Chuyển Pháp Luân và Tứ Diệu Ðế – Phần 2

I-5 LUẬN VỀ SỰ KHỔ DIỆT

Diệt đế là dập tắt khổ. Theo đây là Phật ngôn dạy trong bài kinh Chuyển Pháp Luân.

Idam kho pana bhikkhave dukkhanirodho ariyasaccamyo tassàtanhàyayeva tanhàya asesaviraganidho càro patinissaggo mutti anàlayo

Này các thầy Tỳ Khưu! Ðây là sự diệt khổ thật sự đó là diệt tắt hẳn dục, dứt bỏ không luyến tiếc, giải thoát không mến thương.

Căn cứ theo Phật ngôn ta có thể nhận định rõ rệt là sự diệt trừ Ái dục có nhiều tiếng tương tự như nhau như dứt bỏ không luyến tiếc v.v… Ðể chứng minh rõ rệt là phải dập tắt thật sự có ý nói những gì đã dập tắt xong rồi không còn tái phát sanh nữa.

Nirodha nghĩa là diệt, ý nói rằng tắt hẳn, nghĩa là hoàn toàn tắt hẳn không có một nguyên nhân hay một cơ hội nào làm cho phát sanh lại được, ví những bởi Ái dục làm cho cháy không còn nữa. Ðây chỉ rõ là Niết Bàn, vì vậy, thiết tưởng quí vị cần hiểu qua Niết Bàn nhiều hơn.

Theo lời Phật dạy, có một phần vô hình ngự trong thân này để nhận định sự vật bên ngoài, phần vô hình ấy gọi là Tâm. Tâm này lại là vật hay vọng động và nhơ đục vì phiền não ngự trị, mà cũng vì Tâm nhơ đục ấy làm cho chúng ta phải trầm luân trong biển luân hồi để chịu khổ. Trong khi đang trầm luân chúng ta không lo dập tắt những phiền não như là dầu trong cây đèn, trái lại chúng ta lại châm thêm dầu càng ngày càng nhiều hơn. Ý tôi muốn nói chúng ta không lo tu hành để diệt lần phiền não trái lại chúng ta lại tạo thêm nhiều nghiệp chướng mà cũng vì vậy càng ngày càng đi xa bờ giải thoát hơn.

Phật ngôn là phương pháp dập tắt lửa trên ngọn đèn, mà cũng là phương pháp đập vỡ bình đèn luôn, ngọn lửa của cây đèn ấy là Ái dục, còn cái bình đèn ấy là không khác nào Tam Giới, khi người chỉ dập tắt ngọn lửa thôi không đập bể bình đèn thì có ngày nào có đủ phương tiện nó lại cháy lại. Nên phải dập tắt xong còn phải diệt trừ tận không cho nó dư xót chút nào nữa.

Khi người thừa hành chính chắn theo lời Phật dạy là người ấy có thể dập tắt và đập bể được cây đèn tai hại ấy. Khi lửa tắt đèn bể thì người ấy trông thấy Niết Bàn vậy.

Chỗ hay tiếng gọi Niết Bàn chủ ý chỉ một nơi rất là hoàn toàn trong sạch. Theo Phật dạy Niết Bàn là một nơi thật là hoàn toàn trong sạch của Tâm.

Xin ví như các nhà bác học về nguyên phân tử phân chất ra đi từng giai đoạn thô thiển tới vi tế cho tới khi không còn phân chất ra được nữa đó là nguyên tử. Chẳng những chất này rất vi tế mà lại không có chất nào cấu tạo ra nó được.

Ðức Phật có thể tạm ví như một nhà bác học không cần máy móc phòng thí nghiệm mà cũng chẳng cần phải tốn kém của tiền để phân chất này ra chất nọ, mà hơn ấy, Ngài phân chất được vật ấy là Tâm. Ðức Phật tìm thấy rằng: Tâm ta bị cấu tạo do nhiều chất như Ái dục, tham ái, tam độc v.v… sau khi Ngài phân chất ra được từng phần, Ngài đã bỏ cả những phiền não đến một độ không còn một tí phiền não nào trong Tâm và không còn có gì cấu tạo Tâm được nữa, vì Tâm ấy không còn nhơ bẩn. Vì tâm nhơ bẩn nên còn bị luân hồi. Tâm còn luân hồi Phạn ngữ gọi là Sankhàtadhàtu nghĩa là còn chất cấu tạo làm cho luân hồi . Asankhàtadhàtu là chất không bị các pháp khác cấu tạo cho luân hồi, là chất không còn phân tách ra được nữa, chất ấy ra ngoài phạm vi của sự hiểu biết của con người, người không còn dùng tiếng gì để nói được cái chất ấy. Asankhàtadhàtu nghĩa là không bị các vật khác cấu tạo cho luân hồi.

