Bên Ánh Đèn Khuya (Những Chuyện Siêu-Nhân Có Thật)

Câu chuyện thứ 26.- Khám Đường Maitland Gaol ở NSW có ma?

1/ Một đêm ở trong tù.

Khám đường Maitland gaol (khánh-thành năm 1848) bây giờ thì vắng ngắt, chẳng cần nhốt ai trong đó nữa nhưng bên trong các bức tường đá vẫn còn những chuyện u-ám.

Bên dưới các cuộc dây thép gai sắc như dao để nhốt những tên phạm trọng-tội như kẻ sát-nhân Ivan Milat hay mấy đứa đã giết Anita Cobby, vẫn còn những cảm-giác rợn người. Bạn khó thể tránh khỏi có cái ớn lạnh ma quái.

Các phòng giam ẩm-ướt, nhớp-nháp bây giờ đâu còn giam ai trong đó (vì các tên tội-phạm kinh-khiếp nhất nước đã được chuyển đi nơi khác từ năm 1998) nhưng những tay nổi tiếng gan lì vẫn còn tự hỏi đây có phải là nơi ẩn-náu của mấy con ma.

Khi nhà siêu-linh Cheryl Newcombe mở cổng khám-đường Maitland để tôi là phóng-viên Glen Williams và người thợ chụp hình tên Andrew Jacob vào, chị cảnh-báo ngay; “Đây chắc chắn là một trong những nơi có nhiều ma nhất ở Úc, từ việc ta thấy những bóng dáng in trên tường (mà ta khó thể giải-thích) cho đến cái đêm mà tôi thấy cái cổng thép nặng-nề của khám đường tự-động mở ra rồi đóng sầm lại khiến tôi sợ hết viá phải bỏ chạy”.

“Là một người hành-nghề trong lãnh-vực tâm-linh mà lại tháo chạy khỏi nơi đây, nghĩ cũng thấy kỳ. Trước kia đã bao lần gặp ma nhưng tôi chưa từng lui bước, thế mà đêm hôm ấy tôi có cảm-giác ghê-rợn làm sao! Dĩ nhiên ở đây có nhiều ma lắm. Không có phòng giam nào mà chẳng có người chết trong đó. Khám này đầy ắp bao nỗi khổ-đau.

Nhiệm-vụ của tôi là phải cùng anh phó nhòm Andrew vào chốn hắc-ám này nghỉ qua đêm. Chúng tôi phải đi trong các hành-lang đầy bóng tối, tự coi mình giống như mấy tên tù hôi-hám ngày xưa, để xem có gặp ma hay không. Vai chúng tôi ớn lạnh khi Cheryl khua chùm chìa khóa kêu loảng-xoảng hay kéo mở mấy cánh cửa nặng-nề của đề-lao, gây nhiều tiếng động đến nỗi có thể đánh thức mấy con ma. Chúng tôi không thể giải-thích nổi các ánh-sáng kỳ-bí lập-lòe trong mấy phòng giam nơi từng có tù-nhân treo cổ tự-tử trước khi bị cai ngục lôi ra pháp-trường xử giảo.

Cheryl mở cánh cửa thép màu đỏ kiên-cố, nặng trên 80 kí rồi cho biết: “Đây là phòng của hai anh.” Ánh đèn pin của chị quét ngang một dòng chữ nguệch-ngoạc của một tử-tội viết lên tường trước khi tự thắt cổ: “Chỉ có Chúa mới được quyền phán-xử ta.” Vậy là tụi tôi đêm nay chắc sẽ chẳng thể nào có được những giấc mộng êm-đềm.

Cheryl cố trấn-an: “Ờ này, hai anh đâu có nghỉ lẻ-loi nơi đây. Tôi thấy có hai con ma đang đứng cạnh rồi đó. Tôi biết họ hiện-diện vì tôi thấy được họ, và tôi cũng còn biết hông bên phải của các anh bị lạnh nữa kìa. Bởi vì năng-lực (âm-khí) của hai con ma đang ở bên phải của các anh.”

Chị nói đúng quá chừng, tôi thấy ớn lạnh dọc suốt bên phải thân mình, và trong ánh nắng yếu-ớt buổi chiều đang nhạt dần, chốn này trở nên âm-u, ghê rợn. Khi chúng tôi bước vào một cái sân để tập thể-dục vắng ngắt, thì bỗng nghe những tiếng thét ma quái vang dội trên vách đá khiến Cheryl gật đầu tỏ vẻ hiểu biết.

