Hạnh Phúc Chân Thường – Phần II

NỚI RỘNG Ý NGHĨA CỦA TÌNH CẢM RIÊNG TƯ

Hầu như tất cả các nhà nghiên cứu về mối liên hệ giữa người với người đều đồng ý rằng tình cảm riêng tư là trọng tâm của cuộc sống. Nhà phân tích tâm lý nổi tiếng người Anh là John Bowlby đã viết như sau: “Cuộc đời mỗi người quay quanh những liên hệ thầm kín với người khác. Cũng từ những quan hệ này, người ta tìm được động lực để vui hưởng đời sống, và qua những đóng góp của mình, người ta làm cho người khác có sức mạnh để vui hưởng cuộc đời. Đây cũng là điểm gặp gỡ của khoa học hiện đại và túi khôn muôn đời”.

Rõ ràng là quan hệ riêng tư làm người ta khỏe mạnh hơn về thể lực lẫn tâm lý. Các nhà nghiên cứu y học nhận thấy rằng những người có bạn thân để thố lộ, chia xẻ tâm tình là những người chống chỏi được những thử thách về sức khỏe như chấn thương tim mạch, giải phẫu. Họ cũng ít bị những bịnh như ung thư và bệnh về hệ thống hô hấp. Một cuộc nghiên cứu với hơn 1,000 bệnh nhân tim mạch tại trung tâm y khoa thuộc đại học Duke cho thấy rằng những người không có vợ/chồng hay bạn thân có mức tử vong 3 lần cao hơn những người khác trong vòng 5 năm kể từ khi mắc bịnh. Một cuộc nghiên cứu khác ở Alameda County thuộc California với nhiều ngàn dân cư trong suốt chín năm liền cũng cho thấy những người có quan hệ riêng tư với người khác có tử xuất thấp hơn cũng như ít bị bịnh ung thư hơn. Trường y khoa thuộc đại học Nebraska đã theo dõi các bệnh nhân cao niên cũng thấy rằng những người có quan hệ riêng tư thường có hệ thống kháng bệnh mạnh hơn và mức Cholesterol trong máu thấp hơn. Trong những năm gần đây, ít nhất đã có 6 cuộc nghiên cứu sâu rộng được điều hành bởi nhiều nhà sưu tầm khác nhau để tìm hiểu mối tương quan giữa quan hệ riêng tư và sức khỏe. Sau khi phỏng vấn nhiều ngàn người, các nhà nghiên cứu có vẻ đã đồng ý rằng tình cảm riêng tư làm tăng cường sức khỏe.

Người ta cho rằng tình cảm riêng tư cũng quan trọng như giữ gìn những cảm xúc tốt đẹp. Nhà phân tích tâm lý kiêm triết gia Erich Fromm cho rằng nỗi lo âu căn để nhất của con người là bị tách rời khỏi tha nhân. Ông ta tin rằng kinh nghiệm về sự chia cách lúc thiếu thời đã là nguyên nhân của cảm giác lo sợ trong cuộc sống. John Bowlby cũng đồng ý như vậy khi đưa ra những bằng chứng để hỗ trợ cho ý tưởng nói rằng bị tách rời khỏi người bảo hộ -thường là mẹ hoặc cha- trong năm đầu tiên đã tạo ra cảm giác sợ hãi và buồn khổ một cách rất rõ rệt cho những đứa bé. Ông cho rằng sự cách ly hoặc mất người thân là căn nguyên của cảm giác lo âu, buồn bã và phiền muộn của con người.

Biết rằng tình cảm riêng tư rất quan trọng, nhưng làm sao để chúng ta tạo được loại tình cảm này trong cuộc sống? Theo quan điểm của đức Đạt Lai Lạt Ma đã được đề cập ở trên thì chúng ta có thể học hỏi được bằng cách hiểu rõ thế nào là tình cảm riêng tư; đồng thời tìm kiếm một định nghĩa, một khuôn mẫu khả thi cho thứ tình cảm này trong cuộc sống. Nhưng nếu muốn tìm một câu trả lời có tính cách khoa học thì lại rất khó vì tuy các nghiên cứu gia đều đồng ý về địa vị quan trọng của tình cảm riêng tư, nhưng người ta lại hoàn toàn bất đồng quan điểm với nhau về những định nghĩa rất đa dạng của tình cảm này. Desmond Morris là một tác giả đã có những ý kiến rất đặc thù và rõ rệt, ông nhìn tình cảm riêng tư dưới quan điểm bản năng động vật của một nhà động vật học.

