Thiền Đạo – The Way Of Zen

Ðọc xong, những thị giả tiến lên. Một người mang cơm sớt vào mỗi bát, một người mang thức ăn, và một người khác pha trà. Khi tất cả mọi người đã nhận thức ăn, mỗi người đặt một phần nhỏ trên lễ bàn để cống hiến cho quỷ thần, đọc rằng:

Các ngươi chúng quỷ thần,

Nay tôi cho đồ cúng.

Cơm này biến khắp mưòi phương,

Mời hết thảy quỷ thần cùng hưởng.

Sau đó những đồ cúng được mang ra ngoài cho chim ăn. Bắt đầu ăn, các tu sĩ quán tưởng ba điều:

– Miếng thứ nhất, nguyện đoạn hết thảy ác.

– Miếng thứ hai, nguyện tu hết thảy lành.

– Miếng thứ ba, nguyện độ hết thảy chúng sanh.

Bửa ăn tiếp tục trong im lặng, trong khi một thị giả mang thêm thức ăn. Người nào muốn thêm thì chắp hai tay trước ngực, người không muốn thì xoa hai tay vào nhau khi thị giả đi qua. Sau khi ăn xong, trong bát của họ không còn một mảnh thức ăn nào dính lại, bát được tráng cẩn thận bằng nước trà và cuối cùng chư Tăng uống hết nước tráng chén trong bát của mình. Xong họ dùng khăn lau bát để cho vào trong hộp, trong khi chư Tăng tụng bài kiết trai:

Khi ăn xong, thân tôi được khỏe mạnh,

Năng lực của tôi biến khắp mưòi phương ba đời.

Ðể đảo ngược bánh xe nhân quả, tâm không móng lên một ý tưởng nào.

Cầu mong tất cả chúng sanh chứng đắc các thần thông.

Hoặc là bài:

Không gian vô tận, từ bi của tôi cũng trải đến mọi loài.

Tâm giải thoát khỏi mọi việc thế gian.

Như hoa sen xinh đẹp tinh khiết vươn lên khỏi bùn, định lực tôi cũng thế, dù phải sống trên thế gian đầy ảo tưởng.

Với tâm trong sạch, tôi kính lễ đức Phật, đấng Chánh đẳng giác.

Mỗi ngày hai lượt, viện chủ gặp gỡ các vị Tăng để xem mức tiến triển của họ trong việc tham công án, và để chỉ giáo cho từng người. Rất nhiều sách tịch Thiền tông ghi lại những mẩu đối thoại này, nhiều mẩu đã được trích dẫn. Vị Tăng được đưa vào nhà phưong trượng, cung kính lễ bái theo hồi chuông rung, nhưng khi cuộc đối thoại bắt đầu thì những nghi lễ hoàn toàn dẹp bỏ. Vị Thầy có thể khởi sự bằng cách hỏi môn đệ vài câu về công án mà ông ta đang tham. Một vị hỏi:

– Ngươi có thể nắm hư không được không?

– Bạch ngài, dạ được.

– Ngươi làm thử đi.

Người môn đệ đưa tay chụp hư không, nhưng vị Thầy la lên:

– Thì ra cách đó à? Quả thật ngươi chưa biết gì cả.

Người môn đệ hỏi:

– Vậy thì ngài làm thế nào?

Vị Thầy liền nắm ngay lỗ mũi của môn đệ véo một cái và la lên:

– Ðấy, nắm hư không bằng cách như thế đấy!

Hoặc có thể môn đệ hỏi Thầy:

– Thầy sẽ nói gì khi con đến Thầy mang không mang theo gì cả?

– Hãy quăng nó đi

– Con đã bảo là con không có gì, thế thì con sẽ vứt cái gì?

– Nếu vậy thì ngươi hãy đem nó đi chỗ khác.

Ngay cả việc ôm giữ ý tưởng: “thiền là không sở hữu”, cũng sai sự thật. Hành vi của vị thầy kéo lỗ mũi học trò không phải là điên cuồng hay tàn bạo, mà cốt chứng minh đạo thiền bằng một hành vi cụ thể, chỉ cho ta thầy thiền là sự sống thực. Những danh từ bí ẩn, những cử chỉ lạ lùng có thể được xem là tượng trưng, nhưng một cái tát thì hoàn toàn linh động, cụ thể. Không có gì để triết lý về nó. Danh từ có thể được viết ra, được tưởng tượng như có chứa đựng chân lý, nhưng một cái tát là một cái tát; một khi nó đã được giáng xuống, thì không thể rút lại hay phân tích. Khi vị thầy bảo: “Thiền là nhìn thấy suốt tự tánh của mình”, thì người ta có thể bám vào câu đó xem nó như là chân lý về thiền, và thế là hoàn toàn sai lạc. Nhưng khi vị thầy cho một cái tát, thì người môn sinh không thể bám lấy cái tát ấy, và bởi thế vị thầy đã thực sự diễn đạt chân lý về thiền.

