Cốt lõi của Bồ Đề tánh không – Phần I

Tánh không là một chủ đề thật quan trọng và chủ yếu trong giáo lý Phật Giáo, nhưng cũng phức tạp, cao thâm và khó nắm bắt, bằng chứng là khái niệm về tánh không cũng đã được hiểu khác nhau giữa Phật Giáo Theravada và các học phái Phật Giáo Đại Thừa.

Lời giới thiệu của người dịch:

Tánh không cũng là một khái niệm đặc thù và độc đáo nhất trong giáo lý Phật Giáo. Thật vậy, không có một nền văn minh nào, một hệ thống tư tưởng nào, một triết học nào, một tôn giáo nào, một khoa học nào nêu lên khái niệm này ngoài Phật Giáo. Đấy là một khái niệm vượt lên trên tất cảcác tôn giáo, kể cả “Phật Giáo” dưới các hình thức “tín ngưỡng” mang tính cách đại chúng. Ngày nay khái niệm về tán

Buddhadasa Bhikkhu

Buddhadasa (1906-1993) là một vị đại sư Thái Lan đã được mời thuyết giảng trong ba ngày tại bệnh viện Siriraj ở Bangkok (buổi thuyết giảng đầu tiên được tổ chức vào giữa tháng chạp năm 1961, hai buổi thuyết giảng sau vào đầu và cuối tháng giêng năm 1962). Ngay sau đó ba bài thuyết giảng này đã được ghi lại và góp chung thành một quyển sách nhỏ mang tựa đề là “Cốt lõi của cội Bồ-đề” xuất bản năm 1962 và đã được tái bản liên tục từ đó đến nay. Năm 1965, quyển sách này đã được cơ quan UNESCO thừa nhận là một quyển sách thượng thặng.

Mãi hơn 20 năm sau thì quyển sách này mới được dịch từ tiếng Thái sang tiếng Anh và xuất bản lần đầu vào năm 1985, và sau đó lại được tiếp tục dịch sang nhiều ngôn ngữ khác. Đến năm 2006 thì quyển sách nhỏ này đã được cơ quan UNESCO chính thứcđưa vào danh sách các tác phẩm thuộc gia tài văn hóa của nhân loại.

Quyển sách gồm ba phần, ghi lại nội dung của ba buổi thuyết giảng:

Phần I: Những điểm chính yếu nhất trong giáo huấn của Đức Phật (đã được chuyển ngữ)

Phần II: Tánh Không là gì (được chuyển ngữdưới đây)

Phần III: Phải luyện tập như thế nào để thường trú trong tánh không.

Người dịch mạn phép xin ghép thêm một vài lời ghi chú nhỏ vào phần chuyển ngữ với hy vọng có thể giúp người đọc dễ theo dõi nguyên bản hơn. Các lời ghi chú này được trình bày bằng chữ nghiêng và đặt trong hai dấu ngoặc.

Phần II – Tánh Không là gì

Trong buổi nói chuyện trước đây tôi cũng đã nhắc đến tánh không và cho biết đấy là một chủ đề thật chủ yếu, thế nhưng tôi chưa kịp triển khai một cách đầy đủ và tương xứng với tầm quan trọng của nó. Thiết nghĩ chúng ta cần phải thấu triệt khái niệm này một cách sâu sắc hơn. Nhiều khía cạnh của chủ đề này quả thật là vẫn còn quá mù mờ, do đó tôi sẽ dành trọn buổi nói chuyện hôm nay cho đề tài này.

Nhập đề

Trong toàn bộ giáo huấn Phật Giáo thì tánh không là một chủ đề khó thấu triệt nhất, bởi vì đấy chính là phần cốt lõi. Cũng thật dễ hiểu, nếu đã là cốt lõi của Phật Giáo thì nhất định đấy cũng sẽ là một chủ đề thật tinh tế và sâu sắc. Các cách phỏng đoán và suy nghĩ thông thường không thể nào có thể giúp chúng ta hiểu được tánh không là gì, mà chính chúng ta phải dày công nghiên cứu một cách kiên trì và tường tận.

Chữ”nghiên cứu” trong trường hợp này phải hàm chứa đầy đủ ý nghĩa của nó: tức là phải thường xuyên quan sát và phân tích tất cả những gì hiện ra trong tâm thức mình, dù đấy là một sự thích thú hay khó chịu. Chỉ có những ai đã từng theo dõi thật cẩn thận những diễn biến trong tâm thức mình thì mới có thể hiểu được Dhamma (Đạo Pháp)là gì. Những người chỉ biết nghiên cứu bằng sách vở chẳng những sẽ không hiểuđược tánh không mà lại còn rất dễ bị sai lầm. Trái lại, những ai biết quan sát tất cả những gì xảy ra trong tâm thức mình và tự nhận định được những điều nào là đúng trong chính tâm thức mình thì mới không sợ bị lầm lẫn. Người này sẽ hiểu được dukkha (khổ đau) là gì, sự chấm dứt của dukkha là gì, và sau cùng sẽ hiểu được Dhamma là gì. Sau đó khi đọc sách về tánh không thì người ấy mới có thể hiểu được đúng đắn chủ đề này.

Từlúc bước vào cõi đời này cho đến khi lâm chung, lúc nào chúng ta cũng phải luôn luyện tập theo cách sau đây: phải quán xét sự tiếp xúc giữa tâm thức mình với tất cả các sự vật chung quanh và phải nhận biết được bản chất của các hậu quả mang lại từ sự tiếp xúc đó. Trong quá trình của sự vận hành tự nhiên ấy, nhất định sựthích thú hay là đớn đau sẽ phải xảy ra, thế nhưng nếu theo dõi và quán xét được nó thì việc này cũng sẽ giúp cho tâm thức của chúng ta trở nên tỉnh táo và mạnh mẽ hơn. Tiếp tục tìm hiểu bản chất của tư duy như trên đây sẽ giúp giải thoát tâm thức khỏi dukkha – đấy là một sự hiểu biết lợi ích nhất trong số tất cả các sự hiểu biết, và đấy cũng là cách giúp chúng ta dần dần thực hiện được tánh không hay ý thức được nó là gì.

Có lẽ quý vị vẫn còn nhớ là trong buổi thuyết trình trước đây chúng ta cũng đã nóiđến là có nhiều người xem Đức Phật như một vị “Lương Y tâm thần”, và chúng ta cũng đã nói đến là có hai loại bệnh: loại thứ nhất là các bệnh thuộc thân xác và tâm thần, loại thứ hai là các bệnh thuộc lãnh vực tâm linh. Bệnh tâm linh là một căn bệnh không cho phép mình quán thấy được sự thật tối hậu của mọi sự vật đúng thật với những gì là như thế. Do đó bệnh ấy là một thứ bệnh liên quan đến vô minh, hay là sự hiểu biết sai lầm, và nếu đã là một sự hiểu biết sai lầm thì tất nhiên là nó sẽ đưa đến những hành động sai lầm và từ đó phát sinh ra khổ đau.

Vậy phải làm thế nào để có thể chữa lành được căn bệnh tâm linh ấy? Phương thuốc giúp chữa khỏi chính là tánh không. Hơn nữa tánh không chẳng những là một phương thuốc mà còn là cả một sự giải thoát có thể làm triệt tiêu tất cả mọi thứ bệnh tật, bởi vì phía sau tánh không sẽ chẳng còn lại gì cả.

