Mặt Hồ Tĩnh Lặng – Quyển I

Thiền trong mọi tác động

Chánh tinh tấn không phải là cố gắng làm cho một điều gì đặc biệt phát sinh. Đó là cố gắng ý thức và tỉnh thức trong mọi lúc, cố gắng chế ngự sự lười biếng và phiền não, cố gắng thực hiện trong tỉnh thức mọi tác động hàng ngày của chúng ta.

Giữ rắn trong tay

Ngài Ajahn Chah nói với một nhà sư mới:

— Việc hành thiền ở đây là không nắm giữ một thứ gì.

Nhà sư mới phát biểu:

— Nhưng có vài thứ đôi khi cần nắm giữ chứ!

Ngài trả lời:

— Đúng thế, nhưng bằng tay chứ không phải bằng tâm. Khi tâm nắm giữ sự đau khổ thì chẳng khác nào bị rắn cắn. Và thích thú nắm giữ cái gì với tâm tham ái chẳng khác nào nắm lấy đuôi rắn: ta chỉ nắm được một thời gian ngắn thôi, vì sau đó không lâu, rắn sẽ quay đầu lại cắn ta.

Lấy chánh niệm và không luyến ái làm người canh giữ tâm mình, như cha mẹ giữ con cái. Rồi thì yêu và ghét sẽ đến gọi tâm bạn như con cái đến gọi cha mẹ: “Má ơi! Con không thích cái này!” “Ba ơi! Con muốn nhiều hơn,” “Được!” “Nhưng má ơi! Con thích có một con voi!” “Được!” “Con muốn ăn kẹo! Con muốn đi máy bay!” Tất cả đều chẳng có gì quan trọng nếu bạn để cho mọi sự vật đến và đi, một cách tự nhiên mà không nắm giữ.

Khi giác quan tiếp xúc với sự vật thì yêu và ghét phát sinh, và si mê đi liền theo đó. Nhưng với chánh niệm thì cũng với sự tiếp xúc đó, nhưng trí tuệ phát sinh.

Khi bạn bị bắt buộc phải có mặt tại một nơi có nhiều chuyện quấy rầy giác quan bạn, bạn đừng ngại, hãy tự nhiên, vì Giác Ngộ không có nghĩa là điếc và mù. Chỉ cần chú tâm chánh niệm là đủ. Đừng khờ dại nghe theo kẻ khác một cách mù quáng. Khi nghe ai nói “Cái này đẹp,” hãy tự nhủ “Không phải thế.” Khi nghe ai nói “Cái này tuyệt diệu,” hãy tự nhủ “Không phải thế.” Đừng để dính mắc vào tham ái của thế gian. Đừng để dính mắc vào những phán đoán của thiên hạ. Hãy để mọi chuyện trôi qua một cách tự nhiên.

Một số người sợ sự bố thí. Họ cảm thấy sẽ bị bóc lột hay bị áp chế khi phải cho ai một cái gì. Họ nghĩ họ cần phải lo cho chính họ. Muốn phát triển tâm bố thí, chúng ta cần phải đè nén tính tham ái và dính mắc. Nhờ thế bản chất thực sự của chúng ta sẽ tự hiển lộ, trở nên nhẹ nhàng hơn và giải thoát hơn.

Giới hạnh

Có hai trình độ thực hành giáo pháp. Gìn giữ giới luật là phần căn bản đầu tiên. Giới luật đem lại hạnh phúc, thoải mái và hòa hợp. Thứ đến — tích cực hơn, không liên quan đến sự thoải mái — đó là thực hành giáo pháp của Đức Phật để tỉnh thức và giải thoát tâm mình ra khỏi mọi ràng buộc. Những lời giáo huấn của Đức Phật đều nhắm đến mục tiêu này. Muốn thực hành đúng đắn giáo pháp của Đức Phật, phải hiểu rõ giới luật và pháp hành.

Giới hạnh là cha mẹ của giáo pháp nẩy nở trong chúng ta. Giới hạnh cung cấp thức ăn bổ dưỡng và chỉ cho chúng ta hướng đi đích thực.

Giới hạnh là điều kiện căn bản để tạo nên một thế giới hài hòa, trong đó con người thực sự sống như một con người, chứ không phải như loài cầm thú.

