MÔN BƠI LỘI HỌC
Một vị giáo sư trẻ nọ có lần đi du lịch bằng đường biển. Anh là một người học thức uyên bác với một cái đuôi dài lê thê những học vì đằng sau tên của anh ta, song anh lại có rất ít kinh nghiệm về cuộc sống. Trong thủy thủ đoàn của chiếc tàu anh đang đi có một bác thủy thủ già thất học. Mỗi buổi chiều bác thường đến viếng căn phòng của vị giáo sư trẻ để nghe anh ta nói liên tu bất tận về nhiều đề tài khác nhau. Bác rất thán phục kiến thức của vị giáo sư trẻ này.
Một buổi chiều khi bác thủy thủ già sắp rời căn phòng sau vài giờ nói chuyện, vị giáo sư hỏi, “Này bố già, thế ông có học môn địa chất học không?”
“Đó là cái gì, thưa ngài?”
“Ngành khoa học về trái đất đấy”
“Ồ không, thưa ngài. Tôi chưa từng được đến trường. Tôi chưa bao giờ học một môn học nào cả.”
“Ông già ơi, ông đã phí hết một phần tư cuộc đời của ông rồi.”
Bác thủy thủ già bỏ đi với khuôn mặt dài thuỗn ra. “Nếu một người học thức như thế nói như thế, chắc hẳn điều đó phải là xác thực,” bác nghĩ. “Ta đã phí hết một phần tư cuộc đời của mình rồi!”
Chiều hôm sau cũng thế khi bác thủy thủ sắp rời căn phòng, vị giáo sư lại hỏi ông, “Này ông già, thế ông đã học môn hải dương học chưa?”
“Đó là cái gì, thưa ngài?”
“Ngành khoa học về đại dương đấy.”
“Không, thưa ngài. Tôi chưa từng học một cái gì cả.”
“Ông già ơi, ông đã phí hết một nửa cuộc đời của ông rồi.”
Với khuôn mặt xệ dài hơn trước bác thủy thủ bỏ đi: “Ta đã phí hết một nửa đời người rồi; con người học thức này nói như vậy.”
Chiều ngày kế, một lần nữa vị giáo sư trẻ lại hỏi bác thủy thủ già: “Ông già ơi, thế ông đã học môn khí tượng học chưa?”
“Đó là cái gì, thưa ngài? Tôi chưa bao giờ nghe nói tới môn học đó.”
“Sao, đó là ngành khoa học nghiên cứu về các hiện tượng gió, mưa, thời tiết mà.”
“Không, thưa ngài. Như tôi đã nói với ngài, tôi chưa bao giờ được tới trường. Tôi chưa bao giờ học một điều gì cả.”
“Ông đã không học ngành khoa học về trái đất trên đó ông sống. Ông đã không học ngành khoa học về đại dương nơi ông kiếm kế sinh nhai; ông đã không học ngành khoa học về thời tiết, cái mà ông gặp hàng ngày! Ông già ơi, ông đã phí hết ba phần tư cuộc đời của ông rồi.”
Bác thủy thủ già cảm thấy rất buồn: “Con người học thức này nói rằng ta đã phí hết ba phần tư cuộc đời của ta! Chắc chắn ta đã phí hết ba phần tư cuộc đời rồi.”
Ngày hôm sau đến phiên bác thủy thủ già. Bác chạy hớt hơ hớt hải lên phòng của người thanh niên và la lên, “Thưa ngài giáo sư, ngài có học môn bơi lội học không?”
“Bơi lội học ư? Ý ông muốn nói gì?”
“Thưa ngài, ngài có biết bơi không đấy?”
“Không, tôi không biết bơi.”
“Thưa ngài giáo sư, thế là ngài đã phí hết cả cuộc đời của ngài rồi! Tàu đã va phải đá và đang chìm đấy. Những ai biết bơi có thể đến được bờ kế bên, còn ai không biết bơi sẽ phải chết đuối. Tôi thật lấy làm tiếc, thưa ngài giáo sư, ngài chắc chắn sẽ mất mạng”.
Bạn có thể học tất cả các “ngành học” của thế gian, thế nhưng nếu bạn không học môn bơi lội học, tất cả những cái học của bạn đều vô ích. Bạn có thể đọc và viết những cuốn sách về bơi lội, bác có thể biện bác về những phương diện lý thuyết vi tế của nó, song điều đó sẽ giúp ích cho bạn như thế nào nếu bạn không tự mình nhảy xuống nước? Bạn phải học cách bơi.
