Nguyên bản: Advice from the Lotus-Born – Nhà xuất bản Rangjung Yeshe, 1994
Bản Việt ngữ : An Phong – Thiện Tri Thức xuất bản 1998, 1999
Một tuyển tập những khai thị của đức Liên Hoa Sanh cho dakini Yeshe Tsogyal và các đệ tử thân cận khác từ những khám phá kho tàng terma của Nyang Ral Nyima OŠzer, Guru Chošwang, Pema Ledrel Tsal, Sangye Lingpa, Rigdzin Gošdem, & Chokgyur Lingpa. Lời dạy mở đầu của H. E. Tulku Urgyen Rinpoche Erik Pema Kunsang dịch từ tiếng Tây Tạng sang Anh ngữ
MỤC LỤC
Lời giới thiệu của nhà xuất bản
Lời nói đầu
Lời dạy mở đầu
01 Chúc thư Đầu Nhọn Hạt Ngọc
02 Lời khai thị cho Trisong Deutsen
03 Không có sự xung đột giữa Tiểu thừa và Đại thừa
04 Xâu chuỗi hạt bằng vàng của Cam Lồ
05 Những bài ca cho 25 đệ tử
06 Kho báu ngọc quý để xua tan mọi chướng ngại
07 Khai thị thực hành Phật pháp như thế nào cho đúng
08 Chỉ cây gậy vào người già
09 Lời khai thị bằng miệng về thực hành
10 Viên ngọc như ý của sự hồi hướng
11 Một khuyến khích thực hành tâm linh
12 Lời nguyện Mạn đà la Kim Cương Giới
13 Chú thích & Bảng thuật ngữ
Đại toàn thiện (Dzogchen, Great Perfection), Đại Ấn (Mahamudra) của Tây Tạng và Thiền của Việt nam và Trung Hoa từ nền tảng đều giống nhau, vì chúng đều có cùng nguyên lý căn bản : ‘Bất lập văn tự. Giáo ngoại biệt truyền. Trực chỉ nhân tâm. Kiến Tánh thành Phật’.
Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền : đối với Tây Tạng là sự chỉ dạy trực tiếp bằng miệng giữa Thầy và trò. Trực chỉ nhân tâm là câu nói lập lại nhiều trong các lời chỉ dạy : hãy nhìn thẳng vào tâm con (look into your mind). Và Kiến Tánh thành Phật là sự nhìn thấy, chứng ngộ Phật tánh Tự Tâm.
Giống nhau trong cách tu hành. Với Thiền, thấy Tánh, thấy Đạo, thấy thực tại, gọi là Đốn ngộ. Sau đó là Tiệm tu (hay Diệu tu) cho đến giác ngộ viên mãn. Với Đại Toàn Thiện, trước tiên cũng là cái thấy thực tại hay tánh Không (view), sau đó là giai đoạn tiệm tu gồm thiền định, hạnh và quả. Trong lịch sử Phật giáo Tây Tạng, cũng có những nhân vật Đốn tu, Đốn chứng, nghĩa là đi suốt cả ba giai đoạn cái thấy, thiền định và hạnh trong một lần.
Giống nhau trong cách đặt tên. Thiền là Tối thượng thừa, theo cách nói của Lục Tổ Huệ Năng. Và trong sách này ngài Padmasambhava cũng gọi Đại Toàn Thiện là Tối thượng thừa, xếp nó vào hàng cao nhất, tinh túy nhất, trong chín thừa của Phật giáo Tây Tạng.
Chúng ta thấy giáo lý đạo Phật dầu bất cứ trong trường phái nào cũng đều giống nhau ở những nguyên lý căn bản. Có điều, nhờ những đường lối tiếp cận khác biệt đã tạo thành sự phong phú của Phật giáo. Cũng với sự tiếp cận Phật tánh, mà cách tiếp cận của Tây Tạng có những điều khác biệt hơn do đó tạo thành những đặc trưng riêng của Phật giáo Tây Tạng. Ví dụ giai đoạn tiệm tu ở trong Thiền được ít nói đến, nhiều khi quá bí mật, còn trong Đại Toàn Thiện điều đó được nói rất rõ ràng. Chỉ một điều – trong rất nhiều điều – là ‘đem tất cả chướng ngại vào con đường’ cũng soi sáng rất nhiều cho một hành giả tiệm tu. Qua Đại Toàn Thiện chúng ta có thể thấy tu trong mọi mặt của đời sống là như thế nào, kể cả những chuyện tưởng chừng như rất nhỏ nhặt là ăn uống và ngủ nghỉ.
Với Đại Toàn Thiện, chúng ta có thể hiểu thêm về lối tu của Thiền Việt Nam, mà nay phần nhiều chỉ còn lại trong các thiền sử như Thiền Uyển Tập Anh… Xa hơn, chúng ta thấy Thiền và Mật, Đại Toàn Thiện và Tantra đều là sự thực hiện của Đại thừa. Mật thừa là sự thực hiện, sự thành tựu Trí Huệ của Đại thừa qua Phương Tiện. Mật thừa và Đại thừa đều nhắm đến Phật tánh, cả hai cái đều có những điểm chung và những điểm riêng, những cách tiếp cận có thể mạnh hay yếu trong một vài phương diện, nhưng mục đích chỉ là Phật tánh. Bởi thế đức Padmasambhava đã nói đến Mật thừa của Đại thừa, và ‘không có sự xung đột giữa các thừa’. Từ đó, nếu nghiên cứu một cách nghiêm túc không thành kiến sự thực hành sâu xa của Mật thừa, chúng ta có thể hiểu rõ thêm về Đại thừa, là cái gốc của Phật giáo Việt Nam.
Với cái nhìn đó, chúng tôi dịch bản văn ‘kho tàng’ này với ước mong làm phong phú và kích hoạt cho sinh hoạt của đời sống tâm linh hiện thời.
Nguyện rằng tất cả đều được an lạc trong Pháp.
Nhà xuất bản Thiện Tri Thức.