Quán Thế Âm Bồ Tát Nhĩ Căn Viên Thông Giảng Giải

QUÁN THẾ ÂM CÓ BỐN ĐỨC NHIỆM MẦU KHÔNG THỂ NGHĨ BÀN

Bạch Thế Tôn! Tôi được viên thông vô thượng cho nên có bốn đức vô tác nhiệm mầu không thể nghĩ bàn :

Trong giáo lý nhà Phật, không thể nghĩ bàn tức là bất khả tư nghì. Không thể nghĩ bàn không có nghĩa là siêu hình, ảo tưởng nhưng vì sự nhiệm mầu nên không thể nói hay diễn tả được. Thí dụ có người uống một tách trà thì chỉ có người đó là biết hương vị thơm tho và độ nóng lạnh của tách trà chớ người ngồi kế bên cũng không hề biết được. Vì vậy đối với Bồ Tát những đức tính nhiệm mầu là có thật, nhưng đối với chúng sinh chưa đạt đến trình độ tu chứng như vậy thì không thể nghĩ bàn được. Trong tiến trình tu chứng viên thông của 25 vị A la hán và Bồ Tát dựa trên 6 căn, 6 trần, 6 thức và 7 đại thì Quán Thế Âm Bồ Tát là chứng đắc vô thượng nghĩa là sự chứng đắc của Ngài là cao hơn hết trong số 25 vị kia vì thế Ngài là Đẳng Giác Bồ Tát nghĩa là sự giác ngộ gần đồng với Phật. Bồ Tát chỉ còn một chút sanh tướng vô minh rất vi tế cần hóa giải thì Ngài sẽ thành Phật. Do đó người đệ tử Phật phải sáng suốt biết rằng một vị Đẳng Giác Bồ Tát không thể làm những công tác từ thiện tầm thường như ai cầu con trai cho con trai, ai cầu con gái cho con gái hoặc có người mang mấy túi vàng bạc đi qua rừng hoang nhiều đạo tặc nên cầu Bồ Tát thì đi qua được an toàn. Bồ Tát không bao giờ làm chuyện đó cho dù các Ngài có muốn làm cũng không được vì nó trái với luật nhân quả khách quan của vũ trụ và đi ngược lại với chân lý. Tin tưởng ảo huyền như vậy chẳng những làm giảm đi giá trị cao siêu huyền diệu của đạo Phật và vô tình biến đạo Phật từ một tôn giáo không có thần linh trở thành tôn giáo tín ngưỡng, thần quyền. Nói thế thì chắc chắn có người thắc mắc rằng khi gặp chuyện khổ não, tai ương họ niệm Quán Thế Âm thì tai bay họa gởi, hết lo sợ, buồn phiền. Vậy Bồ Tát không linh thì là gì? Phật dạy rằng : ”Vạn pháp duy tâm tạo” nghĩa là thế gian vạn hóa đều phát xuất từ tâm. Khi gặp chuyện bất bình thì tâm sân nổi dậy, gặp vật đẹp cao sang thì tâm tham phát khởi muốn chiếm lấy…vì thế trong ngũ uẩn, hành thức là cội nguồn của tất cả luồng tư tưởng, trôi chảy không ngừng trong tâm thức khiến con người chìm trong biển khổ, bờ mê. Vì những người không thấu hiểu Phật Pháp nên họ không tự chủ được bản tâm mà cầu Phật ở bên ngoài cho nên khi gặp chuyện trắc trở thì họ cầu, họ niệm. Trong một giây nào đó, tiếng cầu khẩn chân thành của họ đánh thức được bản tâm nên những lo sợ, buồn phiền tức thì tan biến. Thế thì không phải Đức Quán Thế Âm hay Đức Phật Thích Ca linh thiêng cứu giúp họ mà thật ra chính họ đã vô tình đánh thức Phật tâm, Phật tánh linh thiêng huyền diệu của chính mình nên mới có sự an lạc trong nhất thời đó thôi. Thí dụ khi gặp hoạn nạn con người kêu cứu cha mẹ hoặc kêu van trời đất thì nỗi khổ cũng vơi được đôi phần. Đây hoàn toàn thuộc về vấn đề tâm lý chớ không dính dáng gì tới Phật trời cả. Tại sao? Bởi vì tâm của chúng sinh chất đầy vọng tưởng, chạy theo tham đắm dục tình nên lo sợ, bất an. Bây giờ nếu nhất tâm chuyên niệm Đức Quán Thế Âm Bồ Tát hay Phật A Di Đà thì chính họ đã cột cái tâm vào một chỗ, không còn tán loạn vì thế mới có sự an bình chớ không phải Bồ Tát hay Phật linh thiêng cứu độ gì hết. Do đó nếu chúng sinh muốn có sự an lạc lâu dài mãi mãi mà nhà Phật gọi là thanh tịnh Niết bàn thì ngay bây giờ nên áp dụng pháp tu “phản văn văn tự tánh” của Ngài Quán Thế Âm. Lúc ấy quý vị sẽ không còn sợ bất cứ cái gì trên trần thế nữa bởi vì “tâm an thì có cảnh an, tâm bình thì thế giới bình” vậy.

