Máy bay đang vào không phận Sài Gòn, chuẩn bị hạ cánh. Nhìn qua khung cửa kính, toàn là những tòa nhà cao ốc, như một thành phố xa lạ, tôi không định hướng được.
Mấy chục năm rồi còn gì! Nước mắt tôi không chảy được dù ai cũng nghĩ tôi sẽ khóc khi nhìn lại Sài Gòn. Phi cơ vừa chạm đất, mọi người đều đứng dậy lấy xách tay rồi chuẩn bị bước ra. Con tôi từ phía sau gọi: “Me, chờ tụi con xuống luôn”. Mua vé cùng một lượt mà tôi lại ngồi phía trên, xa cách các con.
Gia đình chúng tôi xuống cuối cùng. Xe buýt chở hành khách chỉ còn 1 khoảng trống nơi cửa, tất cả đều đứng chen chút nhau ở đó, tôi sợ té nên đứng sát vào thành ghế.
Về Nha Trang, máy bay từ hướng Cầu đá bay lên, ngang biển rồi vòng lại. Đây là Tháp Bà, kia Hòn Chồng, đây là chùa Hải Đức với tượng Phật to trên núi. Cuối cùng máy bay vào phi đạo và đáp xuống sân bay, nhìn đài kiểm soát là có cảm giác thân quen rồi.
Những ngày ở Sài Gòn, tôi sẽ chỉ cho các con biết ngân hàng Việt Nam Thương Tín, nơi me làm việc ngày xưa. Bến Bạch Đằng, những buổi chiều tan sở, ra đây ngồi nghĩ đến tương lai các con mà nước mắt chảy dài. Đây là tượng ĐứcTrần Hưng Đạo chỉ tay ra biển. Hồi đó bạn bè thường nói đùa Đức Trần Hưng Đạo kêu chúng ta hãy đi tìm tương lai.
Tiếng cô chiêu đãi viên cất lên: “Máy bay sẽ đáp xuống sân bay quốc tế Cam Ranh trong 10 phút, xin quý khách cài giây an toàn”.
Vậy là giấc mộng nhìn Nha Trang từ trên cao đã không thành, tôi tỏ ra không có gì quan trọng cho các con yên lòng.
Tôi nói với người lái taxi: “Vào địa phận Nha Trang, có chạy qua đường biển không chú?”
– Có, bà muốn tôi dừng lại nơi nào?
– Chú dừng ngay trung tâm huấn luyện hải quân, cư xá không quân và phi trường. Ô! Trung tâm huấn luyện hải quân kìa! Bây giờ nơi này làm gì vậy?
– Thì cũng là trung tâm Hải quân.
Tôi than thầm, sao tiêu điều quá! Nơi đây đã đào tạo biết bao nhiêu anh hùng, những chàng trai áo trắng bảo vệ những hải đảo, vùng biển của quê hương. Thà hy sinh thân mạng chứ không để mất một hải lý nào.
– Nhà của ai sao nhiều quá vậy chú? Trung tâm mà nằm sau các ngôi nhà? Nếu không có bảng hiệu chắc không nhận ra.
– Thì của các ông lớn. Đây là cư xá không quân, chính phủ bán cho tư nhân rồi nhưng chưa xây cất. Nghe đâu họ định xây nhiều tòa cao ốc. Chính phủ chưa cho vì gần khu quân sự, nên nơi này rào lại từ lâu, không ai được vào.
Tôi nhận ra đây là dãy nhà của các chàng phi công độc thân, vẫn còn nguyên đó nhưng lâu rồi không ai chăm sóc nên điêu tàn quá! Đây là nhà của ông bà Nguyện, nhà ông bà Nghĩa, nhà ông bà Cửu, bên này nhà ông bà Đích …v…v. Nhà chúng tôi ở tận bên trong, gần hàng rào với phi trường.
Nơi này, ngày xưa là những người con ưu tú của đất nước. Họ sống quây quần và đoàn kết, mỗi ngày họ cùng bay đi để bảo vệ từng tấc đất của quê hương,.
Đường vào phi trường đây rồi! Sao con đường như hẹp lại! Tôi nhớ hai bên đường là những villa rất đẹp. Nhà đại tá Vũ văn Ước, nay nhìn không ra. Nhà ở đâu mà nhiều quá, lấn ra gần lề đường. Cái bảng nhỏ ghi: Phi Trường Quân Sự và vẽ hình chiếc máy bay nhỏ xíu kề bên.
– Cho Xe chạy nghe bà.
Các con muốn tôi thật thoải mái, nên chúng thuê khách sạn ngay đường biển. Phòng tôi nhìn ra biển, để buổi sáng được thấy mặt trời mọc như ngày thơ bé. Mặt trời dần lên trên mặt biển đỏ rực! Ánh sáng chiếu trên những gợn sóng một màu vàng ánh, càng lên cao ánh sáng càng lan tỏa, những áng mây cùng ẩn hiện sắc vàng. Cả một vùng rực rỡ hoàng anh! Con người quá nhỏ bé trước vẻ đẹp hoàn hảo của thiên nhiên!
Sáng nay, tôi được tự do tìm lại nhà ba mẹ ngày xưa. Nơi đó cũng ngay đường biển này, người quen cho biết chính phủ đã lấy làm thư viện.
