Thanh Tịnh Đạo – Chương XVII

280. Nhưng khi vô minh thành, vì các duyên của nó có mặt, và khi “Do vô minh có hành, do hành có thức”… thì không có chổ tận cùng cho cái chuỗi dài nhân quả ấy. Do vậy, bánh xe sanh tử gồm 12 chi phần xoay vần với sự nối tiếp nhân quả, được xem là “không biết được mối đầu.”

281. Sự tình đã là như vậy, thì phải chăng các câu “Vô minh duyên hành” chỉ trình bày một đầu mối thôi, là mâu thuẩn? – Ðây không phải chỉ là trình bày một mối đầu duy nhất, mà là trình bày một pháp căn để (xem đoạn 107). Vì vô minh là pháp căn để tạo nên ba luân (the three rounds, ba vòng tròn. Xem đoạn 298). Vì tóm lấy vô minh mà kẻ ngu bị vướng trong vòng nhiễm ô hoặc nghiệp khổ, cũng như kẻ vi nắm đầu rắn mà cánh tay bị toàn thân rắn quấn. Nhưng khi cắt đứt được vô minh, thì thoát khỏi các phiền não khác, cũng như người bị rắn quấn thoát những khoanh tròn của mình con rắn, khi đầu rắn đã bị đứt. Bởi thế, đây là trình bày cái pháp căn để mà ai nắm lấy nó thì bị hệ lụy, ai buông nó ra thì được giải thoát, chứ không phải là sự trình bày một mối đầu duy nhất.

Ðấy là giải thích thế nào Bánh xe sanh tử cần được hiểu là không có mối đầu.

282. Bánh xe sanh tử này chính là sự sanh khởi của hành do duyên vô minh, của thức do duyên hành, vân vân. Do vậy, nó không có một người chế tạo kèm theo nó, kiểu như một Phạm thiên được phỏng đoán là “Ðấng tối cao, Sáng tạo chủ” (D. i, 18) thi hành nhiệm vụ tạo nên bánh xe sanh tử. Nó cũng không có một tự ngã kể như con người cảm thọ lạc khổ, theo kiểu: “chính tự ngã này của tôi nói năng, cảm giác“(M. i, 8).

283. Tuy thế, vô minh cũng như các chi phần khác, là không trường tồn vì bản chất nó là sinh diệt, nó không đẹp vì nó nhiễm ô và sanh ra nhiễm ô, nó không vui vì bị bức bách bởi sinh diệt, nó không có ngã tánh có thể thi hành quyền năng, vì nó hiện hữu tùy thuộc vào các điều kiện. Hoặc, vô minh cũng như các chi phần khác, là không phải tôi, không phải của tôi, không phải ở trong tôi, cũng không sở hữu một cái tôi. Thế cho nên Bánh xe sanh tử này cần được hiểu là “trống rỗng với 12 kiểu rỗng”.

2. Ba Thời

284.

Sau khi biết điều ấy, cần thêm rằng
Gốc rễ của bánh xe là vô minh và ái dục.
Thời của nó là quá khứ hiện tại vị lai
Thuộc về các thời này là
Hai, tám và hai, trong 12 chi ấy.

285. Hai pháp, vô minh và ái, cần hiểu là gốc rễ bánh xe sanh tử này. Về xuất xứ từ quá khứ, thì vô minh là gốc và thọ là ngọn. Về sự tiếp tục ở vị lai, thì ái là gốc, già chết là ngọn. Như vậy có hai khía cạnh.

286. Khía cạnh đầu áp dụng cho người thuộc tánh tà kiến, cái sau áp dụng cho người nhiều tham. Vì trong vòng tái sanh, vô minh dẫn những kẻ tà kiến, và ái dẫn những kẻ nhiều tham. Hoặc, nói gốc vô minh là để trừ đoạn kiến, vì do sự hiển nhiên của quả, nó chứng tỏ nhân không mất, và nói gốc ái là để trừ thường kiến, vì nó chứng tỏ có sanh là có già chết. Hoặc gốc vô minh nói đến hài nhi trong thai, để chỉ rõ sự sanh khởi tuần tự các căn, gốc ái nói về một hóa sanh, vì các căn của chúng đồng thời xuất hiện.

