BỒ TÁT QUÁN THẾ ÂM THUẬT LẠI CHỖ TU CHỨNG
Khi bấy giờ Bồ Tát Quán Thế Âm đứng dậy cung kính chấp tay thưa :
– Bạch Thế Tôn! Tôi nhớ hằng hà sa kiếp trước, có Đức Phật ra đời hiệu là Quán Thế Âm và tôi đã phát Bồ Đề tâm thời ấy. Đức Phật Quán Thế Âm dạy tôi phương pháp “nghe, suy nghĩ và tu” để được thể nhập Tam-ma-đề.
– Bạch Thế Tôn! Trước hết tôi sử dụng tánh nghe: Nghe động và nghe tĩnh, rồi tôi xóa đi ý niệm động tĩnh ấy, từ đó sức tịch tĩnh tăng dần, tôi dứt được “năng văn” và “sở văn”. Sức tịnh tĩnh không dừng ở đó bấy giờ tánh giác tôi lại hiển hiện ra. Tôi tiếp tục tư duy: Dù là giác tánh nhưng tánh “năng giác” “sở giác” hãy còn. Tôi bèn xóa đi ý niệm về giác bấy giờ tâm tánh tôi rỗng rang lặng lẽ như hư không. Tôi lại diệt đi cái giác tri “như hư không” ấy. Cuối cùng tôi diệt cả khái niệm “diệt”. Khi tôi diệt hết khái niệm vi tế về “diệt sanh, sanh diệt” bỗng dưng tôi nhận thấy toàn thể pháp giới trong mười phương chỉ còn là cảnh giới “bất nhị” tịch diệt hiện tiền. Tâm tánh của tôi viên mãn khắp giáp mười phương vượt hẳn tầm nhận thức thường tình của thế gian. Tôi được hai món thù thắng : Một là tâm tôi hợp với bản giác nhiệm mầu của mười phương Như Lai, đồng một từ tâm hướng hạ cứu độ chúng sinh. Hai là hợp với tâm của lục đạo chúng sinh trong mười phương, đồng một bi tâm hướng thượng cầu Vô thượng Bồ Đề.
Ở phần kinh trên, Đức Phật đã gạn hỏi đại chúng nguyên nhân đạt được đạo, chứng nhập viên thông. Có hai mươi lăm vị Thánh đệ tử Thanh Văn lẫn Bồ Tát lần lượt trình bày về thành quả viên thông ấy, cái nguyên nhân chứng đắc của mình để cho ông A Nan chọn cái nào là viên thông nhất làm nhân địa tu hành. Sáu căn, sáu trần, sáu thức và bảy đại đều là những dữ kiện để đạt đến chứng đắc viên thông và viên thành Thánh quả. Nếu theo thứ tự thì Nhĩ căn viên thông phải được trình bày sau phần nhãn căn viên thông ở đoạn kinh trước. Nhưng vì tầm quan trọng và siêu tuyệt của nó nên Bồ Tát Quán Thế Âm nhĩ căn viên thông được trình bày sau chót vì chỗ chứng đắc của Đức Quán Thế Âm mới là tròn đủ, nhiệm mầu. Đối với sáu căn thì căn tai là bậc nhất cho nên hành giả chỉ cần đi sâu vào một căn thì sáu căn liền thanh tịnh. Quán Thế Âm là dùng “Văn Tư Tu”, văn là nghe, tư là suy nghĩ, nghe rồi suy nghĩ để tu nghĩa là nghe ở tai, suy nghĩ ở tâm và tu trong sự làm thì trí tuệ vô lậu phát sinh mà vào được chánh định. Nghe ở đây là nghe chánh pháp, nghe Phật pháp và suy nghĩ là suy nghĩ đúng với chân lý thì sự thực hành mới có lợi lạc, mới phát sinh trí tuệ sáng suốt. Nhĩ căn viên thông là phương pháp “phản văn văn tự tánh” giúp hành giả dứt vọng trở về chơn nghĩa là không xuôi dòng chạy theo âm thanh mà trở ngược lại tánh nghe tức là từ cái nghe để trở về với tự tánh của mình. Nhập lưu ở đây chính là đi ngược dòng nghiệp thức để quay lại quán tánh nghe. Người thực hành pháp môn này tuyệt đối không dùng tai để nghe vì nếu còn dùng tai để nghe là còn chạy theo âm thanh sắc tướng tức là chạy theo vọng tưởng trần duyên. Đối với âm thanh chẳng nói là nghe mà nói là Quán tức là dùng Trí chiếu soi chớ không dùng Thức Tai mà nghe.
