Hạnh Phúc Chân Thường – Phần II

LỆ THUỘC VÀO NGƯỜI KHÁC VÀ TỰ LỰC

“Tất cả mọi chúng sinh đều có chủng tử của sự toàn thiện. Tuy nhiên để chủng tử này được phát khởi trong tâm và trí của mỗi cá nhân, chúng ta cần đến từ tâm”.

Đó là những lời mở đầu của buổi nói chuyện trước một đám đông yên lặng gồm 1500 người kể cả một số sinh viên Phật giáo. Hôm đó đức Đạt Lai Lạt Ma nói về ý niệm phước điền.

Theo quan điểm Phật giáo, phước là những ấn chứng tích cực của tâm thức, do kết quả của việc hành thiện. Đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích rằng phước điền hay ruộng phước là nơi chúng ta tích lũy công đức, và theo tín lý nhà Phật, đây là nơi quyết định cảnh giới mà chúng ta sẽ tái sinh. Ngài nói rằng giáo lý nhà Phật đề cập đến hai loại phước điền: Một của chư Phật và một của chúng sinh. Cách thứ nhất để được phước là giữ vững tín tâm và phụng thờ chư Phật tức là các bậc Giác Ngộ. Cách thứ hai là phát triển lòng yêu thương, rộng lượng, tha thứ, cũng như tránh các hành vi tiêu cực như Sát (giết hại), Đạo (trộm cắp), Vọng (dối trá)… Cách thứ nhì này đòi hỏi chúng ta phải liên hệ với tha nhân thay vì với chư Phật, và trên căn bản này, đức Đạt Lai Lạt Ma nói rằng tha nhân có thể giúp chúng ta rất nhiều trong việc tạo phước.

Khi nói rằng tha nhân là phước điền của chúng ta, đức Đạt Lai Lạt Ma có vẻ đã tạo được những ấn tượng đậm nét đối với thính giả. Những luận cứ rõ ràng cộng với giọng điệu đầy vẻ thuyết phục đã gây ra một tác động mạnh mẽ tại buổi nói chuyện chiều hôm đó. Khi nhìn quanh phòng, tôi thấy đa số thính giả đã không giữ được vẻ yên tĩnh thường có. Riêng tôi thì không bị mê hoặc lắm vì trong một buổi đàm đạo với đức Đạt Lai Lạt Ma trước đó, tôi đã ý thức được tầm quan trọng của từ tâm. Tôi vẫn còn bị ảnh hưởng bởi những năm dài suy luận theo tinh thần duy lý cũng như những điều kiện khoa học cứ bảo tôi rằng những biện giải về thương yêu, từ ái chỉ toàn là cảm tính.

Tai nghe đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện mà trí óc tôi thì phiêu diêu lãng đãng. Tôi lặng lẽ nhìn quanh phòng để tìm xem có ai quen, những nhân vật nổi tiếng. Tôi hơi buồn ngủ vì đã ăn trưa khá đầy bụng trước khi buổi nói chuyện bắt đầu. Nửa ngủ nửa thức, tôi nghe đức Đạt Lai Lạt Ma nói:

“….hôm đó tôi nói về những điều kiện cần thiết để có được một cuộc sống vui vẻ thoải mái. Các điều kiện như là sức khỏe tốt, bạn hiền, vật chất đầy đủ… Nếu tìm hiểu một cách cặn kẽ, chúng ta sẽ thấy rằng tất cả các điều kiện này đều tùy thuộc vào người khác. Muốn cho sức khỏe được bảo trọng, chúng ta phải nhờ đến thuốc men do người khác chế tạo ra, các dịch vụ y tế do người khác cung cấp. Tất cả các điều kiện vật chất cũng vậy, chúng đều có liên quan đến người khác một cách trực tiếp hay gián tiếp. Không nói thì ai cũng biết rằng khi đề cập đến bạn hữu, bạn đường hay bạn tình, tức là chúng ta đã nói đến một cá thể khác, một chúng sinh hữu tình khác.

“Do đó, quý vị có thể thấy rằng tất cả những điều kiện này nối kết một cách vô cùng mật thiết với những người khác. Tha nhân không thể thiếu được trong cuộc sống của chúng ta cho nên trong mối quan hệ với tha nhân có thể có những khó khăn, tranh cãi…, chúng ta cũng nên giữ một thái độ thân thiện, nồng ấm, để từ đó có thể tạo dựng được một cuộc sống hạnh phúc trong khi vẫn liên hệ đến người khác”.

Nghe đức Đạt Lai Lạt Ma nói như vậy, tôi cảm thấy không mấy đồng ý. Dù vẫn thường đánh giá cao mối liên hệ với gia đình và bằng hữu, tôi cho rằng cá nhân tôi là một người tự lập và tự lực. Tôi vẫn tự hào như vậy, và trong thâm tâm, tôi cho những kẻ hay nhờ cậy người khác là yếu đuối.

Ngay buổi chiều hôm đó, trong lúc tiếp tục nghe đức Đạt Lai Lạt Ma nói chuyện, một điều khác thường đã xảy ra cho tôi. Vì không thích thú lắm với quan niệm lệ thuộc vào tha nhân, nên trí óc tôi lại bắt đầu phiêu du vô định và tay tôi mân mê một sợi chỉ ở tay áo một cách vô thức. Khi đức Đạt Lai Lạt Ma nói về mối tương quan của tha nhân với các điều kiện vật chất trong cuộc sống của chúng ta, tôi bỗng liên tưởng đến những người đã tham dự vào việc làm ra cái áo tôi đang mặc. Tôi nghĩ đến những người ở nông trại trồng bông vải, rồi đến những người bán máy cày để làm đất. Từ chiếc máy cày, tôi nghĩ đến hàng ngàn người liên hệ đến việc tạo ra chiếc máy cày, đến những công nhân ở các hầm mỏ, những họa viên vẽ kiểu chiếc máy cày. Rồi thì những người biến chế bông vải, những thợ dệt, thợ nhuộm, thợ may … Cả đến những tài xế xe tải chở áo giao cho các tiệm quần áo và những người bán hàng đã bán chiếc áo cho tôi. Tôi bỗng nhiên nhận thức được rằng hầu như tất cả mọi phương diện trong đời sống của tôi đều có bàn tay của tha nhân góp sức vào. Niềm tự hào và tính tự lập của tôi hóa ra chỉ là một ảo giác, một hoang tưởng. Từ nhận thức này, tôi chứng ngộ một cách sâu xa mối liên hệ hỗ tương, sự tùy thuộc lẫn nhau giữa các sinh vật. Tâm tư tôi như chùng lại. Tôi hiểu được một cái gì đó mà tôi chưa bao giờ biết đến. Tôi cảm thấy thổn thức trong lòng.

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.