Sống Chung Hòa Hợp

Hoà hợp sẽ tạo nên sự đoàn kết, tạo sức mạnh tổng hợp giúp cho con người có thể vượt qua được những khó khăn, gian khổ trong cuộc sống. Sống hoà hợp làm cho con người có thể cảm thông, chia xẻ với nhau, xích lại gần nhau hơn, biết sống vì nhau hơn.

Con người bao giờ cũng là con người của xã hội, của tập thể, của cộng đồng. Nếu một con người hoàn toàn sống tách biệt khỏi cộng đồng xã hội thì người đó không thể nào trở thành một con người hoàn thiện được. Tuy nhiên, để sống hoà hợp với nhau trong tập thể, cộng đồng thì quả thật không phải dễ. Trong thực tế, có nhiều người sống chung với nhau nhưng không có sự hoà hợp. Chính sự không hoà hợp này là nguyên nhân gây ra không biết bao nhiêu khổ đau, bất hạnh cho con người. Sự bất hoà làm ung độc cuộc sống chung, bắt buộc người ta phải xa nhau nếu không muốn làm khổ nhau. Ngược lại, sự hoà hợp trong cuộc sống có ý nghĩa hết sức quan trọng. Hoà hợp sẽ tạo nên sự đoàn kết, tạo sức mạnh tổng hợp giúp cho con người có thể vượt qua được những khó khăn, gian khổ trong cuộc sống. Sống hoà hợp làm cho con người có thể cảm thông, chia xẻ với nhau, xích lại gần nhau hơn, biết sống vì nhau hơn. Không những thế, sống hoà hợp còn giúp cho con người có thể đạt được những thành công trong cuộc sống, xây dựng cuộc sống hạnh phúc, đem lại lợi ích cho gia đinh, cho xã hội.

Cách đây hơn 25 thế kỷ, đức Phật Thích Ca đã nhận chân được điều đó cho nên Ngài đã đưa ra các nguyên tắc để xây dựng cuộc sống hoà hợp trong tập thể, đó là Lục hoà. Lục hoà là sáu nguyên tắc ứng xử để sống với nhau cho hoà hợp từ vật chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm. Sáu nguyên tắc đó gồm những gì?

Thứ nhất là thân hoà đồng trú, có nghĩa là khi đã chung sống với nhau trong một phạm vi, một tập thể nhất định thì phải hoà hợp với nhau, không được dùng sức mạnh, dùng võ lực để lấn hiếp, đánh đập nhau, không được xúc phạm đến thân thể của nhau. Phạm vi đồng trú ở đây có thể là một gia đình, một làng xã, một lớp học, một cơ quan, xí nghiệp, hay rộng ra nữa là một quốc gia, một dân tộc, một châu lục, …Trong một gia đình thì phải trên thuận dưới hoà, chồng ra chồng, vợ ra vợ, anh ra anh, em ra em, không được mất trật tự, lộn xôn, hiếp đáp, sát phạt nhau, xúc phạm lẫn nhau, làm những việc trái với luân thường đạo lý. Hay là trong một quốc gia, một dân tộc thì phải lấy sự đoàn kết, hoà hợp làm đầu, không được chia năm xẻ bảy, không được chém giết lẫn nhau, gây cảnh nồi da xáo thịt. Nhân dân ta có câu ca dao rất có ý nghĩa:

“Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”

Khác giống mà chung một giàn còn phải thương yêu nhau, huống chi là cùng một giống nòi, một dân tộc. Và cứ thế, tuỳ theo giới hạn, tuỳ theo hoàn cảnh mà chúng ta vận dụng nguyên tắc này cho phù hợp.

Thứ hai là khẩu hoà vô tránh, tức là lời nói hoà hợp không tranh cải nhau. Muốn thân được hoà thì phải giữ gìn lời nói sao cho ôn hoà, nhã nhặn, không được tranh cải, nhục mạ nhau, không được nói lời thô ác, đâm thọc nhau, càng không nên nói những lời đường mật để lừa lọc, hảm hại nhau.