1) Tôi xoay tánh nghe để nghe tiếng mầu nhiệm của nội tâm. Tánh nghe này không chút ô nhiễm. Tôi ngăn dứt tất cả âm thanh đối tượng của nhĩ căn, bấy giờ tánh thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc, biết của sáu căn còn là một tánh giác thanh tịnh có thể dùng thay thế cho nhau mà không ngăn ngại. Tôi còn có thể hiện ra nhiều hình tướng và nói vô số chân ngôn bí mật. Từ một đầu, 3 đầu, 5 đầu, 7 đầu, 9 đầu, 11 đầu, 108 đầu, 1.000 đầu, 10.000 đầu cho đến 84.000 đầu. Tôi có thể hiện ra 2 tay, 4 tay, 6 tay, 12 tay, 14 tay, 16 tay, 18 tay, 20 tay, 24 tay, 108 tay, 1.000 tay, 10.000 tay cho đến 84.000 tay uyển chuyển. Tôi có thể hiện ra 3 mắt, 4 mắt, 9 mắt, 108 mắt, rồi 1.000 mắt, 10.000 mắt cho đến 84.000 con mắt thanh tịnh, hoặc từ, hoặc uy, hoặc định, hoặc tuệ cứu độ chúng sinh được tự tại.

Xoay tánh nghe để nghe tiếng mầu nhiệm của tâm là tai đóng bít âm thanh đối tượng để diệt bỏ năng văn sở văn thì chắc chắn phiền não không còn. Nói cách khác, năng văn tức là lỗ tai nghe những âm thanh đối tượng bên ngoài tức là sở văn nên vọng tưởng mới phát khởi được. Có vọng tưởng tức là có phiền não. Thí dụ nghe (năng văn) lời chỉ trích (sở văn) thì lòng không vui. Không vui tức là buồn phiền, là phiền não rồi. Do đó, con người hằng ngày thu nhận biết bao sở văn nên tâm dao động chẳng khác chi sống trong bãi chiến trường. Còn các vị tu chứng thì họ biết ngăn bít sở văn, nghĩa là nghe thì cái gì cũng nghe mà như không nghe cái gì hết nên tâm họ rất bình yên, vắng lặng như sống trong đất nước thanh bình. Khi Bồ Tát đã dứt sạch đối tượng, không còn nghe phải quấy, hơn thua, tốt xấu, ngon dở thì lúc bấy giờ chẳng những tánh nghe được hoàn toàn thanh tịnh mà các tánh nghe, thấy, ngửi, nếm, xúc, biết trở thành một tánh giác thanh tịnh có thể dùng thay thế cho nhau mà không ngăn ngại. Tâm tánh của chúng sinh vốn thanh tịnh sáng suốt nhiệm mầu. Đó là thể tánh tịnh minh trong sáng không hề có phiền não khổ đau chi cả. Vì thế một khi tánh nghe đã thanh tịnh thì tánh thấy, tánh ngửi, tánh nếm, tánh xúc đều thanh tịnh hết. Thể tánh tịnh minh thì thanh tịnh bao la vô cùng vô tận, nhưng khi nó tác động vào mắt thì có tánh thấy, tác dụng vào tai thì có tánh nghe, tác dụng vào mũi thì có tánh ngửi, tác dụng vào lưỡi thì có tánh nếm và tác dụng vào thân thì có tánh xúc. Có nhiều tánh tức là công dụng tuy có khác nhau nhưng cùng chung bản thể nghĩa là chỉ có một tâm thanh tịnh. Vì con người bỏ tánh nghe mà theo cái nghe nên các căn bị ngăn ngại, không còn tự tại. Bây giờ Bồ Tát chận bít sở văn để xoay tánh nghe trở về với nội tâm thanh tịnh thì lúc bấy giờ sáu căn trở thành một. Đây là trở về với thể tánh tịnh minh trong sáng thanh tịnh của mình. Vì thế mà Bồ Tát sử dụng căn nào cũng được, không ngăn ngại, căn này tức căn kia, căn kia tức là căn nọ không khác gì nhau. Thí dụ dòng điện là thể tánh tịnh minh, nhưng khi dòng điện gắn vào tủ lạnh thì có công dụng riêng của tủ lạnh. Nếu gắn vào TiVi thì có công dụng của TiVi, gắn vào bàn ủi thì có công dụng của bàn ủi…Công dụng tuy có khác nhưng cũng cùng do dòng điện mà ra.