Chúng tôi bối rối hỏi Cheryl: “Chị có nghe gì không? Tụi tôi nghe tiếng la hét.”

Chị đáp: “Đó đâu phải là tiếng gió mà là tiếng gào thét của những linh-hồn đau-khổ. Có rất nhiều cảnh tàn-bạo diễn ra nơi đây. Các anh rồi cũng sẽ nghe những tiếng la ở khu nhà tắm và bệnh-xá. Các anh không tưởng-tượng đâu. Khi rời khỏi nơi đây thì xúc-cảm của các anh kể như kiệt-quệ”.

Nhưng khi chúng tôi bước vào bệnh-xá thì chính Cheryl lại đau-đớn. Chị giải-thích: “Tôi phải cố đi ngang qua đây càng nhanh càng tốt. Luôn bị nhức đầu. Các anh nghĩ đến những người đã chết nơi này. Tôi từng thấy hồn ma một phụ-nữ hiện ra ở đây và đuổi tôi ra ngoài để chị ta đi ngủ. Các nữ-tù cũng bị giam ở khám này từ những năm 1900.”

Đầu óc chúng tôi đầy ắp những chuyện giết người, tra-tấn cùng với ý-nghĩ là có ma ở quanh đây khiến chúng tôi không tài nào chợp mắt.

Lời trăn-trối mà kẻ tự-tử đã viết lên tường phòng giam nhắc tôi nhớ rằng mấy linh-hồn đau-khổ và sự chết chóc đang lởn-vởn bên mình. Lại có những tiếng bước chân bí-mật bên ngoài cửa phòng và lúc đó chỉ mới ba giờ sáng. Anh thợ chụp hình Andrew vốn là người chẳng tin chuyện ma qủy, vậy mà giờ đây lại than phiền là có một cảm-giác gay-gay kỳ-lạ đang chạy trong châu thân anh.

Chúng tôi không nán lại nơi đây thêm phút nào. Khi ra ngoài chúng tôi thấy Cheryl đang đợi ở văn-phòng phía trước.

Chị cười nói: “Hai anh chì lắm! Ở trong đó lâu hơn những người khác. Nhưng điệu bộ cho thấy các bạn đã gặp ma rồi, phải không? Lại đấy chứ?

2/ Ma hiện ra nghe nhạc

Ban nhạc Lazy Sundaze sau khi thực-hiện cuốn băng video nhạc “Town Called Lonely” trong khám-đường Maitland Gaol và cho phát hình lại thì thấy có nhiều thứ nhiều hơn những gì họ mong muốn.

Khi xem kỹ các bức ảnh chụp thêm trong lúc quay video clip, họ phát-hiện có một khuôn mặt bí-ẩn hiện ra nơi một cửa sổ phòng giam trên cao nhìn xuống ban nhạc.

Đây là một khuôn mặt đau-khổ, ẩn sau mấy chấn song, lộ vẻ thảng thốt vì những tiếng nhạc ồn-ào.
Anh Dean Pascoe, trưởng ban nhạc, cười nói: “Bọn tôi chơi rùm beng như mọi khi mà thôi. Tụi này đã dạo khắp nơi trong khám và trở về rất tỉnh-táo.”

“Quý vị có thể hình-dung là chúng tôi kinh-hãi như thế nào khi trông thấy gương mặt lạ hoắc hiện ra trong bức ảnh. Chúng tôi đâu biết đó là ai, nhưng chắc-chắn một điều là đêm có ở trong nhà tù chỉ có ba đứa chúng tôi thôi!”

“Thú thật tôi vốn là một kẻ đa-nghi, không tin mấy chuyện huyền-bí nhưng bây giờ tôi chỉ có thể nói một điều là: Có thấy thì mới tin (Muốn biết khám-đường Maitland Gaol ở NSW có ma hay không, xin gọi số 02 4936 6482 hay vào trang mạng www.maitlanggaol.com.au để sắp xếp một chuyến đi qua nghỉ qua đêm trong đó).

(Dịch bài viết của phóng viên Glen Williams đăng trên tuần-san Woman’s Day ngày 25-4-2005, NSW, Australia).


Câu chuyện thứ 27. – Cữ mãi đi tìm anh.

Trong suốt 200 năm, mấy người lính canh Anh-quốc thường-xuyên đi dọc theo hành-lang Ngân-Hàng Quốc-Gia ở thủ-đô Luân-đôn.