NGHỆ THUẬT SỐNG
Mỗi người chúng ta ai cũng cố gắng tìm cách để có được sự bình yên và hòa hợp, bởi vì đây là những gì chúng ta thiếu trong cuộc sống. Đôi lúc mọi người chúng ta phải trải qua những kích động, bực bội, bất hòa, khổ đau; và khi chúng ta khổ đau vì sự kích động, chúng ta không chỉ ôm cái khổ này riêng cho mình. Chúng ta còn đem phân phát nó cho mọi người nữa. Sự kích động thấm vào bầu không khí quanh con người đau khổ ấy. Những người khác vô tình tiếp xúc với họ cũng trở nên bực bội, kích động như vậy. Chắc chắn đây không phải là cách sống thích đáng.
Chúng ta phải sống sao cho thật bình an trong chính mình, và bình an với mọi người. Suy cho cùng, con người là một phần tử của xã hội. Chúng ta phải sống trong xã hội – sống và quan hệ với những người khác. Làm thế nào để sống một cách bình an? Làm thế nào để giữ được sự hòa hợp trong chính mình, và giữ được sự bình an và hòa hợp chung quanh chúng ta, để cho những người khác cũng có thể sống một cách bình an và hòa hợp đây?
Khi bạn bị kích động, lúc đó, để thoát khỏi nó bạn phải biết lý do cơ bản khiến cho có sự kích động ấy, hay nói đúng hơn là bạn phải tìm ra nguyên nhân của cái khổ ấy. Nếu bạn xem xét vấn đề, chẳng bao lâu sự việc sẽ trở nên rõ ràng, bất cứ khi nào bạn phát ra một hiện tượng tiêu cực hay phiền não trong tâm, bạn chắc chắn trở nên kích động. Một sự tiêu cực trong tâm – một phiền não hay bất tịnh trong tâm – không thể cùng tồn tại với sự bình an và hòa hợp được.
Chúng ta bắt đầu phát ra trạng thái tiêu cực như thế nào? Xem xét lại một lần nữa, sự việc rồi cũng rõ. Tôi trở nên rất đau khổ khi tôi thấy ai đó cư xử với tôi theo cách tôi không thích, hoặc khi tôi thấy một điều gì đó mà tôi ghét đang xảy ra. Nói chung, những điều không mong muốn xảy đến, và tôi tạo ra căng thẳng trong chính mình. Những điều tôi mong đợi lại không xảy ra, hoặc một số chướng ngại cản trở, v.v… và tôi lại tạo ra căng thẳng trong chính bản thân mình; tôi bắt đầu thắt những gút thắt bên trong tôi. Suốt cuộc đời mình, những điều không mong muốn cứ tiếp tục xảy ra, những điều mong muốn có thể hoặc không thể xuất hiện, và tiến trình phản ứng, tiến trình thắt những gút thắt làm cho toàn bộ cấu trúc tâm-vật lý thật căng thẳng và tràn đầy những tiêu cực. Cuộc sống trở nên vô cùng khổ đau.
Có một cách để giải quyết vấn đề là cố gắng sắp xếp làm sao để cho những điều không mong muốn như vậy không xảy đến trong cuộc đời tôi, và mọi việc cứ tiếp tục diễn ra chính xác như tôi mong ước. Tôi phải phát triển một khả năng như vậy – hoặc một người nào khác phải có năng lực ấy và sẵn sàng đến trợ giúp bất cứ khi nào tôi yêu cầu – rồi mọi điều tôi mong muốn phải cứ tiếp tục diễn ra nữa. Nhưng đây là chuyện không tưởng. Vì chẳng có ai trên thế gian này mà những điều họ mong muốn luôn luôn thành tựu, hoặc trong đời họ mọi việc cứ diễn ra theo ý họ muốn, không có bất cứ điều gì không mong muốn xảy ra. Mọi thứ cứ tiếp tục diễn ra trái với ước muốn và hy vọng của chúng ta. Vì thế, làm thế nào để không phản ứng một cách mù quáng bất chấp những điều mà tôi không thích này? Làm thế nào để không tạo ra những căng thẳng? Làm thế nào để giữ được sự bình an và hòa hợp?
Ở Ấn Độ cũng như ở các xứ sở khác, những con người thánh thiện và trí tuệ trong quá khứ đã nghiên cứu vấn đề này – vấn đề khổ đau của nhân loại – và họ đã tìm ra một giải pháp. Nếu có một điều gì không mong muốn xảy ra và ta bắt đầu phản ứng lại bằng cách phát ra sân hận, sợ hãi, hoặc bất cứ một tiêu cực nào khác, thì ngay khi có thể được ta nên chuyển hướng sự chú ý của mình sang chuyện khác. Chẳng hạn, đứng dậy, lấy một ly nước, và bắt đầu uống – cơn giận của bạn sẽ không tăng thêm; bạn có thể thoát ra khỏi cơn giận. Hoặc bắt đầu đếm; một, hai, ba, bốn… Hoặc lặp đi lặp lại một chữ, một câu, hay có thể sử dụng một bài chú nào đó. Sẽ trở nên dễ dàng hơn nếu bạn dùng tên của một vị thần hay một vị thánh mà bạn có đức tin với họ. Tâm được chuyển hướng, và cho tới một mức độ nào đó bạn thoát khỏi được tiêu cực, thoát khỏi cơn giận.
