Hạnh Phúc Chân Thường – Phần I

Chương 3

HUẤN LUYỆN TÂM THỨC ĐỂ ĐÓN NHẬN HẠNH PHÚC

ĐƯỜNG VỀ HẠNH PHÚC

Nhận thức được rằng Tâm là nguyên nhân quan trọng nhất của hạnh phúc, dĩ nhiên không có nghĩa là từ bỏ những nhu cầu vật chất căn bản như cơm áo nhà cửa. Nhưng khi những nhu cầu này đã được thỏa mãn thì chúng ta nên biết rõ rằng: Chúng ta không cần thêm tiền bạc, không cần phải thành công và danh tiếng hơn, không cần phải có một thân thể tuyệt mỹ hay một người bạn tri âm. Ngay bây giờ, ngay chính giờ phút này, chúng ta có một cái TÂM và nó là tất cả những phương tiện chúng ta cần có để đạt được Hạnh Phúc. Đức Đạt Lai Lạt Ma nói về tâm như sau:

“Tâm hay tâm thức có nhiều dạng. Cũng giống như những điều kiện và đối tượng bên ngoài, có thứ hữu dụng, có thứ tác hại và có thứ trung tính. Khi đối diện với những điều kiện bên ngoài này, chúng ta phải nhận diện cái nào xấu, cái nào tốt. Tốt thì giữ lại để xài, xấu thì vứt bỏ. Tâm hay ý thức của chúng ta cũng có hàng ngàn dạng thức khác nhau và chúng ta cũng phải nhận diện để giữ lại những ý thức tích cực, tốt đẹp và cố gắng giảm bớt những ý thức tiêu cực, bất thiện”.

“Vậy thì, bước đầu tiên đi tìm hạnh phúc là học tập”. Trước nhất, phải biết tại sao những cảm xúc hoặc hành vi xấu/có hại và những hành vi tốt/có lợi cho chúng ta. Rồi phải tìm hiểu tại sao những hành vi xấu không chỉ có hại cho cá nhân chúng ta, mà cả đến xã hội, cộng đồng và tương lai của cả thế giới. Hiểu được như vậy chúng ta mới đủ quyết tâm để trực diện mà khắc phục chúng. Bên cạnh đó là phải nhận thức được những lợi dưỡng do những hành vi tốt đem lại để từ đó cũng tạo một quyết tâm nuôi dưỡng, phát triển chúng bất chấp những khó khăn. Đây là một việc làm song đôi, hai việc một lúc. Trong tiến trình phân biệt những cảm xúc và hành vi tốt hoặc xấu, chúng ta dần dà phát triển cái quyết tâm thay đổi cách thế cảm nhận của chúng ta và thế là chúng ta đã có trong tay cái bí quyết của hạnh phúc.

“Trong Phật giáo, tương quan nhân quả được coi là một định luật tự nhiên và nó được áp dụng vào thực tại cuộc đời. Trong cuộc sống hàng ngày, cách tốt nhất để ngăn chận những điều mình không thích là làm cho cái căn nguyên của những điều đó không phát sinh được. Tương tự như vậy, đối với những điều mình thích thì đương nhiên là phải vun trồng, bồi đắp cái nguyên ủy của nó. Đối với tâm thức cũng vậy. Muốn được hạnh phúc hay muốn tránh đau khổ, chúng ta cũng phải tìm đến cội nguồn của chúng để phát triển hoặc ngăn chận. Quan hệ nhân quả phải được thấu triệt một cách cẩn trọng.

“Chúng ta đã nói đến vai trò tối thượng của tâm thức đối với hạnh phúc cho nên công tác tiếp theo là khảo sát các hình thái khác nhau của tâm thức mà chúng ta thường cảm nhận được. Chúng ta phải phân biệt một cách rõ ràng những hình thái tâm thức này”.

