Chuyển Pháp Luân Và Tứ Diệu Đế – Phần 6

II-4e CHÁNH MẠNG (Sammà-Àjìva)

D.22 – “Thế nào gọi là Chánh mạng?

Khi người tu Phật biết tránh xa tội lỗi và tìm cách nuôi mạng bằng những nghề nghiệp chánh đáng trong danh dự, đó gọi là ‘Chánh mạng”.

GIẢI THÍCH CỦA ÐẠI ÐỨC NYANATILOKA

Kinh Majjhima Nikàya (117) có đoạn: “Làm việc bội phản, nói chuyện phiêu lưu, hành động gian xảo, ăn lời cắt cổ, đó là cách nuôi mạng xấu xa không chánh đáng (tà mạng)”.

Kinh Anguttara Nikàya V.117 cũng có chép: “Có 5 nghề sanh nhai, mà người Phật tử cần nên tránh: Buôn bán khí giới, buôn bán người, bán thịt, bán nước say và bán thuốc độc”.

CHÁNH MẠNG THẾ GIAN VÀ CHÁNH MẠNG SIÊU THẾ GIAN.

Khi người Phật tử cố tránh xa tội lỗi, tìm nuôi thân bằng phương thức chánh đáng, hành động đó đem lại quả vui nơi cõi trần. Ðó gọi là “Chánh mạng thế gian” (Lokiya sammà àjiva).

Đàng khác, chán ghét lối sống bê tha, biết tự chế, kiềm hãm, điều ngự, tâm trí (của bậc thánh nhân) không hướng về thế gian đã hợp nhất với con đường siêu việt (Bát Chánh Ðạo).

SỰ LIÊN QUAN GIỮA CHÁNH MẠNG VÀ CÁC CHI KHÁC

“Khi hiểu rõ tà mạng là xấu xa và chánh mạng là cao đẹp, người đã thực hành chánh kiến (bước 1). Cố gắng vượt qua sự tà mạng bất chánh để un đúc chánh mạng, người đã thực hành “Chánh Tinh Tấn “(bước thứ 6). Ráng chế ngự tà mạng, và chăm chú niệm tưởng về Chánh mạng, người đã thực hành “Chánh niệm” (bước thứ 7).

“Như vậy, có ba chi liên quan với Chánh mạng là: Chánh kiến, Chánh tinh tấn, Chánh niệm”.


II-4f CHÁNH TINH TẤN (Sammà-Vàyàma)

A.IV – “Thế nào gọi là Chánh Tinh Tấn? – Như Lai nói Chánh Tinh Tấn có bốn:

Tinh tấn tránh xa
Tinh tấn lướt qua khỏi
Tinh tấn làm cho tiến triển
Tinh tấn để bảo tồn.

1. TINH TẤN TRÁNH XA (Samvarappadhàna)

“Tinh tấn tránh xa là thế nào?

Muốn tránh xa tội lỗi, người giới tử cố trau dồi tâm trí không cho nó đánh thức những tư tưởng xấu xa hay hành động đê hèn khi các ý nghĩ đó chưa phát sanh. Người cố gắng để hết các nghị lực chế ngự tư tưởng và chống trả lại nó.

Làm vậy,khi thấy hình sắc gì bằng đôi mắt, tai nghe tiếng động nào. Mủi ngửi mùi gì, lưỡi nếm vật chi hoặc thân va chạm với bất cứ vật gì, người không dừng lại với ý nghĩ đó, dù với tánh cách toàn diện hay vi tế. Những người ráng chống trả, quán tưởng về những khía cạnh xấu xa tội lỗi, khát khao khốn quẩn (của sắc trần) rất tai hại nếu không biết gìn giữ lục căn, không canh chừng và kiểm soát chúng.

Khi làm chủ được các giác quan một cách cao thượng rồi, giới tử cảm thấy mình được an vui thơ thới, chẳng có việc gì xấu xa đê tiện có thể xen vào (tâm trí).

Ðó gọi là “tinh tấn tránh xa”.

2. TINH TẤN LƯỚT QUA KHỎI (Pahànappadhàna)

“Thế nào là tinh tấn lướt qua khỏi?

