Thanh Tịnh Đạo – Chương XIII

60. Nhưng có điểm khác nhau này. Trong khi ở trường hợp đầu có một mặt trời thứ hai, ở đây lại có một trận gió nổi lên để phá hoại thời kiếp. Trước tiên nó dỡ hổng lên những ống khói (? flue) thô, ống khói nhỏ, rồi cát mịn, cát thô, sỏi đá v.v… tuần tự cho đến khi nó dỡ hổng lên những tảng đá to như những cái giá đỡ quan tài, và những cây lớn đứng ngả nghiêng. Chúng bị quét thẳng từ đất tung lên trời và thay vì lại rơi xuống, chúng vỡ ra từng mảnh và chấm dứt hiện hữu.

61. Rồi cuối cùng gió nổi lên từ dưới quả đất lớn và lật ngược quả đất lại, ném nó vào hư không. Ðất vỡ ra từng mảnh hàng trăm ký, hai, ba, bốn, năm trăm lý, và chúng bị tung lên hư không, tại đó chúng tan rã và chấm dứt. Những ngọn núi của quả đất và núi Tu di bị văng tung lên hư không, ở đấy chúng va chạm nhau cho đến khi vỡ tan thành bụi và biến mất. Cứ thế gió phá hủy những cung điện xây trên đất và trên hư không, phá hủy sáu cõi trời ở Dục giới, và một trăm ngàn triệu thế giới hệ. Rồi địa cầu chạm nhau với địa cầu, núi Hy ma chạm nhau với Hy ma, Tu di với Tu di, cho đến khi chúng bị vỡ tan tành và biến mất.

62. Gió chiếm hữu mọi sự từ đất cho đến cõi thiền thứ ba. Tại đấy, sau khi phá hủy ba Phạm giới, nó ngừng lại ở Quảng quả thiên. Khi nó đã phá hủy tất cả pháp hữu vi với cách ấy nó cũng kiệt sức luôn. Rồi mọi sự xảy ra như đã tả ở trên “Thượng tầng cũng như hạ tầng không khí đều bao trùm trong một bóng tối bao la…” (đ. 41). Nhưng ở đây thế giới bắt đầu xuất hiện ở cõi Biến tịnh thiên. Và chúng sinh sa đọa ở cõi quảng quả thiên được tái sinh tại những nơi khởi đầu bằng cõi Biến tịnh thiên.

63. Ở đây, giai đoạn từ lúc đám mây lớn báo hiệu kiếp hoại cho đến khi ngọn gió thời kiếp hoại chấm dứt là một vô số kiếp. Thời gian từ khi gió ngưng đến khi đám mây lớn báo hiệu phục sinh là một vô số kiếp thứ hai… Bốn vô số kiếp này làm thành một đại kiếp. Ðây là cách kiếp hoại bởi gió và sự phục sinh cần được hiểu.

64. Vì lý do nào có kiếp hoại theo kiểu đó? Ba bất thiện là lý do. Khi bất cứ căn nào trong ba bất thiện căn này nổi bật thì thế giới bị tiêu hủy theo cách đó. Khi tham nổi bật thế giới bị hoại bởi lửa. Khi sân nổi bật thế giới bị hoại bởi nước – mặc dù có người nói rằng thế giới hoại vì lửa khi sân nổi bật, và vì nước khi tham nổi bật – Và khi si nổi bật, thì nó bị hoại bởi gió.

65. Mặc dù nó đã bị tiêu hủy như vậy, nó còn bị tiêu hủy đến bảy lần liên tiếp bằng lửa và tám lần bởi nước, rồi lại bảy lần lửa, tám lần nước khác, và sau khi nó đã bị tiêu hủy bảy lần bởi nước đến vòng thứ tám, nó lại bị bảy lần tiêu hủy vì lửa. Như thế đến sáu mươi ba đại kiếp trôi qua. Và bây giờ gió thừa cơ chiếm đoạt phiên phá hủy của nước, và trong khi tiêu hủy thế giới, nó làm cho cõi Biến tịnh thiên tan tành, nơi mà đời sống thọ đến sáu mươi bốn đại kiếp.

66. Bây giờ, khi một Tỳ kheo có thể nhớ đến những đại kiếp như nhớ đời trước của mình, thì về những đại kiếp như thế, vị ấy nhớ nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại kiếp và thành kiếp. Nhớ như thế nào? Như “Ở, tại đấy ta…”.