Phương thuốc giúp chữa lành căn bệnh tâm linh chính là sự hiểu biết và phép luyện tập giúp ý thức được tánh không. Khi tánh không hiện ra, nó sẽ chữa khỏi căn bệnh. Khi đã khỏi bệnh thì ngoài tánh không ra sẽ chẳng còn lại bất cứ một thứ gì khác, đấy là một thể dạng đã hoàn toàn loại bỏ được khổ đau và mọi thứ u mê tâm thần, là nguyên nhân gây ra mọi khổ đau. Tánh không ấy mang một ý nghĩa vô cùng rộng lớn, tự nó hàm chứa những phẩm tính như: không có gì có thể làm cho nó bị thoái hóa, cũng không thể triển khai hay cải thiện thêm cho nó, bất cứ một tác động nào cũng đều vô hiệu. Đấy là một thể dạng vượt ra khỏi thời gian, bởi vì nó không còn gánh chịu sự sinh và cái chết nữa. Sự “hiện hữu” của nó hoàn toàn khác hẳn với sự hiện hữu của các sự vật và cả các chúng sinh được sinh ra và phải chết. Bởi vì không có một thuật ngữ nào có thể diễn tả được nó nên chúng ta cũng chỉ biết mượn đặc tính “không hề biến đổi” của nó để gọi nó là “tánh không bất biến” (vacuité immuable / immutable emptiness).

Nếu một người đã thực hiện được điều ấy – nói một cách chính xác hơn là khi “tâm thức” của người ấy đã thực hiện được tánh không một cách hoàn hảo – thì nó sẽ trở thành phương thuốc giúp cho người ấy chữa lành căn bệnh của mình. Sự chữa trị đó sẽ có hiệu quả tức khắc, và đấy cũng là một thể dạng vượt ra khỏi thời gian: một sức khoẻ đích thật (có nghĩa là không còn chết nữa).

Tôi mong quý vị luôn ghi nhớ đến cách định nghĩa ấy của chữ “tánh không”- tiếng Pa-li gọi là sunnatâ – để có thể theo dõi dễ dàng những gì tôi sẽ trình bày chi tiết hơn dưới đây.

Tất cả đều là tánh không

Trước hết chúng ta không nên quên là chính Đức Phật đã từng nói rằng mỗi lời mà Ngài thốt lên đều nhất thiết hướng vào chủ đề tánh không, Ngài không hề đề cập đến bất cứ gì khác, dù là trực tiếp hay gián tiếp. Bất cứ một lời giáo huấn nào nếu không liên hệ gì với tánh không thì đấy không phải là lời nói nguyên thủy do chính Ngài thốt ra, và đấy cũng có thể là do các vị đệ tử sau này của Ngài thêm vào, vì ham thích biện luận dông dài, nên đã tìm cách phô trương sự uyên bác của mình mà thôi.

Thật thế người ta có thể ghép thêm nhiều thứ vào giáo huấn nguyên thủy – thí dụ như chữ “trống không” ngày nay đã mang thêm nhiều cách ứng dụng khác nhau(xin nhắc thêm là tánh không là một khái niệm được hiểu khá khác biệt nhau giữa các học phái. Cách hiểu của Theravada rất “thực tế” và hướng thẳng vào tính cách vô ngã của một cá thể, việc ứng dụng do đó cũng “trực tiếp”, “thực tế” và “giản dị” hơn). Mặc dù sự “trống không” mang đặc tính bền vững và bất biến, thế nhưng cách diễn đạt nó thì lại rất đa dạng. Nói thế để hiểu rằng chúng ta sẽ chỉ khảo sát tánh không trong vòng giới hạn của một số khía cạnh sau đây:

– sự vắng mặt của dukkha (khổ đau)

– sự vắng mặt của những thứ u mê trong tâm thức khiến tạo ra dukkha

– sự vắng mặt của cảm tính về “cái tôi” và cái “của tôi”

Đấy là những gì biểu trưng cho thể dạng tánh không mà chúng ta sẽ dựa vào đấy để tu tập.

Nếu chúng ta cố gắng tìm trong số các lời giảng huấn của Đức Phật về chủ đề này đểxem có những lời giảng huấn nào dễ hiểu nhất và thường được Đức Phật nói đến nhất thì chúng ta sẽ thấy rằng đấy là những lời mà Ngài khuyên chúng ta hãy nhìn vào thế giới này như là một sự trống không. Đấy là câu: “Sunnato lokam avekkhassu magharasa sada sato”, có nghĩa là: “Hãy xem thế giới là trống không, và nếu đủ khả năng để luôn ý thức được tánh không của thế giới thì cái chết cũng sẽ không còn nắm bắt được mình nữa”.

Lời giảng trên đây khuyên chúng ta hãy nhìn vào thế giới như là một sự trống không cũng chính là một phép tu tập cao siêu nhất. Bất cứ ai muốn tự giải thoát khỏi các khó khăn gây ra bởi dukkha và cái chết thì nhất thiết phải nhìn vào thế giới – có nghĩa là nhìn vào tất cả mọi sự vật- đúng thật với nó, nếu nói cách khác thì nó trống không về “cái tôi” và bất cứ gì thuộc vào “cái tôi”. Các câu tóm lược sau đây của Đức Phậtđã nói lên tất cả sự lợi ích của phép tu tập ấy: “Nibbâna (niết-bàn) chính là tánh không tối thượng” và “Nibbâna là niềm phúc hạnh tối thượng nhất”. Những gì vừa trình bày cho thấy thật rõ ràng là nibbâna, hay sự tắt nghỉ tuyệt đối của khổ đau, và “tánh không tối thượng” có cùng một ý nghĩa như nhau. Thế nhưng nếu đã gọi đấy là một thứ tánh không “tối thượng” thì cũng có thể hình dung ra một thứ tánh không khác, không mang tính cách tối thượng và có thể xem như là một thứ tánh không còn khiếm khuyết hay sai lầm. Khi nào khả năng nhận biết được sự thật đã trở nên hoàn hảo và trong sáng, không còn vướng mắc bất cứ một chút bóng dáng nào của “cái tôi” và cái “của tôi”, thì khi đó nó mới có thể giúp hình dung ra được “tánh không tối thượng” là gì. Cái “tánh không tối thượng” đó chính lànibbâna bởi vì nó có khả năng dập tắtđược ngọn lửa đang thiêu đốt chúng ta và làm cho cơn lốc của những hiện tượng vô thường phải lắng xuống. Vì thế “tánh không tối thượng” và sự “tắt nghỉ tối hậu của dukkha” cũng chỉlà một thứ.