Một đôi khi viện chủ giảng dạy một cách hệ thống hơn bằng một buổi giảng về ý nghĩa thâm áo của một bộ kinh. Khi ấy tất cả Tăng chúng tụ họp đến giảng đường. Những buổi giảng này thường được tổ chức vào thời gian có thiền hội, nghĩa là những tuần lễ có ngày vía Phật. Vào những dịp ấy, Tăng chúng thức dậy lúc 2 giờ sáng thay vì 4 giờ, và ở gần suốt cả ngày trong thiền đường. Việc chấp tác được dẹp bớt trong khi thông thưòng việc này chiếm hầu hết thời giờ. Những buổilễ này được cử hành trọng thể và có nhiều thời khóa tụng kinh. Chư Tăng đắp y đến giảng đường với một dáng điệu trang nghiêm. Vị thầy đến sau rốt, được hai thị giả theo hầu. Sau khi đảnh lễ tượng Phật, ông ngồi vào pháp tòa, trước mặt ông là một cái bàn cao vừa tầm. Ðoạn ông có thể đọc lên một đoạn kinh thiền, dừng lại để giải thích, hoặc ông có thể thuyết giảng về thiền. Nếu ông giảng thiền thì có thể xảy ra vài sự cố. Một hôm khi thiền sư vừa thăng tòa, thì bên ngoài một con chim cất tiếng hót. Vị thầy không nói gì, và mọi người lắng nghe chim hót. Khi tiếng hót đã dứt, thiền sư tuyên bố rằng bài thuyết pháp đã xong, rồi bỏ đi.

Một dịp khác, thiền sư dang hai tay ra và lặng yên. Ông ta sắp rời nhà giảng thì bỗng nhiên một môn sinh đứng lên hỏi tại sao thầy không nói gì cả. Ông trả lời: “Kinh đã được các pháp sư giải thích, luận thì các luận sư cũng đã trình bày. Vậy ông còn hỏi gì nơi tôi? Tôi không phải là một thiền sư sao?”. Một thiền sư khác bảo đồ chúng: “Nói thì phạm lỗi hủy báng, yên lặng lại là lừa dối. Vượt trên tất cả sự im lặng và nói phô có một lối đi lên, nhưng miệng tôi không đủ rộng để chỉ lối ấy cho các ông”. Nói xong ngài rời giảng đường. Ðôi khi các môn đệ đứng lên hỏi, hoặc vị thầy bảo một người trình bày kiến giải về thiền. Ví dụ một thiền sư khởi sự bằng cách đưa ra một cây gậy và bảo: “Gọi là cây gậy thì chấp có, không gọi là cây gậy lại là chấp không? Không chấp có không thì gọi nó là gì? Nói mau! Nói mau!” Khi ấy một một sinh bước ra nắm lấy cây gậy bẻ đôi và hỏi: “Cái này là gì?” Ðôi khi những lời ấy chứa đựng ẩn nghĩa hoặc liên quan đến ngữ lục thiền mà chỉ có những học giả uyên thâm hiểu nổi, nhưng đây mới chỉ là những khó khăn bề mặt. Sự phân tích trên bình diện tri thức có thể làm hiển lộ một phần ý nghĩa, chúng như những quả bóng láng lẩy bằng thép. Gươm tri thức càng chặt xuống mạnh mẽ bao nhiêu quả bóng càng nhảy xa bấy nhiêu. Cuối thời giảng pháp, chư Tăng tụng bốn lời nguyện lớn trước khi trở về thiền đường:

Chúng sinh không số lượng, thệ nguyện đều độ khắp.
Phiền não không cùng tận, thệ nguyện đều dứt sạch.
Pháp môn không kể xiết, thệ nguyện đều tu học.
Phật đạo không gì hơn, thệ nguyện được viên thành.