Tôi nói:”Xin Ngài cho vài thí dụ cụ thể về những trạng thái khác nhau của ý thức và làm sao để phân loại chúng”. Đức Đạt Lai Lạt Ma giảng giải:

“Ví dụ như ghét bỏ, ganh tỵ, giận dữ… là những cảm xúc nguy hại. Chúng ta coi chúng là những cảm xúc tiêu cực vì chúng hủy diệt hạnh phúc. Khi đã ghét bỏ một người nào đó hoặc nếu trong lòng đầy ắp thù hận thì đối với bạn, tha nhân chỉ toàn là thù nghịch. Kết quả của trạng thái này là bạn sợ hãi nhiều hơn, do dự hơn và cảm thấy bất an hơn. Trái lại, những xúc cảm như thương yêu, từ ái thì rất tích cực và hữu ích….”

Tôi ngắt lời:”Tôi muốn biết… như Ngài đã nói là có hàng ngàn loại cảm xúc khác nhau, vậy Ngài có thể định nghĩa thế nào là một người có tâm lý khỏe mạnh, dễ hòa đồng? Tôi nghĩ là chúng ta có thể dùng định nghĩa đó như là một chỉ dẫn để phân biệt những cảm xúc cần được vun trồng hay cần được ngăn chận”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma cười và Ngài trả lời tôi với vẻ khiêm tốn cố hữu:”Là một tâm lý gia thì anh biết rõ hơn tôi thế nào là một người có tâm lý khỏe mạnh chứ!”

“Nhưng tôi có ý nói đến quan niệm của Ngài”.

“Theo tôi thì từ tâm, nồng nhiệt, tốt bụng là người có tâm lý khỏe mạnh. Nếu cứ giữ gìn cảm xúc từ ái, yêu thương, tâm của bạn sẽ rộng mở và qua đó, bạn sẽ truyền đạt rất dễ dàng với tha nhân. Sự nồng ấm thân thiện sẽ tạo ra tính phóng khoáng, chân tình. Bạn sẽ nhận ra rằng tất cả mọi người cũng giống như bạn và do vậy, bạn dễ dàng liên hệ với tất cả mọi người. Tình bằng hữu sẽ nảy sinh và do vậy không cần phải dấu diếm và kết quả là cảm giác sợ hãi, nghi ngại, bất an sẽ tự nhiên tan biến. Nó cũng tạo ra lòng tin đối với người khác: thí dụ như bạn biết một người nào đó có khả năng và bạn biết họ làm được việc mà bạn đang cần đến, nhưng nếu bạn nghĩ rằng người đó không tử tế lắm thì bạn có vẻ nghi ngại và từ đấy, tạo ra một khoảng cách giữa người đó và bạn.

“Do vậy, tôi nghĩ rằng vun bồi những trạng thái tâm lý tích cực như từ ái, yêu thương sẽ khiến người ta có được một tâm lý khỏe mạnh và hạnh phúc”.

NGUYÊN TẮC TINH THẦN

Nghe đức Đạt Lai Lạt Ma nói, tôi nhận thấy khuynh hướng đạt đến hạnh phúc của Ngài thật lôi cuốn vì rất thực tế và hợp lý: Nhận diện rồi bồi dưỡng các trạng thái tinh thần tích cực – nhận diện rồi loại bỏ các trạng thái tinh thần tiêu cực. Mặc dù mới nghe qua thì hình thức loại suy này có vẻ khó khăn nhưng tôi như bị hấp dẫn bởi lối lập luận đúng phương pháp của nó. Tôi cũng thích cách phân loại các trạng thái tinh thần của đức Đạt Lai Lạt Ma. Thay vì sử dụng những tiêu chuẩn phê phán có tính cách luân lý như:”Tham lam là tội lỗi”,”Thù hận là xấu xa”, Ngài lại phân biệt những cảm xúc tích cực hay tiêu cực dựa trên căn bản là những cảm xúc này có dẫn chúng ta đến hạnh phúc đích thực hay không.

