Gặp nhau bao giờ chưa hỡi những sắc nước hương trời, những kỳ hoa dị thảo, những hương đồng cỏ nội khắp lâm tuyền, biên ải ngoài bến gió bờ sương ở mọi chốn muôn nơi, hỡi Quế Hương, Thanh Hoài, Phong Sương Trần Thi Loan, Hoàng Thu Uyên… diễm tuyệt một thuở nào quyến rũ du dương tận xứ miền Liên Chiểu hay ngút ngàn sương khói Đà Lạt quá mang mang:
Bầy chim bạc má gọi đàn
Thương nhau gặp lại trên ngàn đỉnh cao
Trở về Đà Lạt ngó đào
Ghé thăm Liên Chiểu thuở nào yêu nhau
Yêu nhau cảm động dường nào, xao xuyến, xốn xang, rộn ràng trong tiếng hát liêu trai của nàng ca sĩ yếu gầy mà thi nhân hơn một lần say đắm mộng lao đao:
Cô đơn về trắng sương rừng
Anh nghe tiếng hát hoang đường nửa đêm
Khuya buồn tủi nhục môi em
Mưa run lặng lẽ bên thềm bơ vơ
Tiếng ru vàng xuống đôi bờ
Hoang vu anh đứng đợi chờ chim kêu
Tay gầy ôm chặt tình yêu
Anh về phố gục những chiều hư vô
Đời đi trên những nấm mồ
Đau tim em hát cơ hồ khăn tang
Phố chiều thả bước lang thang
Như con sông nhỏ mơ màng biển xanh
Nửa đêm khói đốt đời anh
Yêu em câm lặng khô cành thu đông
Lời em như một dòng sông
Đôi bờ anh đứng giữa lòng hoa niên
Mưa chiều nước chảy triền miên
Một con chim dại lạc miền hoang lương
Về đâu thương những con đường
Lê thê phố cũ nghe buồn hè xưa
Hè xưa phố cũ tuy buồn mà vẫn có một vẻ đẹp não nùng của thứ tình yêu diêu mang lãng đãng. Chàng thi sĩ đa tình đa cảm, trót vương mang nàng thơ gầy guộc có đôi mắt sầu mộng u huyền trên cao nguyên nghi ngút sương mù bay trắng cả rừng thông, suốt mười năm trời đằng đẵng mộng mơ, nhớ thương tưởng vọng trong da diết ngậm ngùi:
Mười năm qua gió thổi đồi tây
Tôi long đong theo bóng chim gầy
Một sớm em về theo giấc ngủ
Bông trời bay trắng cả rừng cây
Gió thổi đồi tây hay đồi đông
Hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
Trong mơ em vẫn còn bên cửa
Tôi đứng trên đồi mây trổ bông
Gió thổi đồi thu qua đồi thông
Mưa hạ ly hương nước ngược dòng
Tôi đau trong tiếng gà xơ xác
Một sớm bông hồng nở cửa đông
Phải chăng đó là cõi mộng hư ảo tự thuở nào xa ngút ở trên rừng Phi Nôm Đà Lạt hay dưới vùng biển Vạn Giã Nha Trang. Ơi nhớ một chiều mưa thấp thoáng, chàng thi sĩ rời bãi biển cát trắng, gõ nhịp bước đơn hành đi về leo lên sườn đồi cao Hải Đức, bỗng sực thấy cây khế bừng rộ hoa tim tím bên triền dốc đá hoang thưa:
Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
Cây khế đồi cao trổ hết bông
Hoa nở rồi tàn cũng như những nàng con gái mộng mơ đến rồi đi. Tuy vậy vẫn còn phảng phất những làn hương tóc mị kỳ cứ ám ảnh chập chùng mãi lung linh:
Tình bay lên nóng trăng sao
Gió lùa thơm tóc cô nào năm xưa
Đã đi rồi đã đi chưa
Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời
Đã đi mất hẳn đi rồi
Hạ phương tịch mịch bỏ đời biệt tăm