Quán Thế Âm Bồ Tát có thể hóa hiện ra 84.000 cái đầu, 84.000 cánh tay và 84.000 con mắt để cứu độ chúng sinh. Tại sao Bồ Tát lại có nhiều đầu, nhiều tay, nhiều mắt như vậy? Nếu thật sự có thần thông diệu dụng thì một đầu, một tay, một mắt cũng đủ sức biến hóa mà cứu độ chúng sinh chớ đâu cần phải nhiều như thế? Vậy huyền nghĩa của kinh như thế nào?

Vì chúng sinh mê mờ tánh giác diệu minh nên mới xuất hiện 84.000 phiền não trần lao khiến cho cuộc sống thêm điên đão, khổ đau. Do đó Phật, Bồ Tát mới chế ra 84.000 phương pháp để đối trị. Đầu là biểu tượng của trí tuệ, mắt là hiểu hiệu cho kiến tánh và tay là tượng trưng cho diệu dụng cho nên nếu phiền não chướng của chúng sinh tới mức nào thì Bồ Tát cũng có trí tuệ, kiến tánh và diệu dụng tương ứng tới mức đó để giúp họ đối trị và thoát khỏi phiền não vô minh và trở về sống với thể tánh tịnh minh trong sáng thanh tịnh của chính mình. Nói cách khác sự huyền diệu nhiệm mầu là Bồ Tát có đầy đủ thuốc để chửa lành tâm bệnh của tất cả chúng sinh. Nếu hiểu theo Sự Tướng cạn cợt thì Quán Thế Âm Bồ Tát có ngàn đầu, ngàn tay, ngàn mắt là để dễ dàng thấy nghe biết rõ mà cứu được nhiều người. Đức Phật Thích Ca sống trong thế gian chỉ có một đầu, hai tay, hai mắt thì không có vị Bồ Tát nào có nhiều đầu, nhiều tay, nhiều mắt như vậy được. Nhưng nói theo Lý tánh thì nhiều đầu, nhiều tay, nhiều mắt là để nói nên sự thức tỉnh trọn vẹn, trong sáng, nhìn thấu suốt và khả năng cứu giúp chúng sinh vô bờ vô bến không ngăn ngại. Do đó nếu chúng sinh tu hành chứng đắc viên thông thì kiến tánh này cũng như có một ngàn (hay 84.000) vị Phật cho nên mới gọi là Thiên Nhãn phóng ra hào quang sáng chói. Còn sống được với tự tánh thanh tịnh bản nhiên cũng đồng diệu dụng như ngàn (hay 84.000) vị Phật do đó mới gọi là Thiên thủ tác dụng và Trí tuệ vô cùng vô lượng cũng ví như ngàn đầu. Vì thế khi chúng sinh sống được với thể tánh tịnh minh thanh tịnh của mình thì cái chơn tâm huyền diệu này loan tỏa khắp châu thân nên bất cứ trên người chỗ nào cũng sáng suốt thì cũng như có ngàn, có vạn con mắt. Trí tuệ bừng sáng cũng như có ngàn, có vạn cái đầu và có thần thông diệu dụng cũng như có ngàn, có vạn cánh tay.

Còn nói cứu độ thì Đức Quán Thế Âm Thế cứu nhân độ thế bằng các nào? Cứu độ chúng sinh không phải là người nghèo thì Bồ Tát cho tiền, ban bố tài vật. Bồ Tát là người tu hành, buông bỏ tận cùng th́ làm ǵ có tiền để bố thí? Người cầu con trai Bồ Tát cho con trai, người cầu con gái Bồ Tát cho con gái hay cầu gì thì được nấy. Bồ Tát tâm bình đẳng thì làm gì còn phân biệt trai, gái. Con trai là ám chỉ cho phước đức trí tuệ còn con gái là đoan chính, phước đức dịu dàng. Cứu độ ở đây phải được hiểu là giúp chúng sinh nương theo Chánh Pháp mà sống nghĩa là suy nghĩ thiện, nói lời lành, hành động tốt và sau cùng dựa theo pháp tu “phản văn văn tự tánh” để có giải thoát giác ngộ. Con người khổ vì chạy theo tư kỷ và làm nô lệ cho tham-sân-si. Bây giờ thấu hiểu Chánh Pháp thì biết rằng vạn pháp giai không cho nên có hạnh phúc hay không là chỗ biết sống, biết gói ghém, biết đủ chớ không phải là quan tâm, lo lắng để tạo tác thêm cho những cái chưa có. Có người nghĩ rằng mình nghèo khổ nên thiếu hạnh phúc. Chính Đức Phật còn nghèo hơn quý vị mà tại sao Ngài là người an lạc nhất trên thế gian? Vậy Bồ Tát cứu độ ở đây là truyền giao Phật Pháp, giúp chúng sinh hồi đầu quay về sống với tự tánh thanh tịnh bản nhiên của mình thì an lạc, Niết bàn tự hiển lộ. Quán Thế Âm Bồ Tát là biểu tượng cho đại từ đại bi cho nên việc Ngài có nhiều đầu, nhiều tay, nhiều mắt là cách nói để xiển dương khả năng phát triển tối đa tâm đại từ đại bi của chúng sinh đó thôi. Vì thế nếu chúng sinh biết mở tâm đại từ đại bi để biết yêu thương, cứu giúp người thì vào thời điểm đó Đức Quán Thế Âm đang ngự trong tâm của ta rồi, ngược lại nếu con người sống ích kỷ, chạy theo tham đắm dục tình cho riêng mình thì Ngài Quán Thế Âm biến mất và trong tâm của ta được thay thế bằng cảnh tượng lo lắng, khổ đau, địa ngục A tỳ. Nên nhớ “Văn dĩ tải đạo” nghĩa là “được ý quên lời” tức là lời văn chỉ dùng để chuyên chở, truyền giao Phật Pháp chớ lời văn không bao giờ là Phật Pháp được, đừng nên hiểu sai lầm.