287. Quá khứ hiện tại vị lai là ba thời của Bánh xe. Về ba thời này, cần hiểu rằng, theo kinh điển, thì vô minh hành thuộc quá khứ, tám chi (thức, danh sắc… ) kế tiếp thuộc hiện tại, và hai chi cuối (sanh, già chết) thuộc vị lai.

3. Nhân Và Quả

288.

Lại nữa, cần hiểu rằng
Bánh xe có ba liên hệ nhân-quả-nhân
Làm những phần đầu, và bốn đoạn khác nhau,
Các căm xe là 20 đặc tính.
Với vòng gồm ba, nó quay bất tận.

289. Ở đây, giữa hành và kiết sanh thức có một liên hệ nhân-quả. Giữa thọ và ái có một liên hệ quả-nhân. Và giữa hữu và sanh có một liên hệ nhân-quả. Ðây là ý nghĩa câu: “Bánh xe có ba liên hệ nhân-quả-nhân làm những phần đầu.”

290. Nhưng có bốn đoạn được ấn định bởi đầu và cuối của những liên hệ trên, nghĩa là vô minh hành là một đoạn, thức – danh sắc – sáu xứ – xúc – thọ là đoạn hai, ái-thủ-hữu là đoạn ba. Và sanh-già-chết là đoạn thứ tư.

291. Lại nữa,

Có năm nhân ở quá khứ
Hiện tại có 5 quả
Bây giờ cũng có 5 nhân
Và trong tương lai, năm quả

Chính 20 căm xe được gọi là 5 đặc tính này, là ý nghĩa câu trong bài kệ ở đoạn 288.

292. Có 5 nhân ở quá khứ: đầu tiên chỉ có 2 là vô minh, hành được nói. Nhưng một kẻ ngu (vô minh) thì khao khát, khi khao khát thì chấp thủ, và do duyên chấp thủ có hữu (tái sanh, trở thành). Bởi thế, ái, thủ, hữu cũng bao hàm trong vô minh. Do đó nói “trong nghiệp hữu tiền kiếp, có vọng tưởng, tức vô minh, có tích lũy, tức hành, có bám víu, tức ái, có ôm giữ, tức thủ, có ý hướng, tức hữu. Như vậy,5 pháp này trong nghiệp hữu tiền kiếp là duyên cho kiết sanh trong hữu hiện tại. (Ps. i, 52).

293. Trong nghiệp hữu tiền kiếp có nghĩa là trong nghiệp đã được làm đời trước. “Có vọng tưởng, tức vô minh”: có nghĩa là cái vọng tưởng về khổ v.v… lúc xưa, vì bị nó lừa dối mà con người làm các nghiệp, thì gọi là vô minh. “Có tích lũy, tức hành” là các hành (tư tâm sở) khởi lên nơi người chuẩn bị một món quà, sau khi có ý nghĩ tặng ai một món quà. Còn cái ý hành nơi người đang thực sự đặt quà vào tay người nhận, thì gọi là “hữu”.

Hoặc, hành tích lũy trong sáu tốc hành tâm trước của một tác ý 1 hành, tốc hành tâm thứ bảy là hữu. Hoặc, bất cứ hành nào là hữu, còn sự tích lũy tương ưng là hành.

Có sự bám víu tức áinghĩa là, nơi một người tạo nghiệp, thì bất cứ ràng buộc, khao khát nào đối với quả báo, kể như sanh hữu, gọi là ái. Có sự ôm giữ, là thủ:

Sự ôm giữ, tóm lấy, liên kết, là một duyên cho nghiệp hữu xảy ra như sau: “Do làm nghiệp này, ta sẽ duy trì, hay đoạn dục ái ở chỗ này chỗ nọ”. Ðó gọi là thủ. “Có hành, tức hữu” nghĩa là loại hành đã nói ở cuối câu đề cập đến sự tích lũy ở trên.