Giữ giới luật là điều chính yếu trong việc hành thiền. Giới rất đơn giản. Chỉ có năm giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối và không dùng chất say làm mất chánh niệm. Suốt đời trau giồi tâm nhân ái, trọng tha nhân. Thận trọng trong ngôn ngữ và hành động, đó là của cải của bạn. Nếu dùng giới luật làm căn bản cho mọi hành động, tâm bạn sẽ hiền hòa, trong sáng và yên tĩnh. Thiền sẽ dễ dàng phát triển trên mảnh đất này.

Đức Phật dạy: “Làm điều lành, lánh xa điều ác, giữ tâm trong sạch.” Việc hành thiền của chúng ta cũng vậy: “Lánh xa điều xấu và giữ gìn điều tốt.” Những điều xấu xa có còn tồn tại trong tâm bạn không? Dĩ nhiên là còn! Tại sao không quét dọn nhà cửa sạch sẽ?

Trong việc thực hành đúng đắn, làm điều lành lánh xa điều ác là một việc tốt, nhưng nó có hạn chế, vì cuối cùng chúng ta phải bước qua cái tốt lẫn cái xấu. Giải thoát bao gồm tất cả và không dính mắc gì cả. Từ sự không dính mắc này, tình thương và trí tuệ lưu chuyển một cách tự nhiên.

Chánh tinh tấn và trí tuệ không phải là vấn đề bên ngoài mà là sự bền tâm tỉnh thức và tự chế bên trong. Như vậy, sự bố thí, nếu làm với ý tốt có thể đem lại hạnh phúc cho mình và cho người. Nhưng đức hạnh phải là gốc rễ thì lòng từ thiện này mới hoàn toàn trong sáng.

Người không hiểu giáo pháp, khi làm điều gì sai quấy, thường nhìn trước nhìn sau xem thử có ai thấy không. Thật khờ dại làm sao! Phật, Pháp và Nghiệp luôn luôn theo dõi họ. Bạn có nghĩ rằng Đức Phật không thể thấy xa như vậy chăng? Không có gì kín đáo trên cõi đời này!

Săn sóc và giữ gìn giới luật như người làm vườn săn sóc giữ gìn cấy cối. Không bị dính mắc vào cây lớn, cây nhỏ, cây quan trọng và cây không quan trọng. Một số người muốn đi đường tắt — họ nói “Bỏ qua Thiền Định, ta đi ngay vô Thiền Quán; bỏ qua giới luật, ta đi ngay vào Thiền Định.” Chúng ta có nhiều lý do để bào chữa cho lòng tham ái của chúng ta.

Chúng ta phải bắt đầu ngay nơi chúng ta hiện đang có mặt, trực tiếp và đơn giản. Hai bước đầu tiên là hoàn thành giới luật và chánh kiến. Rồi bước thứ ba là nhổ gốc rễ phiền não, sẽ tự nhiên xuất hiện. Cũng như lúc đèn được thắp lên, chúng ta chẳng cần phải lo lắng đến việc xóa tan bóng tối. Chẳng cần thắc mắc bóng tối đã đi phương nào. Chúng ta chỉ biết có ánh sáng.

Có ba mức độ giữ giới. Đầu tiên là thọ giới từ vị thầy. Thứ đến là giữ giới và sống trong giới. Ở mức cao nhất, cỡ các bậc thánh nhân, các Ngài chẳng cần nghĩ đến giới luật, đến đúng sai. Chân giới đến từ trí tuệ, hiểu thấu đáo Tứ Diệu Đế. Hành động của các Ngài phát xuất một cách tự nhiên từ sự chứng ngộ này.

 Giới, Định, và Tuệ

Đức Phật chỉ dạy con đường thoát khổ — nguyên nhân khổ đau và con đường thực hành. Trong việc thực hành của tôi, tôi chỉ biết có con đường đơn giản này thôi. Con đường thoát khổ, tốt đẹp ở giai đoạn đầu: Giới; tốt đẹp ở giai đoạn giữa: Định; và tốt đẹp ở giai đoạn cuối: Tuệ. Nếu xem xét một cách kỹ càng, chúng ta sẽ thấy cả ba nhập một. Chúng ta thử xét xem ba yếu tố tương quan này.

