1. Điều tâm niệm thứ nhứt là hãy nghĩ đến nỗi khổ đau của ta và người.
Người niệm Phật thường nên tâm niệm rằng, chúng ta đã trót mang nghiệp làm người, không ai tránh khỏi những nỗi khổ đau. Chúng ta nên luôn nghĩ đến những cảnh thống khổ của cuộc đời. Trước hết, nên nghĩ đến những nỗi khổ đau của chính bản thân mình. Đối với bản thân của chúng ta, kể từ khi chào đời cho đến khi nhắm mắt nằm yên trong quan tài, chúng ta đã trải qua không biết bao nhiêu điều đắng cay hệ lụy đau thương. Ngoài những nỗi khổ cực vất vả toan tính mưu sinh để có thể đáp ứng cho những nhu cầu vật chất của sự sống ra, ai cũng phải trải qua những cảnh thống khổ: già, bệnh, chết. Đó là những nỗi đau khổ lớn nhứt của cuộc đời mà không một ai tránh khỏi. Nỗi đau khổ của tuổi già, của đau yếu, tật nguyền, bệnh hoạn và của cái chết đau thương, tất cả đều làm cho chúng ta luôn cảm thấy bức bách, vày vò, xốn xang, khó chịu. Biết bao nỗi lo lắng ưu tư sầu khổ của kiếp người mà không bút mực nào có thể diễn tả hết được.
Ngoài nỗi đau khổ của bản thân ra, rồi đến những nỗi đau khổ liên hệ đến gia đình. Cảnh xào xáo bất hòa của vợ chồng, của con cái, và của người thân thường hay xảy ra hằng ngày. Không có gia đình nào có được vẹn tròn hạnh phúc cả. Gia đình bất hòa, con cái hư hỏng, cha mẹ cãi vã đánh đập bạo hành, thậm chí còn ly thân ly dị với nhau làm khổ đau cho con cái rất nhiều. Có nhiều gia đình vì một chuyện vặt vãnh không đâu mà gây ra cảnh nồi da sáo thịt, nhà tan cửa nát, mất đi sự hòa khí và mất luôn cả tình yêu thương xây dựng hạnh phúc lúc ban đầu. Sống trong gia đình mà mỗi người là một ốc đảo dị biệt xem nhau như người xa lạ. Thậm chí, họ còn căm thù giận tức ganh ghét lẫn nhau, không ai chịu nhường nhịn ai, ai cũng sẵn sàng muốn ăn thua đủ. Họ tranh chấp hơn thua với nhau từng hành động và lời nói. Thật là oán tắng hội khổ. Tuy sống trong gia đình mà mỗi người cảm thấy như sống trong cảnh giới địa ngục. Như thế thì thử hỏi còn nỗi đau khổ buồn tủi nào hơn!
Là người biết chút ít tu hành lại thêm ăn chay niệm Phật, thì tại sao chúng ta không tập tu hạnh hỷ xả của Bồ tát. Ta càng ôm ấp cố chấp nhiều chừng nào thì ta càng đau khổ nhiều chừng nấy. Niệm Phật mà tâm không buông bỏ mọi việc, vẫn còn chứa chất đầy những thứ phiền trược cấu uế trong lòng, niệm Phật như thế, thì thử hỏi Phật nào chứng minh cho ta?! Và như thế, thì đời ta biết đến bao giờ mới hết khổ đây! Ta muốn đời ta bớt khổ đau, thì mỗi người cần phải thực tập hạnh hỷ xả buông những gánh nặng lo âu phiền muộn để cho tâm hồn ta vơi đi nhẹ bớt ưu phiền. Có thế, thì sự niệm Phật của ta mới có thể tương ưng với Phật phần nào. Ta hãy cố gắng tập buông bỏ từ từ, buông bỏ từ cái thô nặng vật chất tài sản bên ngoài, rồi buông dần đến cái vi tế phiền não trong tâm ta. Nhất là buông hết những tiếng thị phi đàm tiếu vô ích của thế gian. Vì những thứ nầy không mang lại lợi ích gì cho đời ta cả. Chẳng những thế, mà nó còn mang đến họa hại cho ta, nếu ta cứ khư khư cố chấp giữ chặt nó trong lòng. Ta hãy vươn lên làm người khôn và đừng bao giờ cam tâm làm kẻ dại khờ ngu ngơ nữa. Chúng ta hãy mở rộng trái tim yêu thương hiểu và cảm thông nhau để cùng nhau xây dựng mái ấm hạnh phúc gia đình. Đó là điều tâm niệm thứ nhứt mà người niệm Phật cần phải lưu tâm ý thức thật hành.
Down load 10 Điều Tâm Niệm Của Người Niệm Phật pdf file
Thích Phước Thái