Thầm cảm nhận thấm thía hương vị mị kỳ của tình yêu tương đối và tuyệt đối, rồi từ đó, thi nhân tự nhiên như nhiên chuyển dần sang ngạt ngào tuyệt bích tình thương. Tình thương yêu tối thượng như mây lan tỏa khắp mười phương, chan chứa trộn lẫn trong giọng chim ca lăng tần già hòa quyện tiếng kêu thanh tao, thánh thót nhập hồn sương khói vô vi trở thành Bồ đề tâm thâm viễn miên trường:
Chim ca lăng kêu sương
Tôi sụp lạy cúng dường
Lôi bồ đề tâm dậy
Chấn động khắp mười phương
Chim ca lăng kêu sương
Tôi sụp lạy vô lượng
Lôi bồ đề tâm dậy
Địa động cả mười phương
Chim ca lăng kêu sương
Tôi sụp lạy đại dương
Lôi bồ đề tâm dậy
Sấm sét nổ mười phương
Chim ca lăng kêu sương
Tôi sụp lạy vô thường
Lôi bồ đề tâm dậy
Sấm chẻ đứt kim cương
Chim ca lăng kêu sương
Tôi sụp lạy thiên hương
Bồ đề tâm tăng trưởng
Bông quỳnh nở bất thường
Chim ca lăng kêu sương
Tôi sụp lạy vách tường
Bồ đề tâm quy ngưỡng
Bông trang trổ đầu đường
Khi thi nhân quỳ xuống, sụp lạy tất cả muôn loài vạn vật, đất trời thiên vạn cổ là lúc Bồ đề tâm bừng dậy tỏa chiếu hào quang rạng rỡ khắp muôn phương. Bồ đề tâm chính là Đại bi tâm, có thể làm sụp đổ tất cả mọi ác pháp. Phạm Công Thiện từ bao giờ đến bây giờ vẫn thường xuyên miên mật hít thở trong bầu khí hậu phong nhiêu ấy, hơi thở biến thành hành động sụp lạy là đã nhập vào vô ngã, vắng lặng cái tôi, vắng lặng mọi so đo chân giả, xa lìa mọi giả danh, tham chấp, chỉ còn đương xứ tức chân, hiện bày ngay cái đang là.
Đang là thì không từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu, dù cuộc lữ bắt đầu khởi sự từ vô lượng kiếp rồi, dù có đi vòng quanh hết quả địa cầu này thì cũng đẻ thấy lại cái tâm hồn mình, như Henry Miller nói : “Vì chỉ có một cuộc phiêu lưu vĩ đại thôi, đó là đi vào bên trong mình và đi vào trong lòng mình thì thời gian, không gian, ngay đến hành động cũng không quan trọng gì cả.”**** Thì ra là vậy, thật đơn giản mà độc đáo vô cùng.
Cùng nòi giống, cùng dòng máu Henry Miller nên Phạm Công Thiện cũng nhiệt liệt, hiên ngang theo dõi cuộc phiêu lưu thám hiểm vào nội tâm thầm kín, để khai phá ra những bí mật bên trong thế giới tâm linh sâu thẳm của chính mình. Cuộc lữ tư duy khủng khiếp từ khi thi sĩ tự nguyện làm lạc đà gánh nặng, băng qua những sa mạc cát trắng khô hạn, cháy bỏng vết hằn cay đắng, thê lương, vượt qua ngàn cơn bão lốc khốc liệt, kinh hoàng của nỗi đời dâu bể tan hoang cũng như từng say đắm, say sưa chén rượu hồng nhan, túy lúy càn khôn bổi hổi, rồi dấn thân làm sư tử oai phong lẫm liệt, đi đứng một mình, không bè nhóm, không đảng phái, không ý thức hệ, chỉ gầm rống vang động, làm rung chuyển khắp sông hồ dữ dội, hùng tráng, uy nghi, khí phách giữa tồn sinh bức bách, xuống biển lên đồi.
Rồi bất ngờ đến kỳ lạ, sư tử biến thành thằng bé trẻ dại hài nhi với nụ cười tươi tắn niềm hân hoan thơ ngây, thấy gì cũng rực ngời mới lạ, bằng con mắt trong veo, trong trẻo trinh nguyên xanh biếc trời thơ đất mộng không tên.
