Chương 2 : Hạnh phúc của kiếp người
Giảng tại chùa Giác Ngộ, ngày 18-09- 2009 Đánh máy: Ngọc Xuân
Nhu cầu hạnh phúc
Trong nhà Phật, ngày tưởng niệm các vị tôn sư khác ngày giỗ của người tại gia. Lễ giỗ tại gia thường phản ánh những tình cảm gắn bó bị chia cắt trong sinh ly tử biệt, nỗi niềm tiếc luyến vô hạn của người sống khiến người ra đi nếu không được huấn luyện kỹ năng buông xả sẽ bị vướng dính trong tiến trình luân hồi. Trong khi đó, việc tưởng niệm theo Phật giáo chủ yếu là ghi nhớ công đức và những đóng góp to lớn của bậc tiền nhân mà thế hệ kế thừa cần quyết tâm duy trì và phát triển truyền thống tốt đẹp đó.
Nhân lễ giỗ tổ Hòa thượng viện chủ chùa Giác Ngộ, chúng tôi xin chia sẻ đề tài “Những điều an vui”, còn được gọi là hạnh phúc của kiếp người. Chủ đề này sẽ được hiểu rất khác với các quan niệm dân gian cho rằng đạo Phật tố cáo nỗi khổ niềm đau của con người một cách quá cường điệu khi liệt kê những phạm trù khổ đau vào nhóm sự thật bế tắc và nó là nhóm đầu tiên.
Tiến trình trị liệu khổ đau của đức Phật, rất nhiều lần chúng tôi xác định rõ là kỹ năng giúp chúng ta đối diện với những bế tắc. Trong kỹ năng đối diện này, chúng ta có thể tìm được nguyên nhân, hướng đến hạnh phúc và con đường chuyển hóa khổ đau. Như vậy trong tiến trình trị liệu, đức Phật đã thừa nhận có các cấp độ hạnh phúc, đối diện và vượt lên khổ đau mà chúng ta gặp phải ở quá khứ, hiện tại hay tương lai. Rất tiếc một số nhà phê bình Phật giáo không để ý đến yếu tố diệt khổ và hướng đến hạnh phúc, nên đã hiểu sai đạo Phật như là con đường tiêu cực.
Đề tài này được trích từ ý tưởng chính của kinh Tăng Chi quyển hai, trang 69 bản Pali. Trong bản kinh, đức Phật nêu ra hạnh phúc của kiếp người gồm có năm phương diện. Tùy từng phương diện mà ta có thể đong đo tính đếm chiều sâu và chất lượng của hạnh phúc mà mình đã có hoặc đang kỳ vọng. Cho nên tiêu chí lớn nhất là làm thế nào để đạt được trọn vẹn cả năm phương diện hạnh phúc đó.
Hạnh phúc không phải là những ý niệm trừu tượng mà là kết quả của sự làm chủ cảm xúc và hành động gieo trồng phước báu. Cũng giống như việc đầu tư vào ngân hàng công đức, tạo một tài khoản dành dụm bởi các hành động đạo đức và phước báu, để bất cứ lúc nào có nhu cầu chúng ta có thể rút ra chi tiêu cho những mục đích thiết thực.
Sở dĩ nhiều người không nhìn thấy những phước đó là vì mỗi nỗi khổ niềm đau có mặt đã làm cho họ choáng váng, ám ảnh và nghĩ rằng hạnh phúc khó có thể đến lần thứ hai. Ôm nỗi ám ảnh đó trong cuộc đời thì nó sẽ trở thành bạn bè, và hạnh phúc dù không có cánh nhưng vẫn bay xa. Theo bài kinh này, đức Phật xác định rõ chúng ta cần sống với hạnh phúc và tìm ra nguyên nhân tạo ra những hạnh phúc đó để tất cả những bế tắc sẽ không bao giờ níu kéo chúng ta và biến chúng ta trở thành nạn nhân.
Một khác biệt rõ giữa khái niệm an vui và hạnh phúc trong tiếng việt, đó là khi nói đến hạnh phúc, người ta hiểu đến những phản ứng giác quan: Mắt thấy màu sắc, hình thái; tai nghe các loại âm thanh; mũi ngửi; lưỡi nếm các vị, thân xúc chạm và ý hình dung, cái gì dẫn đến sự hợp ý tạo phản ứng hài lòng, sự hài lòng đó được đánh giá là hạnh phúc. Trong khi đó, khái niệm an vui được đạo Phật đề cập lại vượt lên trên. An vui là trạng thái hỷ lạc nội tại, phần lớn không bị lệ thuộc vào phản ứng mang tính điều kiện. Hạnh phúc giác quan lệ thuộc vào tính điều kiện rất cao, mắt tai mũi lưỡi ý không hợp gu đồng nghĩa hạnh phúc biến mất, còn sự an vui luôn có mặt tĩnh tại, dù trong hoàn cảnh thuận hay nghịch, nó vẫn hiện hữu như đang là. Như vậy, hướng đến mục đích an vui có giá trị cao hơn rất nhiều so với mục đích của hạnh phúc.
