Chuyển Pháp Luân và Tứ Diệu Ðế – Phần 2

I-7 LUẬN GIẢI TRUNG ÐẠO

Phàm đã làm đệ tử Phật thì không ai không hiểu Trung đạo. Vì Trung đạo là con đường đi tới giải thoát của chư Phật. Người muốn giải thoát ngoại trừ ra đường Trung đạo thì không còn con đường nào khác hơn. Vì chỉ có một đường duy nhất đi đến Niết Bàn mà thôi.

Tại sao gọi là Trung đạo?

Tưởng nên nhắc lại rằng: Trước khi có Phật Giáo tại Trung Ấn Ðộ hay gọi là cõi Diêm Phù Đề có rất nhiều Tôn Giáo khác nhau, phần nhiều các giáo phái ấy đều dạy người hành khổ hạnh. Vì người đời ấy tin rằng: hành khổ hạnh mới làm cho các Ðấng thần linh hay Ðấng thiêng liêng cảm động ban ân huệ, hay là khi hành khổ hạnh như thế mới diệt được phiền não trong lòng.

Theo lời Ðức Phật dạy gọi hạnh ấy là thái quá. Có chia ra 2 điều thái quá là:

– Kamasukhallikanuyoga: Nghĩa là người hành đạo nhưng còn lẫn với sự hành lạc trong ngũ trần, lục dục gọi là hành đạo quá dùng.

– Attakilamatthànuyoga: hành làm cho thân này quá khổ cực gọi là thái quá hay cũng gọi là khổ hạnh.

Hai phương pháp kể trên, khi chưa thành đạo, Bồ Tát Sĩ Ðạt Ta phải bỏ ra 6 năm để hành. Nhưng không đem lại kết quả nào xứng đáng theo ý muốn của Ngài, nên Ngài lại hành theo Trung đạo.

Sau khi thành đạo, bài Pháp đầu tiên là Chuyển Pháp Luân, Ngài dạy rằng:

Dvmebhikkhave antàpabbaji tena nasevitabbà: Này các thầy Tỳ Khưu! Hai phái thái quá mà các bậc xuất gia không nên xu hướng theo, không nên hành theo. Hai Pháp thái quá ấy là gì?

Một là Pháp làm cho tâm quyến luyến theo tình dục. Pháp hèn hạ, Pháp của kẻ thế gian, Pháp của phàm nhân chẳng lợi ích chi.

Hai là Pháp khổ hạnh làm cho thân hình tiều tụy cực khổ chẳng phải là Pháp của một cao nhân, cũng chẳng có lợi ích chi.

Này các thầy Tỳ Khưu! Sự tu hành theo Trung đạo không nên thiên theo 2 điều thái quá ấy.

Bát Chánh Ðạo có thể tóm lại là Tam Học:

Tuệ: Chánh kiến, Chánh tư duy

Giới: Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng
Định: Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định

Phận sự của Tứ Diệu Ðế

Phận sự của Tứ Diệu Ðế là sự cố gắng hành đúng theo Bát Chánh Ðạo. Người hành phải hành một lúc đúng theo tám chi của đạo và cũng phải trong sạch bằng nhau trong một lúc, không thể thiếu xót một chi nào trong một của tám điều ấy. Nghĩa là không dư không thiếu.

Tôi xin ví dụ, như trong một thang thuốc có tám vị, phải dùng đúng theo phân lượng và khia sắc thuốc cũng phải còn là bao nhiêu không thể nhiều hơn hay ít hơn được. Ðây cũng như sự hành đạo phải hành đúng theo Bát Chánh Ðạo, có tám chi không thể thiếu sót mặc dầu một chi của một điều nào trong Bát Chánh Ðạo.

Ðây là Phật ngôn dạy:

Dukkhannyrodhagàminì patipadà ariyasaccam bhàvetabbam.
Diệu Ðế là đạo đế nghĩa là sự hành theo đạo cho đến diệt tận phiền não và Khổ, hành giả nên hành theo.

Có nhiều người hỏi tôi (soạn giả): Thời kỳ này còn có đạo quả chăng? Có người đắc đạo quả và Niết Bàn không?