Tiếp tục cuộc đàm thoại vào buổi chiều hôm sau, tôi hỏi:”Nếu hạnh phúc đơn giản chỉ là chuyện vun xới những cảm xúc tích cực như tâm từ, tâm hỷ… tại sao nhiều người vẫn không vui vẻ, hạnh phúc?”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời :

“Muốn đạt được chân hạnh phúc người ta phải thay đổi quan niệm về cuộc đời, cách thế suy nghĩ và đây không phải là chuyện dễ dàng. Nó đòi hỏi chúng ta phải áp dụng nhiều nhân tố từ nhiều cách thế khác nhau. Thí dụ như không nên nghĩ rằng chỉ có một chiếc chìa khóa hay một bí quyết có thể giải quyết được tất cả mọi sự. Như khi chăm sóc cơ thể vật lý của mình, chúng ta cần rất nhiều sinh tố và chất dinh dưỡng chứ không phải chỉ cần vài thứ – cũng vậy, muốn đạt được hạnh phúc, người ta cần rất nhiều phương pháp và cách thế khác nhau. Đồng thời để khắc phục những suy nghĩ tiêu cực, chúng ta cũng không thể chỉ sử dụng một vài phương pháp hành trì. Thay đổi cần thời gian. Ngay cả những thay đổi vật lý cũng vậy, như trường hợp đi từ vùng này đến vùng khác, người ta cần thời gian để làm quen với môi trường mới. Chuyển hóa tâm thức cũng cần nhiều thời gian. Có rất nhiều trạng thái tinh thần tiêu cực mà chúng ta cần ghi nhớ và đề kháng từng điểm một. Chuyện này không phải dễ, nó đòi hỏi chúng ta phải lập đi lập lại nhiều lần những kỹ thuật khác nhau cũng như cần thời gian để chúng ta làm quen với những cách thực tập đó. Đây là một tiến trình học tập.

“Tuy vậy, theo với thời gian người ta cũng tạo được những thay đổi tích cực. Mỗi buổi sáng thức dậy, chúng ta có thể phát huy một động lực rất tích cực bằng cách nghĩ rằng:”Tôi sẽ dùng ngày hôm nay một cách hữu ích hơn, tôi không nên lãng phí ngày hôm nay”. Rồi đêm đến trước khi đi ngủ, xét lại những việc đã làm, hãy tự hỏi rằng:”Tôi có dùng ngày hôm nay như tôi dự định không?”. Nếu đúng như đã dự định, chúng ta hãy vui thích. Nếu không, hãy hối cãi và tự phê bình. Với những phương pháp như vậy, chúng ta có thể dần dà củng cố tính tích cực của tâm thức.

“Trong trường hợp của riêng tôi, vì là một tu sĩ Phật giáo nên tôi tin vào đạo Phật và qua kinh nghiệm cá nhân, tôi biết rằng thực hành Phật pháp rất tốt cho tôi. Tuy nhiên do thói quen đã huấn tập từ nhiều kiếp, các cảm xúc giận hờn hay tham đắm vẫn nổi lên. Và tôi làm như thế này: Đầu tiên, tôi nghĩ đến giá trị tích cực của sự hành trì, rồi bồi bổ mối quyết tâm, rồi sau cùng là tìm cách thực hiện. Lúc đầu, những hành trì tích cực được thực hiện rất ít nên ảnh hưởng tiêu cực vẫn còn mạnh, nhưng từ từ, sự tăng trưởng của các hành trì tích cực sẽ khiến cho những cảm xúc tiêu cực tự động giảm bớt. Cho nên hành trì CHÁNH PHÁP[2] là một cuộc chiến trường kỳ của nội tâm để thay thế các thói quen tiêu cực đã có từ xưa bằng những quy định mới tích cực hơn.