Trên cung bậc ngân vang ngút ngàn sáng tạo, Phạm Công Thiện cùng tương ứng với triết gia Nietzsche về ba hóa thân : Lạc đà,. sư tử và hài nhi. Trước hết tinh thần trở thành lạc đà, chuyên chở gánh nặng văn hóa, truyền thống… tiêu biểu những giá trị lỗi thời xưa cũ. Sư tử là chúa tể rừng xanh, tượng trưng cho ý chí, trí tuệ siêu việt, mạnh mẽ phá hủy tất cả những triết thuyết độc thần, hư vô, duy vật lỗi thời đó, làm sụp đổ hết thảy mọi thần tượng do con người sợ hãi dựng lên và cuối cùng là hài nhi hồn nhiên, là biểu tượng cho sự bắt đầu, khởi nguyên hoàn toàn mới mẻ, là một tiếng cười rỗng rang, một tiếng ừ chấp nhận thiêng liêng.
Hài nhi xem mọi sự như trò chơi, trò đùa vui vẻ, chẳng có chi phải trầm trọng, nặng nề, chẳng có gì phải van xin, tôn thờ, sợ hãi. Hài nhi chỉ biết yêu thương múa hát, hân hoan sáng tạo và sáng tạo thênh thang.
Thênh thang ca hát như Trang Tử dạo khúc Tiêu dao du bên bờ sông Dương Tử hay như Milarepa hát ca những lời thơ siêu thoát trên tuyệt đỉnh Hy Mã Lạp Sơn lạnh rờn tuyết trắng, hoặc như Beethoven Hòa tấu khúc thứ 9 bất hủ và Phạm Công Thiện cười vang lên như tiếng gầm sư tử trầm hùng tự tại thong dong :
Anh vụt cười to động đóa hồng
Dịu dàng em rắc giữa hương nồng
Anh ngồi chỗm dậy như sư tử
Vồ chụp bướm ngàn lúc rạng đông
Khi sư tử mà đùa rỡn, nhảy múa với chim ngàn hoa bướm là lúc mọi sự đã trở thành một trò chơi của hài nhi hý lộng, rất mực thuần nhiên thoải mái, thanh thản nhẹ nhàng như thi sĩ tâm sự khơi vơi về thái độ ứng xử giữa cuộc luân lưu sinh tồn linh động : “Sống, ăn ở đời một cách khiêm tốn, tầm thường, nhỏ thấp, cung cách, cử chỉ lặng lẽ từ tốn, nhún nhường, không tìm cách tỏ ra rằng mình là quan trọng đối với con mắt thế gian, nhưng đằng sau bề ngoài tầm thường đó thì hãy để tâm thức mình bay vút, vượt lên trên tất cả quyền lục và danh vọng thế gian…
Chấp nhận tất cả những gì xảy đến đời mình với sự dửng dưng bình thản, mặc kệ giàu hay nghèo, mặc kệ khen hay chê, không thị phi phân biệt cái này với cái kia như đức hạnh và đồi bại, vinh quang và nhục nhã, tốt và xấu. Không đau đớn khổ sở và cũng không ân hận những gì đã qua, không sung sướng hớn hở và cũng không hãnh diện về những gì mình đã thực hiện thành tựu.
Ngó nhìn những quan điểm xung đột và những phát hiện sinh hoạt đa dạng của chúng sinh với lòng bình thản, khinh an và tâm thức siêu thoát. Phải hiểu rằng đời là thế và là thể điệu tác động không thể tránh được của mỗi một sinh thể. Hiểu như thế thì hãy luôn tỉnh thức, thanh thản trầm lặng. Ngó nhìn nhẹ nhàng xuống cuộc đời như một người đứng trên tột đỉnh núi cao nhất, nhìn ngó xuống những thung lũng và những ngọn núi nhỏ thấp trải ra dưới chân mình.”*****
Giữa muôn trùng cuộc lữ, trên con đường mây trắng bềnh bồng, gió trăng đồng vọng, rung ngân lên văng vẳng những cung đàn lã lướt dưới gót chân của chàng thi sĩ dị thường. Bước đăng trình vạn lý du, có đôi lúc cũng dừng gót chân lãng tử lại nghỉ ngơi một vài quán trọ dọc đường như giảng dạy triết lý, văn chương ở đại học Toulouse, nước Pháp hay thuyết trình Thiền tông, Mật tông ở các đại học, thiền viện trên khắp miền viễn xứ California và Hoa Kỳ.