Giải pháp này hữu ích; nó đã hiệu quả và vẫn sẽ có hiệu quả. Thực hành theo giải pháp này, tâm cảm thấy như thoát khỏi sự kích động. Tuy nhiên, trong thực tế giải pháp này chỉ tác động ở mức ý thức. Do chuyển hướng sự chú ý thực sự bạn đã đẩy tiêu cực vào sâu trong vô thức, và ở mức này bạn tiếp tục phát ra và làm sinh sôi nảy nở cũng cái phiền não ấy. Ở bề mặt có một lớp bình an và hòa hợp, nhưng tận sâu trong tâm là một ngọn núi lửa ngủ ngầm của những tiêu cực bị đè nén, thỉnh thoảng vẫn tiếp tục phun ra những vụ nổ mãnh liệt.
Các nhà khám phá sự thực nội tại khác đã đi xa hơn nữa trong công cuộc tìm kiếm của họ. Nhờ kinh nghiệm thực tại của tâm và vật chất hay danh và sắc trong chính bản thân, họ nhận ra rằng chuyển hướng sự chú ý chỉ là cách chạy trốn vấn đề. Chạy trốn không phải là giải pháp; bạn phải đối diện với vấn đề. Bất cứ khi nào một tiêu cực phát sinh trong tâm, chỉ cần quan sát nó, đối diện với nó. Ngay khi bạn bắt đầu quan sát bất kỳ một tâm phiền não nào, nó sẽ mất đi sức mạnh của nó. Nó từ từ tàn lụn và bị bứng gốc.
Một giải pháp hay, tránh được hai cực đoan – đè nén và cho phép phiền não tự do hoạt động. Giữ phiền não hay tiêu cực trong vô thức sẽ không đoạn trừ được nó, còn để cho nó thể hiện ra bằng lời nói hay hành động sẽ chỉ tạo ra nhiều vấn đề thêm nữa. Nếu bạn chỉ quan sát (mà không phản ứng), thì phiền não sẽ biến mất: bạn đã đoạn trừ được tiêu cực đó, thoát khỏi phiền não đó.
Điều này nghe có vẻ tuyệt diệu thật, nhưng liệu có thực tiễn không? Khi cơn giận nổi lên, nó áp đảo chúng ta nhanh đến nỗi thậm chí chúng ta còn không kịp nhận ra nó nữa. Rồi, do bị cơn giận áp đảo, chúng ta phạm vào những hành động có hại cho mình và có hại cho người khác. Sau đó, khi cơn giận đã qua, chúng ta bắt đầu khóc than và hối hận, xin người này người nọ hoặc xin thượng đế tha lỗi: “Ôi, con đã phạm một lầm lỗi, xin vui lòng thứ lỗi cho con!” Lần tới, trong một tình huống tương tự, chúng ta lại phản ứng theo cách đó nữa. Mọi sự ăn năn như vậy hoàn toàn không giúp ích được gì cả.
Cái khó là ở chỗ chúng ta không biết được khi nào thì một phiền não khởi lên. Nó bắt đầu ở sâu trong mức vô thức của tâm, và vào lúc nó ngoi lên mức ý thức, nó đã gom góp được thật nhiều sức mạnh đến độ áp đảo cả chúng ta, khiến chúng ta không thể nào quan sát được nó nữa.
Vậy thì tôi phải có một người thư ký riêng đi kèm, để khi cơn giận bắt đầu anh ta sẽ nhắc: “Coi chừng, ông chủ! Cơn giận đang bắt đầu đó!” Bởi lẽ tôi không biết khi nào thì cơn giận sẽ nổi lên, tôi phải có ba người thư ký riêng cho ba ca, suốt cả ngày lễn đêm; hay đúng hơn, phải bốn người vì còn có những ngày nghỉ xen kẽ!
Giả sử tôi có đủ bốn người thư ký như vậy đi, và khi cơn giận bắt đầu khởi lên. Lập tức người thư ký của tôi nhắc, “Ông chủ, coi chừng! Cơn giận đã bắt đầu đấy.” Lúc đó điều đầu tiên tôi làm và tắt cho hắn một bạt tai và chửi: “Đồ điên! Bộ mày nghĩ mày sẽ dạy được tao sao?” Tôi bị cơn giận áp đảo đến độ không có lời khuyên tốt nào giúp ích được cho tôi nữa.