Ngoài những hoạt động đặc biệt có tính cách tôn giáo và nghi lễ đã nói trên, đời sống thiền sinh bận rộn nhất với công việc duy trì tu viện. Nhưng đối với thiền, việc này cũng được xem như tu tập vì trên quan điểm Phật tính thì không hoạt động nào thánh thiện hơn hoạt động nào. Bởi thế, thiền nhấn mạnh rằng mọi hoạt động thường ngày đều là đạo, vì thông thường ta ưa tìm tôn giáo bên ngoài đời sống thường nhật, Groege Herbert nói:

Tất cả đều dự phần vào Chúa.

Không có gì dù hèn hạ đến đâu.

Mà nhân danh chúa không trở nên sáng sạch.

Ðối với kẻ nào phụng sự Chúa thì mọi công việc đều trở thành thiêng liêng.

Chỉ khác ở chỗ, người tu Phật giáo bảo rằng họ làm việc vì sự giác ngộ của tất cả mọi loài. Nhưng nói cho cùng, không có gì khác biệt giữa đôi bên, vì mọi loài đều có Phật tính, và phụng sự chúng sinh tức là phụng sự cái nguyên lý tối cao trong vũ trụ, là hành động phù hợp với định luật tối thượng của đời sống trong đó mợi hữu tình đều là Phật sẽ thành. Chúa Jesus cũng có nói vào Ngày phán xét cuối cùng: “Bất cứ gì các con đã làm cho người huynh đệ của các con, chính là các con đã làm cho ta”.

Văn học thiền thường nói đến yếu tố giác ngộ trong những công việc thường ngày. Một môn đệ hỏi Bách Trượng:

– Từ bấy lâu nay con đã đi tìm Phật mà chưa thấy. Con phải tiếp tục như thế nào?

Bách Trượng trả lời:

– Cũng như đang cởi trâu mà đi tìm trâu.

– Người ta sẽ làm gì sau khi biết được ngài?

– Cũng như ngồi trên lưng trâu mà về nhà.

– Xin ngài dạy con làm cách nào để chú tâm?

– Cũng như người chăn trâu cầm roi giữ cho trâu khỏi phạm vào lúc mạ của người khác.

Khi thiền sư Triệu Châu đang quét phòng tu viện, một môn đệ hỏi:

– Bạch ngài, ngài là một đại sư đã thoát khỏi trần lao phiền não thì còn phải quét làm gì nữa?

Thiền sư trả lời ngay:

– Ðây là bụi ở bên ngoài.

Một hôm một thiền sư đến gần một vựa thóc của chùa, gặp thầy giữ vựa đang sàng gạo. Thiền sư bảo:

– Ðừng phí những hạt thóc của thí chủ hiến cúng.

– Thưa không, bạch thầy, con không bao giờ phí phạm.

Vị thiền sư nhặt một hạt lúa rơi rớt và hỏi:

– Ông bảo là ông không làm đổ lúa, vậy thì hạt lúa này từ đâu đến?

Thầy giữ vựa lặng thinh, thiền sư nói tiếp:

– Ðừng coi nhẹ một hạt thóc, vì hàng trăm hàng ngàn hạt đều đến từ một hạt.

Ðể kết luận, chúng ta nên nhớ không phải mọi tu sĩ thiền đều ở mãi trong một tu viện. Khi đã đủ tư cách làm thầy, vị ấy có thể đảm trách một tu viện khác hoặc trở về đời sống thường nhật của thế gian, hoặc trở thành một giảng sư rày đây mai đó để giúp đỡ những người mà ông hữu duyên gặp gỡ trên đường. Vì lý tưởng Bồ tát không phải là xa rời thế gian mà ở ngay trong thế gian mặc dù không thuộc về thế gian. Ðấy là một năng lực giác ngộ hoạt động ngay trong xã hội loài người. Nếu thiền sư có vẻ cô độc, ấy vì sự cô độc luôn đi kèm với tuệ giác. Ðiều ấy không thể tránh. Nhưng vị ấy không thể tự cô lập với những người khác, vì nơi mỗi con người, vị ấy đều thấy cái tôi của mình hiển lộ. Bởi thế nếu có sự ngăn cách nào, thì đấy là hàng rào do người khác dựng lên đối với thiền sư, vì sợ hay thờ ơ đối với tuệ giác của ông. Ðấy không phải là sự cô lập ích kỷ của người ẩn cư cố đạt giải thoát tâm linh bằng cách ở đơn độc một nơi. Dù sống trong núi hay giữa chợ, y vẫn là nạn nhân của một tâm thức chưa điều phục, vì nghiệp theo y như bóng theo hình. Quả thế, nghiệp là cái bóng như người ta đã nói:

“Con người đứng ngay trên bóng của mình, rồi tự hỏi tại sao trời tối”.

 

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.