Chuyển Pháp Luân Và Tứ Diệu Đế – Phần 5

HAI QUAN NIỆM CỰC ÐOAN

A III (61) – “Ðối với kẻ nào tin tưởng rằng căn bản của đời sống (cái ngã) và xác thân là một, kẻ đó không sao thành đạt được đạo quả thánh nhân. Trái lại kẻ nào cho rằng cái ngã khác biệt vơí xác thân, kẻ đó cũng không đi đến đạo quả bao giờ.

Ðấng Toàn Giác đã chánh hai lối cực đoan đó và trọn con đường đi giữa (Trung đạo)”. Và Ngài tuyên bố:

NHÂN QUẢ LIÊN QUAN (Paticca-Samupàda)

“Từ chỗ tối mê “Vô Minh” (Avijjà) sanh ra sự hành vi tạo tác vô ý thức, “Hành” (Sankhàrà). Từ “Hành” sanh ra sự biết mình nằm trong bụng mẹ, “Thức” (Vinnàna). “Thức” gây ra sự phối hợp tinh thần và vật chất, “danh sắc” (nama rùpa). Danh sắc tạo ra 6 căn, “Lục căn” (Chalàyatana). Lục căn làm cho biết cảm giác khi đụng chạm (về thân xác hoặc tâm lý), “Xúc” (Phasso). Xúc sanh ra cảm đặng, “Thọ” (Vedanà). “Thọ” làm phát sanh ra sự khao khát, “Ái” (Tanhà). “Ái” sanh ra sự quyết luyết bám giữ đời sống, “Thủ” (upàdàna). “Thủ” phát động những diễn tiến về những hành vi tạo nghiệp, “Hữu” (Kamma Bhava). Do “Hữu”, có cái thai bào đi “tái sanh” (Jàti). Và vì có “tái sanh” nên phải gánh lấy những thảm hoạ: già nua, tử liệt (Jaràmarana) và sầu khổ, khóc than, đau đớn, thất vọng.

Đó là chân lý cao siêu về nguồn gốc sự Khổ”

S.12 (6) – “Tuy nhiên, giới tử nào không còn mù quáng (vô minh) và đạt Giác Ngộ, thì giới tử đó chẳng tạo nghiệp nữa, bất cứ là tốt hay xấu, hoặc nghiệp đưa đến thế lực bất bải miễn (không ai bị bải chức được như vua chúa hay trời Phạm Thiên)”.

A.III (61) – “Vì lẽ đó, khi vô minh bị dập tắt thì hành biến tan. Không có hành thì thức cũng chẳng phát sanh. Không có thức thì danh sắc cũng không có. Danh sắc bị diệt thì không có lục căn. Không lục căn thì chẳng có xúc. Xúc không có thọ cũng không phát sanh. Không thọ thì cũng chẳng có ái. Ái không có thì không có thủ. Thủ không có thì chẳng có hữu và nếu hữu không có thì cũng chẳng có tái sanh.”

Và khi trường hợp tái sanh bị dập tắt, thì những thảm hoạ già nua, tử biệt, sầu khổ, khóc than, đau đớn, thất vọng cũng tiêu tan. Tư cách diệt tận nguồn đau khổ là thế ấy. Ðây là chân lý cao siêu về sự diệt Khổ”

HIỆU LỰC CỦA NGHIỆP

M. 43 – “Thực ra vì chúng sanh bị vô minh che lấp, bị sa vào bẫy Ái dục, đi tìm kiếm nơi nầy đến nơi khác, nên mới phải bị tái sanh trong nhiều kiếp mới”

A. III – “Cái nghiệp phát sanh do lòng tham lam, sân hận, si mê, cái nghiệp xuất hiện từ đó và nguồn gốc cội rễ của nghiệp do đó mà ra.

Bất cứ chúng sanh xuất hiện tại đâu, cái nghiệp sẽ chín mùi tại đó. Nơi nào nghiệp chín mùi thì chúng sanh phải gặt hái quả báo, hoặc trong kiếp hiện tại, hoặc về cái kiếp sau”.