Asankhàtadhàtu là chất là người không thể dùng lời diễn tả được hình thức, sự hành động v.v… Nó thuộc về vật cần thấy bằng trí tuệ vì vậy nên chỉ có các bậc Thánh Nhơn mới nhận thức được vì các Ngài tự đắc được do nơi trí tuệ của Ngài.

Người nằm mơ mới thấy cảnh mình thấy thôi, người ngoài ra không thể thấy được, cũng như người đã đắc được thánh Pháp tự mình thấy chớ không thể làm cho người khác và biết được những gì mà mình đã thấy.

Vậy xin ví dụ thêm như người bị nặng, sau khi hết bịnh như người bịnh ấy biết trong mình của họ dễ chịu như thế nào, người ngoài người bịnh như chúng ta thì không hiểu biết gì được về cái an vui của sự hết bịnh của người ấy. Người bịnh ấy ví như chúng ta cái bịnh hành hạ ta ví như phiền não. Khi ta hết bịnh phải uống thuốc ấy chính là Pháp bảo, khi uống thuốc ấy là lúc đang hành đạo. Khi đắc đến mục nào thì ta biết ta đắc đến bậc ấy như người bịnh biết khi uống thuốc thấy trong mình bớt từ từ đến với người ấy cho đến khi mạnh hẳn. Khi mạnh, người bịnh biết rằng ta mạnh. Cũng như người hết phiền não tâm trong sach thì tự biết là an vui và hạnh phúc như thế nào trong tâm của họ.

Trong bộ Udàna đoạn Pataligàmi-vagga có dạy rằng:

Niết Bàn không phải là đất, nước, gió, lửa v.v… không phải cõi này, cũng không phải cõi khác, không phải trên mặt nhựt hay mặt nguyệt. Này các Tỳ Khưu, mà vật ấy (Niết Bàn) lại là vật có thật sự.

Nói về Niết Bàn thiết tưởng cũng nên nói đến cái 2 điều đặc biệt khác nhau là:

– Nói về đặc tánh của Niết Bàn
– Trạng thái của Niết Bàn

Ðặc tánh của Niết Bàn là:

Madanimmadano: Không còn say đắm (trần cảnh).
Pipasavinayo: Không còn khao khát (tất cả mọi việc)
Alayasamugghato: Không còn lưu luyến (Tam Giới)
Vattupacheto: Cắt đứt hết những gì còn luân hồi.
Tanhakkhayo: Khô hết Ái dục.
Virago: Không còn tham ái
Nirodho: diệt hay dập tắt (hẳn mọi việc)
Nibbanam: dập tắt hay gọi là Niết Bàn.

Trạng thái của Niết Bàn là: Không còn bị pháp hành cấu tạo.

Niết Bàn còn có tên khác nữa theo lời Phật dạy là:

Nìbbanam paraman sunnam, Niết Bàn thật trống không, nghĩa là không còn một bợn nhơ nào của phiền não.

Nibbànamparaman sukham, Niết Bàn là nơi an vui tuyệt đối.

Theo Phật dạy, người sanh ra là mang theo một phận sự rất nặng nề là khổ, vì vậy nên trong bài kinh Bhàra có dạy: Ngũ Uẩn thật là nặng, chúng sanh là người hằng mang đi trong luân hồi dày vô tận xa xôi vô biên. Khi nhận thấy Ngũ Uẩn là khổ và biết phương pháp để Ngũ Uẩn ấy xuống được rồi thì thật là an vui, không còn nặng nề khổ sở, đó là Niết Bàn.

Theo câu Phật dạy trên để cho chúng ta thấy rằng: Khi sanh ra làm người hay con vật là chúng ta mang theo một nặng nề vô hạn là khổ, khi có thân này thì bận rộn không ngừng nghỉ theo dính bên ta.

