Chuyển Pháp Luân và Tứ Diệu Ðế – Phần 2

I-8 DỊCH NGHĨA KINH CHUYỂN PHÁP LUÂN (DHAMMACAKKAPPAVATTANA-SUTTA)

(trích trong bộ luật MAHÀVAGGA phần PATHAMADESANÀ, và cũng trong bộ SAMYUTTA NIKÀYA)

BỐ CÁO

Kính bạch chư hiền giả:

Phạm Thiên SAHAMPATI thỉnh cầu đức Thế Tôn thuyết pháp độ sanh, đức Thế Tôn nhận lời, Ngài đã ngự đến khu rừng nơi vườn Lộc Giả (ISIPATANA), nơi trước kia chư Phật Ðộc Giác thường ngụ xuống, gần thành BÀRÀNASÌ. Bấy giờ tại nơi đây có nhóm 5 Tỳ Khưu: Ngài KONDANNA, Ngài VAPPA, Ngài BHADIYA, Ngài MAHÀNÀMA và Ngài ASSAJI, đức Thế Tôn thuyết bài kinh đầu tiên gọi là DHAMMACAKKAPPAVATTANASUTTA kinh Chuyển Pháp Luân, giảng giải về Pháp Tứ Thánh Ðế để tế độ nhóm 5 Tỳ Khưu. Nhóm 5 Tỳ Khưu cùng tất cả chư thiên, Phạm Thiên vô cùng hoan hỷ.

Nghe xong, Ngài KONDANNA là bậc thinh văn đại để tử đầu tiên chứng ngộ Tứ Thánh Ðế, chứng đắc thánh đạo, thánh quả nhập lưu, đồng thời có 180 triệu chư thiên, Phạm Thiên cùng chứng ngộ Tứ Thánh Ðế, chứng đắc thánh đạo, thánh quả nhập luu. Bài kinh này đem lại sự lợi ích cho thế gian và siêu thế giới.

Kính bạch chư hiền giả, vì mong sự lợi ích, sự tấn hoá, sự an vui lâu dài cho tất cả chúng sanh, nay chúng tôi sẽ tụng bài kinh Chuyển Pháp Luân ấy.

MỞ ÐẦU:

Kính bạch Ngài Ðại đức Trưởng lão MÀHAKASSAPA khả kính, con là ANANDA được nghe bài kinh Chuyển Pháp Luân từ đức Thế Tôn như vầy:

Một thưở nọ. đức Thế Tôn ngự tại khu rừng, nơi vườn Lộc Giả ISIPATANA, trước kia chư Phật độc giác thường ngự xuống. Tại đây, đức Thế Tôn gọi nhóm 5 Tỳ Khưu: Ngài KONDANNA, Ngài VAPPA, Ngài BHADIYA, Ngài MAHÀNÀMA và Ngài ASSAJI mà dạy rằng:

HAI PHÁP THẤP HÈN (DVE ANTÀ)

Này chư Tỳ Khưu, có 2 pháp cực đoan thuộc về 2 biên kiến người xuất gia không nên hành theo. Hai pháp ấy như thế nào?

Một là việc thường thụ hưởng lạc thú trong ngũ dục hợp với tâm tham ái và thường kiến ; thấp hèn của hạng tục gia phàm phu không phải của bậc Thánh Nhơn, không đem lại lợi ích an vui nào.

Hai là việc thường tự ép xác hành khổ mình, hợp với tam sân hận và có đoạn kiến, thuộc pháp hành khổ hạnh của ngoại đạo, không thuộc bậc Thánh Nhơn, không đem lại sự lợi ích an vui nào.

PHÁP HÀNH TRUNG ÐẠO (MAJJHIMA PATIPADA):

Này chư Tỳ Khưu, không thiên về 2 biên kiến ấy, Như Lai đã hành theo pháp hành Trung đạo, nên đã chánh giác Tứ Thánh Ðế bằng trí tuệ siêu thế, làm chho tuệ nhãn phát sanh, trí tuệ Thiền tuệ phát sanh, để làm vắng lặng hẳn mọi phiền não, trí tuệ siêu việt thông suốt chân lý Tứ Thánh Ðế, giác ngộ thánh đạo, thánh quả, chứng đắc Niết Bàn.

Này chư Tỳ Khưu, thế nào gọi là pháp hành Trung đạo mà Như Lai đã chánh giác Tứ Thánh Ðế (bằng trí tuệ siêu thế), làm cho tuệ nhãn phát sanh, làm cho vắng lặng hẳn mọi phiền não, cho trí tuệ siêu việt thông suốt chân lý Tứ Thánh Ðế, Giác Ngộ thánh đạo, thánh quả chứng đắc Niết Bàn?

Này chư Tỳ Khưu, pháp hành Trung đạo đó chính là thánh đạo hợp đủ tám chi cao thượng là:

1) Chánh kiến: Trí tuệ chơn chánh chứng ngộ Tứ Thánh Ðế

2) Chánh tư duy: Tư duy chơn chánh, có 3 điều: Tư duy ra khỏi cảnh ngũ dục, tư duy không thù hận và tư duy không làm khổ mình, khổ người.

3) Chánh ngữ: Lời nói chơn chánh có 4: Tránh xa sự nói dối, sự nói lời đâm thọc chia rẽ, sự nóilời thô tục chửi rủa, mắng nhiếc và sự nói lời phù phiếm vô ích.

4) Chánh nghiệp: hành nghiệp chơn chánh có 3 là: Tránh xa sự sát sanh, sự trộm cắp, sự tà dâm.

