Thiền Đạo – The Way Of Zen

Sau đây là một ẩn dụ quen thuộc trong nhà thiền. Ðối với những người chưa tu, thì núi chỉ là núi, cây chỉ là cây, người chỉ là người. Sau khi đã học thiền một thời gian, đã thấy được sự trống rỗng và vô thường của mọi hiện tượng, thì núi không còn là núi, cây không còn là cây, người cũng không còn là người, vì trong khi những người phàm phu tin rằng mọi sự là thực có, thì người đã giác ngộ một phần sẽ thấy mợi vật chỉ là giả danh (tạm gọi), không thực chất và vô thường như mây nổi. Nhưng đối với người đã giác ngộ hoàn toàn thì núi lại là núi, cây là cây và người là người. Như vậy, trong khi Satori có những đặc tính giống như sự hoán cải đột nhiên, chúng được giải thích khác nhau. Trước hết sự hoán cải chỉ đến với người nào hoàn toàn hợp nhất với thượng đế bên ngoài, trong lúc Satori lại là sự nhận chân tự tánh sâu xa nhất của chính mình. Sự hoán cải xảy đến khi có một yếu tố bên ngoài làm thay đổi vũ trụ, trong lúc Satori là nhìn thấy vũ trụ đúng như thực chất của nó. Trong thiền không có ngăn cách giữa sinh diệt và bất sinh diệt, vì phàm phu là Phật, sinh tử là Niết bàn, vô minh là giác ngộ; chỉ tâm người làm nên sự phân biệt. “Tâm có thể biến thiên đường thành địa ngục và biến địa ngục thành thiên đường” (Milton).

Bởi thế, tâm chính là chìa khóa của sự sống. Khi vô mình nó tạo nên sự hổn độn, khi giác ngộ thì nó hiển lộ Phật tánh. Do đó trong thiền cũng như trong mọi tôn giáo Ðông phương, công việc cốt yếu là chế ngự tâm. Ðiều này được hoàn thành tốt đẹp nhất qua việc tham công án, và để yểm trợ cho công việc này các thiền sư đã phát triển một kỹ thuật thiền định gọi là tọa thiền để giúp cho hành giả an nghỉ thân xác, bài trừ những ý tưởng mông lung và bảo trì năng lực thần kinh của mình để có thể dành trọn nỗ lực cho công án. Tọa thiền có lẽ phát xuất từ Yoga của Ấn Ðộ, vì thế ngồi cũng tương tự và hành giả phải thận trọng chú ý thở cho đúng cách. Nhưng mục đích của Yoga và tọa thiền khác nhau, vì các thiền sư không bao giờ chấp nhận những trạng thái xuất thần mà Yoga xem trọng. Các ngài nêu rõ rằng, mặc dù khi tọa thiền có thể xảy ra những trạng thái xuất thần, nhưng chúng không phải là mục tiêu của sự luyện tập. Trái lại các ngài tuyên bố rằng ta không bao giờ đạt đến tuệ giác với những trạng thái tâm thức siêu nhiên ấy, vì tâm thức người Trung Hoa đòi hỏi một cái gì hoàn toàn thực tiển và linh động. Ðiều này không có nghĩa tọa thiền đúng, Yoga sai, mà chỉ có nghĩa rằng những loại tâm thức khác nhau sẽ đạt giác ngộ theo những đường lối khác nhau, những gì đúng với người Ấn Ðộ là sai với người Trung Hoa, vì dân xứ lạnh hay ôn đới thường cần một cái gì hùng mạnh hơn dân vùng nhiệt đới, nơi người ta có thề sống với mức hoạt động tối thiểu. Mục đích của tọa thiền chỉ là để giải tỏa cho tâm khỏi nghỉ đến thân xác, và giảm thiểu mọi sự phân tán để có thể hoàn toàn tập trung vào một công án đặc biệt. Những thời dành để tọa thiền trong ngày tại một thiền viện là cốt để tập trung nỗ lực vào một công án, mặc dù những bậc thầy khuyến cáo những môn đệ phải luôn luôn mang công án trong tâm bất cứ lúc nào, trong mọi công việc và hoàn cảnh. Nhưng ta nên nhớ tọa thiền và công án tự chúng không phải là mục đích của đời sống thiền. Chúng chỉ là hình thức thể dục tâm linh yểm trợ cho sự phát sinh một kinh nghiệm nào đó, và khi kinh nghiệm đã đạt được thì những phưong tiện dùng để làm phát sinh kinh nghiệm ấy có thể bị dẹp bỏ. Vì mục đích của thiền không phải là vĩnh viễn rời bỏ thế gian để đi đến độc cư ở một nơi nào. Sự độc cư ấy chỉ là phương tiện để đạt tri kiến và tri kiến ấy chỉ hữu dụng khi hành giả thực hành hạnh Bồ tát đem lại giác ngộ cho tất cả mọi người. Sự lầm lẫn xem tọa thiền và tham công án là mục đích tối hậu, thì cũng như lầm ngón tay chỉ với mặt trăng, làm hỏng mục tiêu của sự tu tập. Như lời luận trong tranh chăn trâu:

“Khi đã biết được điều cốt yếu không phải là bẫy hay lưới, mà là thỏ và cá, thì khi ấy giống như vàng đã được tách khỏi quặng, như mặt trăng ra khỏi đám mây”.

