Đức Phật Được Tôn Vinh

1. Đức Phật được đệ tử ca ngợi

Một thuở nọ, Thế Tôn đang trú tại Nàlandà, đại đức Xá-lợi-phất (Sàriputta) cao hứng đến đảnh lễ chân Thế Tôn, rồi bạch như sau:

“Bạch thế tôn, con tin tưởng Thế Tôn đến nỗi con nghĩ rằng trong quá khứ, vị lai cũng như hiện tại, không thể có một Sa-môn, Bà-la-môn nào vĩ đại hơn, sáng suốt hơn Thế Tôn về phương diện giác ngộ.”

Sau khi được nghe tán thán, đức Phật hỏi Xá-lợi-phất vì sao dám bạo gan tuyên bố như vậy, thì thầy trình bày những điểm siêu việt của đức Thế Tôn mà thầy đã chứng kiến:

– Bạch Thế Tôn! Thế Tôn thuyết pháp cho con, cứ mỗi pháp sau lại càng thâm thuý và cao thượng hơn pháp trước.

– Thế Tôn thuyết giảng rành mạch về các pháp thiện như 4 Niệm xứ, 4 Chánh cần…

– Thế tôn thuyết giảng cặn kẽ lục nhập, tức sáu căn tiếp xúc với sáu trần.

– Thế Tôn trình bày về các Tha tâm thông: có thể biết được tâm của người khác bằng chính tâm của mình.

– Thế Tôn phân tích cặn kẽ 32 vật bất tịnh nơi mỗi thân người.

– Thế Tôn trình bày bảy hạng người đang đi trên đạo lộ hướng đến giải thoát: Câu giải thoát, Tuệ giải thoát, Thân chứng, Kiến chí, Tín thắng giải, Tùy Pháp hành, Tuỳ tín hành.

– Thế Tôn thuyết giảng tường tận về 7 Giác chi.

– Thế Tôn trình bày sự tiến bộ trên đường tu hành: Hành trì khổ chứng ngộ chậm; hành trì khổ chứng ngộ nhanh; hành trì lạc chứng ngộ chậm; hành trì lạc chứng ngộ nhanh.

– Thế Tôn thuyết giảng về Chánh ngữ: nói đúng sự thật, đem lại lợi ích cho mình và cho người.

– Thế Tôn thuyết giảng về giới hạnh của con người: hộ trì các căn, tinh cần tu học.

– Thế Tôn thiện xảo trong sự thuyết pháp: tuỳ theo căn cơ của từng đối tượng mà dạy cho họ những pháp môn thích hợp.

– Thế Tôn thuyết giảng về sự giải thoát của các hành giả: Ai tu pháp môn nào sẽ chứng đạt được quả vị nào.

– Thế Tôn thuyết giảng về Túc mạng trí: biết đời sống quá khứ của các loài chúng sinh.

– Thế Tôn thuyết giảng về Thiên nhãn trí: biết ai gieo nhân nào sẽ gặt kết qủa nấy.

– Thế Tôn thuyết giảng về Thần túc thông: trình bày rõ ràng về các loại thần thông.

– Thế Tôn tránh xa hai cực đoan: không đam mê các dục lạc và không chấp nhận tu hành khổ hạnh. Vì hai cực đoan ấy không xứng với bậc Thánh, không có lợi ích.

Bạch Thế Tôn! Con thiển nghĩ: “Trong thời quá khứ cũng như trong vị lai có thể có những Sa-môn, Bà-la-môn đạt được giác ngộ bằng Thế Tôn; nhưng trong hiện tại, Thế Tôn là vị độc nhất vô nhị chứng đạt Vô thượng Chánh Đẳng Chánh Giác.”

Sau khi nghe Xá-lợi-phất trình bày, đức Thế Tôn đã xác nhận những lời trình bày của thầy là đúng, chính xác, không sai lầm. (11)

Không phải chỉ có người đệ tử trí tuệ đệ nhất ấy tán thán Phật mà một đại đệ tử khác cũng ca ngợi Ngài. Đó là tôn giả A-nậu-lâu-đaø. Sau khi di chúc với các đệ tử bằng những lời thống thiết nhất, đức Đạo sư hỏi lại 3 lần xem ai còn thắc mắc điều gì để Ngài giải đáp trước giờ phút Niết-bàn, thì tôn giả A-nậu-lâu-đà nói một cách quả quyết:

“Bạch Thế Tôn! Mặt trăng có thể làm cho nóng lên, mặt trời có thể làm cho lạnh đi, nhưng 4 chân lý mà Thế Tôn đã dạy thì không thể nào làm khác được. Thế Tôn dạy khổ thì là thật khổ, không thể làm cho vui lên được. Tập là nguyên nhân của khổ, thì không còn có nguyên nhân nào khác nữa. Diệt là khổ diệt, vì nguyên nhân đã diệt, mà nguyên nhân diệt thì kết quả cũng diệt. Đạo là phương pháp diệt khổ nên thật là đạo, không có đạo nào khác hơn. Bạch Thế Tôn ! Đối với 4 chân lý, các vị Tỷ-kheo đây đã khẳng tín, không còn nghi ngờ gì nữa.” (12)

