Nghiệp Trong Phật Giáo Nguyên Thủy

VI. NGHIỆP LÀ NỀN TẢNG CỦA ĐẠO ĐỨC

Học thuyết Nghiệp của đạo Phật không giống những học thuyết nghiệp của những Tôn giáo khác. Học thuyết nghiệp của Phật giáo được xây dựng trên nguyên tắc Duyên khởi, là chân lý của cuộc đời, vì nó không có một sự vật trong thế gian, cũng như không có một tư duy, tư tưởng nào của con người được thành lập ngoài nguyên tắc chung này. Đó là lý do tại sao rong “Kinh Tạp A Hàm”, đức Phật dạy:

Pháp Duyên khởi không phải là pháp do ta tự tạo ra, cũng không phải do người khác tạo ra. Như Lai có xuất hiện ở đời hay Như Lai không xuất hiện ở đời, thế gian vẫn vận hành theo nguyên tắc Duyên khởi này…”[90].

Ðây là lời đức Phật xác định giá trị của pháp Duyên khởi, nó là quy luật tự nhiên của vũ trụ, dù đức Phật có nói hay không nói thì quy luật này vẫn tồn tại và mọi vật vận hành theo quy luật này, đức Phật chỉ là người đầu tiên khám phá qui luật này mà thôi. Có thể nói, không những chỉ có giáo lý Duyên khởi mà hầu như toàn bộ giáo lý của Ngài đều mang đặc tính như thế[91], nếu chúng ta nghiên cứu một cách nghiêm túc sẽ thấy điều đó. Chẳng qua, người làm công tác truyền bá giáo lý của ngài còn nhiều giới hạn, hơn nữa mỗi giai đoạn lịch sử khác nhau, tâm tư tình cảm, tập tục tín ngưỡng của từng địa phương cũng khác nhau, vì muốn truyền bá giáo pháp của Ngài, cũng chính vì vậy lời dạy trong sáng của Ngài cũng theo đó bị đồng hóa những tín ngưỡng, những phong tục tập quán của dân gian, đây là điểm mà chúng ta cần lưu ý. Ðạo Phật tuy tồn tại dưới hình thức tôn giáo, nhưng đạo Phật nguyên thủy vốn không chấp nhận một niềm tin mù quáng, phủ nhận vai trò quyền năng của đấng sáng tạo, cho dù đó là đức Phật hay Thượng đế. Ðức Phật luôn luôn đề cao vai trò và trách nhiệm cá nhân, sự thành đạt hạnh phúc hay đọa lạc trong khổ đau đều do con người quyết định và chọn lựa[92], không ai có quyền thay mình, Ngài xác nhận rằng, ngài chỉ là vị đạo sư[93] hay là vị lương y[94] mà thôi. Có thể nói lời đức Phật nói ra là sự kết tinh của quá trình suy tư và kinh nghiệm của cuộc sống con người, là những quy luật hay nguyên tắc sống. Ðiều đó có một ý nghĩa sâu sắc là lời Ngài dạy có mối quan hệ mật thiết với cuộc sống hằng ngày của chúng ta, nó không phải là những lý thuyết suông vô tác dụng, ngược lại rất thực tế và hữu dụng. Do vậy, những ai cần có một cuộc sống bình an và hạnh phúc cho bản thân và xã hội không thể tách rời nguyên tắc sống của Phật giáo, cho dù người đó là người có vị trí khác nhau trong xã hội. Dưới đây chúng ta thử lấy quan điểm Nghiệp của Phật giáo phân tích hai góc độ hạnh phúc cho con người và giữ gìn sự trật tự trong xã hội

1. Học thuyết Nghiệp là định hướng xây dựng đời sống hạnh phúc cho con người

Người có ý thức về Nghiệp là người có ý thức về đạo đức, người có ý thức về đạo đức là người biết tôn trọng cuộc sống, người biết tôn trọng cuộc sống là người biết lựa chọn cuộc sống hạnh phúc.