NGHIỆP KHÔNG SANH QUẢ

M.43 – “Tuy nhiên, khi màn vô minh bị vẹt, trí tuệ bừng sáng phá tan lòng tham dục, thì trường hợp tái sanh không còn xảy ra nữa”

A.III (33) – “Những hành động không do lòng tham lam, sân hận, si mê thúc đẩy, những hành động như vậy, ví như cây thốt nốt bị nhỗ tận rễ lên khỏi đất không sao mọc lại được nữa”.

A.III – “Trong chiều hướng đó, có người Chánh ngữ rằng Như Lai bày ra một lý thuyết về sự “Tiêu Diệt”, Như Lai truyền bá một Giáo lý có tánh cách tiêu diệt và dạy hàng môn đệ học tập như thế”

Mà thật đúng như vậy! Như Lai hằng khuyến hoá về cách tiêu diệt. Nghĩa là tiêu diệt tham lam, sân hận, si mê, tiêu diệt những điều dữ và hành động xấu xa tội lỗi”.

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA

Lý thuyết “nhân quả liên quan” (Paticca Samuppàda) là một giáo huấn theo định luật về mỗi vật phát sanh do sự phối hợp của tinh thần và vật chất (danh-sắc). Sự việc đã chứng minh rằng tất cả những hiện tượng tâm lý và vật chất trên thế gian huyền ảo này đều tuỳ thuộc vào sự hoạt động của các giác quan (Lục căn) gây ra muôn ngàn thống khổ, chớ không phải những tình trạng may rủi vu vơ mù quáng, mà là cuộc sống luôn luôn tuỳ thuộc vào những nguyên tố “Nhân và Duyên”. Ðây là điểm cốt yếu về Giáo lý của Ðức Phật Thích Ca Gotama (mà không có một Tôn Giáo nào khác trên thế giới khám phá ra được).

Như thế gạt bỏ các yếu tố đó (mười hai nhân Duyên) thì những vật có liên quan tuỳ thuộc lẫn nhau chẳng còn lý do gì để tồn tại.

Kết luận, lý thuyết “Paticca Samuppàda – Duyên Sinh” rất cần thiết để làm sáng tỏ trong “Tứ Diệu Ðế, chân lý thứ hai là nguyên nhân sự Khổ và chân lý thứ 3 là tư cách diệt Khổ”. Thuyết đó giải thích từ nền móng hạ tầng lên tận điểm cao tột bằng hình thức của một triết lý nhận định sáng suốt. (Ðức Phật khi còn là đức Bồ Tát phải mất 6 năm khổ hạnh để tìm ra manh mối của sợi chuỗi 12 cái khoen Nhân Duyên đó). Nhìn vào bản lược đồ sau đây, chúng ta có thể nhận định về sự liên quan tuỳ thuộc với nhau giữa từng kiếp sống quá khứ, hiện tại và vị lai.

BẢN LƯỢC ÐỒ

Kiếp quá khứ 1. Vô Minh (nguồn gốc của Tham, Sân, Si) Kàma Bhava (
Diễn tiến của Nghiệp)
2. Hành (hành động tạo ra sự sống)
Kiếp hiện tại 3. Thức (Sự biết mình) Uppatti Bhava
(Diễn tiến đưa đến tái sanh)
4. Danh-Sắc (Sự phối hợp tinh thần và vật chất)
5. Lục Căn
6. Xúc (Ðụng chạm với sắc trần)
7. Thọ (Nhận lãnh tình cảm)
8. Ái (Tham dục) Kamma Bhava
(Diễn tiến của Nghiệp)
9. Thủ (bám chặt đời sống)
10. Hữu (Diễn tiến của hành động)
Kiếp vị lai 11. Sanh Uppatti Bhava
(Diễn tiến đưa tới tái sanh)
12. Tử

(những chi tiết trên đây mô tả cái vòng lẩn quẩn: Sanh tử, Tử sanh kéo dài triền miên vô cùng tận của chúng sanh)

 

Chuyển Pháp Luân và Tứ Diệu Ðế – Maha Thongkham và Huỳnh Văn Niệm soạn dịch
Dựa theo quyển “The Word of the Buddha” của Hòa thượng Nyanatiloka
Tái bản năm 1995 tại Sài Gòn

http://www.buddhismtoday.com

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.