Ðáp: Phật dạy phương pháp hành để đắc Niết Bàn là Bát Chánh Ðạo. Nếu Bát Chánh Ðạo còn thì đạo quả còn. Còn người hành đúng theo Bát Chánh Ðạo là còn có người đắc được đạo quả và Niết Bàn. Nếu người ai ai muốn giải thoát đến Niết Bàn thì cứ hành đúng theo Bát Chánh Ðạo. Vì đó là con đường đi ngay đúng vào Niết Bàn.

Sở dĩ mà thời pháp đầu tiên thuyết tại vườn Lộc Giả được tên là Chuyển Pháp Luân có ý nghĩa xoay bánh xe Pháp. Ý nói thời pháp ấy dạy 3 luân và 12 thể của Tứ Diệu Ðế. Khi người nhận định thấy rõ 3 luân và 12 thể rõ rệt thì người ấy là người giải thoát luân hồi.

Ba luân và 12 thể ấy là gì?

Như quí vị đã biết Tứ Diệu Ðế là 4 điều: Khổ, Tập, Diệt, Ðạo. Hành giả phải hiểu rõ mỗi đế có 3 điều gọi là 3 luân nhân cho 4 đế ra làm 12 thể.

Câu chót của bài kinh Chuyển Pháp Luân đức Thế Tôn dạy: Khi mà Ngài chưa tìm thấy rõ 3 luân và 12 thể trong Tứ Diệu Ðế là chưa đắc quả vô thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Sau khi Ngài đắc được 3 luân 12 thể nên Ngài mới đắc được quả cao thượng ấy.

Ba luân ấy là:

– Tuệ thấy rõ Khổ.
– Tuệ suy nghĩ thấy và hiểu rõ Khổ
– Tuệ thấy và biết rõ là hoàn toàn giải thoát khỏi Khổ, Tập, Diệt, Ðạo, đều có 3 luân như thế nên gọi là 12 thể.

Sau khi thuyết dứt thời Pháp đức Thế Tôn biết rằng: Trong 5 vị có một vị già nhất đắc Tu Đà Huờn quả. Nên Ngài mới dạy rằng: Annasi vata bhokondanno nghĩa là Kondanna (Kiều Trần Như) đã thấy rõ Thánh Pháp rồi. Vì vậy từ ấy Ngài Kiều Trần Như có tên là A Nhã Kiều Trần Như.

Xin nói thêm về Attha (ý nghĩa) của Tứ Ðế. Khổ đế có 4 Attha (ý nghĩa):

Pìlanatto: Có nghĩa làm hại
Sankhàtatto: Có nghĩa là họp các nguyên nhân
Santàpatto: Có nghĩa là làm cho nóng nảy
Viparinàmatto: Có nghĩa là thay đổi.

Tập đế có 4 Attha (ý nghĩa):

Ayuhanattho: Có nghĩa là làm cho Khổ phát sanh
Nidànattho: Có nghĩa là nhân làm cho Khổ sanh
Sanyogattho: Có nghĩa là hội họp tất cả điều Khổ
Palipolattho: Có nghĩa là làm cho bận lòng vì Khổ.

Diệt đế có 4 Attha (ý nghĩa):

Nissaranattho: Có nghĩa là đem mình ra khỏi luân hồi.
Appaliboddhattho: Có nghĩa là không còn bận rộn vì khổ.
Alankalattho: Có nghĩa là nguyên nhân cấu tạo không thể hội họp lại không thể cấu tạo được.
Amattho: Có nghĩa là bất tử.

Ðạo đế có 4 Attha (ý nghĩa):

Niyyànattho: Có nghĩa là đi ra khỏi vùng luân hồi.
Hetavattho: Có nghĩa là nhân diệt khổ
Dassanattho: Có nghĩa là thấy rõ Niết Bàn
Adhipayattho: Có nghĩa là chủ nhân (ý nói không còn dưới quyền của phiền não)

Sau khi đắc được Tu Đà Huờn quả, Kiều Trần Như không còn hoài nghi Phật bảo và Pháp bảo nên bạch với Phật rằng: Bạch hoá đức Thế Tôn, đệ tử xin xuất gia với đức Đại giác.

