Trong tự điển của ngôn ngữ, người ta tìm thấy một định nghĩa về mẹ: “Mẹ là người đàn bà đã sinh ra ta”. Nhưng thực tế mẹ không thể nào chỉ đơn giản như thế mà thôi! Mẹ còn là một điều gì đó rất cao cả, vĩ đại lắm; ý nghĩa về mẹ vượt lên trên mọi ngôn ngữ thông thường khó diển tả được hết trọn ý nghĩa của từ về “mẹ”.
Trong cuộc đời của mỗi chúng ta, từ lúc sinh ra và lớn lên ai mà không có mẹ và ai mà không cần có mẹ. Chính vì có mẹ ta mới có một tuổi thơ ngọt ngào và khôn lớn nên người. Tình mẹ là một tình yêu thiêng liêng, cao cả không gì thay thế được, chỉ có mẹ mới chịu đựng được bao nỗi nhọc nhằn, lao tâm lao lực với con.
Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa
Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương. ( ca dao)
Những tháng cưu mang là những tháng ngày mẹ phải vất vả, ăn không ngon, ngủ không yên, đi đứng khó khăn, nhưng mẹ vẫn cảm thấy vui vì mẹ biết rằng rồi đây mẹ sẽ có con- một niềm vui lớn không gì đánh đổi được. Cho đến lúc con được sinh ra và lớn lên, cũng là nỗi vất vả, khó khăn của mẹ chất chồng.
Mẹ là tiếng nói được bộc lộ từ một thứ tình cảm luôn chở che, cưu mang, bao dung, độ lượng,…; luôn hy sinh, cam chịu trong mọi hoàn cảnh. Đây chính là thứ tình cảm ngọt ngào thiêng liêng, làm nảy sinh nên mọi tình cảm ở đời như: tình yêu quê hương, tình yêu đất nước, tình yêu đồng bào, tình yêu con người,v.v… Nếu thiếu vắng thứ tình cảm này, cũng đồng nghĩa với sự vắng mặt hoàn toàn của mọi thứ tình cảm có trong cõi đời nầy.
Đói lòng ăn hột chà là
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng
Trong thi ca Việt Nam, có đến cả muôn ngàn áng văn chương tuyệt tác ca tụng tình cảm thiêng liêng này. Trong đó, hình ảnh của người Mẹ được khắc hoạ qua các hình tượng hết sức sống động, sống mãi cùng thời gian.
Bởi vì mẹ là nguồn suối mát, là bầu sửa ngọt, là hương thơm, là hy sinh, là dỗ dành, yêu thương, đùm bọc; là hơi ấm và là tất cả những gì cao quí nhất trên đời. Mẹ cò là đôi tay đã dìu đỡ ta đi những bước chập chững đầu tiên. Mẹ là giọng nói êm êm, giúp ta bập bẹ những âm thanh đầu đời. Mẹ là bàn tay ấm, kiên nhẫn tập cho ta viết những mẫu tự đầu lòng. Một số ca dao ghi lại cai tình thiêng liêng đó của người mẹ:
Đói lòng ăn trái ổi non
nhịn cơm nuôi Mẹ cho tròn nghĩa xưa.
– Lên chùa thấy Phật muốn tu
về nhà thấy Mẹ công phu chưa đền.
– Ví dầu con phụng bay qua
Mẹ nói con gà, con cũng nói theo.
– Vẳng nghe chim vịt kêu chiều
bâng khuâng nhớ Mẹ chín chiều ruột đau.
– Thương thay chín chữ cù lao
tam niên nhũ bộ biết bao nhiêu tình.
– Xin người hiếu tử lắng khuyên
kịp thì nuôi nấng cho toàn đạo con
kẻo khi sông cạn, đá mòn
phú nga phú ủy có còn ra chi.
– Nuôi con chẳng quản chi thân
bên ướt Mẹ nằm, bên ráo con lăn.
– Mẹ già ở túp lều tranh
sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.
Mẹ là đôi tay gầy nhẫn nhục cùng đôi quang gánh. Mẹ là mái tóc dãi dầu gió sương, đốm bạc vì lo lắng; đôi chân mẹ không quản cực nhọc, rạo bước khắp mọi nẻo đường mang về cho con manh áo, chén cơm. Mẹ là đôi tay chai sần vì công việc cày cấy. Mẹ là đôi chân ngọc trong bùn non, lom khom cắm từng rẽ lúa xuống ổ ruộng loáng nước. Mẹ là tấm áo nâu đen ướt sủng nước mặn, buổi sáng, buổi chiều, bên lạch, bên sông, mò tôm, mò cá.
