Hôm nay, nhân mùa Vu Lan báo hiếu, toàn thể quý Phật tử tập trung về Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã tu tập, làm lễ cúng dường và thỉnh quý Thầy có một thời nói chuyện. Như quý vị biết, đến rằm tháng Bảy mùa Vu Lan, mọi người thường nghĩ về việc báo hiếu cha mẹ. Trong kinh Đức Phật nói một người con đối với cha mẹ gồm có hiếu kính, hiếu dưỡng, hiếu hạnh, hiếu tâm và hiếu đạo.
Nhưng ở thời đại hiện này, lớp trẻ không ưa nói chuyện dài dòng mà muốn mọi thứ đều nhanh, gọn, rõ ràng, thực tiễn, dễ thấy như ăn mỳ gói, còn nói cái chuyện phải lâu ngày mới thành thì không chịu, thấy như hầm đá thành cơm vậy.
Cho nên hôm nay, quý Thầy nói về cách hành xử của những người trẻ hiện nay, sống như thế nào để vừa hợp với đà phát triển của thời đại, hợp với cách thức của mình mà vẫn có thể là một người con hiếu, một người con xứng đáng với cha mẹ mà không bị lỗi lầm. Bởi vì thời nay, nhiều bậc cha mẹ trở nên bất lực với con cái. Cha mẹ nói một đường nhưng con thì cho rằng như vậy là lạc hậu nên sống theo kiểu riêng của mình, cuối cùng là muốn hiếu mà hiếu cũng không được Bởi vậy, đề tài nói chuyện hôm nay là “Hạnh hiếu thời nay”. Quý vị trẻ coi thử mình sống đã phải chưa, nên sống thế nào để không lạc hậu mà vẫn phải đảm bảo hạnh hiếu đối với cha mẹ mình một cách đầy đủ không thiếu.
Ngày xưa, trong một gia đình nọ có một cậu bé, hằng ngày rất thích chơi quanh quẩn bên một cây táo, lúc thì hái táo ăn, khi mệt quá thì nằm dưới gốc táo ngủ luôn, suốt ngày như vậy một cách say sưa không biết chán. Qua một thời gian, khi lớn hơn một chút, cậu bắt đầu thấy chán việc suốt ngày chơi quanh cây táo nên từ giã ra đi đến một nơi khác. Một hôm, cậu quay về bên cây táo, mặt mày không vui.
Cây táo vui vẻ, mừng rỡ nói: Ồ, cậu bé, đến đây chơi với ta.
Cậu bé này trả lời:
– Giờ cháu lớn rồi, cháu không thích chơi quanh cây táo nữa. Cháu chỉ thích có tiền để mua đồ chơi.
Nghe thế, cây táo nói:
– Ta thì không có tiền cho cậu nhưng thôi, cậu hãy hái táo mang ra chợ bán, chắc sẽ có tiền để mua đồ chơi.
Cậu bé nghe vậy thích quá, liền trèo lên cây táo vặt hết trái rồi đem ra chợ bán lấy tiền mua đồ chơi. Có đồ chơi mới rồi, cậu không nhớ cây táo nữa, chỉ mải miết chơi với đồ chơi của mình. Một thời gian sau nữa, cậu bé lúc này đã trưởng thành, một hôm bước đến chỗ cây táo với vẻ mặt buồn rầu.
Cây táo mừng quá, nói:
– Ồ, cậu đến đây chơi với ta.
Cậu nói:
– Tôi lớn rồi, không thích chơi quanh đó nữa. Tôi giờ đã có gia đình rồi, phải lo việc gia đình. Tôi cần một mái nhà, một tổ ấm mà chưa có nhà để ở. Ông có thể giúp cho tôi được không?
Cây táo nói:
– Ta thì không có nhà, nhưng cành nhánh của ta, cậu chặt về dùng thì cũng có thể làm được một cái nhà để ở.
Anh thanh niên nghe vậy thích quá, tới bên cây táo chặt hết cành nhánh để dựng một cái nhà. Sau đó, anh cũng không trở lại cây táo nữa, một mình cây táo lại cô đơn lạnh lẽo chờ đợi. Rồi một thời gian sau, lúc này anh thanh niên đã trở thành một người đàn ông đứng tuổi, một hôm tới chỗ cây táo với vẻ mặt không vui. Cây táo mừng quá nói:
– Ồ, cậu đến chơi với ta đó hả?
