Hạnh Phúc Chân Thường – Phần I

SUY NGẪM VỀ MỤC ĐÍCH CUỘC ĐỜI

Trong khi đức Đạt Lai Lạt Ma ngồi tại sa mạc Arizona để suy nghĩ về bản chất con người, tìm hiểu về tâm thức nhân loại dưới sự khảo sát tỉ mỉ của một khoa học gia, một sự thật đơn giản đã khởi phát và soi rọi qua tất cả các buổi nói chuyện của Ngài : Mục tiêu của cuộc đời là Hạnh Phúc. Ý tưởng đơn giản này có thể là một thứ kim chỉ nam cho đời sống khi chúng ta phải đối diện với những khó khăn hàng ngày. Từ quan niệm đó, công việc của chúng ta là từ bỏ những thứ mang lại khổ não và vun bồi những thứ đưa đến hạnh phúc. Phương pháp mà chúng ta có thể thực tập hàng ngày là dần dần ý thức và chứng nghiệm được rằng cái gì mang lại hạnh phúc và cái gì không.

Khi cuộc sống quá phức tạp và chúng ta như bị chìm đắm, hãy lùi lại một chút và hãy nhớ lại mục tiêu toàn diện của cuộc đời chúng ta. Cũng như khi phải trực diện với cảm giác trì trệ hay rối rắm, hãy nghỉ một giờ, một buổi chiều hay ngay cả vài hôm để soi chiếu lại, xem những gì thật sự làm cho chúng ta được hạnh phúc rồi từ đó, điều chỉnh lại cuộc sống. Sự hồi quan phản tỉnh này giúp chúng ta điều hướng lại cuộc đời, tạo một viễn tượng mới cũng như giúp chúng ta nhận ra hướng đi thích hợp.

Đôi khi chúng ta phải đối đầu với những quyết định hệ trọng có ảnh hưởng đến toàn bộ cuộc đời – chúng ta quyết định lập gia đình, có con chẳng hạn hay theo đuổi một chương trình học để trở thành luật sư, nghệ sĩ, thợ điện… một quyết định với mục tiêu rõ rệt là làm cho đời sống được thêm hạnh phúc: hãy tìm hiểu kỹ càng rồi mạnh dạn thực hiện. Quay nhìn Hạnh Phúc như là một mục tiêu có thật và quyết định tìm kiếm Hạnh Phúc một cách có ý thức có thể thay đổi sâu xa phần đời còn lại của chúng ta.

Sự hiểu biết của đức Đạt Lai Lạt Ma về những dữ kiện thật sự mang lại hạnh phúc dựa trên sự quan sát tâm thức của chính Ngài trong suốt cuộc đời. Tìm tòi về bản chất và hoàn cảnh sống của nhân loại, Ngài đã dựa vào những khuôn mẫu do Đức Phật đề ra từ 25 thế kỷ trước. Từ bối cảnh này, đức Đạt Lai Lạt Ma đã có được những kết luận chắc chắn rằng hành vi hay tư tưởng nào là xứng đáng. Ngài đã tóm lược những ý tưởng này như sau mà tôi nghĩ là chúng ta có thể dùng để suy nghiệm:

“Đôi khi, gặp lại những người bạn cũ làm tôi nhớ rằng thời gian đã qua mau đến thế nào và tôi tự hỏi không hiểu rằng tôi đã sử dụng đời tôi một cách thích đáng hay không. Sử dụng thời giờ một cách đúng đắn là điều rất quan trọng. Trong khi còn có được thân xác này, đặc biệt là tâm thức kỳ diệu của con người này, tôi nghĩ rằng từng giây từng phút đều quý giá. Sự hiện hữu hàng ngày của chúng ta được sống động là do hy vọng, dù rằng không có gì đảm bảo ở tương lai. Không ai cầm chắc rằng ngày mai, vào giờ này, chúng ta vẫn còn ở đây nhưng ai cũng đều làm việc với lòng hy vọng. Cho nên phải dùng thì giờ bằng cách thức tối hảo, và theo tôi, đó là: Nếu được, bạn hãy phục vụ tha nhân tức là tất cả chúng sinh hữu tình. Nếu không, thì ít nhất, cũng đừng làm tổn hại đến họ. Đó là tất cả triết lý sống của tôi.

“Vậy chúng ta hãy hồi quan phản tỉnh lại những gì là giá trị đích thực của cuộc sống, những gì là có ý nghĩa cho đời ta rồi từ đó, đặt lại thứ tự ưu tiên cho chính mình. Mục đích của cuộc đời phải tích cực. Chúng ta không sinh ra để làm phiền hà, gây thương tổn cho kẻ khác. Để cuộc sống có giá trị, tôi nghĩ rằng chúng ta phải phát huy những truyền thống tốt đẹp của con người như nhiệt tình, từ ái, hòa nhã và từ đó cuộc sống sẽ có ý nghĩa hơn, an lành hơn và hạnh phúc hơn”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma – Bác Sĩ Howard C. Cutler – Nguyên Dực chuyển ngữ

http://www.quangduc.com

——————————————————————————–

[1] Tri túc tiện túc, đãi túc hà thời túc (Người dịch chú thích thêm).

[2] PHÁP – DHARMA Nghĩa đơn giản nhất là giáo lý do Đức Phật truyền giảng (Phật pháp). Tất cả tam tạng kinh điển – Kinh, Luật, Luận – được gọi chung là Pháp (Giáo pháp). Trong nhà Phật, Pháp được dùng với một ý nghĩa rộng hơn, ý nói tất cả hiện tượng trong vũ trụ do nhân duyên mà sinh hay diệt (Vạn pháp) Chánh pháp hay Phật pháp thường được dùng để nói về những phương pháp thực hành hay tu trì Phật đạo. Trong ngôn ngữ Sanskirt, Dharma theo từ nguyên có nghĩa là giữ gìn, bảo hộ một chúng sinh khỏi bị trầm luân khổ não.

[3] Trong triết học Phật giáo, Phật tính là điểm cơ bản nhất của TÂM. Phật tính có sẵn trong tâm thức của tất cả chúng sinh và không bị hoen ố bởi những cảm xúc hay tư tưởng tiêu cực (vọng niệm).

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.