Có người vì những lời nói không hoà ái mà dẫn đến ẩu đã nhau. Đôi lúc có những người bạn rất thân với nhau nhưng vì một lời nói bất hoà mà trở mặt với nhau, thù hận nhau đến tận xương tuỷ. Cũng có những quốc gia đang giao hảo với nhau, nhưng vì một lời nói không đẹp lòng mà dẫn đến đối địch nhau, thậm chí còn đem quân đánh nhau làm cho muôn dân phải lâm vào cảnh nhà tan cửa nát. Vì vậy, để có được sự hoà hợp khi sống chung với nhau thì phải nói với nhau những lời hoà ái, nói những lời phải lẽ, hợp tình hợp lý.

Thứ ba là ý hoà đồng duyệt (ý hoà cùng vui). Nền tảng vững chắc nhất của sự hoà hợp đấy là sự hoà hợp từ trong ý thức, trong suy nghĩ của con người. Ý thức là nhân tố rất quan trọng, là động lực thúc đẩy miệng nói, thân làm. Theo Tâm lý học Phật giáo, kế công thì ý thức đứng đầu mà kết tội thì nó cũng là trước tiên (công vi thủ, tội vi khôi). Nếu ý nghĩ được hoà ái thì lời nói và hành động dễ dàng giữ được hoà khí. Ngược lại, nếu trong tập thể mà mọi người luôn ghen ghét nhau, đố kỵ nhau, muốn hảm hại nhau thì khó có thể giữ được hoà khí. Nếu như vì một lý do nào đó mà phải hoà hợp với nhau thì sự hoà hợp ấy chẳng khác gì một lớp sơn hào nhoáng quét lên trên một tấm gỗ đã bị mục. Một khi sự xung đột bên trong không chịu đựng được nữa thì nõ sẽ lộ ra qua lời nói và hành động, cũng như tấm gỗ đã mục nát rồi thì sớm muộn gì lớp sơn bên ngoài nó cũng bị hư hoại mà thôi.

Để có được sự hoà hợp trong ý nghĩ thì con người phải thực sự có lòng thương yêu người khác, phải biết sống bao dung, độ lượng, không được hẹp hòi, ích kỷ.

Thứ tư là giới hoà đồng tu. Giới ở đây không chỉ có nghĩa là giới luật, giới còn là những nội qui, qui chế,…Bất kỳ một tổ chức nào, dù nhỏ như gia đình, hay lớn như một quốc gia, nếu muốn tồn tại và phát triển thì đều phải có những qui tắc, điều lệ nhất định áp dụng cho tất cả mọi người trong tập thể ấy. Trong gia đình thì có gia phong, gia đạo, trong một làng thì có hương ước, trong nhà trường thì có nội qui, trong một nước thì có pháp luật,…Nếu một tập thể, một tổ chức mà mọi người trong đó không chấp hành những qui tắc, nội qui đã đề ra, ai muốn làm gì thì làm, như thế thì mọi người không thể sống hoà hợp được và tập thể ấy, tổ chức ấy không thể nào tồn tại được.

Vì thế, để sống chung hoà hợp thì mọi người phải chấp hành nghiêm túc những nội qui, qui chế, điều lệ,… của tập thể mà mình đang sống trong đó.

Thứ năm là kiến hoà đồng giải, có nghĩa là thấy biết thì phải giải bày cho nhau hiểu. Kho tàng tri thức của nhân loại vô cùng phong phú, một người không thể nào tiếp cận được tất cả, cho nên người nào trong tập thể biết được điều gì, khám phá ra vấn đề gì mới lạ thì phải giải bày, chỉ bảo cho người khác hiểu. Có như thế trình độ hiểu biết giữa những người cùng trang lứa trong tập thể mới không chênh lệch nhau, và tinh thần bình đẳng mới được giữ vững trong tập thể.