4. ÐỜI SỐNG TẠI THIỀN VIỆN

Hành động đầu tiên của đức Phật sau khi giác ngộ là thành lập một Tăng đoàn gồm những khất sĩ không nhà, những hiền nhân rày đây mai đó, những người từ bỏ tất cả để học Phật pháp và hoằng dương giáo lý. Họ sống bằng cách xin ăn từ những cư sĩ, và sở hữu của họ không có gì ngoài y bát, một gốc cây và một tảng đá. Từ khởi thủy, họ không phải là những nhà khổ hạnh tự hành xác để sám hối; họ không xem lối sống đơn giản tự nó là cứu cánh mà chỉ là phương tiện để giải thoát những phiền toái hàng ngày để có thể tập trung toàn lực vào công việc quan trọng duy nhất là đạt giác ngộ cho mình để giúp ích cho người.

Không bao lâu sau khi Phật niết bàn, những khất sĩ không nhà này bắt đầu nhóm họp thành những đoàn thể Tăng già và dần dần con số khất sĩ tăng lên nhanh chóng. Những tòng lâm bắt đầu mọc lên khắp nơi ở Ấn Ðộ, lan tràn đến Tích Lan, Tây Tạng và Trung Hoa, và cho đến ngày nay, đoàn thể Tăng già có mặt khắp vùng Ðông Á, trong quần đảo Hạ Uy Di, và cả ở miền Tây Mỹ quốc, cùng một màu y vàng quen thuộc và bát khất thực từ nhà này đến nhà khác.

Khỏi phải nói, Phật giáo cũng không thoát khỏi bất cứ tệ đoan nào của chế độ tu viện. Lý tưởng nguyên thủy của một vị tỳ kheo rất cao cả; nhiệm vụ xã hội của vị ấy là làm một người “hướng đạo, triết gia và bạn lành” cho quần chúng nơi họ sống. Bởi vì, nguyên tắc của Phật giáo là kính trọng mọi sự trong vũ trụ, nên vị tỳ kheo thường rất thận trọng trong việc sử dụng mọi vật dụng người ta cung cấp để khỏi lạm phí bất cứ thứ gì. Trên nguyên tắc, vị tỳ kheo phải mặc y phục bằng vải vụn người ta vứt đi, và khi những tấm y này rách, thì vẫn còn có thể dùng nó để lau chùi. Mọi sự vật đều có giá trị, không được khinh thường một cái gì, không được vứt bỏ một cái gì nếu còn có thể dùng được. Nhưng nếu một cơ sở Tăng già duy trì chế độ khất thực, muốn giữ sự trong sạch nguyên thủy lâu dài, thì những tu sĩ phải là những người đã đạt đến trình độ phát triển tâm linh rất cao, mà những vị này lại rất hiếm. Trong khi đó, không thiếu gì những tu sĩ đã trở thành những người lười biếng suy đồi, sống bám vào đoàn thể như những ký sinh vật lợi dụng sự mê tín của quần chúng ngu si. Tu viện trở nên giàu có, đầy những tặng vật của vua chúa và thương gia, cho đến khi nhà của tu sĩ “dưới gốc cây, trên tảng đá” ở nhiều nơi đã trở thành lâu đài nguy nga tráng lệ. Giẻ rách đã trở thành những y phục lụa là sặc sở, trong khi viện trưởng các tu viện lại mang tất cả kiểu cách và cả đến uy thế của những nhà cai trị thế tục. Nhưng sự phát triển này không phải là những điều lợi của nó, vì tài sản gia tăng của các đoàn thể Tăng già đã giúp cho họ hoàn thành những công trình mỹ thuật vĩ đại vốn là sở trường của óc tưởng tượng và năng khiếu biểu tượng trong Phật giáo.

Vào thế kỷ thứ 6, tu viện Phật giáo ở Trung Hoa đã đi đến một giai đoạn phát triển cao độ. Sử chép rằng có những tu viện chứa đến trên ngàn tu sĩ, như những tu viện khổng lồ ngày nay ở Tây Tạng và Mông Cổ. Nhiều tu viện giống như cả một đô thị. Từ nguyên thủy, các vị tổ thiền tông đã quy tụ những đoàn thể này, và đem lại một đời sống mới cho chế độ tòng lâm. Sự phát triển của tập đoàn thiền viện như ngày nay ta thấy, có nguồn gốc từ thời đại tổ sư Bách Trượng viên tịch vào năm 814. Bách Trượng thấy cần phải xây đựng những tu viện khác với những loại đã có từ trước, ở đây đoàn thể Tăng già thường sống một đời trầm mặc xa rời thực tế.