294. “Và bây giờ có 5 quả” có nghĩa là năm chi trong kinh văn: thức, danh sắc, sáu xứ, thọ, như Patisambhidà nói: “Trong hữu hiện tại, có kiết sanh là thức, có nhập thai, là danh sắc, có cảm tính, tức xúc xứ, có cái được chạm là xúc, cái được cảm giác, là thọ, như vậy có năm pháp này trong sanh hữu hiện tại, có những duyên của chúng là nghiệp đã làm trong quá khứ. (Ps. i, 52)

295. Có kiết sanh, tức thức: thức được gọi là kiết sanh, vì nó khởi lên nối liền với hữu kế tiếp. “Có nhập thai, tức danh sắc”: các sắc pháp và vô sắc đi vào trong thai là danh sắc. “Có cảm tính, tức xúc xứ” chỉ mắt tai mũi lưỡi thân. “Có cái bị xúc, tức xúc”: Xúc là cái khởi lên khi một vật được chạm. “Có cái được cảm giác, tức thọ”: cái được cảm nhận kể như quả báo của nghiệp khởi lên cùng với kiết sanh thức, hoặc với xúc do duyên 6 xứ, thì gọi là thọ.

296. Bây giờ cũng có 5 nhân: là ái, thủ, hữu, vô minh, và hành. Ái thủ hữu được kể trong kinh. Nhưng khi hữu đư?c bao gồm, thì hành đi trước hoặc tương ưng cũng được gồm. Và đã gồm ái và thủ, thì vô minh tương ưng với chúng, do bị nó lừa dối mà con người tạo nghiệp, cũng được gồm. Vậy chúng gồm 5 pháp. Nên nói: “Ở đây, trong hữu hiện tại, với sự thuần thục của các nội xứ, có vọng tưởng, tức vô minh, có tích lũy, tức hành, có bám víu, tức ái, có ôm giữ, tức thủ, có ý hướng, tức hữu. Như vậy năm pháp này trong nghiệp hữu hiện tại là duyên cho kiết sanh thức ở vị lai.” (Ps. i, 52). Câu “Ở đây, trong hữu hiện tại, với sự thuần thục của sáu nội xứ” nêu rõ cái vọng tưởng tồn tại trong lúc tạo nghiệp, nơi một người có các căn đã thuần thục. Phần còn lại đã rõ nghĩa.

297. Và trong tương lai 5 quả: là 5 chi khởi từ thức. Những món này được diễn tả bằng một chữ sanh, nhưng già chết là già chết của 5 món này. Do đó mà nói: “Trong tương lai, có kiết sanh là thức, có nhập thai, là danh sắc, có cảm tính, là xúc xứ, có cái được chạm, là xúc, có cái được cảm giác, là thọ, như vậy 5 món này trong sanh hữu tương lai có duyên của chúng là nghiệp được làm trong hữu hiện tại.” (Ps.i, 52). Vậy bánh xe sanh tử này có 20 căm xe là những đặc tính trên.

298. Với ba vòng nó quay bất tận (đ 288): Ở đây, hành và hữu là cái vòng nghiệp, vô minh ái thủ là cái vòng hoặc, thức danh sắc sáu xứ xúc thọ là cái vòng quả báo. Bánh xe sanh tử có ba vòng ấy quay mãi, vì các duyên chưa dứt khi hoặc chưa dứt.

4. Linh Tinh

299.

Khi nó quay như vậy,
Về nguồn gốc trong bốn chân lý,
về nhiệm vụ, sự đề phòng, thí dụ,
Các loại sâu xa và những phương pháp,
Những điều trên cần được biết.

300. Giải: Về nguồn gốc trong 4 chân lý: Thiện nghiệp và bất thiện nghiệp được nói trong Saccuvibhanga (Vbh. 106) không phân biệt, đều là nguồn gốc của khổ, và như vậy, hành do duyên vô minh được nói trong câu “Do duyên vô minh, có hành“, thuộc chân lý thứ hai, với chân lý thứ hai làm nguồn gốc. Thức do hành, thuộc chân lý thứ nhất, với chân lý thứ hai làm nguồn gốc. Các món từ danh sắc đến dị thục thọ, thuộc chân lý thứ nhất, với chân lý thứ nhất làm nguồn gốc. Ái thuộc chân lý thứ hai, với chân lý thứ hai làm nguồn gốc. Thủ thuộc chân lý thứ hai, với chân lý thứ hai làm nguồn gốc. Hữu thuộc chân lý thứ nhất và thứ hai, với chân lý thứ hai làm nguồn gốc. Sanh là chân lý thứ nhất, với chân lý thứ hai làm nguồn gốc. Già chết do sanh thuộc chân lý thứ nhất, với chân lý thứ nhất làm nguồn gốc.

