THE PATH OF PURIFICATION – VISUDDHIMAGGA
Luận Sư: Bhadantacariya Buddhaghosa – Chuyển Dịch Từ Pàli Sang Anh Ngữ: Trưởng Lão Nanamoli
– Chuyển Dịch Từ Anh Ngữ Sang Việt Ngữ: Thích Nữ Trí Hải
Phần III: Tuệ
CHƯƠNG XXIII – CÁC LỢI ÍCH TRONG SỰ TU TUỆ
(Pannàbhàvanànisamsa-niddesa)
1. Gì Là Những Lợi Ích Trong Sự Tu Tuệ?
(xem Ch. XIV, đoạn 1)
Có hàng trăm lợi ích không thể nào nói cho xiết, nhưng vắn tắt là những điểm này:(A) Tẩy trừ các cấu uế đủ loại; (B) Nếm vị ngọt của thánh quả; (C) Có khả năng đạt đến tận diệt; và (D) Xứng đáng được cúng dường, v.v…
A. Tẩy Trừ Phiền Não
2. Một trong những lợi ích của tu tập tuệ thuộc thế gian là sự tẩy trừ các ô nhiễm đủ loại, khởi đầu là thân kiến. Việc này bắt đầu bằng sự phân biệt danh sắc. Và một trong những lợi ích của tu tập tuệ xuất thế là tẩy trừ, vào sát-na đạo lộ, những ô nhiễm đủ loại kể từ những kiết sử.
Như sét đánh tan tảng đá
Như gió tạt lửa cháy rừng
như mặt trời xua tan bóng tối
cũng vậy tuệ được tu tập
đoạn tận rừng phiền não thâm căn
nguồn gốc mọi khổ sầu
đấy hạnh phúc ngay đời này
mà con người có thể biết đến.
B. Nếm Vị Ngọt Của Thánh Quả
3. Không những tẩy trừ phiền não, tuệ tu tập còn có lợi ích là được vị ngọt của thánh quả. Quả Dự lưu v.v…, kết quả cuả sa môn hạnh được gọi là thánh quả. Vị ngọt của nó được nếm khi tuệ sanh khởi trong lộ trình đạo tâm và quả tâm. Tuệ sanh trong lộ trình tâm thuộc đạo đã được trình bày (Ch. XXII).
4. Có người nói rằng quả chỉ là sự đoạn trừ các kiết sử, không gì khác, nhưng đoạn kinh sau đây có thể trích dẫn để cho người ấy thấy họ đã sai:”Thế nào tuệ tịnh chỉ các nổ lực là trí về quả? Vào sát-na thuộc Dự lưu đạo, chánh kiến theo nghĩa thấy ngoi lên khỏi tà kiến, khỏi những ô nhiễm và các uẩn do tà kiến sanh. Bên ngoài, nó ngoi lên khỏi tất cả tướng. Chánh kiến sanh vì sự tịnh chỉ của nổ lực ấy. Ðây là quả của đạo lộ” (Ps. i, 71), và điều này cần trích dẫn chi tiết. Lại nữa những đoạn như: “Bốn đạo và bốn quả, các pháp này có một đối tượng vô lượng.” (Ptn.1, ii, 227, bản Miến điện) những câu này thiết lập nên ý nghĩa ở đây.
5. Tuy nhiên, muốn chứng minh thế nào tuệ sanh khi chứng quả, có loạt vấn đề sau đây:
(i) Gì là đắc quả?
(ii) Ai đắc quả?
(iii) Ai không đắc quả?
(iv) Tại sao họ đắc quả?
(v) Sự đắc quả xảy ra như thế nào?
(vi) Ðịnh chứng kéo dài như thế nào?
(vii) Sự xuất định xảy ra thế nào?
(viii) Sau quả là gì?
(ix) Trước quả là gì?
6. (i) Gì là sự đắc quả? Ðó là diệt định, tức thánh quả.
(ii) Ai đắc quả? (iii) Ai không đắc?Không phàm phu nào đắc quả được, việc ấy vượt ngoài tầm cuả phàm phu. Chỉ có các bậc thánh đắc quả, vì ở trong tầm của thánh. Những vị đã đạt đến một đạo lộ cao không đắc một quả thấp hơn đạo lộ, vì trạng thái của mỗi Vị tuần tự thanh tịnh hơn bậc ở dưới. Và những người chỉ đạt đến một đạo lộ thấp cũng không đắc quả cao hơn đạo lộ, vì nó vượt ngoài tầm. Mỗi người chỉ đắc quả thuộc đạo lộ cuả mình. Ðây là những điểm đã được đồng ý.