Là con người, ai cũng tham sống sợ chết, muốn sống một cuộc sống có hạnh phúc. Thế nhưng, làm thế nào để vươn tới cuộc sống hạnh phúc? Có thể nói, nó đều tùy thuộc vào khả năng của sự hiểu biết và cách hành xử của con người, có nghĩa là con người có thấu triệt được kết quả của những hành vi mà con người đã làm đang làm hay sẽ làm hay không. Sự hiểu biết đó là điều kiện tất yếu để quyết định cuộc sống hiện tại hay tương lai của chúng ta có được hạnh phúc hay không. Tất nhiên, đạo Phật không phủ nhận hạnh phúc của thế gian, như hạnh phúc trong sự cờ bạc, rượu chè hay trong những thú vui khác.v.v… vì trong cờ bạc, rượu chè… có những thú vui riêng của nó, cho nên con người mới đam mê về nó. Nhưng ở đây, vấn đề mà đạo Phật đề cập đến hạnh phúc không phải là những loại hạnh phúc này, chính là sự hạnh phúc chân thật và lâu dài, hạnh phúc đó không làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của người khác, hay trong hạnh phúc không có bóng dáng và sự rình rập của khổ đau và sợ hãi. Phật giáo gọi nó là hạnh phúc chân thật. Như vậy, hạnh phúc chân thật này bắt nguồn từ đâu? Tất nhiên câu trả lời ở đây là sự ý thức về nghiệp, ý thức vềnghiệp là ý thức về nhân quả, là sự phân biệt, lưa chọn giữa cái đúng và cái sai, hay nói một cách chính xác là hành vi có chánh kiến. Hành vi có chánh kiến là yếu tố dẫn đến hạnh phúc chân thật. Ví như, một người muốn có một đời sống tương lai không rơi vào trường hợp nghèo khổ. Ðiều kiện tất yếu của người đó là ngay từ bây giờ người ấy phải nỗ lực trong việc học tập nghề nghiệp chuyên môn, thâu thập kinh nghiệm. Với tay nghề tinh xảo, vốn kiến thức chuyên môn và phong phú, nó sẽ là yếu tố quyết định công việc tốt cho người ấy trong tương lai. Quá trình học tập, thâu thập kinh nghiệm và công việc làm tốt là mối quan hệ tất yếu giữa nhân và quả. Niềm vui của công việc làm tốt không ảnh hưởng đến hạnh phúc người khác, đó là ý thức đúng về Nghiệp. Một ví dụ khác, một kẻ đam mê cờ bạc rượu chè thường tìm cầu niềm vui trong lúc cờ bạc hay rượu chè, nhưng sự thua lỗ về tiền bạc, những hành vi bất thiện xảy ra sau khi uống rượu là những kết quả không lành, nó không những làm khổ cho mình mà còn làm khổ cho người khác, đó là hành vi thiếu ý thức về nhân quả nghiệp báo. Niềm vui của cờ bạc rượu chè chỉ tồn tại trong giây phút thật ngắn ngủi, nhưng nỗi khổ cho mình và cho người khác thì vô cùng, nếu ta đem hai niềm vui này so sánh, người trí không ai lại chọn niềm vui ngắn ngủi, từ chối niềm vui lâu dài, lao đầu vào khổ đau, nhưng khốn nỗi con người chỉ thấy được cái lợi trước mắt, không thấy cái lợi lâu dài. Hành vi cờ bạc rượu chè là hành vi làm khổ cho mình cho người, là mối quan hệ nhân quả bình đẳng và tất yếu. Nỗi khổ là điều không ai thích nhưng nó vẫn đến với con người, vì con người thiếu chánh kiến, không thấy được luật nhân quả nghiệp báo của đạo Phật. Một người hiểu rõ học thuyết Nghiệp trong Phật giáo, là người thấy rõ mối quan hệ nhân quả, người thấy rõ nhân quả là người không làm các việc bất thiện, vì hành vi bất thiện là nguyên nhân dẫn đến khổ đau. Do vậy, con người muốn có hạnh phúc lâu dài cần thấu rõ và áp dụng học thuyết nhân quả ngay trong cuộc sống, nó là nền tảng của đạo đức đưa con người đến thế giới chân thật hạnh phúc.