“Tại đấy, ta”: Trong hoại kiếp đó, ta ở trong loài hữu nào, thời đại nào, sanh thú nào, v.v…

67. Tên như vậy: Là tên gọi thông thường. Chủng tộc như vậy: Là họ của tộc. Nếu vị ấy muốn nhớ tướng mạo của mình vào lúc ấy, hoặc đời sống của mình lúc ấy gian nan hay nhàn nhã, khổ nhiều hay vui nhiều, thọ mạng dài hay ngắn, vị ấy cũng có thể nhớ được. Bởi vậy kinh nói: “Với tướng như vậy… thọ mạng như vậy”.

68. Ở đây, tướng như vậy có nghĩa là trắng hay đen. Ðồ ăn như vậy: ăn cơm trắng với thịt làm thức ăn, hay lấy trái cây do gió làm rụng mà ăn. “Thọ khổ lạc như vậy” có đủ kinh nghiệm đủ màu sắc về thân lạc khổ và tâm lạc khổ được kể là thuộc thế gian hay không thuộc thế gian v.v… “Thọ mạng như vậy”: Với thọ mạng là một trăm năm hay thọ mạng tám mươi bốn ngàn đại kiếp.

69. Và sau khi chết tại đây, ta tái sinh ở chỗ khác: Sau khi chết từ cõi ấy, thời đại ấy, sanh thú ấy, thức thú ấy (station – consciousness, vinnànatthiti), hữu tình cư (sattàvàsa) ấy hay bộ loại hữu tình ấy.

70. Lại nữa, câu “Tại đây ta có…”ám chỉ sự nhớ lại của một người có thể nhớ lại một thời điểm lùi xa bao nhiêu cũng được, và câu “Ta chết tại chỗ ấy” là nói đến sự quay trí nhớ trở về như cũ (lược)

71. “Với những nét đại cương và chi tiết”: Chi tiết, là như tên và dòng họ, đại cương như màu da v.v… (lược).

Sự giải thích về Trí túc mạng đến đây là xong.

5- Thiên Nhãn Trí: Biết Về Sống Và Chết Của Hữu Tình.

72. Về sự giải thích trí biết sự sống chết của chúng sinh, kinh văn như sau: “Vị ấy dẫn tâm, hướng tâm đến trí biết về sự chết và tái sinh của chúng sinh. Với thiên nhân thuần tịnh siêu nhân, vị ấy thấy chúng sinh chết và sinh trở lại, chịu số phận hạ liệt hay cao sang đẹp hay xấu, hạnh phúc hay bất hạnh, vị ấy hiểu biết hữu tình đi theo hạnh nghiệp của chúng: Những tôn giả chúng sinh này tạo ác nghiệp về thân, về lời và về ý, phỉ báng các bậc thánh, có tà kiến, tạo những nghiệp theo tà kiến, sau khi thân hoại mạng chung, đã sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Còn những tôn giả chúng sinh này, tạo những thiện nghiệp về thân, về lời và về ý, không phỉ báng các bậc thánh, có chánh kiến, tạo những nghiệp theo chánh kiến, sau khi thân hoại mạng chung đã sanh vào một thiện thú, thiên giới. Như vậy với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, vị ấy thấy chúng sanh chết và tái sinh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của chúng”. (D. i, 82). Ở đây “Trí biết về sự chết và tái sinh”: Cutùpatàtanànànàya: Nghĩa là, cái loại trí mà nhờ đó sự chết và tái sinh của chúng sinh được biết đến: Nghĩa là trí của thiên nhãn. Vị ấy dẫn tâm hương tâm: vừa dẫn tâm chuẩn bị và hướng tâm chuẩn bị (định chuẩn bị). “Vị ấy” là Tỳ kheo làm công việc hướng tâm dẫn tâm đó.

73. Thiên nhãn: Vì nó giống như chư thiên, vì chư thiên có thiên nhãn là cảm tính bén nhạy được phát sinh do thiện hành và không bị chướng ngại vì đàm, mật máu huyết v.v… có thể cảm thụ một đối tượng ở rất xa vì không còn cấu uế. Và con mắt này gồm trong trí, được phát sinh bởi năng lực tinh tấn tu hành của vị Tỳ kheo cũng giống như vậy, cho nên nói là “Thiên nhãn” bởi vì giống với chư thiên. Lại nữa, “Thiên” bởi vì nó đạt được nhờ phạm trú, vì nó có phạm trú làm điểm tựa cho nó. Và nó là “thiên nhãn”, vì nó chiếu ánh sáng lớn lao của sự phân biệt rõ ràng. Và nó thuộc “chư thiên” bởi vì nó có một phạm vi rộng lớn do thấy được các vật sắc đằng sau những bức tường… Nó là con mắt theo nghĩa thấy được. Lại nữa, nó là mắt theo nghĩa nó làm phận sự của con mắt. Nó “thuần tịnh”, vì nó là một nhân cho sự thanh tịnh tri kiến, do thấy được sự chết và tái sinh.

