Ai đến nhà tôi ý thường trầm trồ khen ngợi cây Hạnh (còn gọi là cây tắc một loại giông như quít và nhỏ hơn nhiều) được trồng trong khung viên rất Ấ đông gồm đủ loại rau nơi quê nhà ….
Cây Hạnh này chỉ cao hơn một mét mà trái sum sê bốn mùa , có lẽ nó được vun bồi bằng tất cả tấm lòng của người đã vun trồng từ lúc nhỏ đó là mẹ tôi …. Cách đây 15 năm cũng vào mùa lễ Vu lan nhân chuyến du lịch do tôi bảo lãnh (một lần duy nhất trong đời bà để đi ra khỏi nơi mình đang sinh sống), hai ngày sau khi nghĩ khỏe bà đã kêu chúng tôi hãy chở bà đi mua một cây hạnh về trồng trong nhà , theo đông y nó rất tốt cho sức khỏe và về phong thuỷ cũng được ưa chuộng lắm, thế là chúng tôi chở bà đến một nursery nỗi tiếng trong vùng để bà chọn mua và từ đó không biết mẹ tôi đã nói gì khi trút hết nỗi lòng của mình vào mà cây lớn lên nhanh và cho trái to.
Vu lan năm nay không còn mẹ , tự nhiên mỗi chiều khi đi dạo nhìn các nhà phía trước sâh có những cây hạnh sum sê trái như nhà tôi bỗng nhiên tôi nhớ lại câu thơ nào đó sao hợp với tâm trạng mình bây giờ quá.
“Người ta trồng Hạnh để chơi
Riêng tôi ngắm hạnh nhớ lời mẹ khuyên”
Mà quả thật vậy sau nhiều năm vắng xa mẹ vì bà chỉ chơi một tháng rồi về lại quê nhà mỗi khi nhìn cây Hạnh mà mẹ đã trồng tôi như nghe lại những điều tâm niệm mà mẹ đã ấp ủ và trao truyền lại cho mình rằng phải sống sao cho phải đạo làm người nhất là mình có rất nhiều vai trò để hoàn tất từ bổn phận người con, người chị trong gia đình, người vợ, người bạn và còn là người mẹ nữa …
Còn nhớ lại 2 năm trước đây khi nghe tin mẹ bạo bệnh phải vào nhà thương vì suy tim và viêm phổi tôi đã về kịp để nhìn mặt mẹ lần cuối và cũng còn được nhìn thấy ánh mắt vui mừng của mẹ hé lên khi thấy tôi vẫn không sa sút ốm yếu như lúc mẹ qua chơi, dù rất mệt nhọc bà vẫn nắm tay tôi và thều thào “…. Nhẫn , …..nhở trả ân …”
Chỉ những tiếng ấy thôi, tôi cũng nhận ra được điều gì bà muốn dạy đó là nhân phẩm của con người, mang trong mình bốn ân lớn phải đền đáp (ân cha mẹ, ân thấy tổ, ân chúng sinh tổ quốc và ân những người đã giúp ta trong đời …) và tôi đã giấu lệ nghẹn ngào thốt lên “…. con nhớ lời mẹ dặn ….mẹ an tâm đừng lo gì cho con, ….hãy ráng giũ tinh thần khi cơ thể rã rời mẹ ơi …..”
Thế là một đời người đã trôi qua và từ đó tôi lại còn thâm nhập sâu sắc hơn hai chữ Vô Thường, và càng chuyên sâu miên mật hơn vào con đường tâm linh hơn vì có những điều rất lạ tôi nhận thấy ra những điều mà khoa học ngày nay đã chứng minh rằng cây cỏ tuy vô tình nhưng cũng có thể hiểu được những gì mình nói vì cây Hạnh mà mẹ, trồng năm xưa đã nghe biết bao lời tâm sự của tôi khi gặp những chuyện phiền não và tôi đã đến đó kể kể cho mẹ biết rằng mình đã làm như vậy và như vậy mà người khác không thông cảm …. và tự nhiên tôi nghe trong gió tiếng thì thào của mẹ năm nào ….
Bây giờ xa xứ nơi phương Tây không có lễ Vu lan như VN nhưng cũng có hai ngày tôn vinh cha và mẹ, và đặc biệt ở Úc ngày của Mẹ thường trùng hợp với lễ Phật Đản và ngày của Cha thường trùng hợp vào mùa lễ hội Vu lan. Chợt nhớ đâu đó một nhà văn đã viết:
“Bản thể của cây cỏ là con người
Bản thề của con người là lời nói
Bản thề của lời nói là thi ca“
Tôi xin mượn vài câu thơ của nhà thơ Đổ Trung Quân tặng bạn bài NHỚ MẸ cho những ai phải cài bông hồng trắng bạn nhé ………
Con sẽ không đợi một ngày kia
có người cài cho con lên áo một bông hồng
mới thảng thốt nhận ra mình mất mẹ
mỗi ngày đi qua đang cài cho con một bông hồng
hoa đẹp đấy – cớ sao lòng hoảng sợ?
Ta ra đi mười năm xa vòng tay của mẹ
Sống tự do như một cánh chim bằng
Ta làm thơ cho đời và biết bao người con gái
Có bao giờ thơ cho mẹ ta không?
Những bài thơ chất ngập tâm hồn
đau khổ – chia lìa – buồn vui – hạnh phúc
Có những bàn chân đã giẫm xuống trái tim ta độc ác
mà vẫn cứ đêm về thao thức làm thơ
ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ
giọt nước mắt già nua không ứa nổi
ta mê mải trên bàn chân rong ruổi
mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng
Khi gai đời đâm ứa máu bàn chân
mấy kẻ đi qua
mấy người dừng lại?
Sao mẹ già ở cách xa đến vậy
trái tim âu lo đã giục giã đi tìm
ta vẫn vô tình
ta vẫn thản nhiên?
Hôm nay…
Huệ Hương