2) Tánh nghe và suy nghĩ của tôi thoát ngoài sáu trần, như âm thanh luồn xuyên qua vách. Do sức nhiệm mầu vô tác, tôi hiện nhiều hình tướng nói nhiều chơn ngôn đem lại cho chúng sinh sức vô úy. Vì vậy cõi nước trong mười phương nhiều như vi trần đều gọi tôi là vị Bồ Tát “thí vô úy”.

Thông thường con người nghe là do âm thanh dựa vào sắc thanh hương vị xúc pháp tác dụng qua lại với nhĩ căn. Nói cách khác, tất cả âm thanh nghe được đều dựa vào sáu trần cả. Nhưng Quán Thế Âm Bồ Tát thì ngược lại bởi vì tánh nghe và suy nghĩ của Ngài không còn lệ thuộc sáu trần. Chúng sinh vì còn duyên với trần tướng nên vọng thức phát khởi liên miên khiến tâm bất tịnh, chạy theo tham đắm dục tình mà kết quả là có nhiều phiền não khổ đau. Bây giờ nếu con người biết làm chủ sáu căn của mình tức là nghe thì nghe tất cả mà như không nghe cái gì hết, thấy thì cái gì cũng thấy mà như không thấy gì hết thì cũng như đóng bít sáu trần nên tham dục, vọng trần không lọt được vào tâm. Tâm lặng lẻ thì tự tánh hiện bày. Đó chính là “kiến sắc phi can sắc, Văn hương bất nhiễm hương”.

Con người hằng ngày nói rất nhiều : Chúng ta nói thiện, nói ác, nói xa, nói gần, nói chuyện mình, chuyện người, chuyện không nói có, chuyện có nói không, nói băm nói bổ, nói bắc nói chì, nói bóng nói gió, nói cạnh nói khóe, nói dối nói đãi bôi, nói khoác nói láo, nói móc, nói nhăng nói cuội, nói quanh nói co, nói trời nói đất…Nói càng nhiều thì tâm càng bất tịnh, khiến vọng tưởng phát sinh mà nếm mùi đau khổ. Vì vậy mà các người tu thiền họ chỉ ngồi (tọa thiền) hay đi thong thả (thiền hành) để suy tư mà không nói. Do đó Đức Quán Thế Âm nói nhiều chân ngôn ở đây là muốn dạy chúng sinh thay vì nói nhiều thì hãy đọc tụng thần chú để tâm quy tâm về một chỗ mà có được sự thanh tịnh, an nhàn. Đối với những người tu Mật tông thì họ thực tập tam mật tương ưng. Đó là miệng niệm thần chú, tay bắt ấn tam muội, ý chỉ nghĩ về Phật nên bộ ba thân, khẩu, ý dần dần được thanh tịnh cũng giống như (tương ưng) chư Phật vậy. Một khi chúng sinh làm chủ tâm mình tức là biết rằng tâm mình chính là tâm Phật thì còn sợ cái gì? Thân thanh tịnh thì không còn làm điều sai trái, miệng thanh tịnh thì không còn nói lời bất tịnh, thương tổn đến người và ý thanh tịnh nên không còn suy nghĩ về tham-sân-si nữa tức là có sức vô úy rồi.

3) Sự tu tập của tôi là phát huy căn bản thanh tịnh sẵn có nên tôi được “viên thông” mầu nhiệm. Đi đến thế giới nào, chúng sinh cũng xả thân, hy sinh trân bảo cầu được tôi thương xót.

