Cái cốc của ngài Ajahn Chah
Ajahn Chah bảo rằng ngài chẳng mơ gì nữa. Một đêm ngài chỉ ngủ vài tiếng trên một cái cốc cao cẳng. Bên dưới cốc là một sân rộng trống trải để tiếp khách.
Những vị khách đến thăm ngài thường mang theo quà. Ngoài thức ăn, y áo, họ còn đem dâng ngài những pho tượng cổ. Nhiều pho tượng được chạm trổ những hoa văn biểu tượng Phật giáo rất công phu và mỹ thuật.
Một vị sư Tây phương, nguyên là một nhà sưu tầm đồ cổ, rất say mê những tác phẩm mỹ thuật Á châu, lấy làm sung sướng được nhận lãnh nhiệm vụ quét dọn sạch sẽ cốc của ngài Ajahn Chah hàng ngày. Nhà sư nghĩ rằng đây là cơ hội tốt để thầy thưởng thức những nghệ thuật phẩm mình hằng ưa thích. Nhà sư nhận chìa khóa, lên cốc mở cửa, nhưng chỉ thấy độc một chiếc giường nhỏ và cái mùng che muỗi. Nhà sư khám phá ra rằng mỗi khi Ajahn Chah nhận được tặng phẩm gì, ngài liền phân phối ngay sau đó, càng sớm càng tốt. Achan Chah không dính mắc vào bất cứ cái gì.
Một buổi lễ thiêng liêng, và một ngày nóng bức
Ngay thời kỳ Đức Phật, các nhà sư vẫn được mời đi làm lễ ban phước hay đem lại sự an lành cho tín đồ trong những lúc họ gặp khó khăn. Kinh điển có ghi chép chính Đức Phật đã theo tục lệ cổ truyền rảy nước thiêng và ban phúc cho thiện nam tín nữ.
Vì phần lớn các nhà sư hiện nay ở Thái Lan chỉ thích nghiên cứu học hỏi kinh điển và lễ lạc mà không chú trọng đến việc hành thiền nên ngài Ajahn Chah thường gọi đùa những nghi lễ này là “Đi ngược đường.” Tuy thế, Ajahn Chah cũng dùng nghi lễ khi cần thiết. Một buổi chiều nóng nực, Ajahn Chah được mời xuống phố để thuyết pháp và làm lễ ban phước cho một số tín đồ và học sinh. Sau phần tụng kinh và thuyết pháp thường lệ, Ajahn Chah bưng một bát nước bằng đồng, nối liền với một sợi chỉ chuyền qua tay tám vị sư khác, dẫn đến bức tượng Phật lớn ở tư thế ngồi thiền. Sau phần tụng kinh và lễ dâng hương đèn, Ajahn Chah đứng dậy dùng một nhánh lá cọ rảy nước thiêng để chúc lành cho mọi người đến tham dự buổi thuyết pháp.
Môt nhà sư Tây phương trẻ trong phái đoàn chư tăng đến tham dự khởi tâm bất bình. Sau đó, không thể kiên nhẫn được với buổi lễ, than trách với Ajahn Chah:
— Tại sao Ngài lại làm những nghi lễ vô bổ và chán ngắt, chẳng phù hợp với việc hành đạo chút nào?
Ajahn Chah trách lại:
— Dĩ nhiên phải làm, vì một ngày nóng nực như thế này, mọi người đến tham dự đều muốn tắm mát.
Chân phép mầu
Dân làng và Phật tử sống quanh tu viện Wat Pah Pong kể rất nhiều chuyện về phép mầu của ngài Ajahn Chah. Họ nói rằng Ajahn Chah có thể phân thân đến nhiều nơi trong cùng một lúc. Có người quả quyết đã thấy Ajahn Chah phân thân thành hai. Họ nói rằng Ajahn Chah đã dùng phép mầu để chữa bệnh; Ajahn Chah có nhãn thông đã thuần thục trong việc nhập định.
Ajahn Chah cười khi nghe được những chuyện này. Phép mầu là vấn đề mà những người chưa giác ngộ cũng như những người chưa thông hiểu sâu xa Phật pháp thường mong cầu và quan tâm. Ajahn Chah nói:
— Chỉ có một loại Chân Pháp Mầu. Đó là Giáo Pháp, những lời dạy có khả năng giải thoát tâm và chấm dứt khổ đau. Những pháp mầu khác chỉ là ảo tưởng, thuật tráo bài, mà mắt khiến ta đi trật đường. Đường chính của chúng ta liên quan đến con người, chết sống và tiến đến giải thoát. Ở Wat Pah Pong chỉ dạy có Chân Pháp Mầu mà thôi.