7. Nhưng có một vài người bảo rằng, bậc Dự lưu và Nhất lai không chứng, mà chỉ có hai bậc trên chứng quả, chỉ vì hai bực này mới viên mãn về định. Nhưng đó không phải là lý do, bởi vì ngay cả những phàm phu cũng đạt đến những loại định thế gian thuộc tầm của họ. Nhưng tại sao còn cãi lý? Trong kinh đã nói rõ:
“Mười trí chuyển tánh nào sanh khởi do tuệ?
“Với mục đích đạt dự lưu đạo, tâm vị ấy vượt khỏi sanh, v.v… não, (xem Ch. XXII, 5) và bên ngoài, vượt khỏi tướng của các hành, như vậy là trí chuyển tánh.”
“Với mục đích đắc vô tướng trú, vị ấy vượt khỏi sanh… não, và bên ngoài thì vượt khỏi tướng các hành, nên gọi là chuyển tánh” (Ps. i, 68). Từ đó, phải kết luận rằng tất cả các bậc thánh mỗi vị đều đắc quả riêng.
8. (iv) Tại sao đắc quả? Là để được hiện tại lạc trú, cũng như vua thưởng thức vương lạc và chư thiên thưởng thức thiên lạc, các bậc thánh cũng nghĩ rằng: “Ta sẽ thưởng thức thánh lạc siêu thể, và sau khi định thời gian bao lâu, những bậc thánh đạt đến các quả chứng bất cứ lúc nào họ muốn.”
[Chú thích: Mặc dù đó là các quả dị thục, song trạng thái chứng quả chỉ xảy ra nơi các bậc thánh khi nào họ muốn, bởi vì các trạng thái ấy không phải khởi lên mà không có chuẩn bị (Pm. 895) ]
9. (v) Sự chứng quả phát sinh như thế nào? (vi) Kéo dài như thế nào? (vii) Sự xuất định x?y ra làm sao?
(v) Trước hết sự chứng quả xảy ra vì hai lý do: Không tác ý một đối tượng nào ngoài Niết bàn, và tác ý đến Niết bàn, như được nói. “Hiền giả, có hai duyên cho sự đắc vô tướng giải thoát:đó là không tác ý tất cả tướng, và tác ý vô tướng giới.” (M. i, 296)
10. Tiến trình đắc quả như sau. Một bậc thánh đệ tử khi muốn tìm trạng thái đắc quả, hãy đi vào độc cư. Vị ấy phải thấy các hành bằng tuệ quán sinh diệt v.v… Khi quán tuệ đã đến giai đoạn thuận thứ thì trí chuyển tánh sanh khởi với các hành làm đối tượng.
[Chú thích: “Tại sao chuyển tánh không lấy Niết bàn làm đối tượng ở đây như khi nó đi trước đạo lộ? Bởi vì các quả tâm không tương ứng với một ngõ ra (như ở trường hợp đạo lộ) . Vì có nói: Các pháp nào là ngõ ra? Chính là bến đạo không gồm (quả)” (Pm. 895).]
Và ngay sau đó, tâm trở nên an chỉ trong diệt, cùng với sự đắc quả. Và ở đây chỉ có quả, không phải đạo, khởi lên ngay cả nơi một bậc hữu học, bởi vì khuynh hướng vị ấy là chứng quả.
11. Nhưng có vị (trong tu viện Anuradhapura) bảo rằng: Khi một bậc Dự lưu khởi sự trên đường tuệ quán, nghĩ:”Ta sẽ đạt đến trạng thái đắc quả”, thì vị ấy trở thành một bậc Nhất Lai, và một vị Nhất lai thành Bất hoàn. Nên nói với những vị ấy:”Nếu thế thì một vị Bất hoàn thành A-la-hán, và một A-la-hán thành một Bích chi Phật, và Bích chi Phật cũng thành Phật. Vì lẽ ấy, và vì nó trái với kinh văn trích dẫn ở trên, cho nên không thể chấp nhận. Chỉ có điều này được chấp nhận là: Chính quả chứ không phải đạo khởi lên ngay cả nơi một bậc hữu học. Và nếu đạo lọä vị ấy đã đạt mà có sơ thiền, thì quả vị ấy cũng có sơ thiền khi nó sanh khởi. Ðạo có nhị thiền thì quả cũng có nhị thiền. Với các thiền khác cũng vậy.