Không có an vui nào mà không có hạnh phúc trong nó. Trong khi đó có rất nhiều hạnh phúc nhưng không chứa chất liệu an vui. Chẳng hạn người nam mê rượu và nghiện không khí của quán rượu, tâm sự giải bày để quên đi nỗi buồn, tạm thời cho nó là niềm vui, nhưng như thế lại hoàn toàn không có chất liệu gì của an vui. Rất nhiều người nghiện cờ bạc, ma túy, mỗi lần được thỏa mãn thì cảm thấy sung sướng vô cùng nhưng thực chất trong đó hoàn toàn không có bóng dáng của an vui. Do đó, đích đến của người Phật tử là làm sao tiến đến an vui chứ không đơn thuần là thỏa mãn hạnh phúc giác quan.
Có con cái hiếu thảo
Hạnh phúc vì có sở hữu là chuyện đã đành, nhưng trong sở hữu mà có được an vui là một thách đố. Bởi vì, đức Phật đã xác định rõ, chấp tất cả tính sở hữu, vật sở hữu, người sở hữu sẽ làm cho chúng ta trở thành nô lệ cho tư duy của chính mình, do đó khó có thể buông xả mỗi khi vô thường hoặc những điều không như ý diễn ra. Người mẹ khi mang trong cơ thể một mầm sống hoa trái của tình yêu đích thực thì niềm mơ ước của cả hai vợ chồng là làm thế nào để mầm sống đó được trọn vẹn hình thù, sức khỏe và mạng sống. Tuy nhiên không phải ai cũng đạt được điều an vui đó.
Kinh Báo Ân Phụ Mẫu, chúng ta thường đọc tụng từ mồng một đến rằm tháng bảy, nói rất rõ mười ân đức của mẹ. Về nhiều phương diện khác nhau, hầu như không có ân đức nào, người mẹ không sống với nỗi lo sợ con mình không được vẹn toàn. Ở đây đức Phật muốn dạy chúng ta một kỹ năng, trong sở hữu, nếu biết hài lòng với nó ít hay nhiều, bản chất của sự hài lòng và hiểu biết đó giúp chúng ta không bị lao đao và bế tắc. Trong những quốc gia với nền văn hóa trọng nam khinh nữ, bậc cha mẹ luôn luôn có kỳ vọng rằng hoa trái của tình yêu mình tạo ra bằng một mầm sống mới phải là người nam. Ấn Độ là quốc gia rất tai tiếng về vấn đề giết các bào thai có giới tính nữ, bởi quan niệm xã hội cho rằng “nữ nhi ngoại tộc”. Một gia đình sinh khoảng năm bé gái, thay vì được xem là “ngũ long công chúa” ở các quốc gia khác, thì Ấn Độ xem là mạt rệp. Thiếu nữ Ấn Độ khi lập gia đình phải đóng tiền hồi môn cho phía nhà chồng. Bao nhiêu tiền bạc làm lụng, dành dụm suốt cả quãng đời chỉ cần lo vài lần đám cưới cho những đứa con gái là hết sạch, nếu muốn con gái có được tấm chồng để nương tựa bình an trong đời. Chồng thuộc bậc lương hạng một, giai cấp cao, bảnh trai, nhà giàu thì tiêu chí các chị em đáp ứng hồi môn và các nhu cầu xã hội cũng phải cao tương ứng. Sở hữu lớn nhất mà con người bị quyến luyến khó có thể cách ly đó là con cái. Dĩ nhiên, sinh một đứa con bất hiếu, phá nhà, hại đời, làm giảm uy danh gia tộc cũng khiến cha mẹ phải mặc cảm, mang tiếng với đời, cùng nỗi đau tâm lý đè nặng.
Đức Phật khuyên hãy nắm giữ an vui trong sở hữu. Chẳng lẽ khi đối diện với tình trạng đứa con hư, chúng ta bán đứng hạnh phúc của bản thân? Đức Phật khuyên hãy thể hiện trọn vẹn trách nhiệm của bậc làm cha mẹ với sự cam kết, với phương pháp giáo dục, với sự chăm sóc, theo dõi khuyến tấn, khích lệ, giữ gìn kỷ luật ở mức độ áp dụng đạt kết quả cao nhất cho đứa con trở thành người hữu dụng. Nếu tất cả những nỗ lực đó không thành công thì cũng đừng vì thế mà bi lụy, bởi vì mỗi người ngoài nghiệp chung sinh ra trong một gia tộc, thừa hưởng gen di truyền về vóc dáng, có mặt trong một bối cảnh lịch sử, chịu chung phước và nghiệp của họ tộc, quốc gia đó thì họ còn có những nghiệp riêng. Nghiệp riêng là nghiệp so le giữa người A với người B, đó là cá tính, lý tưởng, khuynh hướng, nghề nghiệp, cái tốt, cái xấu không ai giống ai.
Chúng ta sẽ sống đúng đắn, chuẩn mực khi hiểu được những điều vừa nêu. Việc không nên người của con em sẽ không còn là lỗi của mình nữa, chúng ta vẫn có thể chăm chút hạnh phúc, an lạc cho bản thân. Nhiều bà mẹ khi đối diện trước tình trạng đứa con bị tật nguyền, hầu như suốt cuộc đời không còn được hạnh phúc. Một số người cha tận tụy lo cho con như thể chúng là oan gia đòi nợ, do đó phải trả cho hết sự vay mượn ở một kiếp nào đó. Những quan niệm sai lầm của Nho giáo đã ảnh hưởng rất nhiều đến các Phật tử vùng Châu Á. Do đó, ứng xử và chăm sóc trong gia đình ít khi làm cho các bậc cha mẹ được hạnh phúc thật sự.