Vậy Ngài Quán Thế Âm áp dụng nhĩ căn viên thông như thế nào?
Đức Quán Thế Âm quán cái “tánh nghe” không tăng không giảm, không biến chuyển thay đổi, không sinh diệt và bao trùm khắp mười phương. Ngài quán các tướng động, tĩnh hiện ra trong tánh nghe là huyễn hóa, là không thật vì chúng không có tự tánh, không có chủ thể cho nên Ngài không còn phân biệt thật có năng, có sở mà vào được tánh viên thông. Tánh nghe thì lúc nào cũng có, khi có âm thanh là nghe tiếng còn không có tiếng, vắng lặng là nghe tĩnh đến khi không còn nghe động hay tĩnh tức là dứt được năng văn, sở văn. Khi tai nghe âm thanh động, tĩnh từ bên ngoài (sở văn) thì tâm liền buông bỏ, quên đi sở văn nghĩa là nghe thì cái gì cũng nghe mà thật ra chẳng nghe cái gì hết tức là năng văn, sở văn trở nên vắng lặng, không nghe bên ngoài mà chẳng còn nghe bên trong. Mặc dù động, tĩnh vẫn còn nhưng không quan tâm cái gì hết. Muốn thực hành pháp môn Nhĩ căn viên thông được rốt ráo thì trước hết hành giả phải cố gắng thực tập cái nghe. Nghe thì nghe tất cả mà như không nghe gì hết, hay không nghe gì hết mà vẫn nghe tất cả. Đây là cách nhiếp căn tai lại không cho chạy theo thanh trần tức là âm thanh động, tĩnh, thị phi, phải quấy, tốt xấu. hơn thua… bên ngoài. Nên nhớ căn mắt và căn tai là hai cơ quan nhạy bén nhất của con người nên dễ tiếp xúc, cảm nhận và phân biệt trần cấu mà phát sinh ra vọng tưởng. Do đó mắt thì cái gì cũng thấy mà như không thấy gì hết, chẳng cần quan tâm lưu ý cái gì hết thì tâm không động. Và cứ như thế mà thực hành lối tu này thì đến lúc năng văn, sở văn hoàn toàn không còn nữa tức là có được Nhân Không.
Bây giờ không trụ vào chỗ nghe hay không nghe nghĩa là cái nghe thì đã không nghe rồi, nhưng cái không nghe thì cũng không vương mắt, chấp vào chỗ cái không nghe mà trong ta chỉ còn có một cái tánh giác mà thôi. Nói cách khác trong tâm bấy giờ tất cả những ý niệm cho dù là thiện, ác cũng không còn thì tánh giác xuất hiện. Nhưng nếu hành giả cố giữ ý niệm về giác thì cũng không được mà phải xóa bỏ luôn ý niệm năng giác về mình và sở giác là đối tượng giác mà mình cố giữ gìn, bám vúi vào đó. Sau khi đã xóa bỏ hoàn toàn năng giác, sở giác thì tâm rỗng rang lặng lẽ và thấy vạn pháp như rỗng Không. Rỗng Không là thấy vạn pháp là đối tượng “sở không” còn trí của mình là “năng không” nên mới có sự phân biệt năng không, sở không. Sau cùng hành giả phải diệt hết cái biết trống không tức là đừng bám vúi vào cái giác tri rỗng không ấy tức năng không, sở không cũng bỏ hết, chẳng còn gì để phân biệt. Năng Không và Sở Không đều diệt mất tức là đã giải thoát khỏi pháp. Sau cùng ý tưởng về sanh diệt cũng diệt luôn nghĩa là dù biết thế giới là sinh sinh diệt diệt, nhưng hành giả phải diệt đi cái quan niệm sinh diệt của vạn pháp chớ đừng thấy vạn pháp sinh mà vui mừng, tham đắm, say mê và vạn pháp diệt thì phiền não, khổ đau. Thí dụ còn thấy mình tu để diệt vô minh phiền não là ý niệm sinh diệt, cần phải diệt vì thế gian chẳng có cái gì là vô minh phiền não cả. Nếu tâm không còn dính mắc thì tìm đâu ra phiền não vô minh vì phiền não vô minh đâu có thật! Vì thế nếu hành giả diệt được ý niệm sanh diệt nghĩa là thấu hiểu vạn pháp là vô thường sinh sinh diệt diệt cho dù con người có quan tâm thì nó cũng sinh diệt hay chẳng cần để ý đến thì nó cũng sinh diệt như thường nên họ nhìn vạn pháp một cách trực giác, hồn nhiên thì chính họ sẽ có cái vui tịch diệt. Trong ngũ uẩn thì hành uẩn là cội nguồn phát sinh ra ý niệm, dòng tư tưởng sinh diệt xuất phát từ hành uẩn tuôn chảy không ngừng vì thế nếu không diệt được hành uẩn thì khó kiềm chế ý niệm. Một khi phá được hành uẩn thì dĩ nhiên thức uẩn không còn vì chẳng còn ý niệm gì để phân biệt. Sanh diệt đã diệt thì Tịch Diệt hiện tiền nghĩa là tự tánh Bồ Đề hiển hiện tức là vào Tam-ma-đề, chứng vô sanh pháp nhẫn. Đó là Thường Chân Thật vậy.