Một dịp khác Ajahn Chah nói với chư tăng:
— Dĩ nhiên, một khi thiền định thuần thục, có thể dùng thiền định vào những mục tiêu khác như luyện thần thông, làm nước thánh, phúc chúc, làm bùa, tiên đoán việc tương lai, v. v. Nếu đạt tâm định các sư có thể làm được điều đó. Nhưng hành thiền như thế chẳng khác nào uống thuốc độc, uống rượu. Thế thì còn đâu là chánh đạo, con đường Đức Phật đã đi? Ở đây, thiền định (thiền vắng lặng) chỉ dùng làm căn bản cho thiền minh sát, vì vậy không cần phải đạt đến mức thiền định thật cao. Chỉ cần quan sát những gì sinh ra, tiếp tục quan sát nhân và quả, cứ thế tiếp tục quan sát. Bằng cách này chúng ta dùng sự chú tâm để quan sát hình sắc, âm thanh, mùi vị, sự xúc chạm và những hoạt động của tâm ý và cuối cùng sẽ tìm thấy Pháp Giải Thoát.
Pháp hành của người chủ nhà
Đời sống của gia đình thật khó mà cũng thật dễ. Khó làm nhưng dễ hiểu. Chẳng khác nào bạn đến đây và than phiền về cục than đỏ mà bạn đang nắm trong tay. Tôi chỉ đơn giản bảo bạn hãy vất nó đi. Bạn không chịu và cãi lại:
— Không, tôi không muốn bỏ. Tôi muốn nó trở nên lạnh cơ.
Bạn có thể chọn một trong hai cách: vất bỏ nó đi, hoặc kiên nhẫn chịu đựng. Bạn sẽ phân vân hỏi lại:
— Làm thế nào tôi có thể vứt bỏ được?
Bạn có thể bỏ gia đình bạn được không? Được. Bỏ phần nội tại trong tâm bạn. Bỏ sự dính mắc bên trong thôi. Giống như con chim đẻ trứng. Bạn có trách nhiệm phải ấp trứng. Nếu không trứng sẽ thối.
Có thể bạn muốn mọi người trong gia đình nể phục và cảm thông bạn, biết rõ tại sao bạn làm như thế này mà không làm như thế kia, v. v. Nhưng có thể họ không cảm thông được bạn. Thái độ của bạn có thể thiếu hòa ái. Tâm hồn bạn có thể chật hẹp. Nếu cha mẹ là một tên trộm và con không hưởng ứng, phải chăng con là đứa trẻ hư hỏng? Hãy giải thích và tìm hiểu mọi chuyện xảy ra trong chiều hướng tốt đẹp. Cố gắng thành thật, sau đó hãy để mọi chuyện tự nhiên. Nếu bạn bị bệnh và quyết định đến gặp bác sĩ, nhưng sau khi tận tâm chữa trị bằng mọi loại thuốc, bệnh bạn vẫn không khỏi, bạn phải làm thế nào đây? Bạn không còn cách nào hơn là phải chấp nhận thực trạng và để tâm tự nhiên.
Nếu bạn nghĩ đến các danh từ “gia đình tôi,” “việc hành thiền của tôi,” bạn sẽ gặp rắc rối vì những hình thức tự ngã này là nguyên nhân của đau khổ. Đừng nhọc công đi tìm hạnh phúc, dầu bạn đang sống với những người khác hay đang sống một mình. Hãy sống với giáo pháp, hạnh phúc sẽ tự tìm đến. Phật Pháp giúp bạn giải quyết vấn đề, nhưng chính bạn phải tự thực hành và khai mở trí tuệ trước. Bạn không thể có cơm bằng cách chỉ bỏ nước và gạo vào nồi, rồi bảo nó chín ngay. Bạn phải nhúm lửa và để cơm có đủ thời giờ chín. Với trí tuệ mọi vấn đề cuối cùng đều có thể giải quyết. Khi hiểu rõ đời sống gia đình, bạn có thể hiểu rõ được nghiệp báo và nhân quả, và nhờ thế bạn có thể quán xuyến và cải thiện mọi hành động của bạn trong tương lai.
Hành thiền chung nhóm với mọi người ở thiền viện hay trong những khóa thiền là những việc làm không mấy khó khăn. Vì ở đấy mọi người đều hành thiền, bạn phải tinh tấn theo họ, phải ngồi thiền, phải kinh hành như mọi người. Nhưng lúc về đến gia đình, bạn gặp khó khăn. Bạn bảo rằng lúc ở nhà bạn làm biếng. Bạn hãy bỏ hết quyền lực của chính bạn, chuyển quyền hành đó kẻ khác, cho sở làm, cho những vị thầy ở ngoài bạn. Hãy tỉnh dậy! Bạn tạo ra một thế giới riêng của chính bạn. Mà điều quan trọng là bạn có thích hành thiền không đã?