Trong khi ấy, điều cốt yếu của thiền là phải liên lạc mật thiết với những sinh hoạt thường ngày của thế gian. Nếu còn phải giúp xã hội áp dụng Phật giáo vào đời sống hàng ngày, thì các bậc thầy trong Phật giáo không thể hoàn toàn tách rời xã hội. Bởi thế, Bách Trượng vạch ra một số quy luật và giới điều đặc biệt cho thiền viện, và tác phẩm này được biết dưới nhan đề: “Bách Trượng thanh quy” lập ra nền tảng cho sinh hoạt thiền viện từ đấy về sau. Theo Bách Trượng thì muốn duy trì sinh khí tu viện, điều cốt yếu là tu sĩ không được chỉ sống nhờ vào khất thực. Nguyên tắc đầu tiên trong quy luật của ngài là: “Một ngày không làm một ngày không ăn” (Bất tác bất thực) và vì lý do này hầu hết mọi thiền viện đều có nông trại trồng lúa và rau cải cung cấp cho Tăng chúng. Ngài bắt buộc mỗi thiền sinh phải đảm trách một công việc tay chân, vì theo tinh thần thiền, không có việc gì là hèn hạ. Bởi thế, những người mới đến thiền viện thường được giao phó những công việc nhẹ nhàng thú vị hơn những người đã tu cao.

Mỗi tu viện được tổ chức trong tinh thần tự trị và dân chủ, có người nấu bếp, thư ký, giám sự, những người chuyên môn về các công nghệ và trông coi nghĩa địa. Trong khi viện chủ hay trụ trì tu viện không có phần vụ đặc biệt nào, vị ấy cùng làm với Tăng chúng mọi việc thông thường. Sinh hoạt của Tăng chúng tập trung ở nhà thiền, một tòa nhà hình chữ nhật lớn nhỏ tùy số chúng. Chính ở đây chư Tăng thực tập tọa thiền, giữ chút ít vật dụng tùy thân, và ngủ đêm. Ngoài nhà thiền còn có nhà ăn, nhà bếp, nhà vệ sinh, bệnh đường, phương trượng (dành riêng cho vị trụ trì), một khu vườn và thường có thêm rừng hoặc ruộng và một số văn phòng và phòng khách. Giáo sư Suzuki có xuất bản một tác phẩm nhan đề là Sự tu luyện của tu sĩ Thiền tông được họa sĩ Zenchu Sato ở Kamakura minh họa. Những bức tranh này không cốt phô trương giá trị nghệ thuật mà cốt cho ta thấy rõ tinh thần đồng đội trong một tu viện Thiền tông.

Một trong những điều đáng chú ý nơi các tranh vẽ này là vẻ hạnh phúc vui tươi của chư Tăng trong khi làm việc. Dù đang bổ củi, nấu cơm, giặt áo hay cạo tóc, ai nấy đều có nét mặt hân hoan, biểu hiện đức siêng năng cầm mẫn. Quả thế, sự cần mẫn của tu sĩ thiền đã trở thành ngạn ngữ, và ở Nhật khi người nào giữ nhà cửa sạch sẽ ngăn nắp thì người ta ví nhà ấy giống như một thiền viện. Ðể ngăn ngừa sự phóng túng nguy hiểm, đời sống thiền viện tuân theo kỷ luật gắg gao, mọi việc đều phải được thi hành nghiêm túc và đúng giờ, trở thành gần như là những nghi lễ. Thời giờ và nguyên liệu được tiết giảm đến mức tối thiểu, và sở hữu của tỳ kheo ít ỏi đến độ vừa đủ để làm gối kê đầu. Nhưng điều này không cốt nhắm đến khổ hạnh mà theo thiền, khi làm việc gì chỉ nên sử dụng thì giờ, năng lực và nguyên liệu vừa đủ cho việc ấy.

