Hôm nay là ngày 20 tháng 7. Mỗi năm đến ngày này, sau thời kinh sáng, tôi ngồi thật yên nghĩ đến những người đã cùng vượt biên chung một chuyến tàu và nguyện cho họ gặp được những điều tốt đẹp trong cuộc sống nơi xứ lạ với tâm thật bình an.
Mới đây mà đã 33 năm rồi. Chiều đó, hai mẹ con ăn mặc như người nhà quê, chỉ xách giỏ đệm chứa một bộ quần áo cho con gái, đồ vệ sinh cá nhân và chanh đường phơi khô cùng giấy tờ cần thiết.
Tôi dắt Nhân theo. Nhi đến nhà đưa chúng tôi đi:
– Tới ngôi nhà trước cửa có bán thuốc lá, con dừng lại mua thuốc, dì và 2 em cứ đi thẳng vào nhà trong, như ở quê lên thăm bà con.
Ngôi nhà sàng sau lưng bưu điện quận năm. Người ta tụ tập ở đó đông quá! Cô Lệ thấy chúng tôi liền đến ngồi chung, tôi nhìn quanh tìm cô em gái và bé Phương, em đến rất sớm nên họ đưa lên gác. Trên đó rất nhiều người cũng đang chờ đợi.
Một giờ sau, Nhi đưa người đàn bà mang theo 6 đứa con nhỏ vào. Nhi nói vào tai tôi:
– Khi nào taxi đến, cho bà này xuống trước. Đến gia đình mình, tất cả 8 người: Tôi và con gái. Lệ cô giáo dạy anh văn cho con gái tôi. Cúc và Phương (7 tuổi con của Cúc. Em Cúc là con người cô của tôi). Nhân 12 tuổi (con người em cô cậu với tôi). Nhi (con người chị ruột). Minh (em nuôi).
Chiếc taxi nhỏ quá, thêm một số nữa là đầy, trong khi còn quá nhiều người chờ. Hy vọng có thêm chiếc nữa.
Chúng tôi bước xuống một ghe nhỏ với cái mui cong, chạy bằng máy đuôi tôm (để chở các loại trái cây). Di chuyển chừng 5 phút, chủ ghe kêu tất cả phải nép xuống và im lặng. Một giờ sau:
– Bà con ơi , đến tàu lớn rồi!
Mọi người lần lượt lên tàu lớn, tất cả đều phải xuống hầm. Khi tàu gần chạy, người tổ chức (cũng là em nuôi tôi) xuống gặp tôi:
– Em ở lại, vợ và con gái em không chịu đi.
– Em phải đi! Vì đây là con đường sống của em. Công an đã tìm em rồi, em ở lại nhà đâu cho em ngủ mỗi đêm? Vì an toàn nên mỗi đêm chị phải tìm nhà quen mà gởi em ở đấy. Em phải đi!
Thảo dạ mà nước mắt chảy dài.
Tàu đi được 2 ngày đêm là ra hải phận quốc tế, vui mừng lan khắp cả tàu.
Tối đó, có ánh đèn lấp loáng từ xa của các tàu đi biển, nên tàu chạy về hướng ấy. Sáng đến gần mới nhìn ra tàu đánh cá Thái Lan, biết đâu khi lòng tham nổi lên họ biến thành hải tặc lương tâm không còn.
Có tiếng la: “Tàu Thái Lan, đàn bà con gái xuống hầm mau lên!”
Tôi, Cúc và Lệ lại cầu nguyện. Đàn ông con trai thì ở trên boong, một số lấy súng ra cầm tay, một số cầm lựu đạn. Chẳng biết có phải hai chiếc tàu đánh cá phải thấy vậy nên họ sợ, hay vì lòng nhân đạo mà họ cho chúng tôi một cần xế cá và chỉ đường cho tàu đi.
Tàu chạy thêm một ngày một đêm nữa thì hư máy.
Mưa rơi xuống, tôi và một số người lấy các tấm nhựa ra hứng nước, mình có con nhỏ nên lấy nước để dành. Nhưng sau đó lại đưa hết cho thợ máy vì tàu cần nước để cho vào máy, hy vọng chạy được.
Máy vẫn chưa sửa được, mưa to hơn, gió rất mạnh và bão kéo tới.