Ðức Thế Tôn dạy: Ehi bhikkhu, thầy hãy trở nên vị Tỳ Khưu hành theo thánh đạo và phạm hạnh đúng theo luật của Như Lai đã dạy hầu diệt tận phiền não.

Khi dạy dứt lời thì râu tóc của vị Kiều Trần Như đều rụng, trên mình có đắp bộ y cà sa vàng. Sau ấy 4 vị kia mới xin xuất gia.

Ngày 16 âm lịch Ngài thuyết pháp độ vị thứ nhì đắc Tu Ðà Hườn quả vị ấy là Ðại đức Vappa. Còn 4 vị kia đi khất thực.

Ngày 17 âm lịch Ðức Phật thuyết pháp độ Ðại đức Bhaddiya đắc Tu Ðà Hườn quả.

Ngày 19 âm lịch đức Thế Tôn thuyết pháp độ Ðại đức Assaji Tu Ðà Hườn quả.

Ðến ngày 30 âm lịch Ðức Phật hội 5 vị lại và thuyết bài Anattalakkhana-sutta (Vô ngã tướng kinh) (quý vị muốn xem nguyên văn xin xem quyển kinh tụng của Ðại đức Hộ Tông đã xuất bản). Nơi đây tôi xin lược thuật dễ hiểu thôi.

Ðức Thế Tôn dạy:

Rupam bhikkhave anattà, Này các thầy Tỳ Khưu! Thân này không phải của ta, vì vậy hằng bị các bịnh hoạn. Không thể ngăn cản rằng: Thân ta nên trẻ đẹp và trang điểm rất đẹp ví như cây cột bằng vàng chạm trỗ rất tinh vi, trông coi rất đẹp mắt. Mặc dầu lo trang điểm cho đẹp như thế, nhưng nó vẫn thay đổi vì bịnh hoạn tàn phá, không thể tồn tại như lời ta bảo. Ngoài ra Thọ, Tưởng, Hành, Thức cũng chẳng phải của ta.Những pháp ấy cũng không chịu dưới quyền sai bảo và cấm đoán của ta.

Rồi Ngài vấn chư Tăng rằng: Này các thầy Tỳ Khưu! Các thầy nghĩ sao?

Chư tăng đáp: Bạch Ngài thân sắc này vô thường.

– Nếu thân sắc này vô thường thì khổ hay vui?

– Bạch Ngài, là khổ.

– Nếu sắc thân này khổ, vậy các thầy suy tưởng thấy có phải cần ta hay không?

– Bạch Ngài, sắc thân này không phải ta, mà cũng không phải là của ta.

Rồi đức Thế Tôn hỏi Thọ, Tưởng, Hành, Thức như trên, và Chư tăng cũng trả lời như trên.

Đức Thế Tôn mới dạy Ngũ Uẩn ở quá khứ cũng như hiện tại và vị lai mặc dầu là của ta hay của người, đẹp hay xấu, thô hay vi tế, nếu nó là Ngũ Uẩn hay có sắc thì hằng ở dưới 3 tướng là vô thường, Khổ não, Vô ngã. Các thầy nên lấy đó mà quán tưởng cho thấy rõ rệt là vô thường, khổ não và vô ngã. Do nhờ sự quán tưởng như thế nên chư Thinh Văn đệ tử Phật chán nản với Ngũ Uẩn. Không ưa mến Ngũ Uẩn nên được giải thoát là đắc được A La Hán quả tuệ, thì tức nhiên tự mình thấy rằng: Ta đã diệt trừ tận phiền não, phạm hạnh của Phật giáo đã hành xong.

Sau khi thuyết bài Vô ngã tướng kinh, cả 5 vị đều giải thoát nghĩa là đắc được quả A La Hán.

Trong ngày ấy, 30 tháng 6 âm lịch, trong Tam Giới có 6 vị Thánh Nhơn: Một đức Chánh Ðẳng Chánh Giác và 5 vị A La Hán.

MAHA THONGKHAM MEDHIVONGS

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.