Ðấy là thế nào Bánh xe sanh tử cần được hiểu về phương diện “nguồn gốc trong bốn chân lý”.

301. Về nhiệm vụ, vô minh làm cho các hữu tình rối ren về các đối tượng của dục, và là một duyên cho sự biểu hiện các hành; cũng vậy hành (nghiệp) tạo các hữu vi, là một duyên cho thức, thức nhận biết sự vật là một duyên cho danh sắc, danh sắc củng cố lẫn nhau và là duyên cho sáu xứ, sáu (nội) xứ sanh tương ưng với sáu ngoại xứ và là duyên cho xúc. Xúc chạm đối vật và là duyên cho thọ, thọ kinh nghiệm kích thích của ngoại trần và là duyên cho ái, ái khát khao các đối tượng gọi tham dục và là duyên cho thủ, thủ bám lấy sự vật gợi tình vào các loại sanh, thú khác nhau, là duyên cho sanh, sanh tạo ra các uẩn là duyên cho già chết, già chết bảo đảm sự tan rã các uẩn, là duyên cho sự biểu hiện của hữu kế tiếp, vì nó kéo theo sầu bi…

[Chú thích: Sầu bi… được kể vào vô minh, nhưng tử tâm không có vô minh, hành, nên không là duyên cho hữu kế tiếp, do đó nói “vì nó kéo theo sầu bi”… — Pm. 640].

Vậy Bánh xe sanh tử này cần được hiểu là xảy ra theo hai lối về nhiệm vụ thích ứng với mỗi phần của nó.

302. Về sự đề phòng: Mệnh đề “Vô minh duyên hành” thiết lập để khỏi thấy có người tạo tác, “Hành duyên thức” khởi thấy sự luân chuyển của một tự ngã. “Thức duyên danh sắc” để khởi có ảo tưởng về sự bền chắc, vì nó phân tích rõ căn đế của cái được đoán mò là tự ngã. Những mệnh đề khởi từ “Danh sắc duyên sáu xứ” trở đi ngăn chận sự thấy cái tự ngã nhìn, nghe, ngửi, nếm, nhận thức, xúc, cảm thọ, khát ái, chấp thủ, trở thành sanh, già, chết. Vậy Bánh xe sanh tử này cần được hiểu là ngăn ngừa sự thấy sai, tùy trường hợp.

303. Về thí dụ: Vô minh như người mù, vì không thấy được đặc tính chung và riêng của các pháp. Hành do duyên vô minh ví như sự vấp của anh mù, thức do hành ví như sự té xuống, danh sắc do thức ví như ung nhọt sanh, sáu xứ như máu mủ tụ lại, xúc do duyên sáu xứ như đánh vào chỗ máu tụ, thọ như cơn đau do bị đánh, ái ví như sự khao khát một liều thuốc, thủ ví như vớ nhằm thứ thuốc không hợp, hữu ví như đắp vào vết thương thứ thuốc không hợp ấy, sanh ví như vết thương thành trầm trọng do xức thuốc bậy, già chết ví như ung nhọt vỡ ra sau khi biến đổi.