Tiến sĩ Nhật Bản Nohira Munehiro khi làm luận án tốt nghiệp tiến sĩ, lấy đề tài về triết gia Phạm Công Thiện, cho biết các nhà học giả uyên thâm xứ hoa Anh Đào đều tôn vinh, ca tụng Phạm Công Thiện là Long Thọ của Việt Nam.
Từ năm 1966, mới 25 tuổi, Phạm Công Thiện đã nói về Long Thọ : “Theo Trung quán luận, thì sự nô lệ, sự phiền muộn, đau khổ, chấp trước…chỉ là vọng tưởng.
Chúng ta bám chặt vào sự vật, vào ý tưởng, vào con người, vào hoàn cảnh, vào nguyên nhân, vào kết quả, vào mục đích, vào cứu cánh, vào phương tiện, vào sống
và chết: Chỉ vì vọng tưởng tạo ra những đặc tính và những hình ảnh mà chúng ta tưởng rằng có thực và bất di dịch…
Con người giải thoát làm việc thiện, cứu đời, độ thế, không phải để đạt đến kết quả nào ở đời này hay đời sau. Hành động của con người giải thoát là hành động không mục đích và không lý do. Lý tưởng Bồ tát thể hiện trong Đại bi là lòng thương không mục đích, vì còn mục đích là còn trói buộc vào nhân và quả. Trói buộc là nô
lệ, là chấp nhân hoặc chấp quả, chấp ngã hoặc chấp pháp, chấp hữu hoặc chấp không. Hố thẳm chính là phá chấp và phá chấp triệt để…”******
Tinh thần phá chấp triệt để ấy, thể hiện nhất quán qua toàn bộ tác phẩm Phạm Công Thiện từ thuở xưa cho đến bữa nay, nên các học giả Nhật Bản sánh Phạm Công Thiện với Long Thọ cũng là tương xứng, xác đáng. Đại văn hào Mỹ Henry Miller thì cho rằng, Phạm Công Thiện là hậu thân của Rimbaud, một thi sĩ tiên tri thấu thị của nước Pháp. Nhà thơ Giang Trần, nhà thơ Phan Tấn Hải bên Hoa Kỳ thì tôn vinh, tấn phong Phạm Công Thiện là bậc Bồ tát nghệ sĩ, còn riêng người viết bài này, đã từng hân hạnh được bắt tay, gặp mặt trò chuyện với Phạm Công Thiện ở Đại học Vạn Hạnh, vào một chiều mùa hạ năm 1969 thì vẫn xem Phạm Công Thiện là một thi nhân, một thi sĩ với trọn vẹn ý nghĩa của danh từ.
Chính Phạm Công Thiện cũng thường mặc nhiên tự nhận mình chỉ là nhà thơ, một thi sĩ thuần túy mà thôi : “Ngôn ngữ của tôi là ngôn ngữ của thi sĩ, ai muốn hiểu sao đó thì cứ hiểu… Thơ là linh hồn của tất cả âm nhạc, hình ảnh của thơ là vô hình đột chuyển thành ra hiện hình và hiện ảnh : Hiện hình và hiện ảnh của thơ chính là hiện cảnh linh động, hiện thực hơn tất cả những cảnh sắc và phong cảnh hiện tiền… Thơ không nói về bất cứ cái gì cả, như vậy mới là tất cả. Thơ chỉ là thơ và thơ tự nói về thơ từ trong thơ đến trong thơ, cả cao và thấp, cả trong và ngoài, ở trên và dưới mặt đất, tất cả chỉ là thơ.”