Khi phát biểu rằng nibbâna là niềm phúc hạnh tối thượng, thì đấy cũng chỉ là một cách nói thuộc lãnh vực của sự thật tương đối. Thật ra thì đấy cũng chỉ là một cách phát biểu nhằm khuyến khích mọi người nên nghĩ đến việc tu tập, chẳng qua cũng là vì đối với những người bình dị thì suốt đời họchỉ biết nuôi mộng tìm được hạnh phúc thế thôi. Do đó khi bảo rằng niết-bàn là hạnh phúc thì đấy chỉ là cách nói nhằm đáp ứng sự ước mong trong lòng họ mà thôi, và tất nhiên đấy cũng chỉ là một cách nói mang tính cách thiết thực, bởi vì dù có giải thích và khẳng định với họ đấy là một thứ hạnh phúc tối thượng đi nữa thì trên thực tế niết-bànvẫn to lớn hơn và vượt cao hơn thể dạng hạnh phúc mà họ có thể hình dung ra được. Bởi vì cái hạnh phúc ấy của niết-bàn chính thực là tánh không. Dù sao đi nữa thì người ta cũng không thể nào bảo đấy là hạnh phúc hay là khổ đau được, bởi vì nó vượt xa hơn khổ đau và cả những thứ hạnh phúc thường tình. Thế nhưng nếu cứ giải thích loanh quanh như thế thì mọi người sẽ chẳng hiểu gì cả, vì thế nên không thể nào làm gì khác hơn là bắt buộc phải sử dụng cách nói thông thường và dễ hiểuđể gọi nibbâna là “phúc hạnh tối thượng”. Do đó tôi cũng xin lưu ý quý vị là mỗi khi tôi nói đến chữ”phúc hạnh” thì nên hiểu rằng chữ ấy không mang ý nghĩa mà mọi người thường hiểu. Đấy là một thể dạng trống không về tất cả những thứ được sinh ra và lan tràn trong tâm thức (các tư duy và xúc cảm trong tâm thức) và tất cảnhững hiện tượng vô thường (thế giới hiện tượng bên ngoài), bởi vì khi nào vẫn còn sự biến động (củađủ mọi thứ tư duy và xúc cảm trong nội tâm và của mọi hiện tượng chi phối và trói buộc một cá thể từ bối cảnh bên ngoài) thì khi ấy sẽ không thể nào tìmđược hạnh phúc đích thật được. Cái thể dạng phúc hạnh của sự trống không thật tuyệt vời, tươi mát và xứng đáng để chúng ta mong cầu.

Trước hết phải hiểu rằng các sự cảm nhận thích thú hiện ra khi xảy ra sự tiếp xúc giữa các cơ quan giác cảm với các đối tượng từ bên ngoài, đều là ảo giác, đấy không phải là niềm phúc hạnh tối thượng. Niềm phúc hạnh của những người bình thường không phải là niềm phúc hạnh tối thượng của nibbâna, bởi vì niềm phúc hạnh này chỉ là tánh không. Vì thế mỗi khi quý vị nghe nói đến: “Nibbâna là phúc hạnh tối thượng” thì không được vội vã xem nibbâna đúng với những gì mà quý vị hằng mong cầu, để rồi cứ nhìn vào đấy để mà ước mơ và đểquên bẵng đi là nibbâna đồng thời cũng còn có nghĩa là tánh không tối thượng.

Không được bám víu vào bất cứ gì cả

Giáo huấn của Đức Phật liên quan đến việc tu tập về tánh không chính là cốt lõi của toàn bộ giáo huấn Phật Giáo: “Không được bám víu vào bất cứ một thứ dhamma nào cả” (xin chú ý chữ dhamma – số nhiều và viết không hoa – có nghĩa là các hiện tượng hiện ra trong sự hiện hữu của mình hay nói chung là tất cả các hiện tượng vô hình hay hữu hình thuộc vào thế giới và cả trong tâm thức của chính mình, và chữDhamma – số ít và viết hoa – thì có nghĩa là Đạo Pháp). Nếu suy rộng ra thì câu trên đây cũng có nghĩa là: Dù bất cứ ai thì cũng không được nắm bắt và bám víu vào bất cứ thứ gì để xem đấy là “cái tôi” hay là cái “của tôi”. Các chữ “dù bất cứ ai” có nghĩa là “tất cảmọi người” không ngoại trừ một người nào cả. Các chữ “nắm bắt và bám víu” thì có nghĩa là những gì sẽ làm phát sinh ra cảm tính về “cái tôi”. Các chữ “xem là cái tôi” có nghĩa là cảm thấy mình là một cá thể vững chắc, trường tồn, hay hàm chứa một linh hồn. Các chữ “như là cái của tôi” thì có nghĩa là chiếm hữu một hiện tượng liên hệ đến cảm tính của một “cái tôi”. Câu trên đây là cách mà Đức Phật khuyên bảo chúng ta tuyệt đối không được phát động bất cứ một cảm tính nào về “cái tôi” và cái “của tôi” bằng cách liên kết nó với bất cứ một thứ gì khác (tức có nghĩa là không được xem một thứ gì đó – kể cả thân xác mình – là “tôi”, hay là một thứ gì đó thuộc sở hữu “của tôi”), dù đấy chỉ là một hạt bụi hay là một viên ngọc quý, hay đơn giản chỉ là một đối tượng của sự thèm muốn giác cảm, kể cả sự viên mãn tức là thểdạng cao nhất trong việc tu tập tâm linh. Không có bất cứ gì, nên nhớ là tuyệtđối không có bất cứ một thứ gì, có thể làm đối tượng cho sự bám víu, tức là để nắm bắt lấy chúng và để xem đấy là “cái tôi” hay cái “của tôi”.Đấy cũng chính là cốt lõi của giáo huấn Phật Giáo. Đức Phật cũng từng khẳng định về điều đó.

Đức Phật bảo rằng khi nào được nghe câu nói ấy – tức “Không được bám víu vào bất cứ một dhamma nào” – thì cũng có nghĩa là được nghe tất cả giáo huấn; mang câu nói ấy ra để luyện tập có nghĩa là hoàn tất được tất cả mọi sự tu tập; tiếp nhận được kết quả từ sự tu tập đó có nghĩa là tiếp nhận được tất cả quả mang lại từ toàn bộ giáo huấn. Tóm lại quý vị chớ nên lo sợ khi thấy có quá nhiều thứ để học hỏi. Đức Phật có nói rằng dù sự hiểu biết của Ngài nhiều như lá trong rừng thế nhưng những gì Ngài thuyết giảng nhằm giúp cho chúng ta tìm thấy nibbânathì cũng chỉ như một nắm lá trong tay. “Nắm giáo lý” ấy trong bàn tay của Ngài biểu trưng cho nguyên tắc: không được nắm bắt hay bám víu vào bất cứgì và xem đấy là “cái tôi” hay cái “của tôi”.

Khi nào được nghe lời thuyết giảng ấy thì cũng có nghĩa là được nghe toàn bộ giáo huấn, bởi vì riêng nó đã hàm chứa và bao gồm tất cả các chủ đề. Và cũng không hềcó bất cứ một chủ đề nào mà Đức Phật đã nêu lên lại không đề cập đến khổ đau và phương cách giúp loại bỏ khổ đau. Sự nắm bắt và bám víu là hai nguyên nhân mang lại khổ đau. Bất cứ nơi nào có sự nắm bắt và bám víu thì tất nơi đó sẽ phải có khổ đau. Tu tập là cách chận đứng hoàn toàn và vĩnh viễn không cho sự nắm bắt và bám víu có thể xảy ra nhằm giúp cho tâm thức lúc nào cũng trống không. Vỏn vẹn và đơn giản đấy là những gì cần phải làm. Tất cả cũng chỉ có thế.

