Hạnh Phúc Chân Thường – Phần III

TÌM KIẾM SỰ QUÂN BÌNH

Phát triển tính linh hoạt trong đời sống không chỉ giúp chúng ta trong sự ứng xử, nó còn là yếu tố căn bản của cuộc sống hạnh phúc: sự quân bình. Một buổi sáng, ngồi thoải mái trong chiếc ghế, đức Đạt Lai Lạt Ma giải thích về giá trị của một đời sống quân bình như sau:

“Một khuynh hướng khôn khéo và quân bình, tránh các cực đoan là những yếu tố quan trọng của cuộc sống hàng ngày về mọi phương diện. Cũng như khi trồng một cây non, chúng ta phải cẩn trọng và khéo léo. Quá nhiều nước hay ánh sáng sẽ có hại cho cây, không đủ nước hay ánh sáng cũng không tốt cho cây. Nghĩa là chúng ta phải cung cấp một điều kiện sinh thái quân bình để cây non có thể phát triển. Đối với sức khoẻ thể chất của chúng ta cũng vậy, quá nhiều hay quá ít một chất gì cũng đều dẫn đến kết quả không tốt, kể cả chất đạm.

“Khuynh hướng khôn khéo và hòa nhã, không vướng vào cực đoan cũng cần thiết cho sự trưởng thành của cảm xúc và tâm lý. Thí dụ như khi thấy mình trở nên kiêu mạn, thấy mình quá quan trọng vì những thành quả đạt được thì phản đề trong hoàn cảnh này là nghĩ đến những vấn nạn, những khổ não của chính mình, suy gẫm đến những phương diện bất như ý của cuộc sống. Làm như thế sẽ khiến chúng ta bớt kiêu ngạo mà trở nên khiêm tốn hơn. Ngược lại, khi soi rọi về những bản chất không thỏa đáng của cuộc sinh tồn, về các đau đớn và khổ não làm cho chúng ta bị chìm ngập bởi ý tưởng bi quan, thì nguy cơ là chúng ta lại rơi vào một thái cực khác mà hậu quả là chúng ta bị nản chí, vô vọng và suy thoái vì nghĩ rằng: ‘Ôi, tôi không làm được gì cả, tôi vô tích sự’. Trong hoàn cảnh này, hãy nghĩ đến những thành công đã gặt hái, đến những tiến bộ đã đạt được hoặc những phẩm chất tích cực khác để đẩy lui các ý tưởng bi quan, chán nản. Nói gọn lại, cái mà chúng ta cần là một khuynh hướng quân bình và khôn khéo.

Khuynh hướng này không chỉ giúp chúng ta có được sức khỏe thể chất và tinh thần mà còn giúp sự phát triển tâm linh. Chẳng hạn như trong Phật giáo, có rất nhiều kỹ thuật và phương pháp hành trì. Nhưng không phải tất cả các phương thức và kỹ thuật này đều thích hợp cho tất cả mọi người. Mỗi cá nhân phải chọn những hình thức thích hợp để không bị quá tải, nghĩa là chúng ta cũng cần đến sự quân bình và khôn khéo. Khi hành trì Phật đạo, chúng ta nên chọn một khuynh hướng phối hợp bao gồm cả nghiên cứu học hỏi lẫn thực tập thiền định. Nó tránh cho chúng ta tình trạng mất thăng bằng giữa học và hành vì nếu quá chú trọng vào phần hiểu biết, chúng ta sẽ thiếu phần thực tập, và nếu quá chú tâm vào thực hành, chúng ta sẽ không đủ tri thức …”

Đức Đạt Lai Lạt Ma ngừng một lúc để suy ngẫm rồi nói tiếp: “Nói cho dễ hiểu thì hành đạo trên một phương diện nào đó cũng giống như bộ phận ổn định hiệu thế của giòng điện. Nó giúp chúng ta tránh được những gia giảm bất thường đồng thời giữ cho giòng điện lúc nào cũng ổn định và liên tục.”

Tôi chen vào: “Ngài nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tránh rơi vào các cực đoan nhưng chính những thái quá này làm cho đời sống trở nên kích động và thích thú. Nếu lúc nào cũng tránh quá đà, lúc nào cũng ở trong trạng thái ‘trung đạo’, liệu đời sống có trở nên nhạt nhẽo, vô vị?”

Đức Đạt Lai Lạt Ma lắc đầu và đáp: “Tôi nghĩ rằng chúng ta phải thấu hiểu căn nguyên của cảm xúc quá khích. Hãy nói đến sự đeo đuổi vật chất thế tục như nhà cửa, đồ đạc, quần áo … Một mặt, sự nghèo đói được coi là một thái cực mà chúng ta cần phải khắc phục vì con người có quyền được hưởng những tiện nghi tối thiểu. Mặc khác, quá xa hoa sung sướng cũng là một thái cực khác. Mục tiêu của việc theo đuổi những cám dỗ vật chất là sự thỏa mãn, sung sướng. Nhưng càng có nhiều, người ta càng cảm thấy chưa đủ và người ta mang tâm trạng không thỏa mãn, không hài lòng. Chính cảm giác không thỏa mãn này, cảm giác mong muốn ngày một nhiều hơn này không phát xuất từ những vật chất mà chúng ta có được, nó phát xuất từ trạng thái tinh thần của chúng ta.