74. Một người chỉ thấy được sự chết mà không thấy tái sinh, thì chấp nhận đoạn kiến, và người chỉ có thấy tái sinh mà không thấy sự chết thì chấp nhận một quan điểm (kiến) cho rằng một chúng sinh mới xuất hiện. Nhưng vì người thấy cả hai việc ấy, thì bỏ được cả hai tà kiến nói trên, cho nên sự thấy của người đó là một cái nhân cho Kiến thanh tịnh. Và chư đệ tử Phật thấy cả hai điều ấy. Vì vậy mà trên nói “nó thuần tịnh” vì nó là nhân cho Kiến thanh tịnh.

75. Nó siêu việt con người (siêu nhân) trong sự thấy những sắc pháp bằng cách vượt phạm vi con người. Hoặc là vì nó vượt con mắt thịt của con người (lược).

76. Chết và tái sinh: Vị ấy không thể thấy chúng với thiên nhãn thật sự đang chết và đang lúc tái sinh. Nhưng ở đây “chết” là muốn nói những người sắp sửa chết và “tái sinh” là những người đã nhận kiết sanh và đã tái sinh.

77. Hạ liệt, bị khinh bỉ, bị rẻ rúng, bị miệt thị do nòi giống, bộ tộc, do tài sản v.v. do quả báo cuả si. Cao sang là ngược lại, do gặt quả báo vô si. Ðẹp: Có một bề ngoài đáng muốn, khả yù do gặt quả báo vô sân. Xấu: Có bề ngoài (tướng) khó ưa, khó chịu, khả oá vì gặt quả báo của sân. Ý nói là có tướng không đẹp mắt, vô phước. May mắn: Ði đến một thiện thú, hoặc giàu, rất giàu do gặt quả báo của vô tham. Bất hạnh: Ði đến một ác thú, hoặc nghèo, ít đồ ăn uống do gặt quả báo của tham.

78. Ði theo hạnh nghiệp của chúng: Tiến tới trước, phù hợp với những nghiệp gì đã được tích lũy. Ở đây, nhiệm vụ của thiên nhãn được mô tả bằng từ ngữ đầu: “Thấy sự chết và tái sinh” còn nhiệm vụ của trí biết đi theo nghiệp thì được mô tả bằng câu cuối cùng này.

79. Thứ tự theo đó trí ấy khởi lên như sau. Ở đây, một Tỳ kheo trải ánh sáng chếch xuống hướng địa ngục thống khổ lớn. Sự thấy đó chỉ là nhiệm vụ của thiên nhãn. Vị ấy chú ý đến nó như sau: “Sau khi làm những nghiệp gì mà những chúng sinh này chịu khổ thế này?” Rồi trí có những nghiệp ấy là đối tượng khởi lên trong vị ấy như sau: “Chính là sau khi làm nghiệp này”. Cũng vậy, vị ấy trải ánh sáng lên phương trên về hướng cõi trời Dục giới, và thấy chúng sinh trong động Nandana, động missaka, động phàrusaka, v.v… đang thọ hưởng những hạnh phúc lớn, cảnh tượng đó chỉ là nhiệm vụ của thiên nhãn. Vị ấy chú ý đến nó như sau: “Sau khi làm những nghiệp gì mà những chúng sanh này thọ hưởng may mắn này?”. Khi ấy trí có những hành nghiệp ấy làm đối tượng, khởi lên nơi vị ấy. “Chính là sau khi làm nghiệp này”. Ðây gọi là trí biết hành nghiệp của chúng sinh”.

80. Không có công việc chuẩn bị đặc biệt nào cho trí này. Và cũng vậy trong trường hợp trí biết về tương lai vì chúng đều có thiên nhãn làm căn cứ, và sự thành công của chúng (trí biết quá khứ tương lai) đều tùy thuộc thành công của thiên nhãn.

81. Làm ác hạnh về thân, v.v… do vì nó bị thối tha bởi cấu uế, nên gọi là ác hành. Ác hành phát sanh qua phương tiện thân thể, hoặc ác hành đã phát sinh do thân thì gọi là ác hành về thân. Cũng vậy với khẩu, ý.

82. Phỉ báng các bậc thánh: Muốn hại đến cho những bậc thánh, gồm Phật, Ðộc giác, và Thanh văn đệ tử, hoặc những gia chủ đã chứng Dự lưu. Phỉ báng bằng những lời buộc tội tệ nhất, hoặc bằng cách phủ nhận những đức tính đặc biệt của các vị ấy.