Ngày xưa mẹ là thế, bao đau khổ của cuộc đời, mọi khó khăn của cuộc sống mẹ đều gánh lấy, mẹ chỉ mong sao cho con được vui, được trưởng thành: cơm dù khô dù nhão vẫn nhai nhuyễn, lừa xương lừa sóc bỏ ra để có búng cơm ngọt ngào mớm cho con. Ôi! búng cơm ngày nào sao con không nghĩ được, bây giờ hóa ra rất lớn lao, lớn lao ở cái tình mẹ mà giờ đây dường như nó còn nghèn nghẹn ở cuống họng của con. Cuộc sống của con bây giờ có lẽ đã hơn trước, không phải chịu cảnh cơ hàn như cuộc sống của mẹ ngày nào. Con lại nhớ đến mẹ, muốn phụng dưỡng mẹ, muốn bù đắp lại bao tháng ngày khổ cực của mẹ, nhưng mẹ đã không còn, mẹ không thể chia sẻ cùng con những món ngon ngày xưa mẹ không có, có chăng những lúc con dâng cúng mẹ, cầu mong mẹ về đây cùng con san sẻ, và con lại cầu nguyện để mẹ được bình yên nơi ấy, linh hồn mẹ được siêu thoát, để rồi con xin mẹ phù hộ cho con được bình an hạnh phúc…
Mẹ già như chuối ba hương
Như xôi nếp mật như đường mía lau. (Ca dao)
Thật ra con đã biết được cái ngày khắc nghiệt này, nên con lo sợ mẹ bỏ con, con thầm mong cho mẹ luôn luôn được khỏe mạnh, được yên vui, nhưng cuộc sống có quy luật riêng của nó, do đó con không cưỡng lại được, mẹ phải già và thật sự bây giờ mẹ đã già. Mẹ đi không nổi, phải vịn vào tường, phải bám thanh giường mà đi. Nhưng với con, mẹ vẫn khỏe, vẫn là chỗ dựa. Trên mỗi bước con đi trong cuộc đời đều có mẹ, phải vịn mẹ mới mong khỏi vấp ngã. Dù con bao nhiêu tuổi đi nữa, với mẹ con vẫn là đứa trẻ lên ba, phải tập tễnh vào đời dưới đôi tay dìu dắt của mẹ. Nhưng ông trời thật khắc nghiệt, không để con mãi mãi được gần mẹ, nên con phải đi, tự tìm hạnh phúc của riêng con, bỏ lại mẹ già không ai chăm sóc:
Đi đâu mà bỏ mẹ già
Gối nghiêng ai sửa, kỷ trà ai nâng? (ca dao)
Vâng! Mẹ là hình ảnh của mang nặng đẻ đau, nhai cơm, nhường nơi khô nằm nơi ướt, con đau là mẹ đứng ngồi không yên,v.v… khi con còn bé bỏng; thế rồi để con lớn khôn và vững bước vào đời, mẹ lại làm thân cò lặn lội, bươn chải, vất vả nuôi con.
“Nuôi con chẳng quản chi thân,
Bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn,
Nuôi con buôn tảo bán tần,
Chỉ mong con lớn nên thân với đời.
Những khi trái nắng trở trời,
Con đau là mẹ đứng ngồi không yên,
Trọn đời vất vả triền miên,
Chạy lo bát gạo đồng tiền nuôi con;
Dẫu cho thân xác héo mòn,
Miễn sao con được đủ đầy ấm no.” (Ca dao)
Vất vả thế, cơ cực thế, mẹ không hề than van! Hình ảnh người mẹ tảo tần sớm hôm dưới mưa gió trên đồng ruộng, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời; lam lũ, vất vả giữa chợ đời, gánh hàng rong trĩu nặng trên đôi vai gầy dạo khắp cùng đường cuối hẻm mong kiếm đồng lời để nuôi con ăn học thành tài cho khỏi thua sút với đời. Hởi những ai đang còn có mẹ: – bạn có cảm nhận được hết tất cả những gì cao quí nhất của mẹ mình hay không?