“Phép tu tập ấy bao hàm toàn bộ tất cả các phép tu tập khác”. Vậy quý vị cũng nên thử suy nghĩ xem còn có gì khác cần phải tu tập thêm hay không. Nếu một người nào đó, dù đấy là bất cứ ai, nếu tâm thức họ đã loại bỏ được mọi sự nắm bắt và bám víu, thì điều gì sẽ xảy ra trong tâm thức của người ấy? Quý vị thử suy nghĩthật kỹ xem! Để có thể hình dung những gì sẽ xảy ra thì chúng ta có thể căn cứvào sự diễn tiến tuần tự theo từng giai đoạn một: khởi đầu là quy y Tam Bảo, giữgìn giới luật và thiền định nhằm phát huy sự chú tâm và trí tuệ, sau đó là thực hiện được Con Đường, tiếp nhận được quả của Con Đường và cuối cùng là niết-bàn. Vào giai đoạn cuối cùng tức làniết-bàn khi tâm thức đã loại bỏ được tất cả mọi thứ u mê (vô minh) và dukkha(khổ đau), thì nhờ đó sẽ đạt được thể dạng của Phật, của Dhamma (Đạo Pháp) và của Tăng Đoàn và trở thành “một” với toàn bộ Tam Bảo. Việc ấy có thể thực hiện được mà không cần phải cầu khẩn hay tụng niệm gì cả. Những thứ này chỉ là các hình thức lễ bái hay các nghi thức lễ lạc thuộc vào giai đoạn khởi đầu. Những hình thức ấy chỉ là những gì phụ thuộc bên ngoài, không giúp được mình hòa nhập sâu xa với Đức Phật, với Dhamma và TăngĐoàn, tức là những gì thuộc vào nội tâm. Trong khi đó đối với một người có một tâm thức trống không về sự nắm bắt và bám víu vào “cái tôi” và cái “của tôi”, dù là chỉ giữ được trong một khoảnh khắc ngắn, thì cũng có thể xem tâm thức của người ấy đã thực hiện được tánh không vào đúng những khoảnh khắc ấy. Tâm thức đó sẽ rất tinh khiết, rạng ngời và an bình, và sẽ hòa nhập đểtrở thành một với Đức Phật, Dhamma và Tăng Đoàn. Tóm lại, mỗi khi tâm thức mình thực hiện được thể dạng giải thoát đó, thì sự nương tựa của mình nơi Tam Bảo mới trở thành đích thật được.

Bố thí là một hànhđộng buông xả và cũng là một cách để buông bỏ chính mình

Đếnđây chúng ta hãy cùng bàn thảo về sự hào phóng (dâna / bố thí). Ý nghĩa hàm chứa trong hành động bố thí và hiến dâng chính là sự buông xả, không nắm bắt và cũng không bám víu vào “cái tôi” và cái “của tôi” nữa. Một người bố thí mà còn nghĩ đến một sự hồi đáp to lớn hơn – thí dụ như bố thí để mong cầuđạt được một lâu đài trên thiên đường – thì đấy không phải là một sự bố thí mà chỉ là một sự mua bán. Đã bố thí thì không được chờ đợi bất cứ một sự hồi đáp nào:đấy là cách buông bỏ những thứ mà mình bám víu để xem đấy là “cái tôi” hay cái “của tôi”. Khi tâm thức của một người nào đó không còn vướng mắc vào cảm tính về một “cái tôi” hay cái “của tôi” nữa thì hành động bố thí của người ấy mới có thể mang tính cách tối thượng được, bởi vì khi đã buông bỏ ngay cả “cái tôi” của chính mình thì nào có còn lại gì nữa đâu để cho mình bố thí? Khi cảm tính của “cái tôi” bắt đầu tan biến thì cảm tính về cái “của tôi” (của cải vật chất và những bám víu tâm thần) cũng sẽ tan biến theo. Vì thế, chỉ trong những lúc mà mình đã đạt được một tâm thức thật sự trống không về cái ngã, tức có nghĩa là trong lúc đã buông bỏ được cái ngã của chính mình, thì mình mới có thể thực hiện được một sự bố thí đúng nghĩa của nó.

Đạo đức đích thật hoàn toàn trống không

Đếnđây chúng ta cũng nên tìm hiểu thế nào là một thái độ hành xử đạo đức (sila). Nếu một người có một tâm thức trống không, thoát khỏi mọi sự nắm bắt và bám víu vào “cái tôi” và các sự vật để xem đấy là cái “của tôi” thì những hành động, ngôn từ của người ấy mới có thể xem là đích thật và hoàn toàn đạo đứcđược. Tất cả các hình thức khác của đạo đức chỉ toàn là trò hề. Chúng ta quyết tâm nguyện không vi phạm vào việc này hay việc nọ (khi quy y chẳng hạn), thế nhưng chúng ta cũng cứ vi phạm, thì đấy chẳng phải là một trò hề hay sao? Chẳng qua đấy là vì ngay từ lúc đầu chúng ta đã không biết phải làm thế nào để dứt bỏ được “cái tôi” và cái “của tôi”. Vì không thoát khỏi “cái tôi” và cái “của tôi” nên chúng ta không thể nào hành xử một cách thật sự đạođức được. Giả sử có loại bỏ được “cái tôi” đi nữa thì cũng chỉ tạm thời mà thôi. Đấy không phải là ariyakantasilatức là cách hành xử đạo đức của các vị Thánh Nhân, mà đúng hơn chỉ là một thứluân lý thường tình, khi trồi khi sụt và không thể nào trở thành siêu nhiên được. Trái lại trong trường hợp giữ được tâm thức trống không, dù chỉ giữ được trong chốc lát hoặc suốt một ngày hay một đêm, thì đấy cũng đã là một điều đáng kể, bởi vì trong những lúc ấy các hành động đạo đức của mình sẽ mang tính cách đích thật.

Tánh không chính là thể dạng samadhi đích thật

Theo phép luyện tập thiền định về sự tĩnh lặng hay sự tập trung gọi là samadhi thì một tâm thức trống không sẽ là samadhi tối thượng, tức là một thể dạng tập trung bền vững và thăng bằng nhất mà tâm thức có thể thực hiện được. Nếu thiền định mà còn phải cố gắng và phấn đấu thì việc thiền định ấy chưa phải là thiền định, đấy cũng chẳng khác gì tập trung tâm thức nhằm vào mục đích đạt được một thứ gì đó, dù cho đấy là thể dạng không bám víu vào năm thứ cấu hợp là khandha (ngũ uẩn)cũng vậy. Phải hiểu rằng có hai thứ thiền định: đúng và không đúng. Chỉ khi nào tâm thức thực hiện được sự trống không về sự nắm bắt và bám víu vào “cái tôi” và cái “của tôi” thì mới có thể đạt được thể dạng hoàn toàn thăng bằng và đích thật của một sự tập trung đúng. Bất cứ ai có tâm thức trống không thì cũng sẽ có được một sự tập trung đúng đắn.

