Mỗi khi đối diện với Thầy qua chiếc Y vàng kiên định, tự tiềm thức vọng lên một hoài bão khôn nguôi, tôi ước mơ có lần nào đó, mình sẽ được khoác màu áo của biển trí tuệ từ bi.
Đến bây giờ mới đủ phước duyên, Chùa Phước Huệ tổ chức khóa an cư kiết đông 3 tháng cho quý Tăng Ni trau dồi giới đức, môi trường vô cùng thích hợp cho hàng Phật tử tại gia chúng tôi gieo duyên phát tâm trong 10 ngày.
Dù đường quá xa xôi, nhưng nghĩ lại tuổi mình đã lớn, phải có đủ kiên cường mới biến ước mơ thành sự thật, lại có cô Phước Liễu cùng đi trong một chuyến bay, tôi yên lòng tiến về phía trước.
Có rất nhiều chư Tôn Đức Tăng Ni ở phương xa cùng nhập hạ, như từ Pháp, Canada, Na-Uy và Việt Nam.
Buổi chiều, Thầy Phước Viên nhắp trước một ít tóc của mỗi tu sinh trong buổi lễ phủi tóc của chúng tôi.
8 pm, buổi lễ bắt đầu. Đại Đức Thích Phước Thái, Đại Đức Thích Phước Viên ngồi hai bên Thượng Tọa Phước Tấn trên chiếc bàn được đặt chính giữa. Thầy Phước Tấn làm chủ lễ truyền giới Sa di cho các tu sinh xuất gia ngắn hạn 10 ngày. Có 2 Vị Tăng trên chiếc bàn bên phải và 2 Vị Tăng đứng bên Pháp khí mõ, chuông. Tất cả thể hiện chứng minh cho buỗi lễ viên tròn.
Chúng tôi quỳ thẳng hàng phía trước. Sau một thời kinh, chúng tôi được nhận y và đứng lên đắp y trước sự chứng kiến của quý Thầy. Sư cô Phước Mẫn đã dạy trước cách đắp Y. Vừa đắp y chúng tôi vừa đọc bài kệ:
Đại tai giải thoát phục
Vô tướng phước điền y
Phi phụng trì giới hạnh
Quảng độ chư quần sanh.
Nam mô cà sa tràng Bồ tát.
Nghĩa là:
Lớn thay áo giải thoát,
Là ruộng phước không tướng,
Mặc kính đúng giới hạnh,
Rộng độ hết chúng sanh.
Và chúng tôi quỳ xuống, nhận những giới luật mà Sa di phải giữ.
Mộng đã thành, hạnh phúc ập đến trong khóe mắt rưng rưng. Chiếc y vàng và giới luật là khí giới vô hình bảo vệ chúng tôi. Quá vui mừng, chúng tôi nhìn nhau vui vẻ, khen tặng lẫn nhau như những đứa trẻ được mặc áo đẹp mà mình mơ ước từ lâu. Tôi quên tuổi già của mình dù chương trình tu học vô cùng chặt chẻ.
5 am: thời kinh buổi sáng và 10.30pm: chỉ tịnh.
4.30 am nghe tiếng kẻn, chúng tôi liền thức dậy thức dậy.
Thức dậy buổi sáng
Ngủ nghĩ mới dậy
Tất cả tứ giác
Nguyện cho chúng sanh
Đoái khắp mười phương.
Mọi người đều nhận việc theo bảng phân công được đọc lên.
Nghe tiếng chuông, phiền não nhẹ
Trí tuệ lớn, Bồ đề sanh
Lìa địa ngục, khỏi hỏa khanh
Nguyện thành Phật, độ chúng sanh
Án, Già ra đế da tá ha.
Ban hương đăng, lo đèn hương hoa quả có bài kệ:
Con nguyện thắp lên một ngọn đèn trí tuệ
Soi sáng khắp mười phương.
Tắt đèn:
Con nguyện tắt những vô minh chấp ngã.
Đốt nhang:
Con nguyện thắp lên một ngọn hương đức hạnh
Sáng khắp mười phương.
Ban tảo địa (quét sân chùa) có Thượng Tọa Phước Tấn trong đó.
Cần tảo Già Lam địa
Thời thời phước huệ sanh
Tuy vô tân khách chí
Diệc hữu Thánh Nhân hành.
Nghĩa là:
Siêng quét đất Già Lam
Phước huệ trỗ thường khi
Tuy chùa không khách khứa.
Cũng có Thánh Thần đi.