Người đàn ông nói:
– Tôi bây giờ lớn tuổi rồi, chẳng thích chơi bên gốc táo làm gì. Tôi thấy chán ngán cuộc đời rồi, muốn có một chiếc thuyền chèo ra khơi xa, đi chơi cho thoải mái.
Cây táo lại nói:
– Ta thì không có thuyền nhưng có thể cái thân lớn này, cậu cưa, chặt ra, đục khoét thì cũng thành một chiếc thuyền có thể bơi đi xa được.
Người đàn ông tới đốn hết cả cây táo, đục thành một chiếc thuyền gỗ bơi đi chơi. Một thời gian sau, người đàn ông trước kia nay đã trở thành một ông già, trở về lại chỗ cây táo, nhưng lúc này không còn cây táo nữa mà chỉ còn trơ trọi một gốc táo.
Cây táo buồn nói:
– Ta xin lỗi cậu, bây giờ ta không còn gì để cho cậu hết. Ta không còn trái táo nào nữa.
– Tôi bây giờ cũng không còn răng để ăn táo nữa, cũng không cần trái táo.
– Giờ ta cũng không còn cành nhánh để cho cậu leo trèo nữa.
– Tôi cũng lớn tuổi rồi, chẳng còn sức để leo trèo nữa.
– Thực sự bây giờ ta không còn gì để cho cậu nữa.
– Thực ra bây giờ tôi đã già, đã thấm thía và mệt mỏi với cuộc đời lắm rồi. Tôi không cần gì hết, chỉ cần một chỗ để ngồi nghỉ ngơi thôi.
– À, vậy thì tốt quá, ta còn bộ rễ đang chết dần chết mòn đây, cậu có thể ngồi trên cái gốc đó nghỉ ngơi cũng được.
Thế là lúc này, ông già đến ngồi bên gốc táo và cây táo mừng đến rơi nước mắt.
Qua câu chuyện trên, quý vị thấy cậu bé này đối xử với cây táo có bạc bẽo không? Có phải không? Nhưng coi chừng đó cũng là cách hành xử của chúng ta với cây táo, biểu hiện cho cha mẹ mình. Khi còn nhỏ, chúng ta vây quanh cha mẹ không một phút rời. Lớn một chút, cần đồ chơi, lớn chút nữa cần mái ấm gia đình, lớn chút nữa cần chuyến đi du lịch, lớn chút nữa cần sự nghỉ ngơi… mà có mấy khi chúng ta nhớ tới cha mẹ mình. Và chúng ta trở về với cha mẹ khi nào? Khi thấy thiếu cái gì đó cần xin từ cha mẹ, đúng không? Chúng ta càng lớn thì cha mẹ càng già, sự lớn khôn của mỗi người con là sự chết dần, chết mòn của cha mẹ nhưng không mấy ai trong chúng ta dễ thấy được điều đó.
Một câu chuyện khác, có một anh thanh niên lấy vợ và lập nghiệp sống ở thành phố, cách quê nhà khoảng 300km. Ngày gần Tết, anh định mua một bó hoa rồi gửi qua đường bưu điện để tặng cho mẹ mình ở quê. Khi đến gần tiệm hoa, anh thấy có một cậu bé đang ngồi khóc ở ngoài. Anh hỏi:
– Vì sao cháu khóc vậy?
Cậu bé nói:
– Cháu muốn mua một nhành hoa để tặng mẹ nhưng cháu không có tiền.
Lúc đó anh nói:
– Cháu đến đây, chú sẽ mua cho cháu.
Anh dẫn cậu bé vào trong tiệm hoa, mua cho cậu một nhành hoa và đặt luôn một bó hoa để gửi qua đường bưu điện tặng cho mẹ mình.
Sau khi mua xong, anh hỏi cậu bé:
– Cháu có muốn đi nhờ xe về nhà không?
Cậu bé trả lời:
– Chú cho cháu đi quá giang về nhà mẹ cháu vì cháu không có xe.
Khi lên xe, cậu bé chỉ đường cho anh thanh niên lái xe đến một nghĩa trang. Vào tới nơi, cậu chỉ lên phần mộ vừa đắp còn mới và nói:
– Đó là nhà của mẹ cháu.