Hiện nay người thường hay tìm sự vắng lặng để nghĩ ngơi như mỗi năm đi nghỉ mát nơi nào, cốt ý để làm cho tâm hồn lắng xuống, hay ta có thể nhận thấy mang lấy thân này phải khổ, muốn tạm để xuống trong ít ngày. Tuy làm thế nhưng người cũng không an toàn nghỉ hay để tạm Ngũ Uẩn này xuống được. Có lắm người cả đời cũng không có dịp may để tạm để phận sự ấy ít ngày. Quí vị nghĩ coi ta chỉ tạm để xuống nghỉ tạm thời trong ít ngày mà còn an vui hay phương chi ta lại để hẳn cái Ngũ Uẩn này xuống thì an vui tới chừng nào.

Tôi ví dụ đây để quí vị thấy cái an vui của Niết Bàn như thế nào. Chắc quí vị đã nhận định thấy rõ cái khổ của sự mang lấy thân này và cái để cái thân nặng này xuống.

Ðến đây xin nhắc lại quí vị rằng: Niết Bàn không phải là một đô thị có đầy đủ vui tươi sung sướng, hay đủ tiện nghi cho quí vị vui chơi. Nhưng trái lại Niết Bàn là nơi dập tắt những gì mà quí vị thấy của người có và của quí vị đang có.

Diệt Khổ đế là một của riêng của Phật giáo. Ý tôi muốn nói rằng: Chỉ có đức Chánh Ðẳng Chánh Giác mới tìm thấy diệt Khổ đế.

Chắc quí vị muốn hỏi: Vậy các Tôn Giáo khác không có một Tôn Giáo nào có phương pháp diệt khổ hay sao?

Ðáp: Tông chỉ của các Tôn Giáo trong vũ trụ này chung qui là diệt khổ, nhưng có phương pháp khác nhau. Chỉ có Phật Giáo là có phương pháp hoàn toàn hơn hết mà từ ngàn xưa đến hiện tại và đến vị lai ngoài ra vị Chánh Ðẳng Chánh Giác như Đức Phật thì không ai tìm ra và hiểu rõ phương pháp diệt khổ hoàn toàn như Ngài là Tứ Diệu Ðế

Ðể minh chứng cách diệt khổ của Phật Giáo và các Tôn Giáo khác tôi xin so sánh cho quí vị nhận thức dễ dàng.

PHẬT GIÁO

Tôn Giáo khác

Nhân sanh Khổ

Khổ sanh do Ái dục, nghĩa là ưa muốn ngũ trần, Lục dục. Sự ưa muốn sanh lại có sắc thân (Sắc giới). Sự ưa muốn sanh lại nhưng không muốn có sắc thân (Vô Sắc giới).

Khổ sanh đến chúng sanh vì do nơi sự trừng phạt của Ðấng Thiêng liêng tối cao vì người làm tội ác .

Phương pháp giải thoát Khổ

Phật dạy: diệt tận phiền não là ái dục thì sẽ không còn khổ.

Dạy phải cầu Ðấng thiêng liêng có uy quyền tối cao tha lỗi hay hành phạt; hoặc ban bố an vui hạnh phúc .

Trạng thái của sự giải thoát thật sự

1) Không có sự ưa thích gì trong tâm dầu rất vi tế.

2) Dứt bỏ các sự cố chấp.

3) Không luyến ái trong các cảnh giới .

4) Thoát khỏi sự vui của Tam Giới .

5) Không cần ai đến giải thoát cho mình mà tự mình giải thoát .

1) Muốn được Ðấng thiêng liêng cứu khổ.

2) Cố tin có Ðấng thiêng liêng tối cao của mình.

3) Xin sanh vào cõi thiên đàng

4) Còn muốn được hưởng an vui của cõi thiên đàng

5) Cần có Ðấng thiêng liêng đến tiếp độ cho linh hồn được ở bên Ngài mãi.

Phận sự của Diệt Khổ Ðế.

Phận sự của Diệt Khổ Ðế, Phạn ngữ gọi là SACCHIKARANA, nghĩa là phải làm cho phân minh rõ rệt; Ý nói tự mình hành động cho đến nơi giải thoát, tự mình dập tắt hết dục vọng ở lòng mình và tự mình biết rõ rằng mình đã giải thoát.

PHẬT NGÔN:

DUKKHANIRODHO ARIYASACAM SACCHIKÀTABBAM. Diệu đế gọi là Diệt Khổ diệu đế này người cần phải hành cho phân minh, nhận định rõ rệt bằng trí tuệ.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.