Nếu ta khám phá ra điều gì mới lạ, có ý kiến gì cao minh mà không giải bày cho người khác thì chẳng những ta tạo điều kiện cho lòng ích kỷ, lòng cao ngạo trong ta được lớn mạnh mà còn tạo ra sự ngăn cách giữa ta với người. Chính lòng ích kỷ, cao ngạo và sự ngăn cách ấy là nguyên nhân của sự bất hoà, chia rẻ và xung đột lẫn nhau trong tập thể.

Thứ sáu là lợi hoà đồng quân, có nghĩa là có được nguồn lợi thì chia đều cho nhau hoặc cùng nhau thọ dụng chứ không được chiếm làm của riêng hay giành phần nhiều về mình.

Trong cuộc sống, sở dĩ có sự xung đột, có sự phân chia giai cấp và đối kháng giữa các giai cấp là do thiếu sự chia xẻ với nhau. Nếu như mọi người đều không tham lam, không ích kỷ, biết nhường cơm xẻ áo cho nhau, biết nghĩ đến lợi ích của nhau thì cuộc sống sẽ bớt đi sự xung đột và giảm dần sự chia cách.

Tuy nhiên, với nguyên tắc thứ sáu này chúng ta cần phải lưu tâm, không nên quá dập khuôn, máy mốc, quá cứng nhắc khi vận dụng nó. Tuỳ theo từng điều kiện hoàn cảnh mà có sự linh động sao cho phù hợp. Chủ đích của nguyên tắc này là nhằm hạn chế sự chênh lệch về mức sống trong cộng đồng, để giúp đỡ những người không gặp may mắn trong tập thể chứ không phải là đánh đồng tất cả. Chẳng hạn, trong gia đình có hai người con, một trai một gái đang tuổi trưởng thành, nếu như bố mẹ quan tâm đến con trai cũng như con gái, mua cho con gái cái gì thì mua cho con trai cái đó, như thế thật là không phải. Hoặc là khi có một thứ thực phẩm gì đấy, nếu đem chia đều cho mọi người trong nhà thì người lớn sẽ không đủ dùng còn người nhỏ thì dùng không hết. Hay là trong một cơ sở sản xuất, kinh doanh, người có công không được khen thưởng, người có tội lại không bị xử phạt, xem mọi người đều như nhau. Lợi hoà đồng quân kiểu đó thật tai hại vô cùng.

Trên đây là sáu nguyên tắc để sống chung hoà hợp. Sáu nguyên tắc này dược xây dựng trên một nền tảng chung, đó là tình thương yêu và lòng kính trọng lẫn nhau giữa người với người. Một khi con người có lòng thương yêu, kính trọng lẫn nhau thì tự nhiên sẽ thực hiện tốt sáu nguyên tắc này và lẽ đương nhiên là mọi người sẽ sống hoà hợp với nhau. Nếu như không có lòng thương yêu và kính trọng lẫn nhau thì dù mọi người có gò ép đến đâu cũng khó có thể tuân thủ được chúng một cách triệt để. Lòng thương yêu ở đây chính là tâm từ bi, tức là thương yêu nhau nhưng không trói buộc nhau, thương nhau để cho nhau niềm an vui trong cuộc sống.

Tuy rằng sáu nguyên tắc này đã được đức Phật đưa ra từ rất lâu rồi, nhưng cho đến nay và có lẽ là mãi mãi sau này chúng vẫn còn nguyên giá trị. Và trong bất cứ một tập thể, một tổ chức nào cũng đều có thể vận dụng chúng để xây dựng cuộc sống hoà hợp chứ không riêng gì các đoàn thể Phật giáo.

Nếu tất cả mọi người đều thực hiện một cách triệt để sáu nguyên tắc sống chung hoà hợp này thì gia đình sẽ êm ấm, hạnh phúc, làng xã được yên vui, quốc gia được phồn vinh, thịnh trị và thế giới sẽ được hoà bình, muôn người đều được an cư, lạc nghiệp. Điều này có thể trở thành hiện thực được hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào tự thân mỗi người chúng ta quyết định.

Minh Nguyên

http://www.thegioiphatgiao.vn/tuhoc/thucnghiem/song-chung-hoa-hop

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.