Niệm Ân Thân Mẫu
Mạ, nhũ danh là Trương thị Thí, tự là Hương, sinh năm Nhâm Tý, thọ tam quy ngũ giới với Hòa thượng Thích Trí Thủ – pháp danh NGUYÊN HOA. Chánh quán làng Phù Lễ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên, nay là xã Quảng Phú, huyện Hương Điền. Là con của cụ ông Trương văn Thùy và cụ bà Nguyễn thị Dậu.
Lúc thiếu thời, do thiện duyên tiền kiếp, mạ được cụ Nguyễn thượng Hiền (một nhà trí thức yêu nước) nhận làm con nuôi. Sẵn có tư chất thông minh, lại được hấp thụ một nền Nho học lẫn Tây học nên đời sống khá văn minh so với các người cùng lứa. Bẩm tính vốn hiền hòa đôn hậu, cụ Nguyễn thương mạ như con đẻ, chăm sóc dạy dỗ rất chu đáo, vì vậy mạ trở thành một người con gái đảm đang, công dung ngôn hạnh vẹn toàn.
Năm 17 tuổi kết duyên với cha, hạ sinh 12 người con – 5 trai 7 gái. Năm trai là Phúng, Điệp, Long, Vịnh và Thành, bảy gái là Kim Trang, Ngọc Điểm, Từ Diệm, Ngọc Nga, Ngọc Quyến, Diệu Uyển, và Minh Châu.
Hai trai Vịnh và Thành, hai gái Nga và Quyến đã chết khi còn nhỏ, còn lại 3 trai 5 gái đều được mạ nuôi dưỡng đến lớn khôn.
Trong những năm đất nước loạn ly, chiến tranh chống Pháp, ruộng vườn tan hoang, mạ phải tần tảo giúp chồng nuôi con vô cùng vất vả nhưng mạ vẫn quyết tâm cho các con ăn học khỏi thua sút bạn bè. Nhất là 3 người con trai là anh Thuyết (con mạ Đích), Phúng và Long được mạ chăm lo việc ăn học, định vợ gả chồng chu đáo hơn cả.
Khổ nhọc nhất là những năm tản cư về Hà Trử từ năm 1949 đến 1952 – khi cha lâm nạn (ở tù), mẹ phải quán xuyến việc nhà, lo bới xách thuốc men cơm gạo, tay bồng tay dắt dẫn đàn con dại thập tử nhất sinh dưới làn mưa bom đạn. Nhưng nào đã yên, từ khi làm dâu họ Đoàn cho đến ngày nhắm mắt, mạ luôn ngậm đắng nuốt cay vì lòng ganh ghét, ố nhơn thắng kỷ của một vài người bám riết mưu hại, vu khống nhiều điều. Nhưng với sự ẩn nhẫn, lối cư xử tế nhị cao thượng, cộng thêm niềm thương kính của tuyệt đại đa số bạn bè, hàng xóm và bà con nội ngoại, mạ đã thắng vượt và cảm hóa được những người xấu tính. Cũng nhờ thế mà đức độ của mạ rạng ngời, tỏa sáng, ảnh hưởng con cháu xa gần.
Là một tín đồ thuần thành của đạo Phật, một hội viên trung kiên của giáo hội, mạ tham gia tích cực mọi sinh hoạt từ thiện và xã hội của Phật giáo địa phương, đã khuyến khích con cháu tấn tu và phục vụ Đạo pháp, đã xem các đạo hữu như người thân, xem các cao tăng đại đức như cha mẹ, tận tâm phục vụ cúng dường như một người con chí hiếu. Cũng nhờ thế, mạ được các ngài đạo cao đức trọng lưu tâm dạy bảo khuyến khích, như : Hòa thượng Trí Thủ, Hòa thượng Trí Quang, Hòa thượng Trí Nghiêm, Hòa thượng Thiện Siêu. Đó cũng là một phước báu mà mạ được hưởng.
Bên cạnh đó, những ngày ban đầu chỉ là bạn con mạ, lui tới viếng thăm, sau cảm ân đức mạ mà trở thành “nghĩa tử”, tình thâm nghĩa nặng như các anh Thiện Nhu, Thiện Hoài, Hữu Huỳnh, Văn Cầm, Tư, Ty, Nhạn. Khi mạ đau yếu và lâm chung, chính những người con này lại gánh vác những việc nặng nhọc.
Sự chịu đựng của mạ thật quả phi thường: đàn con 12 người lần lượt bỏ mạ ra đi – Vịnh, Thành, Nga, Quyến từ trần lúc còn nhỏ, còn lại 8 người, cảnh tre già khóc măng non xảy ra liên tiếp. Đến khi mạ nhắm mắt chỉ còn 3 anh em (Điệp, Uyển và Châu). Có lẽ, đây cũng là một lý do mà mạ nhận cảm khổ đế trong luật vô thường, nên mạ từ giã cõi đời không nuối tiếc.
Lạy mạ !
Trước linh cửu mạ, con cố nén đau thương, ôn lại những ký ức cao quý nhất của tình mẫu tử. Lời mạ xoáy mãi vào hồn, văng vẳng bên tai: “Con của mạ khóc phải đúng lúc, cười phải đúng chỗ, nói phải đúng lời, và làm phải đúng việc”.
Nên khi con tự chặt tay viết cáo trạng để bảo vệ đạo pháp, trước ba quân thiên hạ mạ đã tươi cười mà nước mắt mạ chảy: “Nếu vì sự tồn vong của Đạo pháp, và quyền lợi tối thượng của Dân tộc mà con tôi phải bỏ cả thân mạng, tôi cũng vui lòng; chứ mới một ngón tay thì đã có chi mô”.
Mạ ơi, con rất sung sướng và hãnh diện khi có một bà mẹ khí phách và can đảm như mạ.
Hôm nay, mạ đã nằm yên trong áo quan, bà con đã tẩm liệm chu đáo. Nhìn ảnh mạ, nghe tiếng mạ đọc di chúc trong băng nhựa. Mạ đã tự lo, đã sáng suốt dặn dò con cháu: “Khi mạ chết, chắc Minh Tâm không về kịp, bảo anh Nhu mời quý thầy nhập liệm mạ, sau đó thầy Minh Tâm về sẽ tiếp tục lo đám tang, còn mọi việc đã có bà con lo liệu”.
Ngày mồng hai, mạ còn ngồi chơi tài bàn và cúng mệ ngoại. Ngày mồng bốn mạ còn ngồi ăn giỗ và tắm gội. Chiều ngày mồng sáu lúc 2 giờ, mạ còn dặn Uyển đề phòng bệnh tật; đến 3 giờ, mạ còn tự tay bưng sâm để uống. Nhưng đến 3 giờ 7 phút thì mạ trút hơi thở cuối cùng – khi cô Tịnh Phương tụng xong kinh Thủy Sám quyển I.
Sự tinh tấn và sáng suốt của mạ rõ ràng là cận tử nghiệp của mạ rất nhẹ nhàng. Con tin giờ này mạ đã được kề bên sen báu, được nương bóng từ quang. Và con cháu thành tâm lắng nghe nguyện làm theo di ngôn của mạ.
Đông Đinh Mão, tháng cuối, ngày 12
Con của Mạ
Minh Tâm