Trí tuệ tối thượng là tánh không

Đếnđây chúng ta hãy tìm hiểu về trí tuệ (pannâ). Nên hiểu rằng sự hiểu biết, hay thực hiện được tánh không, hay trở thành tánh không thì tất cả cũng đều có nghĩa là trí tuệ tối thượng, bởi vì đúng vào lúc khi tâm thức đạt được sự trống không thì nó cũng trở nên vô cùng tinh tế và bén nhạy. Trái lại khi vô minh và sự hiểu biết sai lầm về mọi sự vật thâm nhập vào tâm thức và bao phủ lấy nó thì nhất định chúng sẽ làm phát sinh ra sự nắm bắt và bám víu vào “cái tôi” và cái “của tôi”, và đấy chính là thể dạng tệ hại nhất của sự đần độn. Nếu quý vị suy nghĩ và nhìn lại mình thì quý vị cũng có thể nhận thấy một cách dễ dàng và minh bạch rằng mỗi khi thể dạng đần độn đó thoát ra khỏi tâm thức thì tâm thức tự nó cũng sẽ trở nên hết ngu đần (nhiều lúc chúng ta cảm thấy mình quá dại dột, làm những chuyện thật ngu xuẩn không nên làm. Sự hối hận đó cho thấy rằng có những lúc tâm thức cũng loại bỏ được thể dạng đần độn, thế nhưng đấy chỉ có tính cách tạm thời vì sự đần độn cũng sẽ xâm chiếm trở lại tâm thức mình khi “cái tôi” và cái “của tôi” phát lộ trở lại và xô mình vào bóng tối của sự hoang mang và u mê). Khi tâm thức đã loại bỏ được sự ngu đần đểtrở nên trống không về “cái tôi” và cái “của tôi” thì nó sẽ đạt được sự hiểu biết hoàn hảo hay là trí tuệ. Chính vì thế mà các vị hiền nhân thường bảo rằng tánh không và trí tuệ – tức là khả năng chú tâm đúng (chánh định)giúp nhận biết được một cách minh bạch bản thể đích thật của mọi sự vật – cũng chỉ là một. Tuy nhiên không phải chỉ vì chúng giống nhau mà gọi đấy là một thứduy nhất. Trí tuệ đích thật và hoàn hảo là tánh không, trong cái tánh không ấy không hề có sự bám víu dại dột nào vào các thứ ảo giác. Một tâm thức khi loại bỏ được vô minh thì sẽ tìm thấy thể dạng nguyên sinh của nó, đấy là thể dạng tâm thức nguyên thủy và đích thật, và chính cái thể dạng ấy mới gọi là trí tuệ, có nghĩa là nó có khả năng nhận biết được sự thật của mọi sự vật đúng như thế (tâm thức trống không tức là trí tuệ và đấy cũng chính là thể dạng nguyên sinh của nó – tức chưa bị ô nhiễm bởi cảm tính của cái tôi và cái của tôi).

Chữ”tâm thức” trình bày trên đây mang một ý nghĩa thật cá biệt, không nên nhầm lẫn nó với 89 hay 129 loại “tâm thức” liệt kê trong A-tì-đạt-ma luận (Abhidhamma). Chúng ta gọi “tâm thức đích thật và nguyên thủy” là một thứ tâm thức đã trở thành một với trí tuệ. Đấy là một tâm thức trống không về sự nắm bắt và bám víu vào “cái tôi” và cái “của tôi”, và người ta sẽ không còn có thể gọi thể dạng ấy là “tâm thức” nữa, mà phải gọi đấy là “tánh không”. Thế nhưng bởi vì “tánh không” ấy vẫn còn hàm chứa khả năng hiểu biết vì thế nên chúng ta đành phải tạm gọi nó là “tâm thức” thế thôi. Mỗi học phái gán cho nó một tên gọi khác nhau (Phật tính, bản thểcủa Phật, thực tại, hiện thực, tâm thức nguyên thủy hay nguyên sinh…), và đối với chúng ta thì cũng chỉ biết cho rằng bản thể đích thật của tâm thức chính là trí tuệ, tức là sự chú tâm giúp nhận biết được sự thật, không hàm chứa một sự nắm bắt hay bám víu nào. Tóm lại là trí tuệ hoàn hảo luôn nằm bên trong tánh không.

Con Đường, Quả của Con Đường và Niết-bàn đều là Tánh Không

Đến đây chúng ta sẽ đề cập đến việc thực hiện được Con Đường, Quả của Con Đường, và Nibbanâ (Niết-bàn).Đấy là các cấp bậc thăng tiến tuần tự của tánh không để đạt đến cấp bậc cao nhất của nó là nibbanâ hay còn gọi là tánh không tối thượng (paramasunnata hay paramam sunnam). Do đó quý vị cũng có thể nhận thấy rằng bắt đầu từlúc khởi sự quy y, bố thí, tuân thủ giới luật, thiền định cho đến khi đạt được trí tuệ thì tuyệt nhiên chẳng có một thứ gì khác ngoài tánh không, tức là thể dạng không-bám-víu vào cái ngã. Sự thực hiện Con Đường, Quả mang lại từ sự thực hiệnấy và cả nibbanâ tất cả cũng chỉ là tánh không, điểm khác biệt duy nhất là nibbanâthuộc vào cấp bậc tối thượng thế thôi.

Do đó khi Đức Phật nói rằng nếu nghe được giáo huấn đó thì cũng có nghĩa là nghe được toàn bộgiáo huấn; thực hiện được giáo huấn đó có nghĩa là hoàn tất được tất cả sự tu tập; tiếp nhận được quả của sự tu tập đó có nghĩa là tiếp nhận được tất cả các kết quả. Ý nghĩa ấy của chữ “tánh không” mang một tầm quan trọng thật lớn, quý vị nên ghi nhớ điều này.

Tất cả đều là dhamma

Đến đây chúng ta sẽtìm hiểu xem tại sao tất cả mọi hiện tượng đều được gọi là “dhamma”. Trước khi nói lên chữ này thì quý vị cũng phải hiểu thật tường tận đấy là gì. Chữ dhammacó nghĩa là tất cả những gì hiện hữu. Khi Đức Phật nói đến “tất cả dhamma” thì đấy có nghĩa là tất cả mọi hiện tượng, không có một ngoại lệ nào cả, dù chúng thuộc lãnh vực vật chất, tinh thần hay tâm linh. Nếu như có một thứ gì nằm ra bên ngoài cả ba thể loại ấy thì nó cũng vẫn thuộc vào cách định nghĩa của thuật ngữ “tất cả dhamma”. Tôi mong rằng quý vị có thể nắm vững được cách định nghĩa này: là mọi “thế giới” của những vật thể vật chất, có nghĩa là bao gồm tất cả các “lãnh vực” của những vật thể vật chất, tất cả đều là dhamma. Một tâm thức ý thức được tất cảcác thế giới ấy thì tự nó cũng là một dhamma. Nếu tâm thức và thế giới tiếp xúc với nhau thì sự tiếp xúc đó cũng là một dhamma. Nếu sự tiếp xúc đó làm phát sinh ra các hậu quả chẳng hạn như tình thương yêu, hận thù, ghét bỏ, sợ hãi, kể cả trí tuệ và sự quán thấy trong sáng về mọi sự vật đúng là như thế…, thì tất cả các hình thức phản ứng ấy cũng đều là các dhamma. Dù cho chúng đúng hay sai, tốt hay xấu, thì tất cả cũng đều là dhamma. Nếu trí tuệ làm phát sinh ra những thứ hiểu biết khác nhau trong nội tâm thì những thứ ấy cũng gọi là dhamma. Nếu các thứ hiểu biết ấy đưa đến việc giữ giới, thiền định, hay trí tuệ (tu giới, tu định và tu tuệ) hay bất cứ một phép tu tập nào, thì việc tu tập ấy cũng là một dhamma.Đối với các kết quả mang lại sự tu tập ấy – dù được biểu trưng bằng các thuật ngữ như “sự thực hiện được Con Đường (sự giác ngộ), quả mang lại từ Con Đường (sự giải thoát)hay là nibbanâ (niết-bàn)”- thì tất cả cũng là các dhamma.

