Chìm Nổi Thăng Trầm

Trong vài năm sau khi hưu trí, tôi thường đến Community gần nhà để làm thiện nguyện đồng thời cũng giao lưu với các nhóm sinh hoạt cao niên người Tây Phương để thực tập cho không quên cái số vốn Anh Ngữ của tôi, thì tôi gặp chị Dung, một người Việt duy nhất thường lui tới chung vui với các nhóm đó. Chỉ mỗi một chị là người Việt Nam như tôi, dần dần chúng tôi làm quen và trở nên thân như người trong nhà. Tôi giới thiệu chị đọc trang Huongdaoonline, thì một hôm chị gọi tôi đến nhà chị để chị có thể trút hết tâm sự ngàn cân mà chị đã gánh và ôm theo suốt bên mình cho tới bây giờ …

Phải kể rằng Chị rất kín đáo nên tôi từ lâu vẫn không biết gì nhiều về đời tư của Chị chỉ biết rằng chị ra đời rất sớm và một tay làm ra tiền để bảo bọc cho má chị và các người em còn lai ở Việt Nam.

Vừa vào tới nhà sau khi ân cần dọn trà và bánh trái chị bỗng kéo tôi đến máy computer và đánh vào trang mạng huongdaoonline nơi có đăng bài thơ lời con trẻ và chị khóc ……

Lời con trẻ
……..
……….Cảnh gia đình im lạnh qúa nghĩa trang
Con không dám hỏi cha, hay vòi mẹ
Vì nói ra là chuốt hận vào thân
Cha mẹ bực mình nhau, con ở giữa
Là chổ cho cha mẹ để phân bua
Bao nổi tức đổ lên đầu con trẻ
Thế hỏi con đổ việc ấy cho ai???
Nhìn cảnh bạn chung quanh nhà hạnh phúc
Con hỏi con – Sao đã tội tình gì???
Ðể sinh ra trong gia đình không ổn
Tranh cải hoài, giận đổi để mất vui

Sụt sùi và nghẹn ngào chị nói rất nhỏ nên tôi phải xích lại gần bên và cầm tay chị như hoà theo lời kể …

Đọc những lời thơ này trong Huongdaoonline mình thần thờ nhớ lại quảng đời niên thiếu mà mình đã trải từ thập niên 1961, em biết không, em ơi cái tuổi mà nhiều đứa trẻ rất êm ấm bên cha mẹ và ông bà nội ngoại …

Sống giữa thời tranh tối tranh sáng của giai đoạn thời đó, đứa bé 10 tuổi không thể nào hiểu được tại sao ba của nó có số lương rất ổn định lớn gấp 10 lần số lương của một người lính (chính vì thế mà nhà nó lúc ấy là một biệt thự có hai tầng lầu, từng dưới có hai phòng) nó không biểu tại sao mẹ nó lại cần tạo thêm nhiều tiền thêm nữa để làm gì thay vì chăm sóc nó và các em nó cẩn thận hơn thêm thế mà lại chia phòng làm ra nhiều giường ghế bố cho học sinh từ các nơi xa về Saigon để học các trường Đại học mà tỉnh họ không có.

Những người đến trọ là thanh niên tuổi xuân cường tráng, sau này đều trở thành những bậc trí thức giỏi có người làm tới bác sĩ giáo sư Đại học và đứa bé này cũng không không hiểu tại sao mà mẹ nó không lo lắng một chút gì về luật nam nữ thọ thọ bất thân để rồi trong nhà luôn luôn có chuyện nghi kỵ giữa ba và má nó, cả ngày nó thật nhức đầu vì phải chứng kiến sự giận hờn không chịu ăn cơm của ba nó và những câu đay nghiến của mẹ nó không ngừng vào giữa đêm.