Nhờ thượng đế thương tình cho đôi cẳng Tôi bỏ nhà đi… Cơn bão rượt sau lưng Như đã bỏ một lần khi nước mất Trắng hai tay và sạch sẽ đôi chân (QHNC)
Sóng ào ạt dâng như lầu cao 10 tầng mà chiếc thuyền quá nhỏ.
Từng cơn sóng sắp ập đến, tưởng thuyền sẽ chìm nhưng con thuyền như chiếc lá lên thật cao rồi lượn xuống chìu theo con sóng. Tôi cầu nguyện luôn miệng vì tôi không muốn chết nơi này. Tôi còn con nhỏ và trách nhiệm dẫn một số người theo tôi. Đêm đó ai cũng phải xuống hầm, sóng tạt ướt hết boong tàu, gió quá mạnh.
Cuộc đời sao quá mong manh Ra khơi kiếp sống đong đanh chỉ mành Con thuyền trôi nổi chòng chành Nhắm đôi mắt lệ chờ vành biển sâu (Ngô Thiên Tú)
Sáng hôm sau biển êm, nước xanh đen, không thấy đáy. Mọi người ù ù kéo nhau lên boong vì từ mấy kẻ hở của ván tàu, nước rò rỉ vào.
Dưới hầm chỉ còn 6 người đàn bà và 3 đứa con nít, con gái tôi, Nhân và Phương.
Tôi, Lệ và một chị nữa lập thành một nhóm. Cúc và 2 chị chung một nhóm. Tôi và Cúc khác nhóm vì phải săn sóc 3 đứa nhỏ. Chúng tôi cùng nhau lo tát nước.
Ai nghe chăng tiếng thét gào của biển
Nỗi niềm riêng thổn thức của quê hương.
(Vũ Hưng Việt)
Càng tát nước vào càng nhiều, gần đến ngực của các cháu. Có mấy miếng gỗ trôi trong hầm, tôi nhặt 3 miếng kê lên sườn tàu để mỗi đứa nhỏ tựa vào miếng ván không bị nước vào miệng. Đang nhắm mắt dưỡng sức dựa người vào sườn tàu, chân vẫn ngâm trong nước, tiếng bé Phương la lên:
– Me! Me! Thằng Nhân chết rồi!
Tôi mở mắt. Bé Phương chỉ dưới nước. Tôi hốt hoảng, vội ngồi xuống, nước ngập đầu, tôi lôi cháu lên khỏi mặt nước. Cháu đang nhắm mắt, miệng kêu tên cháu, tay tôi vỗ mạnh vào mặt cháu. Tôi sợ Nhân chết, làm sao ăn nói với em tôi đây. Có phân trần cách gì cũng không ai tin, khi con mình còn sống.
Không ngờ những cái đánh mạnh đó, Nhân bật khóc:
– Con đang ngủ sao me đánh con?
– Lần sau ngủ phải ôm miếng ván cho thật chặt.
Dặn rồi nhưng vẫn không yên lòng, tôi lội nước đi về phía phòng máy.
Ồ! Đây rồi! Có rất nhiều dây, tôi tìm ba đoạn và cột mỗi đứa vào một
miếng ván, còn đầu kia cột vào sườn tàu, để 3 đứa nổi trên mặt nước.
Giữa lòng biển cả mênh mông Nơi đâu bờ bến mắt trông từng ngày Bao la sóng nước u hoài Mây đen bao phủ miệt mài mưa dông (Ngô Thiên Tú)
Tôi muốn sống! Muốn ôm đứa con trai đã theo chồng tôi vượt biên cách đây mấy tháng, hiện đang ở Úc. Đã xa chồng 8 năm vì anh ở tù. Vừa về đến nhà 3 ngày 2 đêm, anh về Mỹ Tho thăm cha mẹ hết 1 ngày 1 đêm, trở lại Sài Gòn và đêm đó anh xuống tàu vượt biên liền.
Tôi muốn được gối đầu lên tay chồng và chúng tôi sẽ kể cho nhau nghe trăm ngàn nỗi đắng cay, những người đàn bà như chúng tôi phải chịu sau khi gia đình ly tán, nước mất nhà tan.
Ý chí muốn sống trong tôi quá mãnh liệt, đó là năng lực để tôi có sức khỏe hơn những người đàn bà bình thường khác.
Tôi gom 3 đứa nhỏ lại:
– Các con có sợ chết không? Các con có giận me không?
Tất cả đều nói không sợ chết và thương me nhất.