Thực hành giới như thế nào? Thực ra muốn thực hành giới ta phải bắt đầu bằng trí tuệ. Thói thường ta nói giữ giới hay trì giới trước. Nhưng muốn cho giới thành tựu trọn vẹn, ta phải có trí tuệ để hiểu rõ những gì bao hàm trong giới. Khởi đầu, chúng ta phải xem xét thân thể và ngôn ngữ của chúng ta, tìm hiểu tiến trình nhân quả. Khi quan sát thân thể và lời nói để thấy phương cách chúng ta gây ra tai hại, bạn sẽ bắt đầu hiểu, kiểm soát và trong sạch hóa nhân quả.

Nếu bạn biết được thế nào là hành động và ngôn ngữ bất thiện, thế nào là hành động và ngôn ngữ thiện, bạn đã biết được cách thực hành để “khử ác vi thiện” (bỏ ác làm lành). Khi bạn bỏ ác làm lành, tâm bạn sẽ ổn định và tập trung. Sự định tâm này chế ngự được dao động và hoài nghi. Với tâm tĩnh lặng này, bạn có thể quan sát và thấy rõ hình sắc và âm thanh khi chúng xuất hiện. Nhờ không để tâm phóng đi nơi khác, bạn sẽ thấy rõ bản chất của mọi diễn biến đúng theo chân lý. Khi sự hiểu biết này trực tiếp, trí tuệ sẽ phát sinh.

Lúc bấy giờ Giới, Định và Tuệ có thể biến thành một. Khi chúng chín mùi là Bát Chánh Đạo. Khi Tham, Sân, Si xuất hiện, chỉ có Bát Chánh Đạo mới đủ khả năng tiêu diệt chúng.

Giới, Định, Tuệ phải được phát triển để hỗ trợ lẫn nhau. Bất kỳ đối tượng gì hiện ra ở sáu căn, Đạo đều kiểm soát được. Nếu Đạo mạnh thì có thể tiêu diệt được phiền não — Tham, Sân, Si. Nếu Đạo yếu, phiền não sẽ nắm quyền kiểm soát và giết chết tâm chúng ta. Vì không hiểu rõ chân tướng của lục trần nên khi lục trần xuất hiện, ta để nó tự do tàn phá, hủy hoại chúng ta.

Đạo và phiền não hoạt động song hành. Người học giáo pháp phải luôn luôn hài lòng với cả hai. Giống như trường hợp hai người đánh nhau. Khi Đạo nắm quyền điều khiển thì Đạo sẽ giúp sức cho chánh niệm. Nếu bạn duy trì được chánh niệm thì phiền não sẽ nhận phần thất bại khi nó muốn tái chiến. Nếu sự tinh tấn của bạn đi theo đường Đạo, nó sẽ tiếp tục diệt trừ phiền não. Nếu Đạo yếu, phiền não sẽ chiếm ưu thế, lúc ấy tham ái, si mê và lo âu sẽ hiện khởi. Đau khổ chỉ phát sinh khi Giới, Định, Tuệ yếu.

Khi đau khổ phát sinh thì khả năng để tiêu diệt lo âu biến mất. Chỉ có Giới, Định, Tuệ mới giúp cho Đạo hồi sinh. Khi Giới, Định, Tuệ khai triển, Đạo sẽ bắt đầu khôi phục chức năng và liên tục hoạt động để hủy diệt nguyên nhân phát sinh đau khổ trong mọi lúc và mọi nơi.

Cuộc chiến đấu này sẽ kéo dài cho đến lúc một bên chiến thắng và vấn đề sẽ được ngã ngũ. Như thế đấy! Vậy các bạn hãy kiên trì thực hành không ngừng nghỉ.

Việc hành đạo bất đầu tại đây và ngay bây giờ. Đau khổ và giải thoát hay Đạo ở tại đây và ngay bây giờ. Những lời dạy của Đức Phật như giới luật và trí tuệ trực chỉ hướng đến tâm. Nhưng hai yếu tố Đạo và Phiền Não này tranh nhau cho đến cùng. Bởi thế phải dùng khí cụ thực hành thật khó khăn, nặng nề. Bạn cần phải kiên nhẫn, chịu đựng và tinh tấn đúng mức. Sau đó chân trí tuệ sẽ tự đến.