Phát huy căn bản thanh tịnh sẵn có là bồi dưỡng cái tánh giác diệu minh thường có trong tất cả mọi chúng sinh, nghĩa là biết xoay tánh nghe để nghe tiếng nói thanh tịnh của chơn tâm. Cũng như trong kinh Pháp Hoa, Phật khai thị chúng sinh ngộ nhập Phật tri kiến tức là cái tri kiến thanh tịnh, trong sáng nhiệm mầu của mình. Nói cách khác, tri kiến Phật chính là chơn tâm, Phật tánh vậy.

Vì sự huyền diệu của pháp tu “phản văn văn tự tánh” của Ngài Quán Thế Âm nên tất cả chúng sinh nếu biết áp dụng rốt ráo thì ai ai cũng có thanh tịnh an lạc Bồ Đề Niết bàn cả.

4) Tôi có được Phật tâm, chứng ngộ đến chỗ cứu cánh cho nên có thể đem các thứ trân bảo cúng dường thập phương Như Lai. Đến như lục đạo chúng sinh trong pháp giới muốn cầu con được con, muốn cầu tam muội được tam muội, muốn cầu trường thọ được trường thọ, cho đến cầu đại Niết bàn cũng được đại Niết bàn.

Quán Thế Âm Bồ Tát chứng ngộ đến chỗ cứu cách, Phật tâm hiển lộ nên Ngài đem các thứ trân bảo cúng dường thập phương chư Phật. Câu kinh này mới nghe thì thấy có sự tương phản. Tại sao? Khi tu hành đến chỗ rốt ráo sắp thành Phật thì Ngài làm gì có tiền bạc hay trân châu mà đem đến cúng dường chư Phật. Đó là chưa kể chư Phật đâu có cần những thứ giả tạm phù du này. Vậy ý của kinh là gì? Thâm ý của đoạn kinh này là Quán Thế Âm Bồ Tát đem đến cúng dường thập phương Như Lai bằng chính Phật tâm của chính mình bởi vì một khi có được Phật tâm thanh tịnh thì nó còn quý hơn cả trân châu bảo ngọc của thế gian. Vì thế đoạn kinh này nhắc nhở chúng sinh rằng sự cúng dường cao thượng nhất, quý báu nhất cho chư Phật là bằng chính bản tâm thanh tịnh của chính mình nghĩa là không có thứ vật chất hay hoa quả nào trên thế gian này cao quý để cúng dường chư Phật bằng Phật tâm, Phật tánh của mình cả. Do đó hằng ngày chúng sinh cố gắng hóa giải bớt vô minh phiền não để có một phần thanh tịnh Niết bàn thì đây chính là sự cúng dường chư Phật cao thượng nhất vậy.