Giả sử lúc ấy trí tuệ thắng thế và tôi không tát tai anh ta. Thay vào đó tôi nói, “Cám ơn bạn rất nhiều. Bây giờ tôi phải ngồi một lát để quan sát cơn giận.” Có thể được chăng/ Ngay khi tôi nhắm mắt lại và cố gắng quan sát cơn giận, lập tức đối tượng của cơn giận, người hay tình huống vì nó mà tôi nổi giận, đi vào trong đầu tôi. Thế là tôi không quan sát cơn giận được nữa. Thay vào đó tôi lại quan sát những kích thích của cảm xúc ở bên ngoài. Điều này sẽ chỉ làm cho cơn giận tăng trưởng thêm mà thôi. Đây cũng không phải là giải pháp. Thực sự rất khó mà quan sát bất kỳ một tiêu cực trừu tượng, cảm xúc trừu tượng, tách rời khỏi đối tượng bên ngoài làm phát sinh ra nó.
Tuy nhiên, một bậc đã đạt đến chân lý hay sự thực tối hậu, và trong trạng thái giác ngộ viên mãn đã tìm ra một giải pháp đích thực. Ngài đã khám phá ra rằng bất cứ khi nào một phiền não phát sinh trong tâm, cùng một lúc, hai điều bắt đầu xảy ra ở mức vật lý (thân). Một là hơi thở mất đi nhịp điệu bình thường của nó. Tôi bắt đầu thở nặng nề hơn khi một tiêu cực đi vào trong tâm. Đây là một thực tại mà ai cũng có thể cảm nghiệm, dù nó rất thô và rõ rệt. Đồng thời, ở một mức vi tế hơn, một loại phản ứng sinh hóa – hay cảm thọ nào đó bắt đầu khởi động trong thân. Mỗi phiền não sẽ tạo ra một cảm thọ thế này hay thế khác, nơi một bộ phận nào đó của thân.
Đây là một giải pháp thực tiễn. Một người bình thường không thể nào quan sát được những phiền não trừu tượng của tâm – sợ hãi trừu tượng, sân hận trừu tượng, hay tham dục trừu tượng. Song với sự luyện tập và thực hành thích hợp, họ rất dễ quan sát hơi thở và các cảm thọ, cả hai đều liên quan trực tiếp đến những phiền não của tâm.
Hơi thở và các cảm thọ sẽ giúp tôi theo hai cách. Thứ nhất chúng sẽ là những người thư ký riêng của tôi. Ngay khi một phiền não khởi lên trong tâm, hơi thở của tôi sẽ mất đi sự bình thường của nó. Nó sẽ bắt đầu la lên: “Coi chừng, có điều gì đó trục trặc rồi!” Tất nhiên tôi không thể tát tai hơi thở; tôi phải chấp nhận lời cảnh báo của nó. Tương tự, các cảm thọ nhắc tôi: “Có cái gì trục trặc rồi đó.” Tôi phải chấp nhận điều này. Lúc đó, sau khi đã được cảnh báo, tôi bắt đầu quan sát hơi thở, quan sát các cảm thọ, và tôi nhanh chóng thấy ra rằng phiền não diệt mất.
Hiện tượng tâm – vật lý này cũng giống như một đồng tiền có hai mặt. Ở mặt này là những ý nghĩa hay cảm xúc khởi lên trong tâm. Ở mặt kia là hơi thở và cảm thọ trên thân. Bất kỳ ý nghĩa hay cảm xúc nào (dù ý thức hay vô thức), bất kỳ tâm phiền não nào cũng đều thể hiện ra trong hơi thở hoặc cảm thọ vào lúc đó. Như vậy khi quan sát hơi thở hay cảm thọ, tôi cũng đang gián tiếp quan sát tâm phiền não. Thay vì chạy trốn vấn đề, tôi đối diện với thực tại như nó hiện đang là. Khi ấy tôi sẽ thấy rằng phiền não mất đi sức mạnh của nó; và không còn có thể áp đảo tôi như nó đã từng trước đây nữa. Nếu tôi kiên trì, phiền não cuối cùng sẽ biến mất hoàn toàn và tôi giữ được sự bình an và hạnh phúc.