2. Học thuyết Nghiệp là nền tảng xây dựng xã hội lành mạnh và đạo đức

Ở đây, chúng ta có thể mượn câu: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”[95] của nhà Nho để nói lên mối quan hệ giữa học thuyết Nghiệp đối với việc xây dựng một xã hội trật tự theo kiểu Phật giáo.

Sự tồn tại một cộng đồng xã hội không thể tách rời sự tồn tại của từng thành viên trong xã hội ấy. Như vậy, muốn có một xã hội trật tự không thể tách rời đời sống có đạo đức của từng cá nhân trong xã hội ấy. Mỗi thành viên có nếp sống tốt, biết thi hành bổn phận và trách nhiệm của mình đối với gia đình và xã hội là yếu tố cơ bản để hình thành một xã hội lý tưởng. Thế nhưng bản chất con người vốn sẵn có lòng tham lam, sân hận và si mê, nó là động cơ gây ra mọi rối loạn xã hội. Thế thì làm thế nào để ngăn chận những hành vi bất hợp pháp xảy ra? Theo người viết, vấn đề giáo dục được xem là yếu tố quan trọng để giải quyết vấn đề. Giáo dục gồm có nhiều hình thức khác nhau, ở đây chúng ta tạm phân chia thành hai hệ thống giáo dục: Hệ thống giáo dục của quốc gia và hệ thống giáo dục của tôn giáo. Trong phạm vi bài viết này, tôi không đề cập đến hệ thống giáo dục quốc gia, chỉ đề cập đến vai trò giáo dục của tôn giáo, cụ thể là Phật giáo.

Có thể nói, luật pháp xã hội chỉ là biện pháp ngăn chặn những hành vi phi pháp khi nó đã được biểu hiện một cách cụ thể bằng hành động, nhưng luật pháp không thể xử lý hành vi chưa thể hiện hành động cụ thể. Nói một các khác, luật pháp không thể ngăn chặn xử lý những suy nghĩ bất chính từ trong tâm thức của con người. Thế thì động cơ của hành vi bất chính đó xuất phát từ đâu? Theo Phật giáo hành vi được thể hiện bằng hành động bên ngoài là kết quả của sự suy tư từ bên trong tâm thức. Như vậy, ý thức là chủ nhân của hành động, hành động chỉ là tay sai của ý thức. Điều đó, nó gợi ý cho chúng ta thấy rằng, luật pháp chỉ xử lý giải quyết vấn đề từ hậu quả, không phải từ nguyên nhân, như thế là giải quyết cái ngọn không phải là cái gốc.

Thế thì làm thế nào để con người có thể phát hiện và khống chế những suy tư bất chính ấy? Tôi cho rằng, luật pháp không thể làm được việc này, vì làm thế nào để biết tâm tư kẻ khác là thiện hay ác, do đó không có cơ sở để kết tội người khác như thế này hay thế kia, trừ trường hợp duy nhất là đã được thể hiện hành động cụ thể. Công tác giáo dục của tôn giáo giữ vai trò then chốt trong việc ngăn chặn những suy tư bất chính từ con người. Tại sao tôn giáo lại làm được điều này? Căn cứ từ ước mơ của con người. Nói một cách cụ thể và rõ ràng hơn là, bất cứ ai sinh ra cuộc đời này đều có một ước mơ chung là, cuộc sống này được vui sướng, và cuộc sống của kiếp sau cũng được sung sướng hạnh phúc và giàu có. Xuất phát từ những ước mơ này, mỗi tôn giáo đều có cách lý giải riêng, xây dựng một thế giới vui sướng riêng. Như Thiên Chúa gọi là cõi Thiên đường, Phật giáo gọi là cõi Niết bàn, Tịnh độ gọi là cõi Cực lạc. Dẫu rằng cách định nghĩa của mỗi tôn giáo có khác nhau, nhưng đều có ý nghĩa chung là cõi hoàn toàn vui sướng, không có khổ đau và có cuộc sống vĩnh hằng. Nó là thật hay hư, là chân hay giả, ngoài phạm vi thảo luận của chúng ta, có tin hay là không tin cũng đều tùy thuộc vào sự hiểu biết và niềm tin của mọi người. Dù gì đi nữa, nó là thế giới đẹp và lý tưởng được đại đa số con người trên quả địa cầu ước mơ và có ước muốn sanh về cõi đó, sau kiếp sống này.