Giới, Định, Tuệ tạo nên Đạo. Nhưng Đạo không phải là Chân Pháp, không phải là mục tiêu. Đạo chỉ là con đường dẫn đến mục tiêu. Như bạn muốn đi từ Bangkok đến thiền viện Wat Pah Pong chẳng hạn. Con đường rất cần thiết cho hành trình của bạn, nhưng mục tiêu của bạn là thiền viện, chứ không phải con đường. Cũng thế ấy, chúng ta có thể nói rằng Giới, Định, Tuệ ở ngoài giáo pháp của Đức Phật, nhưng là con đường dẫn đến chân lý này. Khi bạn phát triển ba yếu tố này, kết quả sẽ là sự bình an kỳ diệu nhất. Trong sự bình an này, hình sắc và âm thanh không còn đủ sức mạnh để quấy nhiễu tâm bạn. Bạn không còn gì phải làm nữa. Bởi vậy, Đức Phật dạy chúng ta phải vất bỏ hết những gì đang nắm giữ không chút ngần ngại. Được thế, bạn sẽ tự mình hiểu được sự bình an này và không còn phải dựa vào một ai khác.

Tuy nhiên, không nên vội đo lường sức tiến bộ của mình. Chỉ cần thực hành mà thôi. Ngoài ra, nếu mỗi khi tâm bạn an tịnh, bạn lại hỏi: “Phải đây không?” thì mọi nỗ lực đều tiêu tan. Không có dấu hiệu gì để nhận thật sự tiến bộ của bạn, như dấu hiệu, “Đây là con đường đên Thiền viện Wat Pah Pong.” Hãy vứt bỏ mọi tham ái và kỳ vọng, hãy nhìn thẳng vào hướng đi của tâm.

Đừng bắt chước

Người ta thường có khuynh hướng bắt chước theo thầy của mình. Họ trở thành bản sao, hình chụp hay rập khuôn theo thầy. Chẳng khác nào chuyện người huấn luyện ngựa cho nhà vua sau đây.

Người huấn luyện ngựa cho nhà vua chết, nhà vua thuê một người huấn luyện mới. Bất hạnh thay người mới này bị kiễng chân. Những con ngựa mới và chọn lọc kỹ càng được mang đến cho y. Và y đã huấn luyện chúng thuần thục: chạy, phi nước kiệu, kéo xe, v. v., nhưng tất cả những con ngựa nhỏ đều có bước đi khập khiễng. Thấy lạ, nhà vua cho gọi người huấn luyện đến hỏi. Khi thấy y khập khiễng bước vào chầu, nhà vua hiểu ra mọi lẽ và tức khắc mướn một người huấn luyện ngựa khác.

Là những vị thầy, quí sư phải ý thức đến sức mạnh của những cử chỉ và lối sống, lối tu hành của mình. Và quan trọng hơn, là học trò, các bạn không nên bắt chước theo hình ảnh, tư thái bên ngoài của thầy mình. Vị thầy chỉ muốn bạn kiện toàn phần nội tâm của bạn. Hãy lấy trí tuệ nội tại của bạn làm mô mẫu, đừng bắt chước dáng đi khập khiễng của thầy.

Thế nào là tự nhiên

Nhiều người muốn hành đạo một cách “tự nhiên.” Họ than phiền rằng lối sống ở đây không hợp tự nhiên.

Tự nhiên là cây trong rừng. Nhưng nếu bạn cất một ngôi nhà trong đó, phải chăng sự tự nhiên không còn nữa? Nếu bạn biết cách sử dụng cây, xẻ gỗ và cất nhà, cây sẽ có giá trị với bạn nhiều hơn. Hoặc giả như con chó tự nhiên chạy đây chạy đó theo sau cái mũi của nó. Ném một khúc xương thì cả đám chó chạy đến cấu xé nhau. Phải chăng đó là tự nhiên mà bạn muốn?