Theo cách này, kỹ thuật tự quan sát chỉ ra cho chúng ta thấy thực tại trên hai phương diện của nó, bên ngoài và bên trong. Trước đây, ta luôn luôn nhìn ra ngoài với đôi mắt mở, bỏ quên sự thực nội tại. Tôi luôn luôn đi tìm nguyên nhân khổ đau của tôi ở bên ngoài. Tôi luôn luôn đổ lỗi và cố gắng thay đổi thực tại bên ngoài. Do không biết gì về thực tại bên trong, tôi chẳng bao giờ hiểu được rằng nguyên nhân của khổ nằm ở bên trong, nó nằm ngay trong những phản ứng mù quáng của tôi.
Thật khó mà quan sát một tiêu cực trừu tượng khi nó khởi lên. Nhưng bây giờ, nhờ luyện tập, tôi có thể thấy mặt bên kia của đồng tiền: tôi có thể nhận ra hơi thở và cũng nhận ra những gì đang xảy ra bên trong tôi. Dù cho nó là gì, hơi thở hay bất kỳ cảm thọ nào, tôi học cách chỉ quan sát nó, không để mất sự quân bình của tâm. Tôi không còn làm cho những khổ đau của tôi tăng thêm nữa. Thay vào đó, tôi để cho phiền não thể hiện ra và tự diệt đi.
Bạn càng thực hành kỹ thuật này nhiều chừng nào, bạn sẽ càng thấy mình có thể thoát ra khỏi tiêu cực nhanh chóng hơn chừng ấy. Dần dần tâm cũng thoát khỏi những tiêu cực; nó trở nên thanh tịnh. Một cái tâm thanh tịnh luôn luôn tràn ngập tình yêu thương, tình yêu thương không dính mắc hay còn gọi là tâm từ ái đối với tất cả mọi người; tràn ngập lòng bi mẫn đối với những thất bại và khổ đau của người khác; tràn ngập lòng hoan hỷ trước những sự thành công và hạnh phúc của họ; tràn ngập sự xả ly khi đối diện với bất cứ tình huống nào.
Khi một người đạt đến giai đoạn này, lúc đó toàn bộ mô thức sống của họ bắt đầu thay đổi. Họ không còn có thể làm một điều gì bằng thân hay bằng lời nói vốn sẽ gây xáo trộn sự bình an và hạnh phúc của tha phát được nữa. Thay vào đó, tâm quân bình chẳng những tự nó trở nên bình an, mà nó cũng còn giúp người khác được bình an. Bầu không khí chung quanh một con người như vậy sẽ được thấm nhuần với sự bình an và hòa hợp, và tất nhiên điều này cũng sẽ ảnh hưởng đến mọi người.
Đây là một nghệ thuật sống, là những gì Đức Phật đã dạy. Đức Phật không bao giờ thiết lập hay giảng dạy một hình thức tôn giáo nào cả. Ngài không bao giờ hướng dẫn những người theo ngài thực hành một lễ nghi hay nghi thức tôn giáo, hoặc bất kỳ một hình thức rỗng không, mù quáng nào. Thay vào đó, Ngài chỉ dạy mọi người cách quan sát thiên nhiên đúng như nó là, bằng cách quan sát thực tại bên trong tự thân mỗi người. Do vô minh, trước đây chúng ta cứ liên tục phản ứng theo cách có hại cho chính bản thân chúng ta và có hại cho những người khác. Bây giờ khi trí tuệ sanh – trí tuệ do quan sát thực tại đúng như nó là – chúng ta thoát ra khỏi sự phản ứng mù quáng này. Khi chúng ta dừng lại việc phản ứng mù quáng, chúng ta có khả năng hành động đích thực – hành động diễn tiến từ một cái tâm quân bình (không tham cũng không sân), và buông xả, một cái tâm thấy và hiểu đúng sự thực. Một hành động như vậy chỉ có thể là hành động tích cực, sáng tạo, và lợi ích cho bản thân và cho tha nhân.
Vậy thì, cái được xem là cần thiết ở đây là “hãy biết chính mình” – đây là lời khuyên mà các bậc hiền trí đã đưa ra. Bạn phải biết mình không chỉ ở mức tri thức, ở mức khái niệm và lý thuyết. Điều này cũng không có nghĩa là biết mình ở mức đức tin hay tình cảm, chỉ đơn giản chấp nhận một cách mù quáng những gì bạn nghe hay đọc. Kiến thức như vậy là không đủ.
Đúng hơn, bạn phải biết thực tại ở mức kinh nghiệm. Bạn phải kinh nghiệm trực tiếp thực tại của các hiện tượng tâm – vật lý này. Chỉ có làm như thế mới giúp chúng ta thoát ra khỏi những phiền não, thoát ra khỏi khổ đau.