Trên đây trước hết, là nói sự đắc quả xảy ra thế nào.
12. (vi) Nó được làm kéo dài theo ba lối, do câu: “Này hiền giả, có ba duyên cho sự kéo dài của vô tướng giải thoát: Không tác ý tất cả tướng, tác ý vô tướng giới, và quyết định trước” (M. i, 296-7) . Ở đây, quyết định trước có nghĩa là định thời hạn, trước khi (nhập định) đắc quả.
[Chú thích: ví dụ, “Khi mặt trăng, hay mặt trời đã lên đến chỗ ấy, ta sẽ xuất”]
Vì do quyết định như, ta sẽ xuất vào một giờ nào đó, mà sự đắc quả kéo dài đến đó.
13. (vii) Sự xuất định( đắc quả) xảy ra theo hai lối, do câu:”Hiền giả, có hai duyên cho sự ra khỏi vô tướng giải thoát: tác ý tất cả tướng, và không tác ý đến vô tướng giới, (M. i, 297) . Ở đây, tất cả tướng là tướng sắc thọ tưởng hành thức. Dĩ nhiên, không phải tác ý tất cả đó một lượt, nhưng nói như vậy để bao gồm tất cả. Vậy, sự xuất định đắc quả phát sinh nơi hành giả khi vị ấy tác ý bất cứ gì đối tượng của hữu phần.
[Chú thích: Hành giả được xem là “Xuất khởi định đắc quả” vừa khi tâm hữu phần khởi lên, nên nói:”Vị ấy tác ý bất cứ gì làm đối tượng của hữu phần:nghiệp, v.v… gọi là đối tượng của hữu phần.” (Ch. XVII, 133)]
14. (viii) Cái gì kế tiếp quả? Quả kế tiếp quả hoặc hữu phần kế tiếp quả. (ix) Quả kế tiếp cái gì? Có 4: (a) quả kế tiếp đạo (b) quả kế tiếp quả (c) quả kế tiếp chuyển tánh, và (d) quả kế tiếp phi tưởng phi phi tưởng xứ.
(a) Quả kế tiếp đạo trong lộ trình tâm thuộc đạo, (b) Mỗi quả kế tiếp theo một quả đi trước là quả kế tiếp quả, (c) Mỗi quả đầu trong sự chứng đắc quả, là quả kế tiếp chuyển tánh, vì Patthàna nói: “Nơi vị A-la-hán, thuận thứ là một duyên kể như đẳng vô gián cho sự chứng quả. Nơi các bậc hữu học, thuận thứ là đẳng vô gián duyên cho sự chứng quả.” (Ptn. 159), (d) Quả nhờ đó có sự xuất định diệt thọ tưởng, là quả kế tiếp phi tưởng phi phi tưởng xứ.
15. Ở đây, tất cả quả trừ quả khởi lên trong lộ trình tâm thuộc đạo, sanh khởi kể như sự chứng quả. Như vậy, dù nó sanh trong lộ trình tâm thuộc đạo hay trong sự chứng quả, thì:
Quả thù thắng của sa môn hạnh,
Ðều làm tịnh chỉ tất cả ưu phiền,
Vẻ đẹp của nó xuất từ Bất tử
Sự thanh tịnh của nó do vắng bóng thế gian
Ðây là nguồn suối
Của phúc lạc thuần tịnh
Nguồn cam lộ đem lại bất tử
Nếu người trí tu tập Tuệ,
Vị ấy sẽ biết được niềm phúc lại vô song này,
Vị ngọt của thánh quả đem lại,
Cho nên người ta gọi
Cái kinh nghiệm hiện tại
Về hương vị thánh quả
Là ân sủng của Tuệ quán.
C. Khả Năng Chứng Ðắc Diệt Tận Ðịnh
16. Và lợi ích của sự tu tập tuệ không những chỉ là cái kinh nghiệm về hương vị của thánh quả, mà còn là khả năng đạt đến sự chứng định diệt thọ tướng.
17. Bây giờ, để giải thích sự chứng diệt, có loạt vấn đề:
(i) Chứng diệt là gì?
(ii) Ai chứng?
(iii) Ai không chứng?
(iv) Ở đâu có thể chứng diệt?
(v) Tại sao chứng?
(vi) Sự chứng đắc phát sinh như thế nào?