Muốn có sự tinh tấn này, giới tử ráng trau dồi tâm trí để vượt qua các việc xấu xa tội lỗi đã phát sanh. Người đem hết nghị lực chế ngự tư tưởng, chống trả lại những ý nghĩ đê hèn đó.

người không dừng lại trong tư tưởng tham dục, ác tâm hoặc bất cứ điều gì xấu xa khốn quẫn đã phát sanh và ráng sa thải, đánh tan huỷ diệt nó”.

NĂM PHƯƠNG PHÁP Ð? ÐÁNH TAN TƯ TƯỞNG XẤU XA (Tà Tư Duy)

M.20 – “Khi nhìn thấy vật gì có thể đem lại ý nghĩ xấu xa tội lỗi, đánh thức lòng ham dục, si mê, sân hận, giới tử nên hành động như thế này:

– Quan sát kỹ vật đó, đem nó so sánh với một vật khác có tánh cách cao thượng cứu cánh hơn.

– Nghĩ về sự đê hèn của vật đó như thế này: “Ý nghĩ này thật nhơ nhớp. Nó làm cho ta bị người chỉ trích và ắt sẽ đem lại hậu quả đau đớn

– Hoặc bỏ qua không nghĩ đến vật đó nữa.

– Hoặc suy xét về tánh cách phối hợp của nó.

– Hoặc cắn răng lại, uốn lưỡi lên ổ gà, kềm chặt cái tâm buộc nó phải xoá bỏ tận gốc rễ ý nghĩ đó.

Làm như vậy, những tư tưởng xấu xa tội lỗi, tham lam, sân hận, si mê sẽ tiêu tan, sẽ biến dạng … và nội tâm sẽ được vững vàng, an tĩnh tập trung.

Ðó là “tinh tấn lướt qua khỏi”.

3. TINH TẤN LÀM CHO TIẾN TRIỂN (Bhàvanàppadhàna)

A.IV.13-14 – “Thế nào là tinh tấn làm cho tiến triển?

Muốn được như vậy, người giới tử phải cần khuyến khích thiện chí của mình hướng về các điều tốt tươi cao thượng chưa phát sanh. Người cố gắng hết sức mình để đều ngự tâm trí và cố sức chiến đấu.như thế, người làm cho những “nguyên tố Giác Ngộ” (bojjhanga, thất giác chi) được tiến triển thêm, phát tâm vui thích nơi thanh vắng, không còn luyến ái, dập tắt (phiền não) để đi lần tới sự giải thoát”

Ðó là: Niệm tưởng (Sati), Thông suốt Giáo Pháp (Dhamma vicaya), Tinh tấn (Viriya), phỉ lạc (Piti), An tịnh (Passaddhi), Ðịnh tâm (Samàdhi), và Xả (Upekkhà).

Ðó là “tinh tấn làm cho tiến triển”.

4. TINH TẤN ÐỂ BẢO TỒN (Anurakkhanappadhàna)

“Thế nào là tinh tấn để bảo tồn?

Về phương diện này, giới tử khuyến khích thiện chí của mình hướng về những điều tốt tươi cao thượng đã phát sanh rồi, không để tư tưởng cao đẹp đó tiêu tan, mà ráng làm cho nó phát triển đến mức chín muồi, đến hoàn hảo và tiến hoá triệt để (Bhàvanà). Người cố gắng hết sức để điều ngự tâm trí và ráng chiến đấu.

Ðó là “tinh tấn để bảo tồn”.

M.70 – “Thật ra, giới tử nào đã có đầy đủ giới đức, đã suốt thông Giáo lý của bậc thầy tổ, thì tâm trí thường có những ý nghĩ như vầy: “Dù cho da ta, gân ta, xương ta rã rời, dù cho thịt và máu ta khô can, ta cũng không ngừng sự quyết tâm tinh tấn nếu chưa đạt được mục đích mà con người có thể thành tựu với khả năng và nghị lực”.

Ðó là chánh tinh tấn”.

A.IV.(14) – “Tinh tấn tránh xa (tội lỗi), tinh tấn lướt khỏi (tội lỗi), tinh tấn làm cho phát triển (các điều lành), tinh tấn bảo tồn (những pháp cao thượng) là bốn giai đọan về tinh tấn mà bậc đại hiền đã chứng minh. Kẻ nào cố bám dính vào các đức tánh đó sẽ kết liễu được những điều thống khổ”

This entry was posted in Phật Giáo. Bookmark the permalink.