83. Ở đây, cần hiểu rằng khi chúng nói “Chúng không có Sa môn hạnh, không phải là Sa môn hạnh, không phải là Sa môn”, như vậy là phỉ báng bằng những lời buộc tội tệ nhất, và khi nói: “Những vị ấy không có thiền, hay giải thoát, hay giải thoát đạo v.v… Như vậy là phỉ báng bằng cách phủ nhận những đức tính đặc biệt nơi những vị ấy. Và dù làm cố ý hay vô tình, trong cả hai trường hợp đều là phỉ báng các bậc thánh, đó là nghiệp nặng giống như nghiệp có quả báo tức thì, và đó là một chướng ngại vừa cho (sự sanh lên) cõi trời, vừa cho đạo lộ. Nhưng nó còn có thể cứu chữa.

84. Câu chuyện sau đây cần được hiểu để làm sáng tỏ điều này. Một vị thượng tọa trưởng lão và một niên thiếu Tỳ kheo đi khất thực trong một khu làng. Tới nhà đầu tiên họ được cho một muỗng cháo nóng. Vị trưởng lão bị đau bụng gió nghĩ: “Cháo này sẽ tốt cho ta! Ta sẽ uống kẻo nó nguội mất”. Người ta mang ra một chiếc ghế đẩu cho Ngài ngồi ở ngưỡng cửa để uống. Vị kia chán ngấy và bảo ông già này đã để cho cơn đói thắng lướt, và đã làm một điều đáng lẽ ông phải hổ thẹn. Vị trưởng lão đi khất thực tiếp và khi trở về tu viện, ông hỏi niên thiếu Tỳ kheo: “Hiền giả, hiền giả đã có chân đứng nào trong giáo pháp này chưa?” – “Vâng, bạch đại đưc, con là một bậc Dự lưu”. – Vậy, này hiền giả, đừng hòng lên đạo lộ nào cao hơn, vì ông đã phỉ báng một người đã đoạn tận lậu hoặc. Vị niên thiếu Tỳ kheo xin lỗi vị trưởng lão, và nhờ vậy được phục hồi tình trạng cũ.

85. Bởi vậy, một người phỉ báng một bậc thánh, dù vị ấy cũng là một bậc thánh đi nữa, thì cũng phải đi đến bậc thánh kia, nếu vị ấy lớn hơn thì nên ngồi sụp xuống mà xin lỗi như sau: “tôi đã nói những điều như vậy với hiền giả, xin hiền giả tha thứ cho tôi”. Nếu vị ấy nhỏ hơn, thì phải làm lễ, chắp tay mà bạch: “Bạch Ðại Ðức xin tha thứ cho con”. Nếu người kia đã đi xa, thì phải xin lỗi bằng cách thân hành đi đến vị ấy, hoặc nhờ một người đồng trú đi đến.

86. Nếu vị ấy không thể đích thân đi hay nhờ người đi, thì nên đến các Tỳ kheo ở trong Tu viện, ngồi xuống nếu những vị này nhỏ hơn, đảnh lễ nếu lớn hơn, mà xin lỗi như sau: “Bạch đại đức, Tôi có nói những lời như vậy với một đại đức như vậy, xin đại đức ấy tha thứ cho tôi”. Và điều này cũng nên làm khi không thể xin lỗi trước mặt vị đó”.

87. Nếu đó là một Tỳ kheo lang thang và không thể tìm ra ông ta ở đâu, đi đâu, thì nên đến một vị Tỳ kheo có trí và nói: “Bạch đại đức tôi đã nói như vậy với một vị đại đức tên ấy. Khi nhớ lại tôi rất hối hận. Tôi phải làm sao?” – Vị kia nên bảo: “Ðừng nghĩ đến điều đó nữa. Vị đại đức tha thứ cho ngươi. Hãy an tâm”. Khi ấy người xin lỗi nên chắp tay hướng về phía bậc thánh kia đã ra đi và nói “tha lỗi cho tôi”.

88. Nếu bậc thánh đã nhập Niết bàn, vị ấy phải đi đến nơi đặt cái gường mà trên ấy bậc thánh đã chết, và đi cho đến nghĩa địa để xin lỗi. Khi đã làm điều ấy, thì không còn chướng ngại cho cõi trời hay cho đạo lộ nữa. Vị ấy trở thành người như trước (khi chưa phạm lỗi phỉ báng).

89. Có tà kiến: Là có trí kiến cong quẹo. Người làm những nghiệp theo tà kiến: Tạo những nghiệp đủ loại, do tà kiến mà có, hoặc xíu dục kẻ khác làm các thân nghiệp v.v… do tà kiến làm căn để. Ở đây, mặc dù phỉ báng các bậc thánh đã được bao gồm trong tà nghiệp về ngữ, và tà kiến đã gồm trong tà nghiệp về ý. Tuy vậy, có thể hiểu rằng hai nghiệp này được nói lại cốt để nhấn mạnh tính cách chịu quả báo lớn lao của nó.

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.