Hoặc, vô minh như là “không lý thuyết”, và “tà thuyết” (xem đ. 52) làm mờ mịt loài hữu tình. Kẻ ngu bị mờ mịt vì vô minh thì lao vào các hành tạo ra các hữu kế tiếp, như con tằm nhả tơ làm kén. Thức do hành dẫn, tự đặt mình vào các sanh thú, như một vương tử được vị phụ chánh lập lên ngai vua, tử tâm đoán tướng tái sanh tạo ra danh sắc với những khía cạnh khác nhau trong kiết sanh, như nhà ảo thuật tạo huyền. Sáu xưù cắm vào danh sắc mà trưởng thành, viên mãn như cụm rừng trên đất tốt, xúc sanh từ sáu xứ nội, ngoại như lửa bén khi cọ sát, thọ như người chạm lửa bị bỏng da, ái tăng nơi người cảm thọ, như khát tăng nơi kẻ uống nước muối. Một kẻ khát ái mong mỏi các loại hữu, như khát thèm nước, đó là thủ, do chấp thủ nó bám vào các hữu như cá căn câu vì ham mồi. Khi có hữu thì có sanh, như có hạt thì có mầm mộng, và già chết là điều chắc chắn khi đã sanh ra, như sự gãy đổ là cái chắc đối với cây đã mọc.

304. Các loại sâu xa: Lời Ðức Thế Tôn “Lý thuyết sinh này: này A-nan, thật sâu xa, sâu xa thay là lý duyên sanh này” (D. ii, 55) ám chỉ sự sâu sắc một là về nghĩa, hai về pháp, ba về giáo lý, bốn về sự thâm nhập. Như vậy là các loại sâu xa cần được hiểu về Bánh xe sanh tử.

305. Ý nghĩa “già chết do sanh” là sâu xa, vì khó hiểu thấu nguồn gốc già chết: Già chết không xuất phát từ sanh, mà nếu không phải từ sanh, thì cũng không từ một cái gì khác; già chết chỉ khởi từ sanh với độc một tính chất già chết mà thôi. Ý nghĩa của sanh do duyên hữu vân vân, cho đến hành do duyên vô minh cũng vậy. Bởi thế, Bánh xe sanh tử là sâu sắc về nghĩa. Ðây là sự sâu xa về ý nghĩa, vì chính quả của một cái nhân được gọi là nghĩa, như Vibhanga nói: “Trí biết về quả của một nhân thì gọi là biện tài về nghĩa“(Vbh. 293).

306. Ý nghĩa của vô minh làm duyên cho hành là sâu xa, vì thật khó hiểu nỗi theo sắc thái nào, vào cơ hội nào, vô minh là duyên cho các hành đủ loại… Ý nghĩa của sanh duên già chết cũng sâu xa tương tự như thế. Cho nên Bánh xe sanh tử là sâu xa về pháp. Ðấy gọi là sự sâu xa về pháp, vì pháp chỉ cho nguyên nhân, như Vibhanga nói: “Trí biết về nhân là biện tài về pháp”.

307. Giáo lý duyên khởi này lại sâu xa ở chỗ nó cần được giảng theo nhiều cách, vì nhiều lý do, và chỉ có bậc toàn tri mới hoàn toàn an lập trong giáo lý ấy. Trong kinh điển, lý duyên khởi khi thì được dạy theo chiều thuận, khi lại theo chiều nghịch, và có khi cả thuận lẫn nghịch. Chỗ thì theo chiều thuận hay nghịch khởi từ chặng giữa, chỗ thì chia làm bốn đoạn với ba chỗ nối, chỗ chia ba đoạn với hai chỗ nối, chỗ chia hai đoạn với một nối. Do vậy nói Bánh xe sanh tử là sâu xa về cách giảng dạy. Ðấy là tính cách sâu xa về giáo lý.

