Thanh Tịnh Đạo – Chương X

60. Ví như có một lâu đài bốn tầng, trên tầng đầu có đủ năm thứ dục lạc dưới hình thức rất vi tế như thiên vũ, thiên ca và thiên nhạc, thiên hương hoa thực phẩm, giường nệm y phục v.v. và trên tầng thứ hai những thứ này còn vi tế hơn, tầng thứ ba càng vi tế và tầng thứ tư thì vi tế nhất, tuy vậy chúng vẫn là những tầng lầu và không có sự khác biệt giữa chúng về phương diện bản chất, chỉ có sự tuần tự vi tế của năm món dục lạc mà tầng này vi tế hơn tầng dưới nó. Lại nữa, ví như có những đoạn vải dày một lớp, hai lớp, ba lớp, bốn lớp, dệt bằng thứ chỉ thô, tế, tế hơn và rất tế bởi một phụ nữ, tất cả bốn tấm đều cùng một kích tấc, thì mặc dù con số là bốn đoạn chúng chỉ khác nhau về tính cách êm dịu vi tế và đắt giá. Cũng thế mặc dù chỉ có hai thiền chi trong cả bốn vô sắc, là xả và nhất tâm, nhưng mỗi thiền cần được hiểu là vi tế hơn thiền trước nó do sự tuần tự vi tế của các thiền chi.

61 Và về sự kiện mỗi thiền vi tế hơn thiền trước nó có hình ảnh như sau.

62. Có một cái lều dựng trên một chỗ dơ dáy. Một người đi đến, nhờm gớm sự dơ uế nên tựa hai tay vào lều như đu. Một người thứ hai đến tựa vào người ấy. Người thứ ba đến và nghĩ, cả hai người kia không khá được, vì nếu cái lều sụp thì chúng chắc chắn ngã. Vậy ta sẽ đứng ngoài. Do vậy thay vì tựa vào người thứ hai, anh ta đứng ngoài. Rồi một người thứ tư đi đến, và vì thấy sư bất ổn của hai người đầu, nghĩ rằng người đứng ngoài vững hơn, anh đứng tựa vào người ấy.

63. Cái khoảng không mà từ đấy kasina đã được dời bỏ, ví như căn lều dựng chỗ dơ uế. Thức thuộc không vô biên xứ, lấy không gian làm đối tượng, do chán ghét các sắc vi tế, là giống như người đầu bám vào cái lều vì nhờm gớm đồ dơ. Thức thuộc thức vô biên xứ, mà sự sinh khởi nương vào thức thuộc không vô biên xứ, là ví như người tựa vào người bám cái lều. Thức thuộc vô sở hữu xứ, thay vì lấy cái thức thuộc không vô biên làm đối tượng, lại lấy sự phi hữu của thức ấy làm đối tượng, ví như người thứ ba sau khi xét thấy bất ổn nơi hai người trước, không tựa vào người thứ hai, mà đứng ngoài. Thức thuộc phi tưởng phi phi tưởng xứ, phát sinh nương nơi thức thuộc vô sở hữu, cái thức ra ngoài, nghĩa là ở nơi phi hữu của thức trước đấy – thì ví như người đứng tựa vào người thứ ba, sau khi đã xét thấy bất ổn ở hai người đầu, và nghĩ rằng người đứng ngoài đã khéo đứng.

64.

Và trong khi khởi lên như vậy,
Thức này lấy đó làm đối tượng
Vì không có cái nào tốt bằng
Cũng như người nương tựa vào vua để sống
Dù thấy những lỗi lầm nơi ông.

65. Vì mặc dù thức thuộc phi tưởng phi phi tưởng xứ đã thấy lỗi ở vô sở hữu xứ như sau: “Thiền này có Thức vô biên xứ làm kẻ thù gần, mặc dù vậy, nó vẫn lấy đó làm đối tượng vì không có cái nào khác. Giống như người ta vì sinh mạng phải lệ thuộc vào một ông vua có những lỗi lầm mà họ thấy được. Cũng vậy, Thức thuộc phi tưởng phi phi tưởng xứ lấy Vô sở hữu xứ làm đối tượng mặc dù vẫn thấy những lỗi của nó, và sở dĩ như vậy là vì không tìm thấy đối tượng nào tốt hơn.

66.

Như người leo thang cao
Nương vào các điểm tựa
Như người đi trên núi
Tựa vào đỉnh ngọn núi
Như người đứng trên vực
Nương vào hai đầu gối
Mỗi thiền dựa thiền trước
Cũng y hệt như vậy.

Chương mười gọi là “Mô tả về các Thiền Vô Sắc” trong Luận về Ðịnh tu tập thuộc luận Thanh Tịnh Ðạo, được soạn thảo vì mục đích làm cho những người lành được hoan hỷ.

 http://www.tangthuphathoc.net/phapluan/thanhtinhdao-10.htm

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.