Quán Thế Âm Bồ Tát là một vị Đẳng Giác Bồ Tát tức là (sắp) ngang hàng với Phật nghĩa là Ngài là một vị Bồ Tát xuất gia chớ không phải là Bồ Tát tại gia nên không thể lấy hình tướng của một cô gái Tàu mà gọi là Phật (Bà) được mặc dù đối với Bồ Tát thì không còn tướng nam tướng nữ. Thêm nữa, phẩm Phổ Môn trong kinh Pháp Hoa và chương Quán Thế Âm nhĩ căn viên thông của kinh Lăng Nghiêm thì Đức Quán Thế Âm trong pháp hội này là người nam chớ đâu phải tướng nữ. Vì niềm tin trong nhân gian, con người có thể gọi Đức Quán Thế Âm là Phật Bà, nhưng người học Phật Pháp thì không thể gọi như vậy. Tại sao? Vì trong ba đời chư Phật thì Phật quá khứ là Phật A Di Đà, Phật hiện tại là Đức Thích Ca và Phật tương lai là Phật Di Lặc chớ không còn vị Phật nào nữa. Còn tất cả các vị như Đại Thế Chí, Quán Thế Âm, Văn Thù hay Phổ Hiền chỉ là Bồ Tát, nhưng họ không phải là những vị Bồ Tát tầm thường mà là những đại sĩ Bồ Tát vì tất cả đều chứng quả Đẳng Giác tức là họ đã thấu hiểu chân lý gần tới 99% nên sắp thành Phật mà tiếng Phạn gọi là Ma Ha tức là đại. Khi họ diệt được sanh tướng vô minh tức là cái vô minh rất vi tế, cực nhỏ nghĩa là chứng ngộ chân lý 100% thì họ sẽ thành Phật. Chẳng những thế Phật giáo Trung Hoa ngày nay còn vẽ hình tượng của Đức Quán Thế Âm, Ngài Đại Thế Chí và ngay cả Đức Phật A Di Đà đều có đeo trân châu, tràng phan, bảo cái trên người tạo ra sự hiểu lầm bởi vì có người thắc mắc rằng tu hành là buông bỏ tận cùng mới chứng được thánh quả thì tại sao Bồ Tát hay Phật lại còn dính mắc, tham đắm vật đẹp cao sang? Thật ra, không có vị Bồ Tát hay vị Phật nào đeo trân châu, bảo ngọc, áo lụa, tràng hoa cả vì những hình tướng đó là do óc tưởng tượng ảo huyền của mấy ông họa sĩ Trung Hoa chớ có ai thật thấy Đức Quán Thế Âm, Đại Thế Chí hay ngay cả Phật A Di Đà đâu mà vẽ hình tạc tượng. Không hiểu mấy ông họa sĩ Tàu nghĩ thế nào mà vẽ trên toàn thân thì cho mặc áo lụa, quần là, đeo đầy trân châu bảo ngọc mà lại đi chân đất? Nếu đã “giàu sang hóa” thì phải giàu hết từ trên xuống dưới còn nếu nghèo thì phải nghèo sát đất như Đức Phật Thích Ca và tất cả đệ tử của Ngài thì mới gọi là Khất sĩ được chứ. Thí dụ trên bàn để trái chuối hay trái cam mà năm người vẽ theo năm kiểu khác nhau bởi vì vẽ là phác họa lại cảnh giới dựa theo kinh nghiệm hiểu biết của từng người. Trái cam, trái chuối là vật vô tri, không thay đổi, nhưng người họa sĩ cộng thêm cái ngã kiến của họ vào thành thử mới có sự khác biệt. Nhưng Phật dạy “Pháp nhĩ như thị” nghĩa là vật thể như thế nào cứ thấy biết trung thực như thế đó. Do đó Đức Phật quấn y thì cứ vẽ quấn y chớ đừng sửa lại thành áo thụng. Nếu cho rằng quấn y là xấu thì làm sao xứng đáng là đệ tử Phật được? Ứng thân Đức Phật Thích Ca là người Ấn Độ, sống và nhập diệt tại Ấn Độ chớ Ngài đâu có chọn Trung Hoa để đản sinh? Đức Phật Thích Ca quấn y thì ai dám bảo đảm Đức Phật A Di Đà mặc áo thụng?

Ngày xưa Đức Phật còn sinh tiền, Ngài đi chân đất, đầu đội trần, mình chỉ quấn một chiếc y thế thì trân châu hột xoàn đeo ở đâu? Đây mới là hình ảnh trung thực nhất của một vị Phật hay Bồ Tát. Không phải Đức Phật không thể có, nhưng người đã giác ngộ thì không cần những thứ này. Trước khi xuất gia, Ngài đeo đủ thứ ngọc ngà châu báu mà cảm thấy như đeo còng đeo xích, u ám nặng nề. Sau khi xuất gia, Ngài mình trần chân trụi mà thân tâm nhẹ nhàng thanh thoát, an vui tự tại. Đây chính là nét đặc thù, thánh thoát thanh cao của đạo Phật nói lên sự buông bỏ tận cùng. Vì thế nếu không thấu hiểu thì chắc chắn sinh ra biết bao chuyện mê tín hoang đường, tin tưởng sai lầm, tăng trưởng lòng tham đắm si mê trái với giáo lý nhân quả của nhà Phật. Thật ra Bồ Tát đâu có cần những thứ phù du giả tạm đó cho nên Quang Nghiêm Đồng Tử Bồ Tát trong kinh Duy Ma Cật đã dùng ánh sáng của trí tuệ và công đức để trang nghiêm cho Pháp thân làm cho chúng sinh đều kính phục là vậy. Bây giờ nếu dựa theo lý tánh tức là thâm ý của kinh thì trân châu, bảo ngọc là muốn ám chỉ cho Phật tâm, Phật tánh thanh tịnh chớ không dính dáng gì tới Kim Cương hột xoàn cả.

Thế nào là trường thọ? Phải chăng đó là sống lâu, sống ngoài trăm tuổi? Ngày xưa tôn giả La Hầu La chứng thánh quả lúc mới 20 tuổi và nhập diệt lúc ngoài 50 vì thế nếu dựa theo định nghĩa của thế nhân thì Ngài La Hầu La chắc chắn không phải là người trường thọ. Nhưng trong đạo Phật thời gian là vô thường, không có ý nghĩa, giá trị gì hết bởi vì một ngày ở những hành tinh khác có thể dài bằng một thế kỷ ở địa cầu. Vậy thời gian nào là thời gian thật? Một người chứng đạo tuy chỉ sống một ngày còn giá trị hơn một người thường sống trên trăm tuổi. Thêm nữa, người hiểu đạo coi sống chết là sự đi về, hợp tan là trò dâu biển nên chẳng có gì quan trọng. Vậy trường thọ ở đây là chân lý vĩnh hằng, là sự thức tỉnh giác ngộ để đem lại sự an lạc thanh tịnh Niết bàn chớ không phải là tuổi thọ của con người. Vì thế mà Ôn Như Hầu cũng nói rằng :

“Trăm năm còn có gì đâu
Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì”.