Trong khi một số thiền viện ở Nhật đã trở thành những viện bảo tàng nghệ phẩm Trung Hoa và Nhật Bản như hội họa, đồ gốm, đồ đồng, sơn mài và điêu khắc trên gỗ, những nghệ phẩm này không được trình bày la liệt như ở các chùa thuộc tông phái khác. Sự trang trí một thiền viện thường thực hiện trong tinh thần kiệm ước. Mục đích là làm sao mỗi một công trình nghệ thuật được thưởng thức một cách trọn vẹn, mà điều này không thể có nếu trình bày quá nhiều nghệ phẩm cùng một lúc. Cho nên bầu không khí nổi bật trong thiền viện là sự bình dị khắc khổ, rải rác đó đây trưng bày những nghệ phẩm tuyệt đẹp được chọn lựa một cách cẩn thận. Nhưng sự giản dị này không có nghĩa là thiếu trang hoàng. Thiền đã ảnh hưởng nhiều đến nghệ thuật kiến trúc và trang trí. Cấu trúc các gian phòng tự nó đã đẹp không cần phải trưng bày thêm một vật gì. Những bình phong bằng giấy làm thành những tường ngăn trong một gian phòng Nhật Bản, những khung gỗ của bình phong, màu vàng nhạt của thảm rơm trên nền nhà, những đường thẳng dài và thấp đều có một vẻ đẹp im lặng khó tả, dù chúng chỉ được làm bằng nguyên liêu thô sơ rẻ tiền. Thiền đường là một gian phòng mà vật trang hoàng duy nhất trong đó là bàn thờ Phật đặt ở giữa, đôi khi chỉ có một cành hoa ở trước. Gian phòng dài và hẹp hai bên là chỗ nghỉ của chư Tăng và chỗ tọa thiền. Vào giờ thiền định họ đi vào thiền đường ngồi vào chỗ hướng về giữa phòng. Vị Tăng quản chúng tiến lên quỳ trước điện, trong khi ngoài kia một vị khác triệu tập những người đến trể bằng cách đánh bảng trên đó có khắc:

Sanh tử là việc lớn,
Cuộc đời thực vô thường.
Hãy quí từng giây phút,
Thời gian không chờ ai.

Vị quản Tăng thắp một nén hương, và khi ông trở về chỗ ngồi thì việc tọa thiền khởi sự. Khi ấy hai vị Tăng khác tiến lên bàn thờ cúi chào nhau và vái tượng Bồ tát, rồi mỗi người cầm một mảnh gỗ dẹp có hình tháp gọi là cái bê (keisako) và sau khi cúi đầu một lần nữa, họ tách ra đi về hai phía thiền đường. Họ bắt đầu đi lui tới trước hai hàng tu sĩ ngồi thiền, cẩn thận theo dõi xem người nào ngủ gật. Ban đầu họ đi rất nhanh, về sau chậm bước dần cho đến khi họ đi nhẹ như những cái bóng. Bỗng chốc một người dừng lai trước một vị có vẻ đang ngủ, quất vào vai vị ấy vài cái thật đau với tấm bê đang cầm, khiến y trở lại ý thức trọn vẹn. Sau một hồi họ trở về chỗ, và thời thiền định tiếp tục cho đến khi cây hương cháy hết. Khi ấy vị quản Tăng rung chuông và gõ hai mảnh gỗ vào nhau. Ðây là dấu hiệu được nghỉ xả hơi, để bước qua giai đoạn khác. Tăng chúng đứng lên thành hàng và bắt đầu kinh hành bước rất mau và lặng lẽ quanh thiền đường, càng lúc càng đi mau. Khi một cây hương khác đã cháy hết, vị quản Tăng lại gõ bảng. Sau một hồi kinh hành cho tỉnh táo, chư Tăng trở lại tọa thiền, những thời tọa thiền và kinh hành này kéo dài ba tiếng cho đến thời ngọ trai bắt đầu lúc mười giờ. Mỗi vị Tăng có một cái ô đựng những chén ăn nhỏ bằng gỗ, bên ngoài phủ một chiếc khăn ăn. Vào giờ ăn họ lấy ra những chén này đặt trong tủ để ở thiền đường và đi đến phòng ăn ở đấy có những bàn gỗ dài thấp đặt trên nền. Các tu sĩ thiền tông ăn một ngày ba bửa: điểm tâm vào lúc 4 giờ sáng, ngọ thực vào lúc 10 giờ và một bửa ăn gọi là dược thực. Theo nguyên tắc thì tu sĩ không được ăn sau ngọ, nhưng vì điều kiện khí hậu ở Nhật Bản không cho phép nên phải ăn thêm bửa chiều gọi là dược thực gồm những thức ăn còn thừa sau bửa trưa. Trong một thiền viện, việc ăn uống tuân theo một nghi thức đặc biệt khởi đầu là một bài kinh ngắn, sau đó là năm điều quán tưởng:

– Thứ nhứt, hãy suy tưởng về công lao làm nên cơm này.

– Thứ hai, ngĩ đến đức hạnh mình có xứng với sự cúng dường này không.

– Thứ ba, đề phòng tâm ý để lìa lỗi lầm mà tham sân si là gốc.

– Thứ tư, hãy xem thức ăn này như vị thuốc trị bệnh khô gầy.

– Thứ năm, vì muốn thành đạo mà phải ăn.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.