Pháp tu Quán Thế Âm Nhĩ Căn Viên Thông này vô cùng thâm sâu huyền diệu đưa hành giả đạt đến trí tuệ tận cùng và sau cùng chứng được Lăng Nghiêm tam muội để có giải thoát giác ngộ viên mãn.
Ngày xưa Trí Giả Đại sư của phái Thiên Thai đã nghiêm trì kinh Pháp Hoa đến chỗ tận đỉnh tột cùng, chứng được Pháp Hoa tam muội và nhất triền Đà la ni. Sau khi xuất định, Ngài lập ra môn Tam Chỉ Tam Quán. Về sau có vị Pháp sư người Ấn Độ nghe danh nên đến núi Thiên Thai thăm viếng. Sau khi nghe Trí Giả Đại sư trình bày về môn Tam Chỉ Tam Quán, vị Pháp sư rất ngạc nhiên mà thốt lên rằng pháp môn này cũng giống như kinh Thủ Lăng Nghiêm ở Ấn Độ. Trí Giả Đại sư tuy đã nghiêm trì Phẩm Phổ Môn Quán Thế Âm trong kinh Pháp Hoa đến chỗ cao tột nên Ngài muốn nhờ kinh Thủ Lăng Nghiêm để ấn chứng. Tại sao phải là kinh Lăng Nghiêm? Bởi vì trên thế gian, duy nhất kinh Lăng Nghiêm mới có pháp tu “phản văn văn tự tánh’ của Ngài Quán Thế Âm mà chứng đắc Thủ Lăng Nhiêm tam muội. Pháp môn Tam Chỉ Tam Quán dùng “ý thức” để tu tâm, còn kinh Lăng Nghiêm lại dùng “tánh của căn” để tu. Hành giả muốn tu theo pháp môn ‘phản văn văn tự tánh” để có được Thủ Lăng Nghiêm Đại Định thì tuyệt đối không dùng đến tâm thức bởi vì tâm thức phân biệt là cội nguồn của vọng thức chớ không phải chơn tâm. Nhưng nếu cho rằng tâm thức là dẫn dắt đến chỗ vô minh tăm tối nên chúng sinh cố gắng xả bỏ tâm thức tán loạn vọng động để tạo cái tâm an định, tịch tĩnh thì lại bị kẹt vào chỗ chấp. Mà còn chấp là còn dính mắc, không thể có tự tại. Nếu quan niệm rằng cố gắng thiền quán để đưa tâm đến trạng thái tĩnh lặng tức là ý niệm không còn thì sẽ đắc định. Đây chỉ là bước đầu trên con đường giải thoát giác ngộ chớ thật ra cái định đó vẫn chưa thoát ra khỏi khuôn khổ của tâm thức. Do đó, dựa theo kinh Lăng Nghiêm, hành giả phải xả bỏ tâm thức dưới mọi hình thức thì mới hy vọng đạt được tánh định sẵn có của tự tâm. Lúc bấy giờ chúng sinh mới có thể nhận rõ được những thể tánh như nghe, thấy, nếm, ngửi, xúc, biết thường có trong các giác quan của mình. Tánh định này mới thật sự là chơn định.