Họ tuần-hành cẩn-mật nhất là về đêm nhằm bảo-vệ các hầm chứa vàng của Ngân-Hàng từ thập-niên 1780 khi có các cuộc bạo-loạn Gordon ở thủ-đô.

Đến năm 1973 thì thôi không tuần-hành nữa nhưng đêm đêm vẫn có Một Bóng Ma đi quanh các ngôi nhà, vườn cây của Ngân-Hàng ở đường Threadneedle St., để tìm kiếm một người thân thất-lạc.

Người ta gọi đó là Bóng Ma Đen vì những ai gặp phải đều thấy hồn ma-nữ này luôn mặc y-phục màu đen và choàng một chiếc khăn che mặt cũng màu đen.

Thiên-hạ đồn rằng đây là hồn ma của Sarah Whitehead lẩn-quất nơi đây để tìm một người anh ruột tên Philip. Philip vốn là nhân-viên của Ngân-Hàng Quốc-Gia nhưng bị bắt và bị cáo-buộc phạm-tội giả-mạo vào năm 1811. Anh thọ án tử-hình rồi bị xử giảo theo luật thời đó.

Vì đâu nhận được tin-tức gì về Philip trong một thời-gian nên Sarah bèn đến Ngân-Hàng để tìm anh. Khi hay tin anh Philip đã bị treo cổ, cô đâm ra mất trí.

Ngày hôm sau cô vận tang-phục màu đen với chiếc khăn che mặt cũng màu đen, đến Ngân-Hàng hỏi xem có ai thấy anh cô ở đâu không.

Trong suốt 25 năm sau đó, cô cứ tất tả xuôi ngược đường Threadneedle tìm Philip, chận đường những kẻ qua lại ngoài phố cũng như vào cả bên trong Ngân-Hàng để hỏi thăm.

Tuy thân-xác đã chết nhưng hồn Sarah vẫn không ngưng tìm kiếm. Chỉ ít lâu sau khi được an-táng trong nghĩa-trang giáo-đường St Chiristopher-le-Sotcks của thủ-đô (sau này trở thành một phần của công-viên Ngân-Hàng) người ta lại thấy một phụ-nữ vận tang-phục tái xuất-hiện.

Nhiều Nhân-viên Ngân-Hàng vào đầu thế-kỷ 20 cho biết họ từng gặp hồn người nữ đau-khổ này cứ mãi đi tìm người anh đã bặt vô âm tín từ lâu. Có người còn nói họ thấy người đàn-bà đáng thương này ngồi than khóc bên nấm mộ và giơ tay đấm lên tấm bia đá.

Các kho vàng cũng như toán lính canh chẳng còn ở Ngân-Hàng này nữa song hồn của Sarah Whitehead vẫn còn lảng-vảng quanh đây để tìm bằng được người anh ruột sau lâu quá không thấy về nhà.

(Dịch chuyện The Black Woman’s Lonely Search trong quyển The World’s Greatest Ghosts của Nigel Blundell và Roger Boar, trang 190).


Câu chuyện thứ 28.- Đứa Bé Ma

Một phụ-nữ 26 tuổi đã hạ-sinh một đứa bé gái. Lạ một điều là hài-nhi cứ thoạt hiện-hữu rồi thoạt biến mất ngay cả khi đang được bồng trên tay. Có khi nó lại bay bổng lên không hoặc bò xuyên qua tường. Bác-sĩ nhi-khoa Margery Brandt, người chăm-sóc bé gái, cho các phóng-viên ở Amsterdam (thủ-đo nước Hà-lan) biết: “Hiển-nhiên là ta đang gặp trường-hợp một Hài-nhi Ma. Kỳ-quặc quá phaỉ không qúy vị! Tôi biết thế, nhưng sự thật vẫn là sự thật!”.

Ít nhất cũng có 5 trường hợp “trẻ siêu-nhân” đã được tường-thuật hay báo-cáo, có điều khi chúng lớn lên thì các khả-năng kỳ-lạ này biến mất dần. Còn trong trường-hợp đặc-biệt này, đứa bé vẫn khỏe mạnh, còn mẹ của bé phải cần những lời cố-vấn của một bác-sĩ tâm-thần để thích-nghi với hoàn-cảnh hy-hữu mà cả triệu người chưa chắc đã có một này.

(Trích dịch bản tin ngắn đăng trên The Australian Wellbeing Magazine số 53, ngày 21.10.1993).

Hoằng-Phi Lưu Hoằng-Nguyện.

This entry was posted in Sách Truyện. Bookmark the permalink.