Kinh nghiệm trực tiếp thực tại trong chính tự thân hay kỹ thuật tự quan sát chính mình này, là những gì được gọi là Vipassanā hay thiền Minh sát. Trong ngôn ngữ của Ấn Độ vào thời Đức Phật, passanā có nghĩa là nhìn, là thấy với mắt mở, theo cách thông thường. Nhưng Vipassanā là quan sát hay quán chiếu mọi vật như chúng thực sự là, không chỉ như chúng dường như là. Sự thực rõ rệt bề ngoài phải được thể nhập hay chọc thủng qua, cho đến khi bạn đạt đến sự thực tối hậu của toàn bộ cơ cấu tâm – vật lý hay tâm và thân. Khi bạn kinh nghiệm sự thực này, bạn biết cách dừng lại sự phản ứng mù quáng, biết cách dừng lại việc tạo tác những phiền não. Một cách tự nhiên, những phiền não cũ cũng bị đoạn trừ dần. Bạn thoát khỏi mọi khổ đau, và cảm nghiệm sự hạnh phúc.
Có ba bước tu tập được đưa ra trong một khóa thiền Vipassanā. Trước hết bạn phải tránh bất kỳ hành động bằng thân hoặc khẩu nào làm xáo trộn sự bình an và hòa hợp của người khác. Bạn không thể thực hành để tự giải thoát mình ra khỏi những phiền não trong tâm trong khi vẫn tiếp tục thực hiện những hành động bằng thân và lời nói mà vốn chỉ làm tăng trưởng thêm những phiền não ấy. Do đó một căn bản giới luật là bước đầu cần yếu của việc thực hành. Bạn phải cam kết không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, và không dùng các chất gây say. Nhờ tránh những hành động như vậy, bạn để cho tâm lắng dịu xuống.
Bước kế tiếp là phát triển một mức độ làm chủ nào đó đối với cái tâm hoang dã này, bằng cách tập luyện cho nó trụ vững trên một đối tượng duy nhất, hơi thở. Bạn cố gắng giữ cho sự chú tâm của bạn trên hơi thở trong thời gian càng lâu càng tốt. Đây không phải là một bài tập thở nên bạn không được điều khiển hơi thở. Thay vào đó bạn chỉ quan sát hơi thở tự nhiên, khi nó đi vô và khi nó đi ra đúng như nó đang là. Theo cách này bạn làm cho tâm lắng dịu thêm, nhờ thế nó không còn bị những tiêu cực mãnh liệt áp đảo nữa. Đồng thời, bạn còn tập trung tâm lại, làm cho nó nhạy bén và minh mẫn, có khả năng làm công việc minh sát.
Hai bước đầu – sống một cuộc sống đạo đức và kiểm soát tâm – tự nó rất cần thiết và lợi ích. Song chúng sẽ chỉ dẫn đến sự tự chế thôi nếu bạn không bước thêm bước thứ ba; thanh tịnh tâm khỏi các phiền não, bằng cách phát triển khả năng nhìn thấu sự thực hay minh sát vào ngay bản chất của bạn. Thực sự ra Vipassanā có nghĩa là kinh nghiệm thực tại của chính mình, qua việc quan sát có hệ thống và buông xả các hiện tượng tâm – vật chất hay danh và sắc luôn luôn thay đổi, tự nó thể hiện ra như những cảm thọ trong bản thân. Đây là tột đỉnh của giáo pháp Đức Phật: tự thanh tịnh qua việc tự quán chiếu.
Việc tự quán chiếu này mọi người ai cũng thực hành được. Căn bệnh không riêng cho một bộ phái nào, do đó cách chữa cũng không thể giới hạn trong phạm vi bộ phái: nó phải là của chung. Mọi người chúng ta ai cũng phải đối diện với vấn đề khổ đau. Khi bạn sân hận, đó không phải là sân hận của người Phật tử, sân hận của người Hindu, hay sân hận của người Thiên Chúa. Sân hận là sân hận. Do sân hận bạn trở nên kích động, thì đó cũng không phải là sự kích động của người Thiên Chúa hay Hindu (Ấn giáo), hay sự kích động của người Phật tử. Bệnh tật là chung. Cách chữa cũng phải là chung.
Vipassanā là một cách chữa mang tính phổ quát như vậy. Sẽ không ai phản đối một quy tắc sống biết tôn trọng sự bình an và hòa hợp của những người khác. Sẽ không ai chống lại việc tu tập kiểm soát tâm. Sẽ không ai ghét việc tu tập Minh sát qua đó người ta có thể giải thoát tâm khỏi những tiêu cực. Đó là một đạo lộ phổ quát. Đó không phải là sự sùng bái. Đó không phải là một giáo điều. Đó không phải là đức tin mù quáng.