Thông thường, chỉ quán là do công phu luyện tập lâu ngày thuần thục mới có thể kết hợp được tâm và cảnh nhất như mà không lấy ngay tự tánh sẵn có làm định. Ngược lại, kinh Lăng Nghiêm dùng định viên mãn của tự tâm sẵn có làm “Nhất Thiết Sự Cứu Cánh Kiên Cố” nghĩa là sự bền chắc nhất trong tất cả mọi thứ tức là cứu cánh bậc nhất. Vì thế lối tu “Tự tánh bổn định” này khác hẳn với lối tu tam chỉ tam quán của Ngài Trí Giả Đại sư. Một khi đã nắm được thể tánh chiếu diệu đó, hành giả liền khởi công tu luyện “vi mật quán chiếu” mà không cần lấy tư duy tu tập làm quán. Tại sao? Bởi vì cái định này vốn tự tánh sẵn có, thường hằng, không ngoài tự tánh bất động cùng làm một thể chơn định. Vì sự huyền diệu đó mà Trí Giả Đại Sư rất xúc động khi nghe có kinh Thủ Lăng Nghiêm đang lưu hành mà chính Ngài chưa từng hay biết nên Ngài khát vọng muốn có cơ hội để xem cho được bộ kinh nầy nên hằng ngày hai lần sớm chiều hướng về phương Tây (Ấn Độ) quỳ lạy cầu khẩn liên tiếp trong mười tám năm cho kinh Lăng Nghiêm được sớm truyền bá sang Trung Quốc. Nhưng duyên chưa đến nên Trí Giả Đại Sư viên tịch lúc Ngài 67 tuổi mà vẫn chưa hề thấy, đọc được kinh.
Con người thường có bệnh chấp nên nói rằng tu hành để diệt vô minh, phá trừ pháp chấp. Nhưng thực ra mê giác là một, không ngoài tham-sân-si thì không có giới-định-tuệ, không có Phật tánh nào khác.
Có một ông Tướng chán ngán nhân tình thế thái nên đến xin xuất gia với Ngài Đại Huệ :
– Bạch Thầy! Hiện tại con đã trừ sạch niệm hồng trần, xin Thầy từ bi thu nhận con làm đệ tử xuất gia.
Sư bảo :
– Ông có gia đình, còn tập khí ngoài đời nặng nề nên chưa thể xuất gia, hãy thong thả từ từ.
Ông thưa :
– Bạch Thầy! Gia đình, vợ con, thê thiếp, công danh, phú quý con đều bỏ được hết, cúi mong Thầy cho con xuất gia ngay.
Sư vẫn bảo :
– Hãy thong thả từ từ.
Ông đành chờ. Ngày nọ, ông dậy rất sớm vào chánh điện đảnh lễ Phật. Ngài Đại Huệ thấy vậy, liền bảo :
– Tướng quân vì sao mà dậy sớm đến lễ Phật như thế?
Ông trả lời bằng bài kệ :
“Vì trừ lửa trong tâm
Dậy sớm lễ sư trưởng”
Sư cũng đối lại :
“Dậy sớm như thế ấy
Chẳng sợ vợ ngủ người”
Ông vừa nghe liền nổi giận bảo :
– Lão quái này, sao hôm nay nói năng xúc phạm đến người quá vậy?
Lúc đó, Thiền sư Đại Huệ cười mà bảo rằng :
“Nhè nhẹ phẩy chiếc quạt
Tánh lửa đã cháy phừng
Nóng nảy hừng như thế
Sao bảo buông xuống xong?
Đang nổi giận, ông nghe nói vậy chợt bừng tỉnh lại. Do đó khi nổi giận là sân, nhưng khi tỉnh lại là giác. Con người vì mê nên mới khởi tham-sân-si, nếu bây giờ giác được tham-sân-si thì sẽ trở về với tánh giác nhiệm mầu trong sáng sẵn có của chính mình.
Khi nói mê là mê đối với ngộ, cũng như ngộ là ngộ nơi mê. Nói cách khác do bỏ quên cái ngộ thì mê, những bây giờ rõ mê thì được ngộ. Nhưng mê ngộ không có thật thể cho nên người có chánh kiến biết rõ tâm là rỗng không tức là vượt khỏi mê ngộ. Bình thường, chúng sinh còn thấy có niệm mê, niệm ngộ nghĩa là mình chưa khỏi mê. Cho dù chính mình thấy ngộ được cái mê, nhưng vẫn còn thấy có cái mê để ngộ thì cũng chưa hết mê tức là bởi chưa hết mê nên mới còn thấy cái mê để cho mình ngộ vì thế khi nào còn ý niệm mê ngộ là chưa sạch cái mê. Cũng như hễ có sáng thì không có tối, còn có tối thì không có sáng chớ không phải dùng cái sáng mà soi cái tối được. Thí dụ nếu nói tu hành để có Bồ-đề, Niết bàn nghĩa là còn thấy cái mê để ngộ thì vẫn còn mê vì thật ra Bồ-đề, Niết bàn là tự tánh sẵn có, đâu cần phải tu mới có vì thế người biết đạo thì chỉ cần sống thật với tự tánh thì không tìm ngộ mà cũng chẳng cần bỏ mê thì niệm mê ngộ tan biến, thanh tâm mới hiện bày.