Vâng, tất cả chỉ là thơ, khi thấy muôn sự muôn việc trên cõi đời này chỉ là thơ và thơ thôi thì lúc ấy mới bừng sáng rực ngời lên chân thực nghĩa vô lượng vô biên của Diệu Tâm thâm diệu, của Nhất Chân pháp giới, trùng trùng duyên khởi Hoa nghiêm, thấy tất cả mọi sự đều tốt đẹp và tốt đẹp. Vì thế, cho nên thi nhân vẫn tiếp tục hân hoan sáng tác, sáng tạo vô ngần bất tuyệt miên man :
Tháng ngày làm thơ chơi
Hồn bay thẳng ra khơi
Bạch phát ngút ngàn tới
Thu phong tắt nghẹn lời
Làm thơ lúc rửa chén
Nước chảy tuôn rỏn rẻn
Bột trắng sạch rêu đen
Bếp nhà rân tiếng én
Xin gọi đại là thơ
Làm lúc nào chẳng nhớ
Cho một cô gái nhỏ
Chưa từng gặp bao giờ
Muốn gì mà có ngay
Thì tai nạn vạ bay
Không thèm muốn gì nữa
Đời tràn ngập thơ hay
Khi thơ hay bay ngập tràn mặt đất trần gian, thì ngôn ngữ Việt Nam cũng bay về ngợp trời xanh bát ngát, làm trang nghiêm cho nụ cười thanh tịnh, quang minh tính thể. Thế là trên ngõ về im lặng, người thi sĩ kỳ tuyệt của chúng ta đã xuống tận hố thẳm cũng như đã lên tột đỉnh cao chất ngất của tâm linh và chợt bừng ngộ thấy ra toàn thể trò đời chỉ là một cuộc đại hòa điệu chơi tối thượng, một trận du hý tam muội lồng lộng, phiêu bồng. Sống là chơi, chết là chơi, yêu là chơi, thương là chơi, vui buồn, sướng khổ là chơi, có không, còn mất là chơi, hơn thua, phải trái là chơi, thành cộng, thất bại là chơi, chiêm bao, mộng mị là chơi, tỉnh thức, thực tế, thực tại là chơi, phiêu bạt giang hồ khắp thế giới là chơi, giảng dạy triết lý, thi ca, thiền học là chơi, biết nhiều thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Hán, Phạn, Pali… là chơi, thương yêu năm nàng tiên nữ là chơi, làm đại đức, thiền sư Nguyên Tánh là chơi, làm hành giả Mật tông là chơi, làm văn nghệ sĩ là chơi, làm thơ làm thẩn cũng là chơi chơi hết thảy mà thôi. Ơi chao ! Một cuộc đại hòa điệu chơi trùng trùng vô thủy vô chung giữa mênh mông vô tận, bất khả tư nghì…Án ma ni bát di hồng. Án ma ni bát di hồng. Án ma ni bát di hồng…
Tâm Nhiên
Nguồn: Nguyệt San Chánh Pháp “Trên Tất Cả Đỉnh Cao Là Lặng Im” số 16 Tháng 3. 2013, Tr. 33, chủ đề Tưởng Niệm Cư sĩ Nguyên Tánh – Phạm Công Thiện.
________________________________________
Thơ Phạm Công Thiện, trích trong 2 tác phẩm:
Ngày sinh của rắn. Nhà xuất bản An Tiêm, Sài Gòn 1966
Trên tất cả đỉnh cao là lặng im. Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn,TP.HCM 2009
* Phạm Công Thiện. Trên tất cả đỉnh cao là lặng im. Nhà xuất bản Văn Hóa Sài Gòn, TP.HCM 2009
** Phạm Công Thiện. Ý thức mới trong văn nghệ và triết gọc. Tái bản lần thứ ba. Nhà xuất bản An Tiêm, Sài Gòn 1966
*** Phạm Công Thiện. Henry Miller. Nhà xuất bản Phạm Hoàng, Sài Gòn 1969
**** Phạm Công Thiện. Đi cho hết một đêm hoang vu trên mặt đất. Nhà xuất bản Trần Thi, California 1988
***** Phạm Công Thiện. Những bước chân nhẹ nhàng trở về sự im lặng. Nhà xuất bản Phương Đông, TP.HCM 2008
****** Phạm Công Thiện. Hố thẳm tư tưởng. Nhà xuất bản An Tiêm, Sài Gòn 1966