Hai đứa là cháu nhưng từ nhỏ đã ở gần nên kêu tôi là me. Dù sao tôi cũng đã hỏi tụi nó và yên lòng nếu thật sự phải chết.
Tôi không mệt mõi chút nào, dù mỗi ngày đều chia bớt phần ăn của mình cho Nhân, lúc nào Nhân cũng than đói.
Vẫn cùng 5 người tiếp tục tát nước suốt đêm. Đến sáng, tài công và thợ máy bước xuống hét to lên khi thấy chỉ có 6 người đàn bà lo tát nước suốt ngày đêm.
Tài công tập họp mọi người lại để chia nhau thay phiên tát nước, ai từ chối sẽ bị xô xuống biển. Em vừa nói mà tay cầm súng đưa lên cao. Từ đó 6 người chúng tôi được nghĩ.
Phật tử tụ lại thành một nhóm, bắt đầu đọc kinh. Con chiên bên Công giáo có Đức Cha đứng ra làm chủ lễ cầu nguyện.
Biển vẫn mênh mông cuồng phong bão tố Biết bao giờ thuyền cập bến Tự – Do Biển, biển ơi….xin đừng làm tuyệt vọng Để tôi còn tìm lại một quê hương (Ngô Thiên Tú)
Một số đàn ông xuống hầm tìm cách sửa máy tàu. Các nhóm tát nước thật giỏi, nước chỉ còn tới đầu gối, không dâng cao thêm. Họ tìm cách trét những chỗ hở giữa 2 miếng váng, hy vọng nước không vào nữa.
Đêm đó tôi được ngủ và nằm mơ thấy tôi ăn mặc thật đẹp, tay cầm bó hoa Gladiolus đỏ, quỳ dưới chân Đức Mẹ tạ ơn.
Năm 75 về sau tôi không dám đến chùa, công an thường làm khó những người đến đấy. Mỗi ngày đi làm, sáng đạp xe từ chợ lớn ra chợ cũ ngân hàng Việt Nam Thương Tín, phải đạp xe ngang nhà thờ ngã bảy. Ở đó có một tượng Đức Mẹ lộ thiên rất to, tôi thường ghé vào. Chiếc xe vẫn giữa hai chân, đôi tay ghì trên gidong và tôi cầu nguyện. Nói là cầu nguyện nhưng thật ra là kể lể, vì lúc đó tôi không dám tin ai cả, mọi đau khổ đều để trong lòng.
Chị chồng là người đồng cam cộng khổ với tôi, bên tôi lúc giàu sang, nhưng khi xuống tận cùng của sự nghèo đói, chị vẫn ở bên tôi. Vì chị quá thương mẹ con tôi, nên tất cả khổ đau tôi ôm trọn, chỉ biết tâm sự cùng tượng Đức Mẹ mà tôi nghĩ cũng là Đức Quán Thế Âm.
Tôi nói với Ngài như nói với mẹ mình mỗi ngày 2 lần, đi và về, có thể vì vậy mà đêm nay tôi nằm mơ chăng.
Sáng đó, Thảo, em xuống thăm tôi sớm. Thảo than:
– Lương thực chỉ đem để vài chục người ăn, nhưng vì mình mua bãi, và thuê công an đưa tàu ra một đoạn, không ngờ các ông ấy đã lấy tiền còn gởi nhiều người quá! Nay trên tàu lên đến 173 người. Ngày chỉ cho ăn 2 lần, một người có nửa chén cơm thôi, vậy mà trưa nay gạo chỉ còn đủ nấu 1 lần cháo, rồi hết luôn.
Tôi viết lại đây những vần thơ vượt sóng Một lần vượt biên ôi đau xót ngậm ngùi Quê hương là biển cả mù khơi Không bến bờ, giờ từng giờ chờ đợi! (Ngô Thiên Tú)
Tôi đưa em 1 muỗng chanh đường và nói đây cũng là muỗng cuối cùng.
Tôi kể cho em nghe giấc mộng của tôi. Trong chuyến đi này tôi là lớn nhất, mỗi lần tàu có gì trục trặc, các em đều kêu tôi cầu nguyện.
Tự nhiên Thảo choàng qua ôm tôi:
– Mình được cứu rồi.
Tôi ngơ ngác. Em vội vàng đi lên boong, không hiểu em nói gì?
Nhi chạy xuống:
– Kể giấc chiêm bao cho con nghe đi!