(vii) Làm thế nào để kéo dài nó?
(viii) Sự xuất định xảy ra như thế nào?
(ix) Tâm của người xuất Diệt định hướng như thế nào?
(x) Gì là sự khác nhau giữa người chứng diệt định và người chết?
(xi) Diệt định là hữu vi hay vô vi, thế gian hay siêu thế, được tạo tác hay phi sở tạo?
18. (i) Gì là sự đạt đến Diệt định? Ðó là sự không sanh khởi của tâm và tâm sở, do sự chấm dứt của chúng.
(ii) Ai đắc diệt định? (iii) Ai không đắc?Không đắc là phàm phu, Dự lưu, Nhất lai, Bất hoàn và A-la-hán tu tập càn tuệ(bare inside workers) . Ðắc là những bậc bất hoàn và những vị lậu hoặc đã đoạn tận, có đư?c tám giải thoát. Vì được nói: “Tuệ nắm vững, làm chủ được là nhờ có hai năng lực – sự tịnh chỉ ba loại hành, mười sáu loại trí, chín loại dịnh, – chính là trí thuộc diệt định” (Ps. i, 97) và những điều kiện này không được tìm thấy dồng loạt trong bất cứ người nào, ngoại trừ những bậc Bất hoàn và những vị lậu hoặc đã đoạn tận, có dược tám giải thoát. Cho nên những vị này mới đắc Diệt định.
19. Nhưng hai năng lực là gì? Ba hành và làm chủ là gì? Trong phần mô tả đoạn tóm tắt trên, có nói:
20. “Hai lực” là định hay tịnh chỉ lực, và tuệ hay quán lực.
“Tịnh chỉ lực là gì? Là sự nhất tâm bất loạn do từ bỏ, do không có ác dục, do tưởng ánh sáng, do không tán loạn, do phân biệt các pháp, do trí, do hỷ, do tám giải thoát, do mười biến xứ, do mười niệm, do chín pháp quán nghĩa địa, và do ba mươi hai kiểu niệm hơi thở, do sự thở vô ra nơi một người quán từ bỏ (relinqquishment). Ðó là tịnh chỉ lực.
[Chú thích: Tịnh chỉ dược trình bày ở đây là Định cận hành — Pm. 899]
21. “Trong ý nghĩa nào, tịnh chỉ được xem là một năng lực? Ở sơ thiền, tịnh chỉ không bị nao núng vì những triền cái, nên gọi là một lực. Ở nhị thiền, nó không bị nao núng vì tầm và tứ, nên gọi là một lực v.v… Ở phi tưởng phi phi tưởng xứ, nó không bị dao động vì tưởng vô sở hữu xứ, nên gọi là một lực. Nó không lay động, nao núng, dao động vì trạo cử, và cấu uế và các uẩn đi theo trạo cử, nên tịnh chỉ ấy là một lực. Ðây là tịnh chỉ lực.
22. “Gì là quán lực? Quán vô thường là quán lực. Quán khổ, quán vô ngã, quán ly dục, quán diệt, quán từ bỏ là quán lực. Quán sắc vô thường v.v… Quán từ bỏ đối với sắc là quán lực. Quán vô thường trong thọ, tưởng, hành, thức là quán lực… Quán từ bỏ đối với thức là quán lực. Quán vô thường trong con mắt v.v… (xem Ch. XX, 9)… quán vô thường trong già chết… Quán từ bỏ trong già chết là quán lực.
23. “Trong ý nghĩa nào, quán (tuệ) được gọi là một lực? Do quán vô thường, mà tuệ không bị dao động vì thường tưởng, nên nó là năng lực. Do quán khổ, nó không lay động vì lạc tưởng, nên nó là lực… Do quán vô ngã, nó không dao động vì ngã tưởng, nên nó là lực… Do quán ly dục, nó không dao động vì thích thú… Do quán hoại, nó không dao động vì tham… Do quán diệt, nó không dao động vì sanh… Do quán từ bỏ, nó không dao động vì chấp thủ, nên (tuệ) quán là một năng lực. Nó không dao động, không nao núng, không lay chuyển vì vô minh, cấu uế và các uẩn đi theo vô minh, do vậy nó là một lực.