Trong cuốn Intimate Behaviour, tác giả Morris đã định nghĩa tình cảm riêng tư như sau: “Riêng tư có nghĩa là gần gũi. Tôi cho rằng hành động riêng tư xảy ra khi hai cá nhân đụng chạm thể xác”. Sau khi định nghĩa tình cảm riêng tư thuần túy là các đụng chạm có tính cách vật lý như vậy, ông ta đề cập đến vô số phương pháp tiếp cận giữa người với người: từ một cái vỗ vai đơn giản đến những ôm ấp trong hoạt động tình dục. Đụng chạm là phương tiện để chúng ta truyền đạt sự an ủi đồng thời nhận sự an ủi từ người khác như ôm vai hay cầm tay. Ngay cả việc sơn móng tay của qúy bà, theo Morris, cũng là một hình thức đụng chạm vật lý. Ông còn đề cập đến những va chạm vật lý của chúng ta đối với các vật vô tri quanh mình: cầm thuốc lá, đeo nữ trang, nằm giường nước…. cũng là những dạng thức thay thế, những phó sản của tình cảm riêng tư.

Những nhà nghiên cứu khác không đưa ra những định nghĩa chắc chắn về tình cảm riêng tư, nhưng đồng ý với nhau rằng riêng tư không chỉ đơn thuần là đụng chạm. Trong tiếng La tinh, riêng tư có nguồn gốc từ chữ Intima có nghĩa là bên trong, sâu kín và thường có một phạm trù rộng lớn hơn. Bác sĩ Dan Mc Adam, tác giả một số sách nói về tình cảm riêng tư, cho rằng “ước muốn tình cảm riêng tư là ước muốn được chia xẻ với người khác về những cảm nghĩ thầm kín của mình”.

Nhưng những định nghĩa của riêng tư chưa ngừng ở đây. Đối nghịch với quan điểm của Desmond Morris là nhóm tâm lý gia chuyên nghiệp gồm hai cha con Malone (Thomas Patrick và Patrick Thomas). Hai người này cùng viết cuốn The Art of Intimacy, trong đó họ định nghĩa tình cảm riêng tư là “kinh nghiệm của sự kết nối”. Quan điểm của họ về tình cảm riêng tư dựa trên sự khảo sát rất kỹ lưỡng về sự nối kết giữa chúng ta và người khác. Tuy nhiên, ý tưởng của họ đã không bị giới hạn trong phạm vi liên hệ giữa người với người mà đề cập đến cả mối liên hệ của chúng ta đối với cây cối, trăng sao, và ngay cả không gian xa xôi vô tận.

Ý niệm về một dạng thức lý tưởng của riêng tư cũng thay đổi tùy theo hoàn cảnh địa dư và lịch sử. Quan niệm lãng mạn về ‘một nhân vật lý tưởng’, người mà chúng ta say mê, mong ước có được mối liên hệ riêng tư là sản phẩm của thời đại và nền văn hóa của chúng ta. Nhưng kiểu mẫu này không được chấp nhận trong tất cả các nền văn hóa. Thí dụ như người Nhật dựa vào tình bạn để xây dựng tình cảm riêng tư trong khi người Mỹ hướng nhiều đến mối liên hệ tình cảm với bạn gái/bạn trai hay người phối ngẫu. Dựa vào yếu tố này, vài nhà nghiên cứu cho rằng người Á châu ít chú trọng đến tình cảm cá nhân -như đam mê chẳng hạn- mà quan tâm nhiều đến những ràng buộc, những ước lệ của xã hội. Người ta nhận thấy rằng những ràng buộc, ước lệ này ít khi làm người ta “vỡ mộng”, một nguyên nhân thường khiến các mối liên hệ tình cảm bị đổ vỡ.

Ngoài sự khác biệt giữa các nền văn hóa, ý niệm về riêng tư cũng thay đổi lớn lao theo thời gian. Lúc nước Mỹ còn là một thuộc địa, mức độ gần gũi và kín đáo của con người quan trọng hơn bây giờ nhiều, vì ngày nay, các thành viên trong gia đình và cả người lạ nữa (khách, bạn…) cũng có thể dùng chung những tiện nghi trong nhà như phòng tắm, phòng ăn và ngay cả phòng ngủ. Cách nói chuyện giữa vợ chồng cũng trở nên dễ dãi, ít nghi thức hơn, chẳng khác gì mấy ông hàng xóm nói chuyện với nhau. Chỉ mới trong thế kỷ này, tình yêu và hôn nhân mới bị lãng mạn hóa cao độ và người ta đòi hỏi người phối ngẫu phải ngay thật về các chuyện riêng tư.

