Hạnh Phúc Chân Thường – Phần I

THỎA MÃN NỘI TẠI

Vào một buổi chiều, trong lúc đi bộ ngang qua khu đậu xe để gặp đức Đạt Lai Lạt Ma, tôi thấy một chiếc Toyota Land Cruiser mới tinh. Tôi ngừng lại và ngắm nghía chiếc xe mà tôi vốn ưa thích và mong có ngày được làm chủ. Sau đó, lúc bắt đầu buổi đàm luận, tôi hỏi:”Đôi khi người ta có cảm tưởng là toàn bộ nền văn minh Tây phương đặt trên nền tảng chiếm hữu vật chất, chúng ta bị vây bủa bởi những quảng cáo về các sản phẩm mới và không dễ gì không bị ảnh hưởng. Chúng ta muốn quá nhiều thứ và những ước muốn này không hề ngừng nghỉ. Xin Ngài nói sơ qua về lòng ham muốn”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời:”Tôi nghĩ rằng có hai loại ham muốn. Có những ham muốn có tính cách tích cực như hạnh phúc, ước vọng hòa bình, mong cho thế giới này được hòa hợp, thân hữu hơn chẳng hạn. Những ham muốn này rất hữu ích. Nhưng đồng thời lòng ham muốn thường đi quá giới hạn và dẫn đến rắc rối. Chẳng hạn như đôi khi tôi đi mua sắm ở các siêu thị. Tôi thích đi thăm các siêu thị vì tôi được nhìn thấy nhiều thứ tốt đẹp ở đây. Khi nhìn thấy những sản phẩm khác nhau tôi nảy sinh ra cảm giác:”Ồ, tôi thích cái này, tôi muốn cái kia”. Nhưng rồi ý nghĩ kế tiếp hiện ra:”À, có thật là tôi cần những thứ này không?” câu trả lời thường là không. Nếu cứ dễ dàng buông thả theo những ý nghĩ đầu tiên thì không mấy chốc mà bạn cạn túi. Nói vậy nhưng các ước muốn về những nhu cầu căn bản của đời sống như quần áo, nhà cửa, thực phẩm… là những ước muốn thích đáng.”Đôi khi một ham muốn trở nên quá đáng hay tiêu cực là do hoàn cảnh xã hội chung quanh. Giả sử như sống trong một xã hội sung túc (ở Tây phương) và cuộc sống cần phải có một chiếc xe thì mong ước một chiếc xe hơi không có gì sai quấy nhưng nếu sống trong một thôn xóm nghèo nàn ở Ấn Độ, ở đó chiếc xe hoàn toàn không cần thiết thì mong muốn có một chiếc xe hơi (dù bạn có đủ tiền) có thể đem lại phiền toái.

Ước muốn này là nguyên nhân tạo ra những ganh tỵ từ những người chung quanh hoặc ngay cả trong xã hội sung túc, nếu bạn cứ mong muốn ngày càng có xe”xịn” hơn thì hậu quả cũng tương tự”.

Tôi cãi lại :

“Nhưng tôi không thấy rằng tậu một chiếc xe mắc tiền hơn sẽ khiến người ta gặp hệ lụy miễn là người ấy đủ tiền. Nếu chiếc xe của tôi mắc tiền hơn xe của ông hàng xóm thì chính ông ấy mới là người ganh tỵ chứ còn tôi thì tôi nghĩ là tôi sẽ thỏa mãn và thích thú hơn”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma lắc đầu và trả lời một cách chắc chắn :

“Không đúng. Tự thỏa mãn không thể là điều kiện xác định một hành động tích cực hay tiêu cực. Một kẻ sát nhân có thể thỏa mãn lúc giết người nhưng sự thỏa mãn đó không phải là điều kiện bào chữa cho việc giết người. Tất cả những hành động bất thiện như nói láo, ăn cắp, ngoại tình…. đều có thể được thực hiện lúc người ta có một cảm giác thỏa mãn về việc đó. Ranh giới giữa tiêu cực và tích cực của một hành động không phải là sự thỏa mãn lúc người ta thực hiện hành động đó nhưng là hậu quả về sau của hành động này. Trong trường hợp một người muốn xe của mình càng mắc tiền hơn, người ấy sẽ không bao giờ thỏa mãn được ý muốn đó: anh ta đi ngược lại thực tại vì một lúc nào đó anh ta sẽ đến cái giới hạn của chính mình. Mà dù có đạt được cái giới hạn đó, anh ta sẽ hết hy vọng và trở nên suy thoái, trầm cảm.

“Do vậy, tôi nghĩ rằng ước muốn thái quá thường dẫn đến tham lam, một trạng thái phóng đại ước muốn dựa trên những mong đợi quá đáng và tham lam thường làm người ta bực bội, bất mãn và rất nhiều rắc rối. Khi luận bàn về tham lam, người ta thấy rằng mặc dù tham lam thoát thai từ ý tưởng chiếm hữu, nhưng chiếm hữu không thỏa mãn lòng tham cho nên nó trở nên vô biên, một thứ túi không đáy. Một điều đặc biệt về tham lam là dù động lực của nó là tìm sự thỏa mãn nhưng mỉa mai thay, người ta vẫn không thỏa mãn sau khi đã chiếm hữu được cái mình muốn. Phản đề chân chính nhứt của tham lam là thỏa mãn. Nếu biết đủ là đủ thì dù có chiếm hữu được hay không bạn vẫn thấy đủ”[1].