Quan sát thực tại đúng như nó là, bằng cách quan sát sự thực bên trong – đây là biết mình ở mức kinh nghiệm thực sự. Và khi bạn thực hành, bạn bắt đầu đi ra khỏi cái khổ của phiền não. Từ sự thực rõ rệt và thô ở bên ngoài, bạn thể nhập vào sự thực tối hậu của tâm và vật chất hay danh và sắc. Rồi bạn vượt qua sự thực tối hậu ấy và kinh nghiệm một sự thực nằm ngoài tâm và vật chất, nằm ngoài thời gian và không gian, nằm ngoài lĩnh vực tương đối do duyên sanh hay điều kiện tạo thành: sự thực của giải thoát hoàn toàn khỏi mọi phiền não, mọi bất tịnh, mọi khổ đau. Bất kỳ cái tên nào bạn gán cho sự thực cùng tột này cũng đều không thích hợp. Nó là mục đích cuối cùng của mọi người.
Cầu mong tất cả các bạn đều kinh nghiệm được sự thực cùng tột này. Cầu mong tất cả mọi người ở khắp mọi nơi trên thế gian này thoát khỏi những phiền não của họ, thoát khỏi khổ đau của họ. Cầu mong mọi người hưởng được hạnh phúc chân thực, sự bình an chân thực, và hòa hợp chân thực.
TOA THUỐC CỦA BÁC SĨ
Một người đàn ông kia bị bệnh và đi đến bác sĩ. Vị bác sĩ khám xong rồi kê cho anh ta một toa thuốc. Người đàn ông này rất tin tưởng vị bác sĩ của mình. Anh ta trở về nhà và trong phòng cầu nguyện của mình anh đặt một bức tượng rất đẹp của vị bác sĩ ấy. Rồi, anh ngồi xuống dập đầu kính lễ bức tượng ấy ba lần, và dâng lên hương hoa. Xong, anh móc cái toa thuốc mà vị bác sĩ đã ghi cho anh ra và trịnh trọng đọc: “Sáng hai viên! Trưa hai viên! Tối hai viên!” Suốt cả ngày, suốt cả đời anh ta cứ mãi miết đọc toa thuốc vì anh có đức tin lớn nơi vị bác sĩ, nhưng toa thuốc vẫn không giúp ích được gì cho anh.
Người đàn ông quyết định là mình cần phải biết thêm thông tin về toa thuốc này, và thế là anh tức tốc chạy đến hỏi vị bác sĩ, “Tại sao bác sĩ lại kê toa thuốc này? Nó sẽ giúp cho tôi như thế nào?” Là một người trí thức, vị bác sĩ giải thích, “Này, hãy xem nhé, đây là bệnh của anh, và đây là nguyên nhân sanh ra bệnh của anh. Nếu anh uống thuốc mà tôi đã kê toa đó, nó sẽ loại trừ căn nguyên của bệnh. Khi nhân đã được loại trừ, bệnh sẽ tự động biến mất thôi.” Người đàn ông suy nghĩ, “A, thật tuyệt vời! Bác sĩ của ta rất thông thái! Toa thuốc của ông thật vô cùng lợi ích đấy chứ!” Thế là anh ta lại trở về nhà và bắt đầu tranh cãi với những người hàng xóm láng giềng của mình, khăng khăng rằng, “Bác sĩ của tôi là đệ nhất! Các ông bác sĩ khác đều vô dụng!” Nhưng anh ta được gì khi tranh cãi như thế? Suốt cuộc đời anh ta có thể cứ tiếp tục tranh cãi, song điều ấy cũng hoàn toàn chẳng giúp ích được gì cho anh. Nếu anh ta uống thuốc, chỉ lúc đó anh ta mới vơi nhẹ được nỗi khổ của mình, mới dứt được căn bệnh của mình. Chỉ lúc đó thuốc mới giúp ích được cho anh ta.
Mỗi con người giải thoát cũng giống như một vị lương y vậy. Vì lòng bi mẫn, vị ấy đưa ra một toa thuốc khuyên mọi người cách làm thế nào để tự giải thoát mình ra khỏi khổ đau. Nếu người nào phát sinh đức tin mù quáng nơi vị ấy, họ sẽ biến toa thuốc thành kinh điển và rồi bắt đầu tranh cãi với các bộ phái khác, cho rằng giáo lý của bậc sáng lập ra tôn giáo của họ mới là cao siêu. Nhưng chẳng ai màng đến việc thực hành theo lời dạy, chẳng ai màng đến việc uống thuốc theo toa đã kê để loại trừ căn bệnh.