Nghĩa đúng thực của tự nhiên có thể khám phá ra bằng giới luật và sự hành thiền. Sự tự nhiên này vượt qua thói quen, điều kiện và nỗi sợ hãi của chúng ta. Nếu để tâm con người tự do tiến đến cái gọi là tự nhiên theo cảm tính, không cần rèn luyện — cảm xúc thế nào thì làm theo thế ấy, thì tâm sẽ dẫy đầy tham lam, sân hận, si mê. Và đau khổ cũng phát sinh từ đấy.

Qua thực hành chúng ta có thể cho phép cây trí tuệ và tình thương trưởng thành một cách tự nhiên, bất kỳ nơi đâu, cho đến khi nó đơm hoa kết trái.

Điều hòa

Ba điểm căn bản thực hành là Thu Thúc Lục Căn (nghĩa là không chìm đắm và dính mắc trong dục lạc ngũ trần), Ăn Uống Tiết Độ và Tỉnh Thức.

1. Thu Thúc Lục Căn: Chúng ta có thể dễ dàng nhận ra một cơ thể bất bình thường: mù, điếc, vẹo, v. v., nhưng rất khó khăn nhận ra một tâm hồn bất thường. Khi bắt đầu hành thiền, bạn sẽ thấy mọi sự khác hẳn. Bạn sẽ thấy một tâm hồn “méo mó” mà trước đây bạn thấy có vẻ bình thường. Bạn sẽ thấy nguy hiểm ở nơi mà trước đây bạn không thấy. Điều này giúp bạn thu thúc. Bạn trở nên nhạy cảm, như người đi vào rừng sâu ý thức được mối nguy hiểm của thú dữ, rắn độc, gai nhọn, v. v. Người có vết thương mới, rất thận trọng trước sự nguy hiểm của ruồi và muỗi độc. Cũng vậy, đối với người hành thiền, mối nguy hiểm phát xuất từ các đối tượng của giác quan (lục trần). Bởi thế, thu thúc lục căn là loại đức hạnh cao nhất.

2. Tiết Độ Ăn Uống: Ăn chay thì dễ, nhưng ăn ít và tiết độ như một thiền sinh thì thật khó khăn. Thay vì ăn chay thường xuyên, hãy học cách ăn trong chánh niệm. Ý thức được nhu cầu thực sự của mình; học cách phân biệt giữa muốn và cần.

Đào luyện cơ thể không phải là tự hành hạ mình. Không ngủ, không ăn đôi lúc có vẻ cực đoan, nhưng nó có giá trị của nó. Bạn phải thực sự muốn chống lại sự biếng nhác và phiền não. Khuấy động chúng lên và quan sát chúng. Một khi hiểu được chúng thì những sự thực hành có vẻ cực đoan trên sẽ không cần thiết nữa. Đó là lý do tại sao chúng ta phải ăn, ngủ, nói ít lại — nhằm đè nén tâm luyến ái và khiến chúng tự lộ diện.

3. Tỉnh Thức: Muốn có chánh niệm thì phải có nỗ lực liên tục, chứ không phải chỉ siêng năng một lúc rồi thôi. Dầu bạn hành thiền suốt đêm, nhưng những lúc khác bạn để cho lười biếng ngự trị thì cũng không phải là hành thiền đúng. Phải luôn luôn quan sát, theo dõi tâm như cha mẹ theo dõi con cái, bảo vệ chúng không để chúng làm bậy, dạy cho chúng biết điều đúng.

Thật là sai lầm khi nghĩ rằng có đôi lúc bạn không có cơ hội để hành thiền. Bạn phải luôn luôn nỗ lực để hiểu chính mình, điều này cũng cần thiết như sự hô hấp của bạn, bạn phải tiếp tục thở bất kỳ trong hoàn cảnh nào. Nếu bạn không thích một vài hoạt động nào đó, như tụng kinh hay làm việc chẳng hạn, và bạn đã vất bỏ chúng để hành thiền, như thế thì bạn chẳng bao giờ được Tỉnh thức.