Vậy thì làm sao để đạt được trạng thái thỏa mãn nội tại? Có hai cách. Cách thứ nhất là chiếm hữu tất cả những gì chúng ta muốn từ tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, ngay cả một thân thể tuyệt vời. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói ở trên về cách này là một lúc nào đó chúng ta sẽ gặp chính giới hạn của chúng ta nghĩa là không thể làm hơn được nữa. Cách thứ hai đáng tin cậy hơn là thay vì chiếm hữu cái mình mong muốn thì hãy thụ hưởng cái mình có.

Một đêm nọ, truyền hình chiếu cuộc phỏng vấn tài tử Christopher Reeve (người đóng vai Superman rất được ưa chuộng) sau khi bị té ngựa vào năm 1994 và bị tê liệt toàn thân vì chấn thương cột sống. Khi được hỏi là anh ta đã đối đầu với tình trạng bại liệt như thế nào thì Reeve nói rằng anh đã hoàn toàn thất vọng trong thời gian ở trong phòng hồi sinh, tuy nhiên tình trạng này qua đi khá nhanh và anh ta thật lòng cho rằng mình vẫn còn may mắn. Anh nói về ơn huệ của vợ và con anh cũng như cám ơn sự tiến triển vượt bực của y học vì anh cho rằng nếu tai nạn xảy ra sớm hơn ít năm thì có lẽ anh đã chết. Khi nói về tiến trình điều chỉnh cuộc sống cho phù hợp với một thân thể bại liệt, Reeve cho biết rằng trong khi cảm giác tuyệt vọng được vượt qua khá mau lẹ thì anh lại cảm thấy khó chịu, ganh tỵ, đắng cay với những câu nói vô tình của những người khác như”Tôi phải chạy lên lầu lấy món đồ” chẳng hạn. Để đương đầu với cảm giác này, Reeve nói:”Tôi nhận ra rằng cách duy nhất để tiếp tục cuộc sống là tự xét lại bản thân mình, coi mình còn làm được gì và trong trường hợp của tôi, may mắn là đầu óc vẫn còn minh mẫn nên tôi vẫn còn sử dụng được nó”. Tập trung vào phần còn lành lặn của thân thể, Reeve đã sử dụng đầu óc anh ta để tăng cường sự quan tâm của quần chúng về bệnh chấn thương cột sống, giúp đỡ người khác và anh còn định viết và làm phim nữa.

GIÁ TRỊ NỘI TẠI

Chúng ta đã thấy rằng hạnh phúc là ở tâm ta chứ không phải những giá trị bên ngoài như tiền bạc, chức tước hay ngay cả sức khỏe. Có một nguồn gốc khác của hạnh phúc rất gần với THỎA MÃN NỘI TẠI, đó là biết được những GIÁ TRỊ NỘI TẠI của mình và đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói về vấn đề này như sau :

“Thí dụ như trong trường hợp của tôi, giả sử như tôi không có những cảm giác sâu sắc về con người, không có khả năng tạo ra bạn tốt thì khi mất nước, khi mất những quyền hạn chính trị ở Tibet, tôi sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi trở thành một người tỵ nạn. Khi còn ở quê nhà, cá nhân tôi cũng như văn phòng của một vị Lạt Ma được sự kính trọng nể vì của quần chúng dù đôi khi chỉ là hình thức. Nhưng nếu coi đó là mối tương quan duy nhất giữa quần chúng đối với tôi thì khi mất nước tôi sẽ vô cùng khó khăn. Nhưng còn một thứ giá trị và phẩm cách khác để liên hệ với loài người: Anh vẫn liên hệ với họ được vì anh vẫn là một con người trong cộng đồng nhân loại. Anh chia xẻ với họ cái vốn chung đó. Cái mẫu số chung đó khiến anh còn giá trị và phẩm cách. Đó là những an ủi tinh thần trong trường hợp anh đã mất tất cả”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng lại một lúc để nhấp một ngụm trà. Ngài gật gù nói tiếp:”Điều bất hạnh là anh thấy trong lịch sử có nhiều trường hợp những vua chúa bị tiếm vị phải bỏ xứ và phần sau của câu chuyện không mấy tốt đẹp. Tôi cho rằng không có được cảm giác yêu mến và liên đới đối với những người chung quanh, chúng ta sẽ rất khó sống.

“Nói một cách chung chung, ta có thể chia thành hai loại người khác nhau: Trường hợp thứ nhất, anh có thể là một người thành đạt, giàu có được bà con trọng vọng. Nếu phẩm chất của người đó chỉ dựa trên vật chất thì khi nào còn của cải, người đó còn có được cảm giác yên ổn và khi vật chất mất đi, người đó sẽ không có nơi nương tựa. Trường hợp thứ hai, anh cũng thành đạt, giàu có nhưng đồng thời được yêu mến và có từ tâm với những người chung quanh. Khi của cải mất đi, anh vẫn còn một chỗ nương thân và vẫn còn giữ được phẩm cách. Đó là ý nghĩa thực tiễn của Giá Trị Nội Tại”.

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.