Tóm lại là tất cả những thứ ấy đều là dhamma. Thuật ngữ này bao hàm tất cả, gồm từ thế giới của các vật thể vật chất cho đến các kết quả mang lại từ sự tu tập Dhamma (Đạo Pháp),sự thực hiện được Con Đường, quả mang lại từ Con Đường. Như đã nói đến trênđây, nếu nhìn thấy được mỗi sự vật ấy một cách thật minh bạch thì cũng có nghĩa là nhìn thấy “tất cả các sự vật” và cũng sẽ hiểu được rằng đối với bất cứ gì dù là do chính Đức Phật giảng dạy thì cũng không được nắm bắt hay xem đấy là các đối tượng của sự bám víu. Cái thân xác này không phải là một đối tượng đểnắm bắt hay bám víu, đối với tâm thức thì lại càng không nên nắm bắt và bám víu bởi vì đấy là một thứ ảo giác khác to lớn hơn nhiều. Vì thế Đức Phật cũng đã từng nói, nếu nhất định cứ một mực khăng khăng bám víu vào một thứ gì đó để xem đấy là “cái tôi” thì tốt hơn nên bám víu vào thân xác bởi vì nó biến đổi chậm chạp hơn, và nó cũng không lừa phỉnh mình tệ hại như tâm thức (nếu xem thân xác là “cái tôi” thì có thể mình sẽ lo trau chuốt nó, tô điểm phấn son cho nó, xức nước hoa cho nó, tập thể dục cho lồng ngực nở nang cân đối, đeo đồng hồ đắt tiền, trang sức lấp lánh, sửa sang “sắc đẹp”, “cắt bớt” chỗ này, “độn thêm” chỗ kia… Tất cả các thứ ấy không đến đỗi nguy hiểm như khi xem tâm thức là “cái tôi”, bởi vì khi đã xem nó là “cái tôi” thì sự ích kỷ sẽ bùng lên, hận thù phát sinh, tự ái dày vò, tham lam xúi dục, trong lòng nuôi nấng đủ mọi thứ hy vọng, ước mơ, mưu mô, tiếc nuối, yêu thương, ghét bỏ… khiến làm phát sinh ra đủ mọi thứ xúc cảm bấn loạn vàđiên rồ, cũng như mọi thứ ảo giác và tưởng tượng bệnh hoạn, đưa đến những hànhđộng hung bạo, phá phách, tự tử, sát sinh…, hoặc dưới một thể dạng rộng lớn hơn tức là chiến tranh khi cho rằng đây là gian nhà “của tôi”, đất nước “của tôi”, tôn giáo “của tôi”, sự tự do “của tôi”…).

Chữ “tâm thức” trong trường hợp trên đây không mang cùng một ý nghĩa với chữ “tâm thức” khi được dùng để chỉ định “tâm thức” là một với “tánh không” (tâm thức chỉ có thể trở thành một với tánh không khi nào nó đã tìm thấy trí tuệ hay là thể dạng nguyên sinh của nó). Chữ “tâm thức” trên chỉ có nghĩa là “tâm thần”, tức là “tâm thức” hiểu theo cách thông thường. Sự tiếp xúc giữa thể dạng tâm thức ấy và thế giới sẽ làm phát sinh ra mọi thứ cảm tính như yêu thương, hận thù, giận dữ, v.v…. Đấy là các thể loại dhamma càng không nên bám víu hơn so với các thứ dhamma thuộc thân xác, bởi vì chúng là những thứ ảo giác phát sinh từ sự mù quáng của một tâm thức u mê (các cảm tính hay ảo giác ấy luôn biến động khó theo dõi để có thể chủ động được chúng. Chúng không hiện ra lù lù như thân xác). Nắm bắt và bám víu vào những thứ ấy thật vô cùng nguy hiểm.

Đức Phật có nói rằng ngay cả sự chú tâm giúp quán thấy được sự thật của mọi sự vật cũng khôngđược xem là căn nguyên của sự nắm bắt và bám víu, bởi vì đấy cũng chỉ là một thành phần của thiên nhiên. Bám víu vào đấy cũng chỉ là cách tạo ra thêm những ý nghĩsai lầm: người ta có thể sẽ tưởng tượng ra một con người nào đó có thể đạt được một khả năng trí tuệ như thế, và để tin rằng đấy là cái trí tuệ “của tôi”. Sự bám víu sẽ làm cho tâm thức trở nên nặng nề và chao đảo dưới sự chi phối của mọi biến động xảy ra, và từ đó sẽ sinh ra dukkha(khổ đau). Chỉ nên đơn giản xem sự hiểu biết là sự hiểu biết. Nếu dại dột bám víu vào đấyđể xem là cái “của tôi”, thì nó sẽ lôi kéo theo nhiều thứ bám víu khác, chẳng hạn như các thứ “nghi thức lễ bái và các hình thức lễ lạc”, khiến cho chúng ta càng thêm khổ sở mà cũng chẳng biết là tại sao (đoạn này khá khúc triết và cô đọng, do đó xin mạn phép được giải thích thêm với tất cả sự dè dặt. Bám víu vào sự hiểu biết và xem đấy là “cái tôi” sẽ đưa đến sự kiêu ngạo và đấy cũng là chướng ngại “thứ ba” trong số “mười thứchướng ngại” (entraves, empêchements / obstacles) buộc chặt con người vào vòng sinh tử. Khái niệm về “mười thứ chướng ngại” gọi là samyojana (tiếng Phạn và Pa-li), kinh sách tiếng Việt gốc Hán ngữ gọi là “Thập Sử”hay “Thập Đại” hay “Thập Căn Phiền Não”. Trên đường tu tập nếu bám víu vào sự hiểu biết của mình – phiền não thứ ba trong số mười thứ phiền não – thì có thể sẽ bày ra mọi thứ hình thức nghi lễ trói buộc, khiến cho mình thêm khổ sở chăng ?).

Tu tập Dhamma cũng thế: chỉ cần biết đơn giản tu tập thế thôi. Kết quả tự nó sẽ tương xứng với mức độ tu tập của mình – đấy cũng chỉ là một sự thật của thiên nhiên. Nếu nắm bắt và bám víu vào sự tu tập ấy để xem là “cái tôi” hay cái “của tôi” thì lại càng dễ khiến mình rơi vào sự sai lầm nặng nề hơn, tức là tạo ra thêm cho mình một “cái tôi” hoàn toàn vô căn cứ, và do đó sẽ mang lại khổ đau không kém gì như khi bám víu vào những thứ thật thô thiển khác như sự thèm khát tính dục chẳng hạn.

Đối với việc thực hiệnđược Con Đường, tiếp nhận được quả của Con Đường và niết-bàn, thì tất cả cũng chỉ là dhamma, là thành phần của thiên nhiên. Chúng là như thế thì cứ xem chúng là như thế. Ngay cả tánh không cũng chỉ là thành phần của thiên nhiên. Nếu nắm bắt nó và bám víu vào nó, thì đấy sẽ là một thứ nibbanâ không đích thật, một thứ tánh không sai lầm, bởi vì đối vớinibbanâ đích thật tức tánh không đích thật thì không thể nào nắm bắt được nó. Chính vì thế nên mỗi khi nắm bắt nibbanâ hay tánh không và xem đấy như là “cái tôi” hay cái “của tôi” thì tức khắc và đồng thời cũng sẽ tự tách rời mình ra khỏi những thứ ấy.