Các ý niệm về riêng tư và thầm kín cũng thay đổi theo thời gian. Vào thế kỷ 16 tại Đức quốc chẳng hạn, tân lang và tân giai nhân phải hợp cẩn trên chiếc giường được mang đến bởi những chứng nhân của buổi tiệc cưới. Cách thức diễn đạt cảm xúc cũng thay đổi. Vào thời Trung cổ, bày tỏ cao độ những cảm xúc vui thích, thịnh nộ, sợ hãi, thương hại, và ngay cả sự thích thú trong việc hành hạ hay xử tử kẻ thù…. là một điều bình thường. Cười rộn ràng, khóc mùi mẫn, giận dữ hung bạo trước trước mặt đám đông được chấp nhận nhiều hơn so với xã hội ngày nay. Nhưng khi những cảm xúc đó được bày tỏ một cách thoải mái và tự nhiên trước công chúng, thì người ta không còn gì là riêng tư và thầm kín nữa.

Rõ ràng là những ý niệm về riêng tư cũng không có tính cách toàn cầu, nó thay đổi theo thời gian và bị ảnh hưởng bởi các điều kiện văn hóa, kinh tế, xã hội. Cho nên chúng ta rất dễ bị bối rối trước vô số các định nghĩa khác nhau về ý niệm riêng tư. Vậy thì tình cảm riêng tư là gì? Theo tất cả những điều vừa được trình bày ở trên thì: Riêng tư là một tình cảm có vô số chiều kích và người ta có thể cảm nhận nó bằng vô số hình thái khác nhau. Nhận thức được như vậy, chúng ta có một cơ hội to lớn: Ngay trong giây phút này, chúng ta đã có vô số mạch nguồn của riêng tư – Tình cảm riêng tư ở khắp mọi nơi.

Ngày nay, cảm giác thiếu thốn một cái gì đó trong cuộc đời thường làm chúng ta ngột ngạt, khó chịu và nếu sự thiếu thốn đó là tình cảm riêng tư thì con người rất khốn khổ. Điều này ai cũng từng trải qua một giai đoạn nào đó trong đời khi thiếu vắng những liên hệ tình cảm hay khi sự đam mê suy khuyết dần trong những liên hệ này. Trong nền văn hóa của chúng ta, người ta cũng thường nghĩ rằng tình cảm thầm kín nhất chỉ được bộc lộ ra trong quan hệ yêu đương, rằng CHÀNG hay NÀNG là người đặc biệt nhất trong thiên hạ. Điều này đóng khung quan điểm của chúng ta, khép kín lối vào những hình thái khác của riêng tư, cho nên khi CHÀNG hay NÀNG không còn nữa thì chúng ta đau khổ vô cùng vì chúng ta chẳng còn gì cả.

Nhưng thật ra, chúng ta có khả năng tránh được tình trạng này. Chỉ cần có can đảm để bành trướng quan niệm của chúng ta về riêng tư, chấp nhận những hình thái khác của riêng tư trong đời sống hàng ngày. Nới rộng định nghĩa của riêng tư, chúng ta sẽ mở ngõ tâm hồn để đón nhận những phương thức mới khác không kém thú vị trong cách thế liên hệ với tha nhân. Điều này khiến chúng ta nhớ lại cuộc bàn luận giữa đức Đạt Lai Lạt Ma và tôi về sự cô đơn, cuộc bàn luận đã bất ngờ diễn ra khi tôi đọc thấy hàng ngàn mục quảng cáo tìm bạn trên một tờ báo địa phương.

Tôi suy nghĩ khá nhiều về những mục quảng cáo này: Trong lúc tác giả của các mục tìm bạn này nặn óc để tìm cho ra những hình dung từ thích hợp để mong chấm dứt nỗi cô đơn của mình, thì biết bao nhiêu bạn bè, thân thuộc, gia đình đang vây quanh họ, nghĩa là họ đã có sẵn biết bao mối liên hệ có thể dễ dàng biến thành những tình cảm riêng tư? Nhiều lắm, tôi nghĩ vậy.

Nếu đời sống là một cuộc săn đuổi hạnh phúc và tình cảm riêng tư là một yếu tố quan trọng của cuộc sống hạnh phúc, thì rõ ràng là rất thuận lý nếu chúng ta chấp nhận quan điểm cho rằng tình cảm riêng tư bao gồm nhiều cách thế liên hệ với tha nhân, chứ không chỉ là quan hệ yêu đương. Và chấp nhận càng nhiều cách thế khác nhau của tình cảm riêng tư càng tốt cho chúng ta. Khuôn mẫu của đức Đạt Lai Lạt Ma về tình cảm riêng tư đặt cơ sở trên sự cởi mở của chúng ta đối với tha nhân, gia đình, bằng hữu và ngay cả người lạ. Đây là một khuôn mẫu chân chính, sâu sắc của tình cảm riêng tư dựa trên lòng nhân đạo của con người.

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.