Nơi Sẽ Sinh Về

BUÔNG XẢ ĐỂ NHẸ NHÀNG RA ĐI

Trạng thái tiếc nuối làm trì hoãn quá trình tái sinh làm con người ở một hay nhiều kiếp. Cận tử nghiệp là nhận thức, thái độ, kéo theo hành động trong những giờ phút cái chết sắp diễn ra. Trong tiến trình tái sinh cũng vậy, có người mải mê nhìn ngắm hoa thơm cỏ lạ bên vệ đường mà quên mất đường đi, mục đích và điểm đến của mình là đâu. Hành giả Tịnh độ tông có điểm đến là Tây Phương Cực Lạc, nhưng khi qua đời không hướng tâm về Tây Phương mà lại hướng tâm về ngôi nhà mình mới vừa xây xong chưa kịp hưởng thụ, đành phải tái sinh trở lại ngôi nhà đó, làm người con hay cháu ở nhà ấy. Những điều này đôi lúc chúng ta không tin nhưng có thật. Các vị công thần với triều chính, suốt cuộc đời sống liêm minh, đứng đắn, quên mình để phục vụ cho quê hương nhưng vì lời sàm tấu, bị vua nghi oan nên phải tru di tam tộc. Chẳng hạn như cụ Nguyễn Trãi đến mấy trăm năm sau mới được minh oan, hoặc ngài khai quốc công thần trạng nguyên Lê Văn Thịnh và nhiều vị tướng tài ba lỗi lạc khác.

Những người chết trong nỗi hàm oan nếu không là Phật tử, được huấn luyện kỹ về sự buông xả, lỡ mà chấp trước thì khó được siêu thoát. Họ bị lẩn quẩn trong cái án mà danh thơm tiếng tốt của mình bị chôn vùi trong tủi nhục, đau đớn, bị lịch sử khinh thường, phỉ nhổ, lúc đó tiến trình ra đi sẽ bị trì hoãn lại. Trong những tình huống như thế, hương linh thường về mách bảo, đưa đường chỉ lối cho con cháu biết để giúp họ tháo mở nỗi hàm oan […]

Câu chuyện thiền của Phật giáo Nhật Bản có dạy một câu rất sâu sắc chỉ với hai từ:“thế à”, đó là cách thức đưa nỗi hàm oan ra bên ngoài, không than oán cuộc đời, không qui trách nhiệm cho tha nhân, xem đó là chuyện không đáng để bận lòng. “Thế

à” với nụ cười tươi, như một sự trả nghiệp, giải nghiệp oan trái của mình với một người nào đó. Tuy nhiên, đạo Phật dạy muốn tháo gỡ nỗi hàm oan thì cần phải lên tiếng, trình bày hoặc giải thích. Luận Bảo Vương Tam Muội có dạy: “Oan ức không cần biện bạch, vì biện bạch là hèn nhát.” Tôi khuyên quý vị không nên thực hành theo, bởi lời Phật dạy trong kinh xác thực hơn rất nhiều.

Đức Phật từng bị biết bao nỗi hàm oan trong cuộc đời với lời vu khống, thị phi, nói xấu v.v… nhưng trước mỗi sự việc Ngài đều lên tiếng như sau:“Điều này không có trong tôi, tôi không phải là tác giả của điều gán ghép này.” Việc người ta có tin hay không thì tùy. Ít nhất về phương diện trách nhiệm xã hội trong việc phơi bày chân lý, Ngài đã thực hiện trọn vẹn, không rơi vào cái tôi bị tổn thương, cái tôi là nạn nhân, xem đây là cơ hội để tuyên bố chân lý, vì vậy cái gút hàm oan được tháo gỡ phần nào. Nếu bị oan mà không nói ra, người ta cứ ngỡ đó là sự thật, rồi những lời vu khống, xấu xa được lan truyền khắp nơi, quần chúng mất hết niềm tin về con đường đạo đức, gây nhiều trở ngại trong cuộc đời.

Dĩ nhiên, trong chế độ quân chủ, năng lực tự minh oan rất khó, bởi lẽ ta nói chưa chắc vua đã nghe, và đôi lúc cũng không có cơ hội để phân trần, nhưng khi tuyên ngôn rằng mình không phải là tác giả của việc ấy, lập tức ta cũng học được bài học về sự buông xả, không giận hờn, hận thù với người kết án sai hay cố tình hại ta. Thực tập được như thế, ta không còn bị trở ngại trong tiến trình tái sinh, bằng không phải mất đến vài mươi năm, vài trăm năm, hoặc kém may mắn hơn có thể là vài ngàn năm. Như vậy trong tiến trình chết đi về đâu, người bị hàm oan nếu không được tháo mở sẽ bám víu, tồn tại mãi với nỗi oan ấy, tiến trình tái sinh cũng bị gián đoạn.

Một câu chuyện khác kể rằng, vị Hòa thương nọ đạo cao đức

trọng, những năm cuối đời có thú vui đam mê trồng hoa. Vườn hoa được chính tay ông chăm sóc kỹ lưỡng, đến độ nó như một phần sự sống của ông. Rồi đến một ngày, Hòa thượng viên tịch. Do bởi Hòa thượng ngày đêm nhớ tưởng mãi về vườn hoa mà quên mất tâm Bồ đề, đành phải tái sinh làm con sâu ngay vườn hoa ấy. May thay có một vị Hòa thượng khác biết việc này, nên đứng bên con sâu bảo rằng:“Ngài là một vị Hòa thượng đức độ nhân từ, không nên luyến tiếc vào những bông hoa đẹp này.”

Nhờ sự hỗ trợ và nhắc nhở như thế khiến con sâu thức tỉnh, sớm từ bỏ thân phận và tái sanh lại một tu sĩ, tiếp tục con đường Bồ-tát đạo. Đó là những câu chuyện không nên xem thường và không tin. Những năm tháng cuối đời, đừng để lòng tham, sân, si tác động, chi phối hoặc ảnh hưởng; thái độ luyến tiếc, hận thù, hờn dỗi, oan ức bám vào mảnh đất tâm. Vì như vậy, ta sẽ bị lẩn quẩn trong cảnh giới không tương ứng với nghiệp phước mà mình đã gieo tạo. Dĩ nhiên, trong thời gian trung chuyển, nếu ta bị vướng thì các phước báu từng gieo trồng bị mất đi, nó tồn tại dưới dạng tích năng lượng, nhưng không đủ cơ hội phát triển. Trải qua nỗ lực của tự thân hoặc thông qua khoá lễ cầu siêu, được hướng dẫn rủ bỏ sự chấp trước, lúc đó nguồn năng lượng tái sinh mới tiếp tục ứng với nghiệp cảm tương thích.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.