Tất cả những gì trình bày trên đây cho thấy tuyệt đối không có bất cứ gì khác hơn là dhamma. Thuật ngữ dhamma đồng nghĩa với chữ “thiên nhiên”. Cách giải thích này khá phù hợp với nghĩa từ chương của chữ dhamma, bởi vì ý nghĩa nguyên thủy của chữ này là “một sự vật có thể tự duy trì lấy nó “. Các dhamma được phân chia thành hai thể loại khác nhau: một thể loại luôn chuyển động và một thể loại thì không. Thể loại gồm các dhamma thường xuyên chuyểnđộng hàm chứa một động lực thúc đẩy chúng nhằm để duy trì chúng trong chính sựchuyển động đó của chúng, nói cách khác thì chính chúng là dòng chảy của sự đổi thay (vô thường). Thể loại gồm các dhamma không chuyểnđộng thì không hàm chứa các yếu tố gây ra sự chuyển động đó, đấy là nibbanâ hay là tánh không.

Tóm lại, có hai thể loạidhamma : một thể loại gồm các sự vật luôn chuyển động và một thể loại thì không, cả hai đều đơn giản chỉ là dhamma, tức là các sự vật tự duy trì được trong một thể dạng nào đó (tự duy trì được trong thể dạng biến động hay tự duy trì được trong thể dạng không biến động – chẳng hạn như tánh không). Tất cả đều là thiên nhiên (hay tự nhiên), đơn giản chỉ là các thành phần của thiên nhiên. Do đó nếuđấy chỉ đơn giản là các dhamma (thành phần của thiên nhiên lôi kéo trong một sự vận hành tự nhiên) thì làm thế nào mà chúng có thể trở thành “cái tôi” hay là cái “của tôi” được? Trong bối cảnh đó dhamma cũng sẽ chỉ có nghĩa là “thiên nhiên”, đương nhiên là như thế. Người ta cũng có thểgọi dhamma là tathatâ (có nghĩa là như thế/ ainsité / suchness, và chính Đức Phật cũng tự gọi mình là “Như Lai” tức có nghĩa là “Như Thế”): dhamma là như thế thì cứ là như thế, không thể khác hơn được. Chỉtoàn là dhamma. “Tất cả mọi thứ”đều có nghĩa là dhamma: không có một thứ dhamma nào lại không hàm chứa trong “tất cả mọi sự vật”.

Trái lại Dhamma đích thật (tức là Đạo Pháp, viết chữ hoa và thuộc số ít)thì dù thuộc vào lãnh vực nào, cấp bậc nào hay thể loại nào thì cũng đều nhất thiết là tánh không, hoàn toàn trống không về “cái ngã” (Đạo Pháp là vô ngã). Tóm lại chúng ta phải nhìn thấy tánh không hàm chứa trong tất cả mọi sự vật, hoặc nói một cách đơn giản hơn là trong tất cả các dhamma (xin ghi chú thêm là khi Buddhadasa nêu lên quan điểm về tánh không nơi tất cả mọi hiện tượng như trên đây thì một cách gián tiếp ông đã đến gần với “cách hiểu” của Đại Thừa về khái niệm này). Theo phép suy luận lô-gic (dựa vào sự hợp lý) thì chúng ta sẽ có các phương trình như sau:

Tất cả mọi sự vật = đều là dhamma

Tất cả mọi sự vật = đều là tánh không

Các dhamma = đều là tánh không

(trên đây là ba vếcủa tam đoạn luận – syllogism -: tất cả mọi người đều chết, Aristoteles là người, Aristoteles cũng sẽ chết)

Người ta có thể trình bày khái niệm trên đây bằng nhiều cách khác nhau (nhiều cách giải thích khác nhau về tánh không) thế nhưng điều thật sự quan trọng và cần phải hiểu thì cũng không có gì khác hơn là chính bản chất của sự trống không. Chúng ta không được bám víu vào bất cứ thứ gì để xem đấy là “cái tôi” và cái “của tôi”.Đấy là cách giúp chúng ta nhận thấy một cách minh bạch tánh không là bản chất của tất cả mọi sự vật. Chỉ khi nào loại bỏ được tất cả mọi thứ tư duy sai lầm (cho rằng có “cái tôi” và cái “của tôi”) thì khi đó chúng ta mới có thể nhận thấy được cái bản chất ấy. Nếu muốn quán thấy được tánh không thì cần phải có pannâ (hay nana, jnana, tức là trí tuệ hay bát-nhã), là một thể dạng hiểu biết tinh khiết đã loại bỏ được mọi thứ u mê tâm thần.

Các thứ dhamma của vô minh

Ngoài ra cũng có thêm một thứ dhamma nữa gọi là dhamma của vô minh hay của sự hiểu biết sai lầm, tức là những phản ứng phát sinh từ sự tiếp xúc giữa tâm thức và thế giới vật chất. Như đã được trình bày trên đây, khi dhamma tâm thức tiếp xúc với dhammamang tính cách vật chất (matérialité / materiality / tức là những gì mang tính cách cụ thể hay thực thể) thì tức khắc một phản ứng sẽ phát sinh dưới hình thức giác cảm, và từ giác cảm đó sẽ đưa đến hoặc là không đưa đến một xúc cảm (cảm tính). Tiếp theo đó, người ta có thể sẽ ngả theo hoặc con đường của sự u mê (vô minh)hoặc con đường của sự quán thấy sáng suốt, tất cả đều do sự tác động của các điều kiện bên ngoài (bối cảnh) và bản chất thuộc vào thể loại dhamma đó (tức sự hiểu biết hay ô nhiễm tâm thần). Dhamma của vô minh thì cũng chẳng phải là gì khác hơn là dhamma của sự nắm bắt và bám víu vào “cái tôi” và cái “của tôi”, là những thứ hoàn toàn mang tính cách ảo giác. Vì thế cũng nên hiểu đấy cũng chỉ là một thứ dhamma (như tất cả các dhamma khác). Bản chất đích thật của nó cũng chỉ là tánh không.

Vô minh là tánh không, sựquán thấy minh bạch hay nibbanâ cũng là tánh không; tất cả cũng chỉ là dhamma. Nếu nhìn những thứ ấy đúng như thế thì chúng ta cũng sẽ hiểu được rằng chúng hoàn toàn trống không về cái ngã. Tuy rằng các dhamma trong lãnh vực của vô minh vẫn là “một” với tánh không, thế nhưng chúng vẫn còn tiếp tục làm phát sinh ra ảo giác về “cái tôi”. Do đó chúng ta phải thật cảnh giác đối với các dhamma của sự nắm bắt và bám víu cũng như của sự quán thấy sai lầm về mọi sự vật – tất cả đều gồm chung trong thuật ngữ “tất cả mọi sự vật”.

Nếu chúng ta quán thấyđược một cách minh bạch tất cả mọi sự vật thì sự bám víu mang đầy u mê sẽ không thể phát sinh ra được. Ngược lại nếu sự quán thấy của chúng ta thiếu minh bạch và chúng ta chỉ biết nhắm mắt chạy theo các bản năng thú tính của mình một cách dại dột và sai lầm, thì đấy cũng chẳng khác gì như tự mở cửa ngày càng rộng hơn để đón rước các thứ dhamma của vô minh.