Ô! Nếu làm thư viện thì mừng lắm! Nhà là một villa cất theo kiểu xưa, chung quanh đất vô cùng rộng, tường bằng gạch bao bọc quanh khu nhà. Bên trong toàn hoa lài nên nhìn từ nhà ra như hàng rào bằng cây xanh. Mùa hoa lài, ai đi ngang nhà đều thưởng thức hương thơm ngan ngát. Từ cổng bước vào con đường dài và rộng, hoa mai trồng hai bên. Xuân về, hoa vàng rợp lối đi, hương bay ngào ngạt vô cùng quí phái. Bên trái là một vườn rau quả được chăm sóc kỹ càng, đủ các loại rau quả của Đà Lạt mộng mơ. Bên phải rất nhiều cây to, dưới mỗi gốc cây là một loài hoa khoe sắc.
Như một người đến đây mượn sách, tôi vào thăm lại nhà xưa, nơi mình đã sanh ra và lớn lên trong vàng son tuổi ngọc.
Tôi sẽ vào từ bên phải. Khi ra, tôi đi hướng bên kia để được chạm vào 2 hàng mai trong màu áo mới nguyên trinh. Tới cổng, luồng tay vào những bụi hoa lài như một cái bắt tay, tôi đi thật chậm, sát hàng mai và đứng lại như tay áo bị mốc phải cành cây, cúi xuống tôi hôn nhẹ lên cành, nói thật nhỏ như ngày xưa tôi đã từng thì thầm khen hoa đẹp mỗi độ xuân về, hoa mai nở rợp đài trang dịu dàng một màu vàng rực.
Chị đã về, những năm tháng qua, chị rất nhớ nhà, nhớ tất cả không lúc nào quên, chị muốn hôn tất cả các em, hãy chuyền giùm nụ hôn của chị đến những cây trong vườn nhà, nói là chị đã về đây, vẫn đậm đà thương các em như ngày xưa nhé.
Phải bước lên nhiều tam cấp mới lên đến nhà, vì phía dưới nhà là một cái hầm, mẹ dùng để cất những chai rượu và những lọ mứt … v…v.
Tôi sẽ chọn một ít sách vui, chắc chắn họ lấy phòng khách và phòng ăn làm thư viện rồi. Không có gì khó khăn, tôi sẽ đi vào phòng trong, nơi đó là phòng ngủ của tôi. Mỗi tối nghe được tiếng sóng biển, biển đã ru tôi ngủ mỗi đêm. Ở biển, mặt trời lên rất sớm. Ngày cuối tuần, dù muốn ngủ dậy trễ cũng không được, lũ chim đã hót vang khi ánh sáng ban mai bắt đầu ló dạng.
Đứng ở nhà trên, có thể nhìn thấy một dãy nhà, đó là bếp và phòng ngủ của các người giúp việc. Tôi sẽ nhìn tất cả và tìm lại những dấu vết xưa.
Tôi bắt đầu thấy mệt. Trời nóng quá! Qua lại chẳng biết bao nhiêu lần vẫn không tìm ra nhà cũ. Không còn ngôi nhà nào có vườn cả, toàn là khách sạn ngất cao. Tôi bước vào một trung tâm mua bán để tìm chút hơi mát từ máy lạnh. Ngồi một lúc, tôi lại đi ra và bắt đầu tìm số nhà. Nhà ba mẹ nằm trên một góc đường. Có trung tâm buôn bán này cùng số nhà của mẹ, tôi đánh bạo đến hỏi một nhân viên lớn tuổi đứng gần. “Thưa ông, tôi muốn hỏi thư viện nằm trên đường này ở chỗ nào?”
– Đó, nơi bà đang đứng. Trước kia là thư viện, nay chính phủ bán rồi, mới xây cất vừa làm trung tâm buôn bán vừa làm nhà hàng.
Nghe tiếng các con reo: ” Me đây rồi! Tìm ra nhà ngoại chưa?”
– Đây là đất nhà ngoại, nhà cũ đã phá rồi, me muốn mua một cái áo ở đây. (Như vừa đi xa về lại mái nhà yêu dấu, tôi đến tủ chọn y phục)
Chiều nay tôi ra biển, muốn tìm một chỗ yên tịnh. Nơi nào cũng đặt ghế bố và ghi hàng chữ: Bãi biển dành riêng cho khách sạn ……
Tìm một chỗ ít người, tôi nằm dài xuống chạm toàn thân thể vào cát, đầu chỉ lót một chiếc khăn nhỏ. Tôi nằm im, thật im. Tôi cảm được cát đã thấm vào tôi, cát đang ôm tôi, ấm quá! Mùi thơm của cát đã quyện lấy tôi. Cát thì thầm vỗ về an ủi. Biển cũng đến, mùi mặn của biển, biển đã cất tiếng hát, tiếng hát đã ru tôi trong những ngày thơ ấu. Gió, gió hôn lên tóc, lên mặt, lên tay. Gió cũng đến nữa sao? Có bao giờ ta bỏ con đâu, ta luôn luôn ở bên con mà.
Ồ, con hiểu rồi! Nước mắt tôi trào ra. Con đã tìm được rồi! Con không mất gì hết! Tất cả đều còn đây!
Cảm ơn ngày trở về!
Diệu Ngọc