Hạnh Phúc Chân Thường – Phần II

TÌNH CẢM RIÊNG TƯ

Sự cần thiết của tha nhân đối với chúng ta là một nghịch lý. Trong lúc nền văn hóa của chúng ta tôn vinh tính tự lập thì con người vẫn khao khát những tình cảm thầm kín cũng như mối liên hệ với những người thân yêu. Chúng ta tập trung tất cả ý lực để tìm cho được một người nào đó hầu chấm dứt nỗi cô đơn trong khi vẫn giữ chặt cái ảo giác rằng chúng ta tự lập. Thường thì chúng ta không dễ gì đặt tất cả tin tưởng vào một người trong khi đức Đạt Lai Lạt Ma lại khuyến cáo là hãy tin tưởng càng nhiều càng tốt nếu không nói là tin cậy tất cả mọi người.

Tôi hỏi đức Đạt Lai Lạt Ma vào một buổi chiều, tại phòng khách riêng của Ngài trong khách sạn: “Trong buổi nói chuyện ngày hôm qua, Ngài có đề cập đến tầm quan trọng của tha nhân, coi tha nhân là phước điền của mọi người. Nhưng khi khảo sát mối liên hệ với tha nhân, người ta thấy có rất nhiều hình thức khác nhau…”

“Đúng vậy”. Đức Đạt Lai Lạt Ma gật đầu.

“Thí dụ ở Tây phương, người ta thường đánh giá cao mối liên hệ có tính cách riêng tư giữa hai người – tức là một ai đó mà mình có thể bộc bạch những cảm tưởng sâu kín nhất, có thể chia xẻ với họ nỗi lo sợ trong lòng… Người ta cho rằng nếu không có được mối liên hệ đó thì chúng ta đã sống không trọn vẹn. Thật ra, môn tâm lý trị liệu của Tây phương thường khuyến cáo người ta nên tìm cách phát triển mối liên hệ riêng tư này”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma tán đồng: “Đúng, tôi cũng nghĩ là loại tình cảm riêng tư như vậy có thể được xem là tích cực. Nếu một người nào đó bị tước đoạt mất mối liên hệ này, họ sẽ có vấn đề….”

Tôi nói tiếp: “Tôi không biết rằng…. khi lớn lên ở Tây Tạng, Ngài không những được coi như một ông vua mà còn được tôn vinh như một vị thần, cho nên tôi nghĩ rằng mọi người đều kính nể Ngài, hoặc hơn nữa, sợ hãi khúm núm khi đứng trước mặt Ngài. Điều đó có tạo ra một khoảng cách tâm lý giữa Ngài và mọi người? một cảm giác cô lập? Lại nữa, xa nhà từ khi còn nhỏ, được giáo dục để trở thành một tu sĩ suốt đời độc thân…. Tất cả những chuyện đó có làm cho Ngài cảm thấy xa cách với mọi người? Có bao giờ Ngài cảm thấy thiếu vắng những tâm tình thầm kín với một người nào đó, người phối ngẫu chẳng hạn?”

Không do dự, đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời :

“Không, tôi không bao giờ cảm thấy thiếu thốn tình cảm riêng tư. Dù thân phụ tôi qua đời đã lâu nhưng tôi rất gần gũi với mẹ, thầy, đạo sư cũng như những người khác. Với họ, tôi có thể chia xẻ những cảm tình thầm kín, những nỗi lo sợ, những mối quan tâm. Khi còn ở Tây Tạng, dĩ nhiên là tôi phải tham dự những lễ, hội của chính phủ; nhưng vào những lúc rảnh rỗi, tôi cũng thường loanh quanh ở nhà bếp để chuyện trò, đùa giỡn với ban trai soạn. Những lúc như vậy tôi rất thoải mái, và không có cảm tưởng xa cách hay nghi thức. Cho nên dù ở Tây Tạng hay sau khi trở thành người tỵ nạn, tôi không có cảm giác thiếu người để chia xẻ tình cảm. Có thể một phần do bản tính của tôi vì tôi rất dễ hòa đồng với người khác. Tôi rất dở trong việc giữ bí mật”.

Đức Đạt Lai Lạt Ma cười và tiếp tục câu chuyện :

“Dĩ nhiên là cũng có những chuyện không hay xảy ra vì nhiều khi tôi không giữ kín được những bàn thảo bí mật trong nội các lưu vong. Nhưng trên bình diện cá nhân thì chia xẻ và cởi mở là những yếu tố rất hữu dụng. Cũng do bản tính này mà tôi kết bạn rất dễ, không phải chỉ để làm quen và chào hỏi qua loa mà ngay cả chia xẻ những vấn đề quan hệ hoặc những đau khổ trong lòng. Khi có được tin vui cũng vậy, tôi mau mắn cho mọi người biết, và tôi có cảm tưởng thân mật, liên hệ mật thiết với bạn bè. Dĩ nhiên tôi biết rằng sở dĩ tôi dễ dàng thiết lập mối quan hệ với người khác vì họ thường rất vui mừng được chia xẻ buồn vui với tôi, với ‘đức Đạt Lai Lạt Ma’ “. Ngài lại cười và châm biếm tước hiệu của Ngài: “Tuy nhiên, tôi thích chia xẻ với người khác. Trong quá khứ, khi không hài lòng với chính sách của chính phủ Tây Tạng hay bị ám ảnh bởi mối đe dọa xâm lăng của Trung Quốc, tôi quay về phòng riêng và tâm sự với người dọn phòng. Trên một quan điểm nào đó, điều này có vẻ lố bịch và dại dột khi một vị Lạt Ma, thủ lãnh của chính phủ Tây Tạng đang gặp những khó khăn quốc nội và quốc ngoại lại đi thố lộ với người quét dọn nhà cửa”. Đức Đạt Lai Lạt Ma lại cười: “Nhưng cá nhân tôi lại thấy hữu dụng vì khi người này bày tỏ quan điểm thì chúng tôi đã cùng nhau đối phó với vấn đề”.

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.