24. “Do sự tịnh chỉ ba hành: tịnh chỉ ba hành nào? Nơi một người đắc nhị thiền, Ngữ hành là tầm và tứ được hoàn toàn làm cho tịnh chỉ. Nơi một người đắc tứ thiền, thân hành là hơi thở vô hơi thở ra được làm cho hoàn toàn tịnh chỉ. Nơi một vị đắc diệt thọ tưởng, ý hành là thọ (cảm giác) và tưởng (ý nghĩ) được làm cho hoàn toàn tịnh chỉ.
25. “Do mười sáu loại tu tập về trí: mười sáu loại nào? Quán vô thường là một loại tu tập về trí. Quán khổ … quán vô ngã, quán ly dục, quán hoại, quán diệt, … quán từ bỏ, quán “quay đi” là một loại tu tập về trí. Dự lưu đạo là một loại tu tập về trí. Dự lưu quả… Nhất lai đạo… Nhất lai quả… Bất hoàn đạo… Bất hoàn quả… A-la-hán đạo… A-la-hán quả… là một loại tu tập về trí này.
26. “Do chín loại tu tập về định: Ðó là sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền không vô biên xứ, thức vô biên xứ, vô sở hữu xứ và phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ðó là những loại định tu tập. Và các tầm, tứ, hỷ, lạc, nhất tâm với mục đích đạt đến phi tưởng phi phi tưởng xứ. ấy là do chín loại tu tập này.
[Chú thích: Chín loại là bốn thiền sắc giới và bốn thiền vô sắc, và cận hành định đi trước mỗi một trong tám thứ định này, được mô tả trong câu cuối và được kể như một thứ định tu tập].
27. “Làm chủ có năm: làm chủ sự tác ý, chứng đắc, quyết định, xuất và quán sát. Hành giả tác ý đến sơ thiền ở chỗ nào, lúc nào và trong bao lâu vị ấy muốn, không có khó khăn trong sự tác ý, như vậy gọi là làm chủ sự tác ý. Hành giả đạt đến sơ thiền ở chỗ nào, lúc nào, trong bao lâu vị ấy muốn, vị ấy không có khó khăn trong việc chứng đắc, như vậy là làm chủ sự chứng đắc. Hành giả quyết định thời gian nhập sơ thiền ở chỗ nào, lúc nào… như vậy là làm chủ về quyết định. Vị ấy xuất khỏi sơ thiền… như vậy là làm chủ xuất định. Vị ấy quán sát sơ thiền ở chỗ nào, lúc nào và trong bao lâu theo ý muốn, không có khó khăn trong sự quán sát, như vậy là làm chủ về quán sát. Ðây là năm thứ làm chủ. (Ps. i, 97-100).”
28. Và ở đây, câu “Do 16 loại tập luyện về trí” nói lên số tối đa. Nhưng ở một vị Bất hoàn, sự làm chủ là do 14 loại tu tập về trí. Nếu như vậy thì có phải là sự làm chủ xảy ra cho vị Nhất lai do 12 loại, và cho vị Dự lưu do 10 loại? -Không. Bởi vì 5 dục tham chướng ngại định, không được từ bỏ nơi những vị ấy. Chính vì tham không được từ bỏ mà tịnh chỉ lực không được viên mãn.
Vì chưa viên mãn tịnh chỉ lực nên vị ấy không thể chứng diệt cần phải được chứng nhờ hai lực. Nhưng tham đã được từ bỏ nơi vị Bất hoàn, do 2 lực, vị ấy có thể chứng diệt tận định. Bởi thế, Ðức Phật dạy:”Thiện tâm thuộc phi tưởng phi phi tưởng xứ nơi một vị xuất Diệt định là một duyên, kể như Ðẳng vô gián duyên, cho sự đắc quả” (Ptn. 1, 159). Vì điều này được nói trong tác phẩm lớn Patthàna chỉ liên hệ xuất diệt định nơi các vị Bất hoàn”.
[Chú thích: chữ “thiện” được dùng trong đoạn văn Patthàna chứng tỏ rằng nó chỉ áp dụng cho các vị Bất hoàn, nếu không, thì đã nói “duy tác”]
Ở đâu có thể chứng diệt? Ở hữu năm uẩn, vì cần có sự chứng đắc liên tục tất cả thiền chứng (S. iv, 217) mà ở hữu 4 uẩn, thì không có sơ thiền v.v… nên không thể chứng diệt định ở trong loài 4 hữu uẩn. Có người bảo, vì thiếu căn cứ vật lý cho tâm (ở 4 hữu uẩn), nói trắng ra là vì thiếu một thân xác.