5) Chánh mạng: Nuôi mạng chơn chánh là xa cách sống tà mạng do 3 lại thân hành ác và 4 loại khẩu nói ác.

6) Chánh tinh tấn: Tinh tấn chơn chánh có 4 điều là:

– Tinh tấn không để cho ác Pháp phát sanh.
– Tinh tấn điệt ác Pháp đã phát sanh.
– Tinh tấn để cho thiện pháp phát sanh.
– Tinh tấn để cho thiện pháp phát sanh càng thêm, phát triển.

7) Chánh niệm: Niệm chơn chánh có 4 là:

– Niệm thân: dùng thân làm đối tượng cho chánh niệm và tỉnh giác.
– Niệm thọ: dùng thọ làm đối tượng cho chánh niệm và tỉnh giác.
– Niệm tâm: dùng tâm làm đối tượng cho chánh niệm và tỉnh giác.
– Niệm pháp: dùng pháp làm đối tượng cho chánh niệm và tỉnh giác.

(chỉ có Tứ niệm xứ này mới gọi là Chánh niệm).

8) Chánh định: Tâm định chơn chánh có 5 là:

– Tâm Ðịnh đệ nhất thiền
– Tâm Ðịnh đệ nhị thiền
– Tâm Ðịnh đệ tam thiền
– Tâm Ðịnh đệ tứ thiền
– Tâm Ðịnh đệ ngũ thiền

(nhưng tâm định này chỉ khi đồng sanh với thánh đạo tâm và thánh quả tâm mới gọi là Chánh Ðịnh)

Này các thầy Tỳ Khưu! Nhờ pháp hành Trung đạo là thánh đạo hợp đủ tám chánh cao thượng này mà Như Lai đã chánh giác Tứ Thánh Ðế (bằng trí tuệ siêu thế) làm cho tuệ nhân phát sanh, để làm cho vắng lặng mọi phiền não, để trí tuệ thông suốt chân lý Tứ Thánh Ðế, để giác ngộ thánh Đạo thánh Quả, chứng đắc Niết Bàn.

TỨ THÁNH ÐẾ

KHỔ THÁNH ÐẾ (DUKKHA ARIYASACCA)

Này chư Tỳ Khưu, Khổ Thánh Ðế là.

– Tái sanh là Khổ, già là Khổ, bịnh là Khổ và chết là Khổ, trái nghịch ý lòng cũng là Khổ.
– Phải xa lìa người thường yêu hay mất cảnh vừa lòng cũng là Khổ.

Câu rằng: “Vui biết chừng nào! mong cho ta đừng có sanh, đừng có già, đừng có bịnh, đừng có chết…” Như vậy, câu mà không thể được như ý cũng là khổ. Tóm lại Ngũ Uẩn là đối tượng của chấp thủ do tâm tham ái và tà kiến là khổ. Thực tánh những sự khổ nói trên ấy là sự thật là bậc thánh nhân đã chứng ngộ gọi là Khổ Thánh Ðế.

TẬP THÁNH ÐẾ (DUKKHASAMUDAYA ARIYACCA):

Này chư Tỳ Khưu! Nhân sanh Khổ Thánh Ðế này chính là tâm tham ái, là nhân dẫn dắt tái sanh, hợp với tham muốn thoả thích, có trạng thái thường say đắm hoan lạc trong kiếp sống hay các đối tượng. Nhân sanh Khổ Thánh Ð? ấy là:

– DỤC ÁI (KÀMATANHÀ): Tham đắm trong 6 cảnh trần: sắc, thanh, huơng, vị, xúc, pháp.
– HỮU ÁI (BHAVATANHÀ): Tham đắm trong 6 cảnh trần hợp với thường kiến, hay tham ái trong thiền hữu sắc, thiền vô sắc, hoặc cõi trời hữu sắc, cõi trời vô sắc.
– PHI HỮU ÁI (VIBHAVATANHA): Tham đắm trong 6 cảnh trần hợp với đoạn kiến, hay tham ái trong thiền vô sắc, hoặc cõi trời vô sắc.

Thực tánh 3 loại tham ái ấy là nhân sanh Khổ Thánh Ðế mà bậc thánh nhân đã chứng ngộ, còn gọi là Tập Thánh Ðế.

DIỆT THÁNH ÐẾ (DKKHANIRODHA ARIYASACCA):

Này chư Tỳ Khưu! Diệt Khổ Thánh Ðế này chính là Niết Bàn, là nơi diệt tận nhân sanh khổ, diệt tận khổ, là nơi diệt tận tâm tham ái không còn dư xót bằng thánh đạo, nơi xả ly Ngũ Uẩn, nơi từ bỏ Ngũ Uẩn, nơi giải thoát khổ, nơi không còn có gì để luyến ái, dính mắc nữa.

Niết Bàn Diệt Khổ Thánh Ðế ấy là sự thật mà bậc thánh nhân đã chứng ngộ còn gọi là Diệt Thánh Ðế.

ÐẠO THÁNH ÐẾ (DUKKANIRODHAGAMINIPATIPADA ARIYASACCA):

Này chư Tỳ Khưu! Pháp hành dẫn đến sự chứng ngộ Niết Bàn, nơi Diệt Khổ Thánh Ðế này, chính là thánh đạo hợp đủ tám chánh: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.

Bát Chánh Ðạo, pháp hành dẫn đến sự chứng ngộ Niết Bàn, nơi Diệt Khổ Thánh Ðế ấy, là sự thật mà bậc thánh nhân đã chứng ngộ, gọi là Ðạo Thánh Ðế.

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.