Hãy nương tựa vào mình

Đức Phật dạy người nào muốn hiểu biết thì phải tự mình thấy rõ chân lý. Thế nên không có chút khác biệt nào giữa những lời tán dương và câu chỉ trích. Dầu người ta nói thế nào cũng không quấy rầy được bạn. Một người không tự tin sẽ cảm thấy mình xấu khi bị kẻ khác chê xấu. Hãy tự xét. Nếu họ nói sai, hãy quên đi; nếu họ nói đúng, hãy học theo họ. Bất kỳ trường hợp nào xẩy ra cũng chẳng có gì. Tại sao phải giận dữ? Nếu bạn có thể nhìn sự vật như vậy, bạn sẽ thật sự bình an. Chẳng có cái gì là sai cả; tất cả đều là Pháp. Nếu bạn thật sự sử dụng khí cụ mà Đức Phật đã ban cho bạn, bạn sẽ không cần phải ganh tị với người khác nữa. Trong khi những kẻ lười biếng chỉ muốn nghe và tin, bạn có tự tín và có thể kiếm sống bằng sự nỗ lực của chính mình.

Tuy thế, nếu khi thực hành bạn chỉ sử dụng những gì bạn có thì cũng phiền toái bởi vì chúng là của bạn. Ban đầu, có lúc bạn nghĩ việc hành thiền thật khó khăn và bạn đã khư khư nắm giữ những cái tốt của kẻ khác. Thế rồi, Đức Phật dạy bạn phải làm với những gì bạn có và bạn nghĩ rằng mọi chuyện đều êm xuôi tốt đẹp. Nhưng rồi bạn lại thấy khó khăn nữa, Đức Phật lại dạy thêm: Nếu bạn dính mắc và nắm giữ điều gì, dầu của chính bạn hay của ai đi nữa, bạn cũng gặp phiền toái. Nếu bạn chạy vào bếp nhà hàng xóm nắm một cục lửa, bạn sẽ bị phỏng tay. Nếu bạn nắm cục lửa nhà bạn, bạn cũng bị phỏng tay như thường. Vậy thì đừng nắm giữ gì cả.

Đó là lối thực tập áp dụng ở đây — phương pháp trực tiếp. Tôi không bằng lòng với ai. Nếu bạn đem kinh điển hay tâm lý học tranh cãi với tôi, tôi sẽ không tranh cãi. Tôi chỉ trình bày cho thấy nhân và quả, để bạn hiểu chân lý của pháp hành. Chúng ta tất cả đều phải nương tựa nơi chính mình.

Biết mình, biết người

Hãy tìm hiểu chính thân tâm của bạn, bạn sẽ hiểu người khác. Gương mặt, cử chỉ, hành động của một người phát xuất từ trạng thái tâm của người ấy. Đức Phật có thể đọc được chúng bởi vì Ngài có kinh nghiệm và nhìn thấy với trí tuệ trạng thái tâm làm căn bản cho những biểu lộ ấy. Cũng như một người già lão luyện đã trải qua thời thơ ấu hiểu rõ tâm lý trẻ con.

Sự “tự tri” này khác với trí nhớ. Người già có thể bên trong rất sáng, nhưng bên ngoài có vẻ lờ đờ. Đọc sách để học hỏi đối với họ rất khó khăn vì họ quên tên, quên mặt, v. v. Có thể họ biết rõ ràng họ cần một cái thau, nhưng vì trí nhớ kém, họ nói lấy cho họ một cái ly.

Nếu bạn thấy tình trạng sinh diệt trong tâm và không dính mắc vào tiến trình, để trôi qua cả hạnh phúc lẫn đau khổ thì sự tái sinh của tâm sẽ ngắn dần, ngắn dần. Để cho chúng trôi qua, dù bạn có rơi vào địa ngục đi nữa cũng đừng lo lắng thái quá, bởi vì bạn biết rằng địa ngục cũng vô thường. Hành thiền đúng đắn thì bạn sẽ thản nhiên nhìn nghiệp cũ diễn ra và tiêu dần. Hiểu biết cách sinh diệt của sự vật, bạn chỉ cần tỉnh thức, chánh niệm rồi để chúng tự nhiên trôi chảy theo dòng của chúng. Cũng như trường hợp có hai cội cây. Nếu bạn vun phân tưới nước cho một cây và bỏ mặc cây kia thì chẳng cần thắc mắc tại sao một cây lên tốt, còn một cây thì èo uột.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.