Mẹ là người có trái tim đa cảm nên phải chịu đựng nhiều. Đất nước Việt Nam trước họa xâm lăng của người cộng sản Bắc Việt nên chiến tranh leo thang vào thập niên 60 (tk.20) triền miên nỗi đau mất mát ngày càng chồng chất trong trái tim của người mẹ – có con trai cầm súng chiến đấu, để giử yên miền nam được trọn vẹn trong không khí yên bình của tự do. Chiến tranh… rồi cũng qua đi nhưng hậu quả để lại dường như vẫn đọng lại đâu đây. Thiệt hại về chiến tranh vô cùng to lớn, song có lẽ sự mất mát chồng con của những bà mẹ, người vợ là vết thương lòng khó lành nhất.
Trong cuộc chiến xâm lược vừa qua do Hồ chí Minh và đảng csVN chủ xướng đã làm khoảng 5 triệu người đã chết, trong đó gần ba triệu người trực tiếp cầm súng của cả hai miền nam bắc đã hy sinh và mất tích. Đó là con số tạm thống kê, thực sự chắc lớn hơn nhiều, số thương vong nói lên trọn vẹn tình cảnh và cuộc đời vui buồn theo vận nước của những người mẹ Việt Nam: “Xưa tiễn chồng đi rười rượi tóc xanh, nay tiễn con đi mẹ đã lung linh đầu bạc” hình ảnh các Mẹ, các chị em quên tuổi xuân hiến mình cho đất nước những người thân yêu nhất.
Không có nơi nào trên thế giới mà lòng mẹ luôn quặn lòng về đàn con bất hiếu (csVN) của mình như những bà mẹ VN, mẹ vô phúc đã cưu mang những đứa con phản phúc, từ bao nhiêu năm đã lừa dối đòng bào núp dưới chiêu bài chống Mỹ cứu nước giải phóng miền nam.
Mẹ lúc nào củng là bậc trưỡng bối, là thầy… là bạn đồng hành với con cái đến hơi thở cuối cùng…mẹ là những kinh nghiệm phong phú trao cho đàn con trước khi dấn thân hay nhập cuộc. Con cám ơn mẹ, không quên dâng lên mẹ một đoá hoa hồng thơm ngát để tỏ lòng thương yêu và kính mến trong suốt cả cuộc đời nầy. Chúc tất cả các bà mẹ VN thật hạnh phúc trong tình thương của con cái dâng lên mẹ trong ngày hiền mẫu.
Có rất nhiều bài thơ viết về mẹ, rất nhiều bài hát viết về mẹ nhưng có lẽ đặc sắc hơn hết là ca dao về mẹ. Ca dao về mẹ đã nâng niu những tình mẫu tử cao quý nhất của con người, giúp con người cảm nhận được một thứ tình cảm thiêng liêng không gì thay thế được. Ca dao về mẹ dẫn ta đi như dẫn người con bé bỏng, rất ngoan. Đọc ca dao về mẹ, chúng ta như qua được chiều dài của tình cảm con người. Ở đó, ta đã vui buồn với nhau về tình mẫu tử.
Để nhớ tới công lao của người từng mang nặng đẻ đau nên khắp nơi trên thế giới, thường tổ chức vào ngậy chủa nhầt của tuần thứ 2 trong tháng năm. Những nước như CHXHCNVN trước 1975- ngày vinh danh người mẹ không bao giờ có, đó là truyền thống của người công sản, một đám con hoang vô gia đình , vô tổ quốc và vô thần…. Riêng tại miền nam VN trong chế độ cộng hoà, ngày mẹ thường được được người Phật tử tôn vinh chung trong ngày lễ Vu Lan hàng năm-tức ngày rằm tháng 7. Sắp đến ngày hiền mẫu của thế giới sắp tới (8/5), tuổi trẻ hậu duệ VNCH thành tâm,
Nguyện cầu Quốc Mẩu Âu Cơ
Sáng soi dân tộc con đường đấu tranh
Sao cho chí toại công thành
Việt Nam dân chủ, thái bình, ấm no
Nguyễn thị Hồng 4/4/2016
http://www.haingoaiphiemdam.com/News/Detail/?id=64404