Kể xong, tôi đưa cháu muỗng chanh đường, lần này tôi kêu cháu mở miệng ra tôi bỏ vào, không trao tay như những lần trước, vì Nhân méc:
– Me à, anh Nhi không ăn chanh đường. Sáng nào anh cũng đem lên cho người ngồi trên boong tàu hết.
Không biết đã bỏ trong miệng rồi, Nhi có nhả ra cho nữa không? Đó là chuyện của Nhi tôi đã làm hết bổn phận.
Tôi có cách sống riêng, tự đặt ra là sống làm sao để khi gặp lại mọi người thân, lòng không hổ thẹn.
Minh xuống bắt tôi kể giấc mơ, rồi lãnh một muỗng chanh đường. Người tài công (sau này nhận tôi làm chị) rồi đến ông chủ tàu cũng xuống kêu tôi kể lại giấc mơ. Tôi đâm ra hoảng sợ, vì ai cũng tin vào giấc mơ của tôi, phải làm sao đây? Chỉ còn cách đọc kinh. Lần này tôi đọc với tất cả sức mạnh của trái tim, quên hết không gian, thời gian, nên tiếng la nhao nháo trên boong tàu tôi cũng không nghe.
Nhi xuống và ôm tôi:
– Có chiếc máy bay vừa bay ngang qua, ai cũng la mừng hết. Anh Thảo hỏi có quần áo, giày dép, đưa hết để anh đốt lên cầu cứu.
Tôi với tay lấy bộ quần áo của con gái và 2 đôi dép trong giỏ đệm. Cúc cũng đưa như tôi, vì chúng tôi không đem theo nhiều đồ.
Lần này Nhi xuống hầm la to:
– Máy bay đã quầng lại rồi! Tất cả mau lên coi!
Tôi mừng quá vội vã lên boong thì máy bay vừa đến, bay sát tàu và họ ra dấu đã nhìn thấy chúng tôi. Dưới này mọi người la hét vỗ tay.
Sự vui mừng ập đến bất ngờ quá! Nước mắt lại tuôn trào. Chúng tôi lặng lẽ xuống hầm và tiếp tục đọc kinh.
Trưa đó, không ai còn thiết ăn cháo dù Thảo đưa tận nơi, chỉ có các đứa nhỏ bắt buộc phải ăn.
Đúng 3 giờ chiều, một chiếc tàu nhỏ đến. Có 2 người Mỹ, họ xuống hầm xem khi thấy nước ngập sàn tàu. Lúc này Lệ làm thông dịch, người Mỹ bảo cứ tiếp tục tát nước, họ trở lại ngay.
Chiếc tàu lớn hơn lại đến, họ chỉ cho chúng tôi thấy chiếc tàu thật to đậu gần đó nhưng không dám đến gần chúng tôi, vì sóng bên hông chiếc tàu đó sẽ làm tàu của chúng tôi bị chìm.
Việc cứu cấp bắt đầu từ con nít trước, rồi đến đàn bà, sau đó mới đến đàn ông. Chiếc thang trên tàu lớn được đặt thòng xuống, trên mỗi tam cấp có 2 người thủy thủ cầm tay dìu bước thuyền nhân, chân vừa chạm sàn tàu lớn, tôi bất tỉnh.
Bỗng dưng người đứng cạnh kề Bỗng dưng lúc ấy não nề rời xa Gió dường trở giọng hát ca Trong tôi có tiếng ngân nga ấm lòng (Trinhcamle)
Khi tỉnh lại thấy mình nằm trên giường nhỏ. Có lẽ là phòng khám bệnh của tàu. Bên tôi là một người lính thủy trẻ, người ấy cười rồi đỡ tôi dậy, đút cho tôi một muỗng nước. Tôi ra dấu muốn uống hết ly nước đó. Anh cười thật hiền, lắc đầu, chỉ vào chai nước biển đang chuyền vào tay tôi, ra dấu kêu tôi hãy ngủ. Tôi lại thiếp đi.
Lần này thì chính người lính trẻ kêu tôi thức dậy. Anh đỡ tôi đứng lên, trao cho tôi cục xà bông thơm và một cái khăn, rồi dẫn tôi đến gặp những người cùng tàu, giao tôi lại cho thân nhân đang ùa tới.
Tất cả mọi người đều tắm rửa và thay y phục trên tàu vừa cho. Cúc hướng dẫn tôi đến chỗ chọn quần áo, họ chất lên thành một đống cao to, thiên hạ tha hồ xốc sổ.
