Hạnh Phúc Nhờ Buông Xả

Hạnh phúc xả ly

Ở đời người ta thường cho hạnh phúc là  có được cái này, cái kia: Có nhà lầu, xe hơi, có vợ đẹp, con ngoan, có  tài sản, quyền thế, v.v…  Khi chưa có thì muốn có, làm đủ mọi cách để cho có. Có rồi thì sợ mất hoặc xem thường rồi lại muốn có cái khác. Nếu  không được thì buồn phiền, bất mãn, khổ sở.

Người biết tu thì thấy “không có” là một hạnh phúc. Không có ở đây là do trí tuệ quán chiếu thấy mọi sự phiền  toái đều do ham muốn mà ra. Bởi thế người tu không muốn có, nếu đã có  rồi thì tập xả ly. Vì những thứ “có” trên thế gian này đều là ràng buộc.

Tuy nhiên đối với những người chưa có,  chưa thỏa mãn được những mong ước, thèm khát, còn mải mê chạy theo vật  chất thì xả ly là một việc thật khó làm, vì họ chưa có thì lấy gì mà xả bỏ.

Ðức Phật khi còn là thái tử đã có vợ con, vàng bạc, của cải, cung phi mỹ nữ, đầy đủ vật chất mà trong lòng  vẫn nặng trĩu âu lo, không cảm thấy hạnh phúc. Do đó Ngài mới xả bỏ ra đi tìm chân lý, tìm hạnh phúc chân thật. Trong khi đó có những người tu  lại chạy theo vật chất, của cải, tài sản, danh lợi bởi vì trong đời họ chưa được thỏa mãn, chưa cảm thấy có đầy đủ. Chỉ khi nào có được rồi và  trải qua kinh nghiệm thấy những thứ mà họ đã nhọc công tìm kiếm chỉ đem  lại phiền toái và khổ đau thì lúc đó ý nghĩ xả ly mới xuất hiện.

Trước hết có thân thì phải lo cho thân ăn, mặc, ở, sống. Phải đi làm kiếm ăn, phải mua quần áo mặc, phải thuê  nhà ở tránh mưa nắng. Khi thân đau ốm phải lo thuốc men, chạy chữa. Nếu  có gia đình thì phải lo làm ăn buôn bán kiếm tiền nuôi vợ con. Suốt ngày chỉ lo suy nghĩ và làm đủ mọi chuyện cho cái ta và những thứ của ta.

Hạnh phúc xả ly tương đương với thiểu  dục tri túc, có nghĩa là tâm không ham muốn, và luôn cảm thấy đầy đủ dù  trong tay không có gì hết. Với người tu, không có sở hữu gì thật là một  hạnh phúc. Nói như vậy có vẻ ngược đời, nhưng người tu là kẻ đi ngược  dòng đời kia mà!

Xả ly giống như người đang mang gánh  nặng trên vai mà đi, nay bỏ được gánh nặng xuống thì cảm thấy nhẹ nhàng  sung sướng vô cùng. Người tu cần tập xả ly, vì xả nhiều chừng nào thì  nhẹ chừng nấy. Xả ly không có nghĩa là phải vứt bỏ hết tài sản, của cải đang có.

Xả ly trước hết là xả bỏ sự ham muốn và  buồn giận trong tâm, kế đến là xả bỏ sự bám víu vật chất bên ngoài. Tuy  sống giữa tài sản, vật chất, nhưng tâm không còn nhớ nghĩ những thứ đó  là của ta, nếu có ai xin hoặc mất thì xem như nhẹ gánh nặng.

Tập xả ly tới mức cùng cực thì khi chết, ta xem như trút hết gánh nặng, nhất là cái thân tứ đại già yếu, bệnh  hoạn. Ta đã phải mang nó trên vai suốt cả cuộc đời, nay bỏ được nó, há  không phải là sung sướng lắm sao? Vì thế các thiền sư đắc đạo, khi chết đều vui vẻ an nhiên tự tại ra đi.

Khi đói thì ta thèm ăn, nhưng khi ăn thì đòi thứ này thứ kia rồi ăn cho cố, đau bụng, nặng bụng, khó thở. Khi  khát thì thèm uống, nhưng khi uống thì thích những thứ độc hại như rượu  bia, rồi say mèm, ói mửa. Nhiều khi sinh ra ung thư hay sưng gan.

Người tu là người đi tìm hạnh phúc chân  thật, hạnh phúc này chỉ có khi tâm không còn bám víu, dính mắc, thèm  khát mọi sự vật trên đời này. Như vậy hạnh phúc chính là sự giải thoát  của tâm ý. Và muốn có giải thoát thì phải tập xả ly. Hãy nhìn vào tự tâm, xem mình còn bám víu, dính mắc, ưa ghét cái gì không? Có người xả bỏ được vợ con nhưng lại dính mắc vào chùa chiền, xả bỏ được tài sản  nhưng lại dính mắc vào danh lợi, địa vị. Xả bỏ được cái này nhưng rồi  lại dính mắc vào cái khác!

Thích Trí Siêu

http://thuvienhoasen.org

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.