Là sư sãi, chúng tôi phải cố gắng giữ giới luật và hành hạnh đầu đà. Thực hành nghiêm chỉnh giới luật là con đường dẫn đến giải thoát. Các bạn cư sĩ cũng phải cố gắng giữ giới luật như vậy.
Các bạn hành thiền ở nhà nên giữ gìn trong sạch những giới căn bản. Cố gắng kiểm soát hành động và lời nói. Thật sự tinh tấn và hành thiền liên tục không gián đoạn. Muốn tập trung tâm ý bạn phải rán tinh tấn. Đừng thấy chỉ mới cố gắng một hay hai lần mà không tập trung tâm ý đã sinh ra chán nản.
Tại sao không thử cố gắng lâu hơn? Bạn đã để tâm trí đi lang bạt bao lâu theo ý nó mà không kiểm soát được? Bạn có băn khoăn rằng một hay hai tháng chưa đủ để luyện tâm an tịnh không?
Dĩ nhiên, tâm rất khó huấn luyện. Muốn dạy một con ngựa bất kham, hãy cho nó nhịn đói một lát, nó sẽ đến gần bạn hơn. Khi nó đã bắt đầu nghe lời, hãy cho nó ăn chút ít. Đạo sống của chúng ta có cái hay cái đẹp là có thể huấn luyện được tâm. Với nỗ lực đúng, chúng ta có thể đạt được trí tuệ.
Sông đời sống cư sĩ và thực hành chánh pháp là sống trong thế gian, nhưng ở trên thế gian. Giới bắt đầu bằng năm điều học căn bản. Mọi giới đều quan trọng — là cha mẹ của mọi điều tốt đẹp.
Điều căn bản là loại bỏ khỏi tâm mọi sai lầm, quét sạch mọi nguyên nhân gây ra phiền muộn và dao động. Phải giữ giới luật thật kiên cố. Sau đó hãy tham thiền khi cơ hội đến. Đôi lúc việc hành thiền tiến triển tốt đẹp, đôi lúc không. Đó là chuyện tự nhiên. Đừng bận tâm về việc này. Cứ tiếp tục. Nếu nghi ngờ khởi lên, hãy xem chúng cũng như những chuyện khác của tâm đều vô thường cả.
Khi bạn tiếp tục hành thiền đều đặn thì sẽ có định tâm. Dùng tâm định này phát triển trí tuệ. Nhìn sự yêu ghét khởi dậy từ các giác quan mà không dính mắc vào chúng. Đừng bận tâm nghĩ đến kết quả hay sự tiến bộ. Cũng đừng mong ngóng ao ước tiến bộ mau chóng. Cũng như đứa trẻ muốn chạy phải tập bò và tập đi trước đã. Cứ giữ giới thật trong sạch và tiếp tục hành thiền.
Vô ngã
Đối với người không hiểu sự chết, cuộc sống chứa đựng nhiều rắc rối. Nếu thân thể ta thực sự là của ta, nó hẳn đã nghe theo mệnh lệnh mà ta đưa ra. Khi ta bảo, “Đừng có già” hay “Ta cấm ngươi không được đau,” nó có nghe lời ta không? Không, nó chẳng thèm để ý đến. Ta chỉ là người thuê căn nhà này, chứ không phải chủ nhà. Nếu nghĩ rằng căn nhà này thuộc về ta, ta sẽ đau khổ khi phải rời bỏ nó. Nhưng thực ra chẳng có gì gọi là ta, chẳng có cái gì gọi là bản ngã thường tồn. Không có gì vững chắc, bất biến mà chúng ta có thể nắm giữ được.
Đức Phật phân biệt cho chúng ta thấy rõ hai loại chân lý — chân lý rốt ráo và chân lý ước định. Ý niệm về một cái ngã chỉ là một khái niệm, một ước định. Người Mỹ, người Thái, thầy giáo, học sinh, tất cả chỉ là sự chế định mà thôi. Một cách rốt ráo thì chẳng có gì cả. Chúng chỉ là đất, nước, gió, lửa — những yếu tố tạm thời kết hợp lại với nhau.
Chúng ta gọi cái cơ thể này là ta, nhưng một cách rốt ráo, chẳng có gì là ta cả, chỉ có “ANATTA,” vô ngã mà thôi. Muốn biết rõ sự vô ngã, bạn phải hành thiền. Nếu bạn chỉ suy tư tìm hiểu, đầu bạn sẽ nổ tung. Một khi bạn hiểu rõ vô ngã, tức khắc gánh nặng của cuộc sống sẽ được nhấc đi. Đời sống của gia đình bạn, công việc của bạn,…, tất cả đều trở nên dễ dàng hơn. Khi không có cái nhìn chật hẹp về ngã nữa, bạn sẽ không còn dính mắc vào hạnh phúc. Và khi bạn không còn dính mắc vào hạnh phúc, bạn bắt đầu có hạnh phúc thực sự.