọi hai tiếng “Thầy ơi”…
Học trò của những người thầy như thế thuộc rất nhiều thành phần trong xã hội: tiến sĩ, thạc sĩ, đại học…và còn là các cộng sự trẻ mới vào nghề, các doanh nhân chưa nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh, các thợ trẻ trong nhà máy, công trường…Đối với thầy thì trò nào cũng được quan tâm như nhau, nhưng người có hoàn cảnh khốn khó, tràn đầy khát vọng, ham học hỏi, cầu tiến bộ sẽ được các thầy ưu ái hơn. Mối quan hệ của những người thầy – trò như thế thân thiết như anh chị, tin cậy như bạn tâm giao và tôn trọng nhau như đồng sự.
Học trò của thầy đa số là những người đã và đang làm việc,tuổi đời cũng không còn nhỏ nữa, nhưng đối với thầy của mình thì vẫn như trẻ con mới lớn, cái gì cũng hỏi, điều gì cũng muốn biết tường tận. Có những điều mới diễn ra trong thực tế, tức thì trò bức xúc hỏi, thầy chưa kịp cập nhật đành khất lại trả lời sau. Cũng có nhiều câu trò hỏi thầy trả lời luôn, nhưng sau đó biết mình dạy vội, dạy chưa đúng hoặc chưa đủ, thầy vội vàng tìm mọi cách nói lại để tránh cho trò những khiếm khuyết. Một cách dạy dù không giao ước nhưng đầy trách nhiệm.
Trong lúc truyền đạt,thầy luôn muốn dạy làm sao để…”nhà có phúc” cho nên đã móc hết ruột gan ra mà dạy, cốt sao trò của mình mau giỏi. Thầy mong nhìn thấy phần đời của mình được nối dài bởi những người trò và thầy hình dung tương lai của đất nước qua những thế hệ tiếp nối mà mình đã góp công đào tạo. Trò cũng hiểu tấm lòng của thầy và hiểu trách nhiệm của mình, vì thế rất có ý thức trong học tập.
“Bánh ít”đưa đi, thầy cũng có ý chờ ngày “bánh quy”đáp lại. Đó là khi trò thành công và được xã hội tôn vinh, là lúc trò đã lão làng trong nghề nghiệp của mình và đã trở thành thầy của lớp trẻ. Trong ánh vinh quang , trò thì vui cười rạng rỡ khoe,thầy lại âm thầm rơi nước mắt vì mừng. Niềm hạnh phúc này giữa thầy và trò biết ai lớn hơn ai? Và cũng như những người thầy của mình, các trò lại âm thầm, lẳng lặng truyền lại những gì mình đã học được cho thế hệ sau…
Trong kinh Kalama, Đức Phật đã đề cập đến vấn đề giáo dục, đại ý rằng: giáo dục không phải áp đặt, dù là áp đặt tri thức. Trí thức vốn có sẵn trong mỗi chúng ta và thầy là người giúp trò phát triển khả năng tự học, tự chứng của mình – như những hộ sinh giúp sản phụ sinh con vậy.
Xã hội tôn vinh những người thầy đứng trên bục giảng, đã đành – Có lẽ đáng tôn vinh hơn nữa những người thầy nhưthế. Bởi vì đây là những người thầy mà tinh thần và phương pháp dạy phản ảnh một cách tự nhiên tinh hoa của một nền giáo dục đích thực. Ai cũng biết giáo dục là truyền đạt tri thức. Nhưng ai cũng phải đồng ý với Đức Phật trong kinh Kalama: giáo dục không phải áp đặt, dù là áp đặt tri thức, Tri thức vốn có sẵn trong mỗi chúng ta và thầy là người giúp trò phát triển khả năng tự học, tự chứng của mình – như những hộ sinh giúp sản phụ sinh con vậy.
Xã hội ngày một tốt đẹp hơn, tương lai của đất nước sẽ xán lạn hơn một phần là nhờ có những người thầy như thế.
Tạ Thị Ngọc Thảo – Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo số 45
http://tapchivanhoaphatgiao.com