Nói rồi, cậu bé kính cẩn đặt nhành hoa lên phần mộ của mẹ mình. Lúc này, anh thanh niên bỗng giật mình, anh gọi điện thoại về tiệm hoa bảo đừng gửi bó hoa qua đường bưu điện nữa, rồi chính anh đi lấy bó hoa và chạy xe suốt đêm để trở về, tận tay dâng bó hoa lên cho mẹ mình.
Quý vị có thể thấy, cành hoa mà cậu bé thành khẩn đặt lên mộ mẹ mình không chỉ là một cành hoa bên ngoài nữa, mà còn là một cái gì đó dâng lại sự sống của mình. Nếu chúng ta không sáng suốt, hằng ngày sống không tốt với cha mẹ, đến khi cha mẹ mình mất thì lúc đặt một cành hoa như thế, có lẽ trong mình sẽ là một sự đan xen giữa nỗi buồn và sự ân hận, phải không? Trong câu chuyện này, nhờ thấy được nấm mộ của mẹ cậu bé mà anh thanh niên đã giật mình, kịp thời hiểu ra mình may mắn có mẹ vẫn còn sống, kịp thời sửa đổi lại cách hành xử với mẹ để sau này không phải hối hận. Cho nên, thay vì gửi qua đường bưu điện thì anh đích thân lái xe suốt đêm để trao bó hoa cho mẹ mình, vì lỡ như mẹ không còn, lỡ như người nằm trong mộ đó là mẹ mình thì đâu còn cơ hội nào để trao, lúc đó có hối hận, có lái xe đi cả ngàn cây số cũng đã muộn rồi, không thể gặp mẹ được nữa.
Hàng ngày chúng ta đi làm rồi mang tiền về đưa mẹ xài, nghĩ vậy là đủ mà không hề biết cha mẹ đang như thế nào, buồn hay vui, khỏe hay yếu…, không biết rằng đối với tình cảm giữa cha mẹ và con cái, sự quan tâm chăm sóc hỏi han của người con đối với cha mẹ còn cần thiết hơn cả những đồng tiền đó. Một mai khi cha mẹ không còn thì dù cho mình có cố gắng cách mấy cũng không thể tìm lại được. Con người chúng ta thường mê lầm, ngay đó thì không biết, chỉ đến khi đứng trước cái chết của một người khác, chúng ta mới lắng lại, thấy ra nhiều điều mà trước đó mình không thấy được, đó là sự mê lầm đáng thương. Vậy từ giờ, quý vị có chờ cha mẹ mình qua đời mới biết không, hay là biết ngay từ bây giờ?. Hôm nay nghe quý Thầy kể, hẳn quý vị cũng biết mình nên làm gì đó thiết thực ngay từ bây giờ, nó sẽ có giá trị hơn sự ăn năn, hối hận sau này của chúng ta. Tuổi trẻ hiện nay thường vì những cái bên ngoài như bận rộn cuộc sống, các mối quan hệ, những cái mình cho là thực tế trước mắt mà quên, không nhớ lúc nào cũng có cha mẹ đang âm thầm dõi theo và hy sinh cho mình. Cho nên, dù không thể thường xuyên ở nhà nhưng khi ra ngoài, chúng ta phải sống như thế nào, ứng xử như thế nào để cha mẹ mình yên tâm. Đó là một vài ý kiến quý Thầy muốn nói để quý vị trẻ hiện nay ý thức được chúng ta phải sống sao cho đúng, sống sao cho có ý nghĩa.
Lúc còn nhỏ, chúng ta ở trong vòng tay cha mẹ, được sự chăm sóc của cha mẹ thì dễ rồi. Nhưng khi lớn một chút, đi học, tiếp xúc với bạn bè, nếu bạn bè rủ đi chơi mà không đi thì bị bạn bè nói, còn đi chơi về thì thấy trong lòng có gì đó áy náy, khó chịu, vì mình đã đi chơi lêu lổng, học hành không chu đáo. Cha mẹ thì tần tảo chắt mót từng đồng nuôi mình, mình thì tiêu xài trên mồ hôi nước mắt đó. Tới ngày thi, kết quả thi không giống ai hết, mình thì buồn, cha mẹ thì không vui. Lúc đó, thử xem những niềm vui khi đi chơi trước đó có đền bù được không?