Khi nói về vợ chồng con cái, kinh Bát Đại Nhơn Giác có câu : ”Dính vào vợ chồng con cái còn nguy hại hơn là ở tù bởi vì ở tù thì còn có ngày ra, còn vướng vào chồng vợ là tự mang bản án chung thân, không có ngày giải thoát”. Do đó đạo Phật không khuyến khích mà cũng không chống đối việc dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái, việc đó tùy ở chúng sinh. Ngay cả việc xuất gia cũng tùy ở chúng sinh, nếu ai có duyên với cửa Phật thì xuất gia vậy thôi. Vì thế không có chuyện ai cầu con trai Bồ Tát cho con trai hay cầu con gái thì Bồ Tát cho con gái. Đây là nói theo nghĩa đen của kinh (sự tướng) chớ còn dựa theo lý tức là thâm ý của kinh thì con trai đồng nghĩa với phước đức trí tuệ và con gái tức là đoan chính tứ hảo cho nên cứ y theo kinh mà giải nghĩa là hàm oan cho ba đời chư Phật và nếu hiểu kinh chỉ một bên thì tai hại vô cùng.

Khi chúng sinh biết xoay tánh nghe vào trong để nghe tiếng nói thanh tịnh của tâm mình thì sở văn bị ngăn bít nên tâm trở thành thanh tịnh tức là có được Niết bàn. Do đó nếu áp dụng rốt ráo pháp tu của Bồ Tát thì có Niết bàn là vậy chớ không phải cầu cho mình có được Niết bàn mà tham-sân-si không hóa giải, tánh tham tật đố không chừa thì cho dù có cầu đến muôn kiếp cũng không bao giờ có được Niết bàn.

Bạch Thế Tôn! Nay Phật hỏi nguyên nhân chứng đắc “viên thông” xin thưa rằng : Tôi từ cửa ngõ “nhĩ căn” quán chiếu đến tột cùng viên mãn về “âm văn” (nghe và tiếng) mà được tam muội. Đối với tôi, tư duy và quán chiếu tánh nghe và tiếng của nhĩ căn là ưu việt nhất.

Bạch Thế Tôn! Đức Quán Thế Âm Như Lai từ thuở xa xưa ấy đã khen tôi khéo được quán viên thông, ở trong đại chúng, Phật thọ ký cho tôi danh hiệu Quán Thế Âm bởi vì tánh nghe và thấy tròn sáng châu biến mười phương, danh hiệu Quán Thế Âm cũng phổ cập trong lục đạo chúng sinh mười phương thế giới.

Nhĩ căn có đủ 1200 công đức bởi vì cái nghe thì không ngăn ngại bởi vật chất nên ở trong cũng nghe, ở ngoài cũng nghe, bên trên cũng nghe, ở dưới cũng nghe. Nói chung tai có thể nghe được âm thanh bất cứ từ nơi nào. Hễ có âm thanh là tai nghe được. Ngược lại nhĩ căn cũng có đủ 1200 điều kiện khiến chúng sinh tạo nghiệp nếu họ không tự chủ được cái nghe nghĩa là để cái nghe chạy theo thanh trần vô minh phiền não. Ngoài ra nhĩ căn có ba đức tính là Viên, Thông và Thường. Thứ nhất “Viên” tức là viên mãn nghĩa là ở đâu mà có âm thanh thì tai có thể nghe được. Đức tính thứ hai của tai là “Thông” tức là không bị ngăn bít. Thí dụ một người đánh trống ở căn nhà kế bên mà chúng ta có thể nghe tiếng trống rất rõ ở trong nhà mình. Đức tính thứ ba là “Thường” tức là lúc nào cũng nghe. Thí dụ như có âm thanh thì nghe tiếng tức là nghe động. Còn không có âm thanh thì tai nghe tĩnh. Vì thế khi tham thiền nhập định, tuy rất yên lặng, không có tiếng động, nhưng hành giả vẫn có thể nghe rất xa và rất rõ những âm thanh huyền diệu mà được gọi là Diệu Âm.