Thế nhưng, thế giới Thiên đường hay cõi Cực lạc đó không phải ai cũng muốn đến được, ai muốn sanh về thế giới đó phải là người thiện người tốt, đó là điều kiện cớ bản mang tính chất chung. Ðiều kiện cụ thể, mỗi tôn giáo đều có những qui định riêng, nhưng cho dù như thế nào đi nữa, điều kiện cơ bản vẫn là, răn dạy con người không làm các hành vi bất thiện, thực hiện các hạnh lành. Vấn đề thế giới Thiên đường hay Cực lạc có hay không có, đó là vấn đề của tôn giáo, thuộc về lãnh vực tình cảm niềm tin của con người, không phải là lãnh vực thuộc lý trí. Nếu đứng từ vấn đề giáo dục xã hội mà nhìn, niềm tin đó có hay là không, nó vẫn không có tác hại gì đến xã hội, ngược lại nó có những yếu tố tích cực một cách trực tiếp giáo dục con người có đạo đức, gián tiếp xây dựng xã hội có trật tự và lành mạnh. Đó là thực tế từ xã hội tôn giáo. Tất nhiên vẫn có yếu tố xấu từ lòng mê tín, như việc khủng bố là điển hình, không đó là thành phần đơn là rất nhỏ trong xã hội tôn giáo. Không nên nhìn mặt trái của vấn đề, đánh giá sai lệch chức năng tích cực của tôn giáo.

Phật giáo tồn tại và sinh hoạt dưới hình thức là một tôn giáo. Về mặt hình thức, Phật giáo không thể không có về những mặt như lễ nghi tín ngưỡng ngay cả mặt thần thánh, đó là phương tiện giáo dục, vì đáp ứng nhu cầu của con người và xã hội, nhưng về mặt tư tưởng, Phật giáo đề cao vai trò tuệ giác, lấy giác ngộ và giải thoát là mục tiêu giáo dục Phật giáo. Như chúng ta thấy, trong Kinh A hàm định nghĩa trạng thái của Niết bàn là sự chấm dứt lòng tham lam, sân hận và si mê. Làm thế nào để có trạng thái này, hành giả phải thực hành giới luật, tu tập thiền định và phát huy trí tuệ. Giới luật là những nguyên tắc sống cộng đồng, trong đó bao gồm những qui định đạo đức của xã hội; Thiền định là sự tập trung tư tưởng, vì một trong những lý do khiến phiền não phát sinh là thiếu chú tâm cảnh giác. Trí tuệ là kết quả của việc thực hành giới và định, là cái thấy và biết đúng như sự thật. Có nghĩa là mgười có trí tuệ là người nhìn thấy mối quan hệ giữa nhân và quả. Nhân nào dẫn đến khổ đau người ấy không làm, nhân nào dẫn đến an lạc hạnh phúc cho mình cho người người ấy thực hiện. Nói biết nhân quả cũng có nghĩa là nói đến người biết hiểu rõ vai trò của nghiệp lực. Như vậy, giáo lý Phật giáo nói chung hay giáo lý Nghiệp nói riêng, là giáo lý làm nền tảng giúp cho con người có cuộc sống an lạc. Đồng thời nó cũng là giáo lý cơ bản giúp cho xã hội sống trong trật tự và đạo đức. Do vậy, việc phát huy tinh thần giáo dục Phật giáo là một nhu cầu cần thiết cho xã hội, nó là vũ khí sắc bén để loại trừ suy nghĩ bất chính từ trong tâm thức của con người, là người bạn đồng hành của chính sách quốc gia trong công tác phòng chống nạn tệ đoan xã hội.

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.