Thực ra, có niềm tin nơi vị bác sĩ sẽ là hữu ích nếu nó khuyến khích được bệnh nhân theo lời khuyên của ông ta. Hiểu rõ thuốc có hiệu quả như thế nào cũng là điều lợi ích nếu nó khích lệ bạn uống thuốc. Nhưng nếu không thực sự uống thuốc, bạn không thể nào chữa được bệnh. Bạn phải tự mình uống thuốc mới mong hết bệnh.
NHÂN GẦN CỦA KHỔ
Thế giới thực không giống như thế giới của các câu chuyện thần tiên trong đó mọi người sống với nhau một cách hạnh phúc cho đến mãi về sau. Chúng ta không thể tránh được sự thực phũ phàng rằng cuộc đời là bất toàn, bất túc, bất toại nguyện – sự thực về sự hiện hữu của khổ.
Khi xét đến hiện thực này, điều quan trọng chúng ta muốn biết là khổ có (nguyên) nhân hay không, và, nếu có, liệu chúng ta có thể loại trừ được nhân ấy để cho khổ được loại trừ hay không. Nếu trường hợp nhân sanh ra cái khổ của chúng ta chỉ là những chuyện xảy ra tình cờ qua đó có thể chúng ta không có quyền kiểm soát hay ảnh hưởng gì được, thì chúng ta cũng đành bất lực và nên từ bỏ mọi cố gắng truy tìm con đường thoát khổ đi thì hơn. Hoặc nếu những khổ đau của chúng ta được định đoạt bởi một đấng quyền năng nào đó làm việc theo lối độc đoán và bí ẩn, thời chúng ta phải tìm cách làm nguôi cơn thịnh nộ của đấng này để ông sẽ không còn giáng khổ đau lên chúng ta nữa.
Đức Phật thấy rõ rằng khổ đau của chúng ta không phải là sản phẩm của sự tình cờ. Có những nguyên nhân nằm đằng sau nó, vì mọi hiện tượng hay các pháp đều do nhân duyên sanh. Quy luật nhân quả – kamma (nghiệp) – là quy luật phổ quát và cơ bản cho sự hiện hữu. Những nhân ấy không nằm ngoài quyền kiểm soát của chúng ta.
Kamma
Chữ kamma (hay, trong hình thức Sanskrit phổ biến rộng rãi hơn của nó, karma) thường được mọi người hiểu theo nghĩa “số phận”. Tiếc thay hàm ý của từ này ngược hẳn với những gì Đức Phật có ý định muốn nói bằng từ kamma. Số phận là cái gì đó nằm ngoài quyền kiểm soát của chúng ta, là mệnh trời hay ý của Thượng đế, những gì đã được định trước cho mỗi người chúng ta. Tuy nhiên kamma nghĩa đen là “hành động.” Những hành động của chúng ta là nhân của những gì chúng ta cảm thọ trong cuộc đời: “Các chúng sanh là chủ nhân của nghiệp, là kẻ thừa tự của nghiệp, được sanh ra từ nghiệp, bị trói buộc bởi nghiệp; nghiệp là nơi nương nhờ của họ. Nghiệp họ làm thấp hèn hay cao thượng như thế nào, cuộc sống của họ sẽ thấp hèn hay cao thượng như thế ấy.”
Mọi việc chúng ta gặp trong cuộc đời là kết quả của những hành động hay nghiệp riêng của chúng ta. Do đó, mỗi người chúng ta có thể làm chủ được số phận của mình bằng cách làm chủ những hành động chúng ta làm. Mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm đối với những hành động làm phát sinh ra khổ đau của chúng ta. Đức Phật nói,
Ta là chủ nhân của ta,
Ta tạo tương lai cho chính ta.8
7 M.135, Cūla Kamma Vibhanga Sutta (Kinh Tiểu Nghiệp Phân Biệt. Trung Bộ III.)
8 Dhammapada, XXV.21 (380)
Theo đó, mỗi người chúng ta cũng giống như một người bịt mắt chưa hề học lái xe, ngồi đằng sau tay lái của một chiếc xe tốc hành trên một xa lộ đông đúc. Chắc chắn anh ta không thể về đến nơi đã định mà không gặp rủi ro. Anh ta có thể nghĩ rằng mình đang lái xe, nhưng thực sự là xe đang lái anh ta. Nếu anh ta muốn tránh tai nạn, chưa nói đến việc về đến đích, anh ta phải bỏ cái khăn bịt mắt ra, phải học cách điều khiển xe, và biết cách tránh sự hiểm nguy càng nhanh càng tốt. Tương tự, chúng ta phải biết những gì chúng ta làm và cũng phải học cách thực hiện những nghiệp nào sẽ dẫn chúng ta đến chỗ chúng ta thực sự muốn đến.