Nắm bắt và bám víu là một thứ di sản lưu truyền trong con người chúng ta từ muôn thuở (có thể hiểu như một thứ bản năng sinh tồn chung cho tất cả mọi sinh vật, thế nhưng đối với con người thì bản năng đó ảnh hưởng bởi giáo dục và trí thông minh đã trở thành những thứxung năng mang tính cách chủ động – nắm bắt và bám víu – vượt xa bản năng sinh tồn nguyên thủy. Thí dụnhư con người không còn “kiếm ăn” nữa mà biết tích lũy của cải, gởi tiền trong ngân hàng, mưu mô, lường gạt, đưa đến bạo động và cuối cùng là chiến tranh). Nếu quan sát và phân tích thật kỹ thì chúng ta cũng sẽ thấy rằng những người chung quanh chúng ta chẳng những luôn tìm cách khuyên dạy chúng ta bắt chước theo họ – dù vô tình hay cố ý – để cùng bước với họ vào con đường vô minh mà hơn nữa họ còn chỉ dạy cho chúng ta cách thức phải bám víu vào “cái tôi” và cái “của tôi” như thế nào (một sự nhận xét thật sâu sắc, tuy nhiên cũng có thể mở rộng hơn cách nhìn đó: không phải những sự “chỉ dạy” ấy chỉgiới hạn trong lãnh vực giữa các cá nhân với nhau mà thật ra thì các thứ giáo thuyết, chủ nghĩa, tuyên truyền, quảng cáo, báo chí cũng như các phương tiện truyền thông… trong đó kể cả mạng lưới internet, chẳng phải là những phương tiện nhằm để khích động chúng ta, xui dục chúng ta bước theo những người khác trên con đường “vô minh” và “bám víu” vào “cái tôi” và cái “của tôi” dưới đủ mọi hình thức hay sao? Đâu phải chỉ có cha mẹ,anh em, bạn bè, thân thuộc, xóm giềng, thầy cô… mới là những người làm gương và dạy cho chúng ta những thứ ấy. Vì thế một người tu hành – tại gia hay nơi chùa chiền – nếu muốn thoát khỏi mạng lưới vô minh dầy đặc đang bao phủ, giam hãm và siết chặt lấy mình, xui dục mình bám víu vào cái ngã của mình thì phải cần đến một sự quán thấy minh bạch và một nghị lực phi thường). Họ không bao giờ tập cho chúng ta biết nhìn vào bản chất vô ngã của mọi sự vật. Trẻ con chẳng những không bao giờ được chỉdạy về những thứ ấy, mà hơn thế nữa người lớn còn luôn tìm cách đối thoại với chúng dưới tư cách là những cá thể hoàn toàn biệt lập (có nghĩa là một cá thể độc lập tách rời ra khỏi những đứa trẻ như là một chủ thể cách biệt nhằm để chỉ dạy cho chúng, và những sự chỉ dạy ấy cũng chỉ là các cách củng cố thêm cảm tính về “cái tôi” và cái “của tôi” của chúng và của chính mình). Một đứa bé mới sinh ra đời chưa có cảm tính về một “cái tôi” biệt lập trong tâmthức của nó, sau đó thì nó mới dần dần nhận biết được cảm tính ấy xuyên qua môi trường chung quanh nó. Khi mới mở mắt chào đời và bắt đầu ý thức được một thứgì đó thì người lớn tập cho nó bám víu vào đấy: đây là cha “của nó”, mẹ “của nó”, gian nhà “của nó”, thức ăn “của nó”; kể cả cái đĩa đựng thức ăn cũng là “của nó” và không ai được sử dụng cái đĩa ấy “của nó”! (thí dụ khi nó va đầu vào góc bàn chẳng hạn thì nó tự ý thứcđược là góc bàn không phải là nó, tức không phải “cái tôi” của nó, hoặc người lớn khi trông thấy nó bị va đầu thì dạy nó phải cẩn thận tránh xa góc bàn, hoặc lấy tay đánh góc bàn để trừng trị một thứ gì đó khác với nó và đã gây rađau đớn cho nó. Đấy là cách gián tiếp củng cố “cái tôi” bên trong tâm thức của nó. Tóm lại giáo dục, môi trường và sự sống thường xuyên tạo ra cảm tính về “cái tôi” bên trong tâm thức của đứa bé. Cái tôi” ấy lại tiếp tục biến đổi dưới tác động của những điều “học hỏi” mới và các “kinh nghiệm” mới, và cả các biến đổi mới trên thân xác của nó, để tạo ra một “cái tôi” mới khác hơn với “cái tôi” mà nó đã có trong những giây phút trước đó, trong những ngày hay những năm trước đó và để dần dần chuyển thành “cái tôi” của một người trưởng thành, của một người cha, một người mẹ,của một người già đang hấp hối. “Cái tôi” đang tuần tự biến đổi trong kiếp sống này của mỗi cá thể qua những “thể dạng” khác nhau – trẻthơ, trưởng thành, già nua – như vừa thấy và sau cùng thì sẽ nhờ vào cái chết đểtrở thành “cái tôi” của một đứa bé khác dưới một tên gọi khác và mang theo với nó các thứ hiểu biết và các kinh nghiệm từ trước dưới hình thức những vết hằn ghi đậm trên dòng tri thức liên tục của nó. Trong kiếp sống mới nó có thể sẽ bị va đầu vào một góc bàn để ý thức được một “cái tôi” mới. Đấy là quá trình vận hành của “cái tôi” trong kiếp sống hiện tại và cả trong tương lai. Bám víu vào “cái tôi” để tạo ra cho mình những sự lầm lẫn và những xúc cảm bấn loạn là một sự sai lầm, và nắm bắt lấy “cái tôi”ấy để xem nó là một thứ linh hồn trường tồn bất biến cũng sẽ là một thứ sai lầm khác nữa). Quá trình vận hành vượt khỏi sự ý thức của mình – hay sự hình thành của một “cái tôi” trong tri thức và sự phát triển của nó – là một sự diễn tiến theo đúng với các quy luật chi phối nó (quy luật tương liên, nguyên nhân hậu quả…).Trái lại, cảm tính về sự vắng mặt của “cái tôi” thì lại không bao giờhiển hiện lên, do đó suốt trong khoảng thời gian từ khi còn bé cho đến lúc trưởng thành, một cá thể tiếp tục chất chứa đầy những sự bám víu và những thứ u mê tâm thần do chính những sự bám víu ấy gây ra. Đối với cá thể ấy “cái tôi” chính là sự sống và sự sống cũng chính là “cái tôi”. Thế nhưng khi mà bản năng của sự bám víu vào “cái tôi” bắt đầu được xem như là một sựsống bình thường với tất cả ý nghĩa của nó, thì sự sống đó cũng sẽ bị buộc chặt vào dukkha (khổ đau). Cái tôi đó trở nên thật nặng nề và ngột ngạt, bế tắc, rát bỏng và thật đớn đau (đôi khi chúng ta ngồi khóc hay cười một mình, lo buồn hay hớn hở, hối tiếc hay hy vọng, giận dữ hay yêu thương…, thì đấy là một vài hình thức bế tắc thật nặng nề mà Buddhadasa muốn nêu lên) -tóm lại là một cuộc sống hàm chứa mọi triệu chứng của dukkha.

Tóm lại, mỗi khi xảy ra sự nắm bắt và bám víu vào bất cứ gì, kể cả những thứ tốt đẹp nhất thì tức khắc sẽ sinh ra khổ đau. Nếu nhìn theo cách đó thì những gì mà thiên hạ cho là tốt thì thật ra cũng chỉ là một sự sai lầm hay là mang tính cách tệ hại bởi vì “cái tốt” cũng là một hình thức của “dukkha” – một thứ dukkhađã được thuần hóa, thế nhưng đấy vẫn là dukkha, chẳng qua bởi vì tâm thức không trống không và luôn bị bấn loạn. Chỉ khi nào tâm thức trống không và vượt lên trên cái tốt cũng như cái xấu thì khi đó mới loại bỏ được dukkha.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.