“Vì vậy, tôi cho rằng khuynh hướng cực đoan thường được thúc đẩy bởi các cảm giác không thỏa mãn. Dĩ nhiên là cũng có những lý do khác đưa đến khuynh hướng cực đoan nhưng điều quan trọng là sự quá khích tuy có vẻ kích động và hấp dẫn, chúng thường đưa đến những hậu quả nguy hại. Có rất nhiều thí dụ về điều này và khi khảo sát chúng, người ta dễ dàng nhận ra rằng chính chúng ta là nạn nhân của các chủ trương quá khích. Ngư nghiệp chẳng hạn, nếu không chú trọng đến các hậu quả trường kỳ, hành động vô trách nhiệm bằng cách bắt cá bằng mọi phương tiện thì một ngày nào đó, cá sẽ bị tuyệt chủng. Tình dục cũng vậy. Chúng ta không chối cãi rằng con người có nhu cầu tự nhiên về truyền giống và sự thỏa mãn thể xác qua hoạt động tình dục, nhưng nếu không có trách nhiệm tương xứng, nó sẽ dẫn đến các tệ nạn như lạm dụng tình dục, loạn luân…”

“Ngài vừa đề cập đến những lý do khác đưa đến khuynh hướng quá khích…”

Đức Đạt Lai Lạt Ma gật đầu: “Vâng, đúng như vậy.”

“Xin Ngài cho một thí dụ.”

“Tư tưởng hẹp hòi cũng là một nguyên do đưa đến quá khích.”

“Tư tưởng hẹp hòi theo nghĩa …?”

“Thí dụ về ngư nghiệp mà tôi vừa nói ở trên là một điển hình về sự hẹp hòi và nông cạn của tâm thức theo nghĩa người ta chỉ nghĩ đến hiện tại mà không để ý đến tương lai. Ơ đây, người ta có thể sử dụng giáo dục và kiến thức để nới rộng tầm nhìn, giảm bớt tính nông cạn trong quan điểm của chúng ta.”

Đức Đạt Lai Lạt Ma cầm xâu chuỗi ở chiếc bàn con bên cạnh ghế ngồi, xoa giữa hai tay và im lặng suy ngẫm về đề tài đang thảo luận. Cúi nhìn xâu chuỗi, Ngài nói tiếp: “Có nhiều cách khiến cho những tư tưởng nông cạn hẹp hòi dẫn đến sự quá khích, và chuyện này gây ra nhiều rối rắm. Tây Tạng là một quốc gia theo Phật giáo từ nhiều thế kỷ. Hậu quả là người Tây Tạng coi Phật giáo là tôn giáo hoàn hảo nhất và có khuynh hướng cho rằng nếu mọi người trên thế gian này đều là Phật tử thì thật là một điều tốt đẹp. Ý niệm cho rằng tất cả mọi người đều là Phật tử thật là cực đoan và lối suy nghĩ này đã gây ra nhiều hệ lụy.

“Nhưng bây giờ không còn ở Tây Tạng nữa, chúng tôi có dịp liên hệ và tìm hiểu những truyền thống tín ngưỡng khác. Điều này đưa người Tây Tạng đến gần với thực tế hơn, nhận thức được rằng có nhiều thiên hướng tinh thần khác nhau trong cộng đồng nhân loại. Cố gắng Phật giáo hóa toàn thế giới là một điều không tưởng. Qua sự liên hệ với các truyền thống khác, chúng ta tìm được những điểm tích cực ở họ và do đấy, khi đối diện với một tôn giáo khác, chúng ta sẽ có cảm giác tích cực và thoải mái. Chúng ta sẽ nghĩ rằng nếu ai đó tìm thấy một truyền thống thích hợp hơn, hiệu quả hơn cho họ thì đấy là một điều tốt. Cũng giống như khi đi nhà hàng, chúng ta có thể ngồi chung một bàn, gọi những món ăn khác nhau tùy theo sở thích. Chúng ta thưởng thức những món ăn khác nhau này và không ai bàn cãi gì về chuyện đó cả.

“Cho nên tôi nghĩ rằng, khi mở rộng tầm nhìn, chúng ta sẽ khắc phục được tư tưởng cực đoan với những hậu quả rất tiêu cực.” Đức Đạt Lai Lạt Ma quàng xâu chuỗi vào cổ tay, thân mật vỗ lên tay tôi, đứng dậy và kết thúc buổi nói chuyện.

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.