Tổ Đạt Ma dạy rằng : ”Khi mê thì có Phật có Pháp, khi ngộ thì không có Phật Pháp”. Như thế khi ngộ thì Phật Pháp bỏ ở đâu mà không có? Chúng sinh vì còn mê mới thấy có Phật, có Pháp ở ngoài tâm nên mới dong ruỗi mong cầu đến khi thức tỉnh giác ngộ thì mới biết rằng tâm mình là Phật, tâm mình là Pháp nên nói không có Phật Pháp là vậy.
Có một vị dũng tướng đến hỏi Thiền sư :
– Thiên đường, địa ngục là có hay không?
Sư hỏi :
– Ông làm nghề gì?
– Tôi là đại tướng, oai danh lẫm liệt.
Sư nói :
– Tướng ông èo uột như thế mà gọi là đại tướng được hay sao?
Vị tướng nghe nói, mặt bừng bừng sát khí, tay định rút kiếm ra thì Sư mới bảo rằng :
– Đó chính là cửa địa ngục.
Vị tướng xấu hổ, chợt tỉnh ngộ, cúi đầu sám hối.
Thiền sư mĩm cười bảo :
– Đó, chính đó là cửa thiên đường.
Vậy thiên đường, địa ngục là ngay trong tâm chớ không đâu khác.
Nên nhớ ngoài tâm không có Phật, ngoài Phật không có tâm. Nhưng khi gọi “Tâm hay Phật” cũng là danh từ đối đãi cho nên nếu chúng sinh còn kẹt trên danh tự thì còn thấy có hai. Do đó, Phật tâm, Phật tánh là cái biết chớ không phải cái có thể nói được. Ngày xưa, cư sĩ Bàng Uẩn làm bài kệ để nói về Phật Bất Động tức Phật A Súc ở phương Đông :
“Thường nghe Phật A Súc
Nghĩ hướng phương Đông cầu
Hôm nay xét nét kỹ
Bất động tự nhiên đến.”
Thông thường chúng sinh nghe Phật A Súc ở phương Đông nên hướng về phương Đông mà cầu để được vãng sinh về cõi đó. Nhưng ông Bàng Uẩn nói rằng một khi tâm mình bất động tức là có thanh tịnh thì Phật Bất Động hiển hiện trong tâm của mình tức là thấy được Phật A Súc mà khỏi cần cầu phương Đông chi cả.
Đến đây thì tất cả các vọng niệm phân biệt chấp trước đều hết, chơn tâm thanh tịnh tự hiện bày. Đó chính là trừ hết vọng thì chân tánh hiển lộ cũng như mây tan thì có ánh sáng mặt trời thế thôi.
Lúc ấy thế gian và xuất thế gian đối với Ngài đều sáng tỏ nên Ngài được hai thứ thù thắng tràn đầy sáng suốt :
1) Trên thì khế hợp với giác tâm vốn huyền diệu của mười phương chư Phật đồng một từ tâm quay xuống cứu độ chúng sinh. Tuy Phật độ vô số chúng sinh, nhưng không thấy mình độ và chúng sinh được mình độ tức là không có năng độ, sở độ nên tâm không có sự đối đãi phân biệt nghĩa là không có ta là năng từ bi và không có chúng sinh nhận là sở từ bi nên các Ngài rất tự tại.
2) Dưới khế hợp với tất cả mười phương chúng sinh lục đạo và đồng một bi ngưỡng với tất cả chúng sinh. Đồng một thể bi là tất cả chúng sinh với Bồ Tát cùng một thân thể nên khổ của chúng sinh là khổ của Bồ Tát và cho dù Bồ Tát có vào đời cứu độ chúng sinh mà không cho ta là năng độ và sở độ là chúng sinh. Nói cách khác, các Ngài đã phá hết các chấp nên không còn năng sở, không còn năng độ và sở độ. Tâm của Bồ Tát hợp với tâm của lục đạo chúng sinh bởi vì trong tất cả mọi chúng sinh, ai ai cũng đều có sẵn Phật tâm, Phật tánh, Bồ Tát tâm, Bồ Tát tánh rồi cho nên ai ai cũng được Bồ Tát thuyết pháp độ tương ứng với khả năng và thỉnh nguyện của mình. Nói cách khác, khả năng thấu hiểu của mình thế nào thì Bồ Tát tùy theo đó mà thuyết pháp độ sanh không một ai bị bỏ rơi cả.