Pháp tu “phản văn văn tự tánh” là một pháp môn tu thiền định rất huyền diệu giúp hành giả đạt được tam muội tức là có chánh định và tiến về con đường giải thoát giác ngộ là thành Phật. Quán Thế Âm chỉ là nhân cách hóa một pháp môn mà trong đó hành giả lấy tự Tánh sẵn có làm định tức là cái định viên mãn, bền chắc nhất sẵn có của tự tâm chớ không dụng công phu tu tập lâu ngày theo phương pháp Chỉ-Quán. Cái khả năng tu Định này không nhất thiết chỉ có trong Ngài Quán Thế Âm mà thật ra nó có trong tất cả mọi chúng sinh vì thế nếu người đệ tử Phật biết thực hành rốt ráo để xoay tánh nghe trở về nghe tiếng nói thanh tịnh phát xuất từ trong bản tâm của chính mình tức là lìa xa đối tượng thanh trần (sở văn) thì sẽ nghe được Diệu Âm huyền diệu nhiệm mầu và sau cùng chứng đắc viên thông tự tại. Khi nào hành giả nghe được tiếng diệu âm đó thường xuyên liên tục ở trong tâm mình thì 32 ứng thân, 14 đức vô úy và 4 diệu đức nhiệm mầu cũng chỉ là sự biểu hiện của “vô tác diệu lực” nghĩa là hành giả không cần dụng công tác ý mà nó tự biến hiện một cách trong sáng thanh tịnh cũng như ánh sáng mặt trời lúc nào cũng chiếu sáng.

Nói tóm lại, pháp tu “phản văn văn tự tánh” hay được gọi là “Tự tánh bổn định” của Ngài Quán Thế Âm là dùng nhĩ căn để tu. Một khi thực hành lối tu này, hành giả tuyệt đối phải chấm dứt tất cả mọi tri giải tức là sự hiểu biết, suy luận, không nên bận tâm vào bất cứ vấn đề gì để giữ cho thân tâm được thanh thản an nhiên. Hành giả phải định tâm trong pháp giới tánh vô vùng vô tận của tánh nghe mà không được quan tâm đến mọi hiện cảnh trước mắt cũng ở như trong tâm. Khi đã cô động ở tánh nghe thì tất cả những hiện tượng ngoại cảnh không còn chi phối được nữa. Nói cách khác hành giả phải diệt hết tâm thức để chỉ còn duy nhất tánh nghe bởi vì tâm thức và tánh nghe cũng ví như tấm gương và hình ảnh rọi vào. Khi thức phát khởi thì gọi là nhớ biết cũng như hình ảnh hiện vào tấm gương và khi thức diệt thì gọi là quên cũng như hình ảnh mất đi. Tuy hình ảnh có đến, có đi nhưng ánh gương không bao giờ mất. Vì thế tâm thức có thay đổi nhưng tánh nghe không hề gia giảm. Khi hành giả nắm được thể tánh chiếu diệu của tánh nghe thì tiếp tục khởi công tu luyện “vi mật quán chiếu” nghĩa là xoay tánh nghe về nghe được tiếng nói của bản tâm thanh tịnh nhiệm mầu “Diệu Âm”. Nên nhớ tự tánh bổn định là cái định sẵn có, thường hằng, không ngoài tự tánh bất động, viên dung. Đây mới thật là một pháp môn thù thắng vi diệu cho tất cả mọi người đang đi trên con đường giải thoát giác ngộ.

Thêm nữa, tuy chúng sinh có diệt hết tất cả những điều thấy, nghe, hay, biết nhưng trong tâm vẫn còn giữ cái u nhàn tịch tịnh thì bóng dáng của pháp trần phân biệt chưa diệt được bởi vì các pháp vốn là “không” nên nếu bỏ ngoại trần mà nương vào nội tướng thì chẳng khác nào cảnh giới bên ngoài vẫn còn hiện trong gương nghĩa là trong ức niệm vẫn còn tồn tại những chủng tướng ngoại vật. Vì thế giữ cái u nhàn tịch tịnh tức là cái hình bóng pháp trần vẫn còn đó, chưa thể diệt được. Tại sao? Bởi vì cảnh là pháp trần duyên với tâm mới có sự phân biệt cho nên cảnh và tâm không thể rời nhau. Mà có phân biệt là có vọng động thì làm sao có thanh tịnh. Định của Thủ Lăng Nghiêm là tự tánh bổn định nên thường hằng, lúc nào cũng có. Cái định này khác hẳn với định có xuất có nhập nghĩa là nhập thì có định, xuất thì định mất cho nên định đó vẫn không thoát khỏi luân hồi sinh diệt. Lục Tổ ngày xưa nói rằng : ”Có xuất, có nhập thì không phải là đại định” là ở chỗ này. Do đó, những pháp tu Chỉ Quán, tham thiền hay niệm Phật gián đoạn chỉ có thể đạt đến cái “định” nhất thời, có đến rồi đi. Ngược lại Định Thủ Lăng Nghiêm là đại định phát huy từ trong bản tánh của mọi chúng sinh nên cái định này mới thật sự bền chắc, trường tồn và vĩnh viễn ở với chúng ta.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.