4. Đức Phật tự minh định

Để tránh tình trạng xuyên tạc hoặc ngộ nhận đối với Ngài, đức Phật tự khẳng định : “Này các Tỉ-kheo, một người khi xuất hiện ở đời, đem lại hạnh phúc, an lạc cho số đông, vì lòng thương đời, vì lợi ích, vì an vui cho chư Thiên và nhân loại, đó là Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác. Người ấy là vô song, tuyệt đối, là bậc Tối thượng giữa loài 2 chân.” (13)

Một hôm, Bà-la-môn Dona trông thấy bàn chân của Phật có hình bánh xe và nhiều tướng đặc thù khác của bậc đại nhân, bèn hỏi Ngài có phải là Thiên nhân, là Càn-thát-bà… không, thì Thế Tôn đáp:

“Này Bà-la-môn, đối với những người chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là Thiên nhân, nhưng là một Thiên nhân mà các lậu hoặc đã được đoạn tân, giống như cây ta-la đã chặt đứt mọi gốc rễ, không thể hiện hữu, không thể nẩy mầm được nữa trong tương lai. Đối với những người chưa đoạn tận các lậu hoặc, Ta có thể là Càn-thát-bà, là Dạ-xoa, là người, nhưng là một người đã đoạn tận các lậu hoặc, giống như cây ta-la đã chặt đứt mọi gốc rễ… Nầy Bà-la-môn, ví như bông sen xanh, bông sen hồng hay bông sen trắng, sinh ra trong nước, lớn lên trong nước, vươn lên khỏi nước và đang đứng thẳng không bị nước thấm ướt. Cũng vậy, này Bà-la-môn, sinh ra trong đời, lớn lên trong đời, nhưng Ta chinh phục đời, không bị đời thấm ướt. Nầy Bà-la-môn, Ta là Phật, hãy ghi nhớ như vậy.” (14)

Đối với một đất nước có truyền thống tôn giáo lâu đời như Ấn Độ mà đức Đạo sư lại đơn độc dấn thân tìm chân lý, cuối cùng, đạt được giác ngộ vô thượng, rồi lập ra một Tôn giáo mới, làm khuynh đảo các Tôn giáo cũ, quét tan mọi tà kiến, thì được chư Thiên, Vua chúa, Bà-la-môn và các đệ tử ca ngợi là lẽ đương nhiên. Thế nhưng, bằng tinh thần cầu thị, tiến bộ và yêu thương đồng loại, đức Phật đã cực lực chỉ trích những quan điểm cổ hủ, lỗi thời, gây đau khổ cho con người và kìm hãm sự tiến hoá của xã hội; vì vậy, Ngài cũng gặp không ít những sự chống đối, đả kích từ phía những kẻ mù quáng, bảo thủ và cố chấp. Thiết tưởng, những ý kiến phản bác đức Phật cũng nên công bố vào một dịp nào đó, để nói lên tinh thần khách quan, vô tư của đạo Giác ngộ.

Thích Phước Sơn

http://www.daophatngaynay.com

_________________________

Chú thích:  

(1): Trường Bộ kinh tập III (kinh Đại Điển Tôn), tr. 222, Xb. 1972.

(2): Tương Ưng Bộ kinh tập I, tr.82 , Xb.1982.

(3), (8): Trường Bộ Kinh tập I (kinh Sa-môn quả), tr.85; (kinh A Ma Trú), tr.88, Xb.1973.

(4), (9): Trung Bộ kinh tập II (kinh Pháp Trang Nghiêm), tr.436; (kinh Brahmàyu), tr.456. Xb.1982.

(5), (6): Trường Bộ kinh  tập II (kinh Sonadanda), tr.114; (kinh Kutadanta), tr.131, Xb.1967.

(7): Tăng Chi Bộ  Kinh IIB (IV, 194), tr.280, Xb .1981.

(10): Trung Bộ Kinh III (kinh Tiểu nghiệp phân biệt), tr.405, Xb .1975.

(11): Trường Bộ kinh tập IV ( kinh Tự hoan hỉ), tr.101, Xb .1972.

(12): Kinh Di Giáo trong luật Sa-di-ni quyển một, HT. Trí Quang dịch giải, tr.113, Xb.1973.

(13): Tăng Chi Bộ kinh tập I (XIII, Phẩm Một người), tr.28, Xb.1980.

(14): Tăng Chi Bộ kinh tập II, q. A (VI, 36), tr. 52, Xb. 1981.

This entry was posted in Bài Giảng, Phật Giáo. Bookmark the permalink.