Chúng tôi được phát 1 bình bát và 1 cái ly uống nước. Thức ăn bày sẵn, chúng tôi sắp hàng lấy cơm và cho thức ăn vào bát. Trước khi ăn cơm, chúng tôi phải đọc một bài kệ Tam đề:
Nguyện đoạn nhất thiết ác
Nguyện tu nhất thiết thiện
Nguyện độ nhất thiết chúng sanh.
NGŨ QUÁN
1) Kể công nhiều ít so chỗ kia đem đến.
2) Xét đức hạnh của mình đủ hay thiếu mà thọ sự cúng dường.
3/ Ngữa tâm xa lìa các tội lỗi tham, sân, si là tội gốc.
4/ Chính là vị thuốc hay để chữa lành bệnh khô gầy
5) Vì thành đạo nghiệp nên thọ cơm này.
Thọ trai xong, tất cả đều đi kinh hành. Dẫn đầu là Thượng Tọa Phước Tấn. Rồi tiếp theo tuổi hạ lớn đi trước, nhỏ đi sau. Tu sinh thì sắp xếp theo tuổi đời. Ai lớn tuổi đi trước. Một đoàn Hoàng Y tiếp nối làm sáng rực cả góc chùa. Những bước chân nhịp nhàng, thảnh thơi, xả buông theo tiếng niệm Phật. Phước lực và tâm lực của khối Đại Đức Tăng Ni tạo thành từ trường thanh tịnh trang nghiêm thoát tục, thầy trò cùng nhau an trú trong phút giây thực tại, chúng tôi đã trở về sống trong mái nhà giới, định, tuệ của tâm mình.
Tóc trắng phao theo gió sương nhân ảnh mà còn được dự khóa tu, được sinh hoạt trong Tăng đoàn cùng quý Thầy Cô. Ôi! Chúng tôi chưa hề có tuổi.
Ban giảng huấn gồm có Thượng Tọa Phước Tấn, Đại Đức Phước Thái và Sư Cô Phước Hoàn.
Thượng Tọa Phước Tấn dạy nhẫn nhục, trì giới, tinh tấn và phát bồ đề tâm. Đại Đức Phước Thái dạy kinh Di Giáo. Sư Cô Phước Hoàn dạy kinh Phạm Võng Bồ Tát giới. Có buổi thuyết pháp của Hòa Thượng Nhựt Thiện đã 90 tuổi, từ Mỹ qua.
Một ngày gồm 4 thời kinh: sáng, trưa, chiều và tối, do quý Tăng Ni thay phiên nhau làm chủ lễ kèm theo chuông, mõ, khánh và trống.
Có Cô với giọng thánh thót trong veo như thiên thần hạ giới. Có Cô giọng như ngâm thơ lôi cuốn trầm bỗng nhịp nhàng, Cô thì giọng rất mạnh vì định lực, hút chúng tôi quên đi sự mệt mõi và buồn ngủ trong những buổi đọc kinh.
Mỗi ngày trước khi dùng cơm, Thượng Tọa Phước Tấn đều đọc:
Áo ta mặc người ơn người may dệt
Cơm ta ăn nhờ những kẻ cấy cày
Thức ăn thọ dụng hàng ngày
Gắng công tu niệm của này mới tiêu.
Buổi trưa được nghĩ 1 giờ. Mọi người làm việc riêng của mình. Chúng tôi thường nhắc lẫn nhau không liên lạc với thế giới bên ngoài, thúc liễm thân tâm, hạn chế sự khuấy động của 6 căn, dễ tiếp thu những gì quý Thầy Cô giảng dạy.
Trưa và tối, chúng tôi được học giáo lý 2 tiếng đồng hồ.
Mỗi ngày đúng 4.30 pm, chúng tôi lên Chánh điện đọc một thời kinh, rồi qua tháp cúng mông sơn thí thực.
Buổi tối, trước khi đi ngủ, lúc đánh răng đọc thầm bài kệ:
Khi đánh răng khi làm sạch răng
Tâm đều hòa tịnh
Nguyện cho chúng sanh cắn nát phiền não.
10.30 pm: chỉ tịnh. Ai không ngủ được thì nằm yên niệm Phật, không được động chúng, để ngày mai thức dậy tiếp tục một ngày mới. Thời khóa cứ đều đều. Đặc biệt là mỗi trưa đều có các Phật tử cúng trai Tăng, cầu an hay cầu siêu cho người thân.