Tôi tìm được một cái áo đầm màu nâu thêu trước ngực rất đẹp, vô cùng trang nhã, thêm quần đùi và cái áo choàng, Cúc chỉ phòng tắm cho tôi.
Khi gội đầu nước chảy xuống chân, tôi đau rát quá! Vị trí từ bụng trở xuống, nhất là hai chân, vì tôi bị ngập nước quá lâu nên bắt đầu có nhiều nốt đỏ. Không sao! Nước có thể chữa lành tất cả và mọi việc tốt đẹp sẽ đến với tôi!
Giờ cơm chiều, boong tàu thật rộng, họ bày rất nhiều thức ăn trên dãy bàn dài, mỗi người đứng sau từng khay cung cấp đồ ăn đầy ấp. Chúng tôi xếp hàng, vẫn ưu tiên cho trẻ em đàn bà. Mỗi người cầm đĩa, nia, muỗng, muốn ăn món nào thì đừng lại ngay quầy đó. Ai cũng đi hai ba lần để lấy thức ăn thêm.
Cơm nước vừa xong, trên loa vang tiếng, thuyền trưởng muốn nói mấy lời cùng chúng tôi. Được biết chiếc đó là hạm đội mang số 31. Thuyền trưởng là một ông tướng lãnh. Ông đã từng tham đấu trên chiến trường Việt nam từ năm 75 đến nay. Trên tàu luôn có quần áo và các thức ăn, để hy vọng cứu vớt người vượt biển, nhưng mãi đến nay 20 /7/ 1983, kết quả hành động xả thân lần đầu tiên của ông là cứu được là tàu chúng tôi.
Ông và tất các thủy thủ trên tàu rất vui mừng, chúc chúng tôi sức khỏe tốt và có tương lai sáng lạng.
Sau đó là buổi lễ tạ ơn của bên Công giáo và buổi đọc kinh bên Phật giáo.
Sáng hôm sau, ông lại vớt thêm một chiếc tàu nhỏ chỉ có vài chục người, xuất phát từ Rạch Giá, đang bị hai chiếc tàu hải tặc săn đuổi. May mắn có máy bay phát hiện và cứu kịp thời.
Cũng buổi sáng đó người thùy thủ trẻ đã săn sóc tôi, anh ta đi vòng vòng như có ý tìm ai, tôi kêu Lệ đi cùng tôi đến gặp anh ta.
Lệ hỏi anh tìm ai? Anh nói muốn tìm người hôm qua anh săn sóc, để xin chụp một tấm hình gởi về cho mẹ anh.
Lệ đẩy tôi ra:
– Phải người này không?
Anh nhìn sửng. Tôi cười với anh. Tiếng ồ thật to!
– Bà thay đổi quá! Tôi nhìn ra nụ cười của bà. Tôi sẽ nói tất cả cho mẹ tôi biết.
Chúng tôi được anh thủy thủ trẻ chụp rất nhiều tấm hình. Gia đình tôi lúc này lên đến 10 người, thêm Thảo tổ chức chuyến đi và Quang người tài công. Hai em đều nhận tôi là chị nuôi.
Ai cũng có những ảnh đẹp và đáng quí, đánh đấu một giai đoạn nào đó của cuộc đời mình. Tôi cũng vậy, đó là hình chúng tôi và anh thủy thủ trẻ chụp chung.
Chúng tôi đã 7 ngày 7 đêm, trải qua lo âu rồi hy vọng. Nỗi sợ hãi, đói, tuyệt vọng, đứng trước cái chết, và cuối cùng là niềm vui tương lai đầy hứa hẹn.
Chúng tôi được ở trên tàu Mỹ 3 ngày, trước khi được đưa vào trại tỵ nạn Phanat Nikhom Thailand.
Cuộc đời mình quá may mắn! Bồ tát đã đến và từng săn sóc lo lắng an ủi tôi. Chung quanh tôi biết bao nhiêu là Bồ tát mà tôi không nhìn ra.
Xin cảm ơn cuộc đời đầy thú vị này!
Rồi từ đó bước phong trần lữ thứ Nợ giang hồ lãng tử vội cưu mang Thương quê hương mòn mỏi phía trời Nam Dòng dư lệ tuôn tràn, ôi ! Mặn đắng! (Viễn Phương)
Diệu Ngọc (Viết theo lời yêu cầu của những người cùng chuyến tàu vượt biên ngày đó)