“Bất luận phương pháp hành trì nào cũng đều giúp ích chúng ta trong việc thay đổi, chuyển hóa bản thân. Có rất nhiều phương cách giúp chúng ta giữ cho tâm được an ổn khi có những biến cố xảy ra làm rối loạn tâm trí. Nếu cứ tập đi tập lại những phương pháp này, chúng ta có thể đạt đến trạng thái mà những rối loạn có thể xảy ra nhưng những ảnh hưởng tiêu cực của chúng chỉ xuất hiện ở bề mặt của tâm thức giống như những gợn sóng lăn tăn trên mặt nước chứ không ảnh hưởng gì đến đáy hồ. Mặc dù không có nhiều kinh nghiệm lắm, tôi cũng thật chứng điều này trong quá trình tu tập. Cho nên đôi khi nhận được những tin tức bi đát, tôi cũng bị bối rối ngay trong lúc đó nhưng rồi cảm giác ấy qua đi khá nhanh. Hoặc những cảm tưởng khó chịu hay giận dữ cũng vậy, thoáng qua rồi thôi chứ không chìm sâu vào tâm thức. KHÔNG HẬN THÙ – Điều này không xảy ra một sớm một chiều mà chỉ có được sau nhiều công lao tu tập”.

Dĩ nhiên không phải một sớm một chiều, đức Đạt Lai Lạt Ma đã được huấn luyện tâm thức từ khi Ngài mới 4 tuổi.

Rèn luyện tâm thức một cách có hệ thống là một công tác khả thi do cấu trúc và chức năng của não bộ. Chúng ta ra đời với một bộ óc bao gồm những mẫu mực xúc cảm có tính cách di truyền. Chúng ta đối phó với hoàn cảnh chung quanh bằng những cách thế giúp chúng ta sống còn dựa trên những điều kiện tinh thần và vật chất bẩm sinh. Những điều kiện này được mã hóa (encoded) vào vô số các mô thức được dùng để khởi động các tế bào thần kinh, đặc biệt là các tế bào não bộ sẽ phản ứng khi một biến cố, một kinh nghiệm hay một tư tưởng hiện ra. Nhưng các mô thức khởi động này không tĩnh, mà lại rất dễ thích ứng, dễ thay đổi. Các nhà thần kinh học đã ghi nhận rằng não bộ có thể tạo ra những mẫu mực mới, tổng hợp mới giữa các tế bào thần kinh và chất xúc tác để đáp ứng với những đòi hỏi mới. Nói đúng ra, não bộ của chúng ta rất dễ uốn nắn, luôn luôn thay đổi, tái sắp xếp tùy theo những ý tưởng và những kinh nghiệm mới. Kết quả là chức năng của từng tế bào thần kinh tự thay đổi để cho các tín hiệu di chuyển được dễ dàng hơn. Các khoa học gia gọi đây là tính tạo hình (plasticity) của não bộ. Hai bác sĩ Avi Kami và Leslie Underleider tại National Institute of Mental Health đã làm thí nghiệm như sau: Các đối tượng được yêu cầu làm các động tác đơn giản như nhịp ngón tay chẳng hạn. Phần não bộ liên hệ đến việc điều khiển các động tác này được nối liền với một máy phân hình (MRI scan). Các đối tượng thi hành động tác này trong bốn tuần lễ liên tiếp, càng lâu thì động tác càng nhanh và nhiều hiệu năng hơn. Sau 4 tuần, máy phân hình cho thấy phần não bộ liên hệ trở nên lớn hơn. Điều này có nghĩa là sự lập đi lập lại một động tác làm gia tăng số lượng tế bào thần kinh và làm thay đổi sự nối kết giữa các tế bào này với nhau.

Đặc tính kỳ diệu này của não bộ là điểm căn bản của việc chuyển hóa tâm thức về phương diện vật lý. Bằng cách vận động các tư tưởng cũng như thực hành những phương thức suy nghĩ mới, chúng ta có thể sắp xếp lại các tế bào thần kinh cũng như thay đổi cách làm việc của não bộ. Nó cũng là nền tảng của ý tưởng cho rằng chuyển hóa nội tại bắt đầu bằng sự học tập (nhập liệu mới), thay đổi dần dần các quy trình cũ (các mô thức khởi động thần kinh hiện có) bằng các quy trình mới (tạo các mạch thần kinh mới).

Như thế, huấn luyện tâm thức để đón nhận hạnh phúc là một công tác khả thi.

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.