Hôm cúng thất Ni sư Thích Nữ Như Tâm, mẹ của Thượng Tọa Phước Tấn. Tuy là con, nhưng theo luật Thầy không thể quỳ để cúng Mẹ. Thầy nhờ hai Sư cô trẻ và 10 Phật tử tu học, quỳ thế Thầy cúng Ni sư. Chúng tôi nghe đọc về hạnh của Ni sư mà cảm động vô cùng. Có tịnh tài nhiều mà biết dùng đúng chỗ mới là người tu. Sau năm 75 Phật giáo bị cấm, đi đến chùa thắp 1 nén hương cũng không dám. Sống thiếu thốn về vật chất còn vượt qua được, nhưng không có một điểm tựa về tâm linh, con người như mất hướng.
Ni sư đã bỏ tiền ra lo an ninh, để mỗi năm đều tụ tập cả ngàn vị Tăng Ni tụ về một chỗ an cư kiết hạ. Nhờ thế, các Thầy Cô có ý chí không chịu rời bỏ áo tu như chính quyền bắt buộc để còn có cơ hội an cư, nhập thất. Thật là hãnh diện khi chúng tôi được quỳ cúng thất cho Ni sư, Người thể hiện Bồ tát hạnh đúng thời điểm và giữ cho đạo Phật còn trường tồn qua cơn sóng gió.
Thời gian nhanh quá! 10 ngày tu đã hết. Chúng tôi quỳ trước Thượng Tọa Phước Tấn và quý Thầy để làm lễ xả giới Sa di. Cũng trong khung cảnh trang nghiêm này, nhưng tâm trạng lại khác nhau. Cũng những giọt sắp tràn ra và cố kềm giữ lại. Trong khóa tu lần này có 2 Diệu Ngọc.
Tôi, Diệu Ngọc Melbourne, đã 75 tuổi. Diệu Ngọc Sydney thì còn gia đình và có 2 con còn nhỏ. Cô khóc như một đứa bé. Nước mắt tràn đầy chảy dài trên đôi má nghẹn ngào. Tấm y vàng đối với chúng tôi là báu vật thiêng liêng vô giá! Trong 10 người tu có Diệu Âm xin xuất gia luôn. Chúng tôi vây quanh và chúc mừng Cô ấy.
Tối hôm đó lên đọc kinh mặc áo tràng vào, không có y vàng để đắp. Lòng buồn như thiếu vắng một hùng lực che chở và bảo bọc mình. Diệu Ngọc Sydney nói: ” Thiếm ơi! Mình không còn y để đắp” và nước mắt lại chảy dài. Tôi ôm cô vỗ về xoa dịu. Hoàn cảnh chưa cho cô xuất gia lúc này. Các con của cô cần mẹ. Nén cảm xúc đầy vơi, tôi thì thầm bên cô an ủi:
Mình là mẹ phải hy sinh, con cũng hiểu mà. Người ta ví mẹ là dòng suối, nước từ trên chảy xuống không bao giờ ngừng. Mẹ là biển mênh mông rộng lớn, mẹ là núi để con tựa lưng vào khi mõi mệt. Mẹ là bóng mát, mẹ là đất để con cái có thể trút bất cứ điều gì vào đất. v.v…
Tội nghiệp cho các bà mẹ, chờ các con khôn lớn. Đã an cư rồi, nhìn lại thân mình, ôi thôi tuổi đời đã già, vào xuất gia không giúp ích gì được cho chùa, mà còn là một gánh nặng.
Thượng Tọa Phước Tấn dạy: Phải tự kiểm tâm mình mỗi sát na những lúc vui, buồn, giận, thương, ghét, những lúc thành công hay thất bại, phải giữ tâm mình bình thản mọi biến động của thế sự. Phải phát bồ đề tâm để cầu giác ngộ. Niệm Phật với tâm thanh tịnh, trí tuệ sáng suốt thì đó là tự độ, vì ai cũng có ông Phật bên trong mình.
Làm sao nói hết sự biết ơn của chúng tôi với Hòa Thượng Phước Huệ đây. Ngài đã lập ra ngôi chùa Phước Huệ đầu tiên ở nước Úc này, công lao quá lớn! Rồi Ngài còn truyền thống tu học thật nghiêm mật, để hàng Phật tử gặt hái nhiều kết quả tốt đẹp. Chúng con xin cảm ơn tất cả quý Thầy Cô, đã dạy bảo và giúp đỡ chúng con trong những ngày tu học. Để không phụ công ơn giáo dưỡng của Thầy Tổ, chúng con nhớ những lời dạy và áp dụng trong cuộc sống, để đem lại nhiều lợi ích cho chính bản thân và gia đình.
Diệu Ngọc Melbourne mùa an cư 2016.