Hạnh Phúc Chân Thường – Phần V

QUÁN TƯỚNG VỀ BẢN THỂ CỦA TÂM

“Mục tiêu của phép quán này là giúp chúng ta nhận diện bản chất của tâm thức con người.” Đức Đạt Lai Lạt Ma bắt đầu: “Ít nhất là trên bình diện thông dụng. Thông thường, khi nói đến tâm là chúng ta nói đến một ý niệm trừu tượng. Nếu không có những kinh nghiệm trực tiếp, người ta thường cho TÂM = TRÍ tức là bộ óc của chúng ta; hoặc nếu phải đưa ra một định nghĩa, chúng ta sẽ nói rằng đó là khả năng hiểu biết, một cái gì rõ ràng và nhận thức được[2]). Nhưng nếu không nắm bắt được bản chất của tâm bằng quán sát, các định nghĩa này chỉ là những danh từ trống rỗng. Cho nên phải hiểu tâm bằng kinh nghiệm trực tiếp chứ không phải bằng các ý niệm trừu tượng. Và mục đích của phép quán này là nhận thức, nắm bắt trực tiếp bản thể của tâm để có thể hiểu được những phẩm chất như ‘trong sáng’, ‘nhận thức’ bằng chính kinh nghiệm của mình chứ không qua sách vở.

“Phép quán này giúp chúng ta đình chỉ những ý tưởng liên miên bất tận trong đầu óc và từ từ kéo dài các thời gian đình chỉ này. Khi thực hành đều đặn phép quán này, nhiều lúc chúng ta có cảm giác trống vắng, chân không nhưng nếu cứ tiếp tục thực hành, chúng ta sẽ dần dà nhận ra bản chất của tâm, hiểu được tính trong sáng và tính nhận thức của nó. Cũng giống như một cái ly đựng đầy nước, nếu nước thật tinh khiết, chúng ta có thể nhìn rõ đáy ly (không bị một ngăn ngại nào) mà vẫn biết có nước trong ly.

“Hôm nay chúng ta thực tập phép quán Vô Niệm. Đây không phải là một tình trạng mờ đục hay rỗng không của tâm thức mà thực ra, chúng ta đang gây tạo một quyết tâm để đình chỉ các ý tưởng tán loạn trong tâm thức. Và đây là cách thực hành:

“Thông thường thì tâm chúng ta lúc nào cũng theo đuổi hay nghĩ đến những chủ thể ngoại vi. Sự chú tâm của chúng ta sau các ý tưởng này do bởi kinh nghiệm đã có, nó phân tích và so sánh các ý tưởng này ở mức độ ý niệm. Nói cách khác, sự hiểu biết của chúng ta bị ảnh hưởng bởi các kinh nghiệm thể chất cũng như ý niệm tinh thần. Với phép quán này, chúng ta kéo tâm thức của mình vào phía trong, không để nó chạy theo trần cảnh. Khi làm như vậy, chúng ta phải cẩn thận, đừng để mình rơi vào trạng thái mê mờ, thiếu tỉnh thức mà phải hoàn toàn tỉnh táo để nhận ra bản chất tự nhiên của tâm thức chúng ta, cái bản chất không bị chi phối bởi kỷ niệm trong quá khứ, sự việc đang xảy ra trong hiện tại hay những dự phóng trong tương lai … Đó là bản chất tự nhiên, vô tính của tâm thức.

“Cũng tương tự như giòng sông đang chảy xiết , chúng ta không dễ gì nhìn thấy đáy. Nhưng nếu bằng một cách thế nào đó mà chúng ta có thể làm cho nước không chảy vào ở đầu này và cũng không chảy ra ở đầu kia, tức là làm cho nước ngừng trôi thì chúng ta có thể nhìn rõ đáy sông. Cũng vậy, nếu có thể giữ cho tâm không chạy theo trần cảnh, không suy nghĩ đến quá khứ/hiện tại/tương lai đồng thời giữ vững sự tỉnh thức thì chúng ta sẽ nhận ra bản chất của tâm bên dưới các diễn biến loạn động của ý thức. Đây là bản chất tĩnh lặng, trong sáng của tâm thức.

“Giai đoạn đầu của phép quán này rất khó thực hành cho nên chúng ta hãy bắt đầu từ chỗ này: Đầu tiên, khi nhận ra bản chất tự nhiên của tâm thức, chúng ta có cảm tưởng trống rỗng. Đấy là vì chúng ta vốn quá quen thuộc với lối hiểu tâm qua trần cảnh, qua các chủ thể ngoại vi, chúng ta có khuynh hướng nhìn thế giới qua những ý niệm, những ấn tượng của chính mình. Và khi kéo tâm rời khỏi trần cảnh, chúng ta gần như không nhận ra tâm nữa vì cảm giác trống vắng rỗng không. Tuy nhiên, nếu cứ tiếp tục, cứ làm quen với trạng thái này, dần dà, chúng ta sẽ nhận ra bản chất trong sáng, chiếu rọi của tâm. Và đây là lúc mà con người nhận thức, chứng ngộ được bản thể tự nhiên của tâm thức.

“Rất nhiều những kinh nghiệm quán sát sâu xa và chân chánh đều cần đến sự tĩnh lặng của tâm thức … ” Đức Đạt Lai Lạt Ma cười và tiếp: “Nhưng tôi xin lưu ý quý vị là thực hành phép quán này rất dễ bị buồn ngủ, lý do là vì không có mục tiêu nào để chú tâm. Nàọ chúng ta hãy bắt đầu.

“Chúng ta hít vào và thở ra ba lần. Tập trung tất cả tư tưởng vào hơi thở. Hít vào-thở ra, hít vào-thở ra, hít vào-thở ra. Và chúng ta bắt đầu quán tưởng …”

Đức Đạt Lai Lạt Ma gỡ mắt kiếng xuống, xếp hai tay lên đùi và ngồi bất động. Một sự yên lặng hoàn toàn bao phủ thính đường khi 1,500 người quay về với nột tâm, tìm vào sự biệt lập của 1,500 tiểu thế giới, cố gắng định tĩnh giòng tư tưởng miên man với hy vọng thoáng thấy được bản tâm của mình. Sau 5 phút, bầu không khí yên tĩnh của căn phòng được giải tỏa bằng âm điệu trầm bổng của lời kinh do đức Đạt Lai Lạt Ma xướng lên để chấm dứt buổi quán niệm.

Khi buổi nói chuyện kết thúc, theo thói quen, đức Đạt Lai Lạt Ma chắp tay vái chào thính giả với vẻ kính trọng và trìu mến. Ngài đứng lên và rời khỏi phòng xuyên qua đám đông thính giả. Hai tay vẫn chắp lại, Ngài cúi chào mọi người thấp đến nỗi chỉ đứng cách xa ít thước là không thấy được Ngài. Đức Đạt Lai Lạt Ma như chìm hẳn vào biển người lố nhố. Tuy nhiên, từ đằng xa người ta vẫn thấy được chỗ Ngài vừa đi qua do sự xê dịch của đám đông thính giả. Làm như thể đức Đạt Lai Lạt Ma đã biến mất trong tầm mắt của mọi người và sự hiện diện của Ngài chỉ còn là một cảm giác.

This entry was posted in Tuyển Chọn. Bookmark the permalink.