Việc ta khai rằng ta là Phật tử (hình thức) – ghi trên giấy tờ và thật sự ta chính hiệu là một Phật tử đã quy y Tam bảo phải (nên, cần) thống nhất với nhau một cách chặt chẽ.
Nghĩa là, khi mình kính Phật, trọng Tăng, nương tựa Tam bảo, thực hành giáo lý Phật dạy… thì cái chất Phật tử trong mình có mặt. Chất ấy tạo cho mình ý niệm tự hào, dẫn tới hành động “khai báo” không chút e dè rằng: tôi là Phật tử, tôn giáo của tôi là Phật giáo.
Tự hào mình là đệ tử của Như Lai – Ảnh minh họa
Đồng thời, khi khai như vậy, thì mình phải sống đúng tinh thần người con Phật, nếu không, có thể người ta sẽ nghĩ không đúng về Phật giáo, về đệ tử Phật.
Nói như vậy vì muốn nhấn nhá một điều là, có thể mình lỡ khai tôn giáo: không (vì trước đây chưa hiểu, hay còn lo lắng lung tung gì đó, đại loại là sự nhạy cảm trong lĩnh vực tôn giáo, chẳng hạn) và bây giờ hiểu rồi, tự hào mình là con Phật, muốn làm lại giấy tờ cho “danh chánh ngôn thuận” thì cứ làm lại, nên làm lại.
Đó cũng là hành động dành tặng cho mình, sách tấn bản thân phải xứng đáng với “lời khai” đó, cũng như giúp mình thôi áy náy vì sự lo lắng không chánh đáng của mình trước đó, “phản bội” lại niềm tin, gốc rễ tâm linh của mình khi khai báo trong giấy tờ.
Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là cách mình sống mỗi ngày, từ ý-khẩu-thân, phải đúng theo lời Phật dạy. Và đó mới là “lý lịch” không thể chối cãi mà dẫu mình không khai mình là Phật tử thì họ cũng nhận ra ngay thôi. Chính vì thế mà hầu hết người Việt mình đều nghĩ mình là đạo Phật đó!