308. Kế tiếp, các tự tánh của vô minh, vân vân, nhờ thâm nhập chúng mà người ta thấu hiểu đúng các đặc tính, là sâu xa vì chúng khó dò. Vì thế mà nói Bánh xe sanh tử này là sâu xa về sự thâm nhập. Vì ở đây ý nghĩa của vô minh kể như sự không biết, không thấy, không thâm nhập, các chân lý, ý nghĩa ấy là sâu xa. Cũng sâu xa như vậy, ý nghĩa của hành kể như tạo tác, tích lũy có tham hay không tham. Cũng sâu xa như vậy, ý nghĩa của thức kể như trống rỗng, biểu hiện kiết sanh chứ không phải “luân hồi”. Cũng sâu xa như vậy, ý nghĩa danh sắc là đồng thời sanh khởi, kể như có uẩn hay không, nghiêng về một đối tượng và bị quấy nhiễu. Cũng sâu xa như vậy, ý nghĩa của sáu xứ là ưu thắng, thế gian, cửa, lĩnh vực và sở hữu các đối tượng. Cũng sâu xa như vậy, là ý nghĩa của xúc kể như sờ chạm, tiếp xúc, ngẫu hợp, gặp gỡ. Cũng sâu xa như vậy, ý nghĩa của thọ kể như sự nếm trải kích thích của một đối tượng lạc, khổ hay lưng chừng, kể như vô ngã, kể như cái được cảm giác. Cũng sâu xa như vậy là ý nghĩa của ái kể như sự thích thú, sự dấn mình, như dòng nước, như cỏ dại, như dòng sông, như biển ái, như cái không thể làm đầy. Cũng sâu xa như vậy, là ý nghĩa của thuû kể như sự nắm bắt, chộp lấy, tà giải, dính mắc, và khó vượt qua. Cũng sâu xa như vậy là ý nghĩa của hữu kể như tích lũy, tạo tác, lao vào các loại sanh, thú, trú và hữu tình cư. Cũng sâu xa như vậy là ý nghĩa cũa sanh kể như sự ra đời, nhập thai, tái sanh, hiển hiện. Cũng sâu xa như vậy là ý nghĩa của già chết kể như hoại diệt, rơi rụng, tan rã, biến đổi. Ðây là sự sâu xa về thâm nhập.

309. Lại nữa, có bốn phương pháp đề cập ý nghĩa, là phương pháp Ðồng nhất, phương pháp Dị biệt, phương pháp Vô can và phương pháp Quy luật không thể tránh. Như vậy, Bánh xe sanh tử còn phải được hiểu về phương diện này.

310. Sư không gián đoạn trong dòng tương tục “Vô minh duyên hành, hành duyên thức… “như tình trạng hạt giống thành mầm, mầm thành cây, … gọi là phương pháp Ðồng nhất. Một người thấy một cách chân chánh điều này, thì bỏ được đoạn kiến, nhờ hiểu tính cách không gián đoạn của dòng tương tục nhân quả. Người thấy sai thì bám lấy thường kiến do thấy đồng nhất trong dòng tương tục không gián đoạn qua dây chuyền nhân quả này.

311. Sự định rõ tự tánh của vô minh vân vân, gọi là phương pháp Dị biệt. Người thấy chân chánh điều này thì bỏ được thường kiến do thấy sự sanh khởi cũa từng chi phần mới. Và người nào thấy sai thì chấp đoạn kiến do nắm lấy từng cái dị biệt trong chỗi biến cố tương tục, xem như có gián đoạn.

312. Sự vắng mặt của tính cách “hữu ý” nơi vô minh, v.v… Chẳng hạn, vô mih không nghĩ rằng, hành phải sanh từ nơi ta, hay hành cũng không nghĩ “thức phải do ta sanh’, v.v… gọi là phương pháp Vô can. Người thấy được điều này thì bỏ được ngã kiến do hiểu rằng không có người tạo tác. Thấy sai thì chấp thủ tà kiến “Không có quả báo các nghiệp thiện ác”, vì không thấy vận hành nhân quả từ vô minh, v.v… được thành lập như một định luật bởi những tự tính của chúng.

313. Sự phát sanh của hành do duyên vô minh, không do gì khác, của thức do hành, không gì khác, v.v… như ván sanh từ sữa không đâu khác, gọi là phương pháp Quy luật tất yếu không thể tranh. Người thấy điều này thì bỏ được tà kiến vô nhân và tà kiến “không có quả báo các nghiệp” nhờ hiểu rõ thế nào quả phù hợp với duyên sanh ra nó. Người thấy sai, chấp rằng không có cái gì sanh từ cái gì, thay vì hiểu rằng quả sanh phù hợp với duyên của nó, thì bám vào tà kiến vô nhân và thuyết định mệnh.

Vậy Bánh xe sanh tử này
Về nguồn gốc trong bốn chân lý
Về nhiệm vụ, ngăn ngừa, ẩn dụ,
Các loại sâu xa, và phương pháp,
Cần được biết như trên.

This entry was posted in Kinh Pháp, Phật Giáo. Bookmark the permalink.