Và cứ thế cuộc sống vẫn âm thầm trôi được vài ba năm thì không hiểu sao gia đình nó lại đi tới tình trạng vỡ nợ có lẽ theo nó biết vì từ khi má nó có em bé út cách khoảng với nó 7 tuổi thì dịch sốt tê liệt thời đó hoành hành em nó vướng bệnh cho nên bao nhiêu tiền để dành phải chi ra cho những khi đi chạy điện chân em nó và kết cuộc các kim cương mà mẹ nó mua rất đắt từ một bà dì thường lui tới bây giờ không bán được 1/3 giá như lúc mua, nên má nó phải đi mượn nợ từ các bát hụi và cứ thế nợ chồng thêm nợ có nhiều lúc má nó sai nó đem những vòng vàng thật quý của bà nội cho nó khi còn bé ra tiệm cầm thế để trả bớt nợ cho người nào đó, và mỗi lần như thế nó mắc cở thẹn thùng lắm vì sợ con bạn thân học chung lớp với nó nhà đối diện với tiệm cầm đồ thấy được mà vào lớp nói cho chúng bạn hay thì làm sao nó còn nhìn ai, mỗi lần như thế nó đã ngẩng mặt lên trời gào lên thật to “Ông trời ơi giúp đời tôi sau này đừng có cảnh này và bằng cách nào tôi phải làm ra thật nhiều nhiều tiền cho con tôi không bị nhục như hôm nay …” vậy mà kết cục là, ba má nó vẫn phải bán căn nhà thân yêu mà nó rất thích vì có hai cây vú sữa rất sai trái nơi nó thường leo lên hái mỗi ngày thay vì phải chạy thoát ra không khí im lặng nặng nề …

Từ khi dọn về căn phố dài hun hút có hai tầng lầu ở vào vùng xa hơn nó chỉ biết chui đầu vào những trang sách vì sắp tới kỳ thì Trung học, (giống như hiện nay tại các thành phố lớn của Úc cũng có các em thi tuyển vào trường công lập nỗi tiếng khi lên grade 9) nên không biết rằng nhà nó nợ vẫn còn là nợ và đến một lúc nào đó không thể nào cung cấp cho nó tiền chi phí học tư nữa …

Không hiểu tại sao nó lại có dịp may này, cô giáo tiểu học của nó ngày xưa lại ngụ cùng hẻm với nó nên cô ngỏ ý sẽ giúp nó có được học phí tư và một số tiền nhỏ hằng ngày giúp tiền chợ cho gia đình bằng cách giới thiệu với nó người em họ đang làm chủ một tiệm kem nỗi tiếng và nó đến đó lãnh kem để vào một cái tủ để ngoài ngỏ hẻm bán cho khách đi đường vì thế sau giờ đi học về là nó với chiếc xe đạp đi lãnh kem về bán cho đến tối, những lúc ngồi bán như thế nó thường bỏ sẵn trong túi những bài học được viết theo chữ rất lớn để cho dễ đọc.

Vậy mà Dung đã đậu Tú tài một và tú tài hai thật cao, trong lần nói chuyện với cô giáo trung học dạy Anh Văn nàng nhờ cô chỉ giúp chỗ nào để kiếm thêm tiền giúp cho gia đình khi bước vào ngưỡng cửa đại học, Cô giáo rất sẵn lòng và ngỏ ý giới thiệu cho nàng đi kèm tư gia cho một gia đình đang mở một khách sạn lớn ngay tại trung tâm thủ đô cao bảy từng lầu với một số lương thật là cao và bao cơm chiều.

Dung nói với tôi như ngâm thơ, bạn biết không, lúc bấy giờ thì mình hết lo rầu gì nữa cả và nghĩ rằng Ông trời đã thấu hiểu lòng mình

“Vạn lối đường tưởng hun hút khói sương
Mình nhắm mắt thả trôi đời chẳng vấn vương ……”

Và thế rồi Dung với số tiền khá đủ để tự săn sóc cho sự học và tiến lên Đại học một cách vững vàng, mình đã giúp thêm cho gia đình một số tiền cho các em bỏ túi và ăn sáng và nhà nàng giờ đã thấy tươi vui hơn xưa, nhưng lại có tình cảm yêu thương trai gái giữa nàng với người em trai của ông chủ hãng kem ngày xưa nàng đến lãnh để bán vào lúc quá chật vật, anh ta chú ý tới nàng hồi nào thì nàng không biết nhưng bắt đầu theo đuổi từ khi nàng thi đậu Tú tài 2 và hằng ngày tìm cách lân la đến nhà, khi thì chở kem bỏ vào tủ lạnh cho má nàng khi thì lại nhà giúp sửa các vật dụng bị hư và kết quả Dung cũng bị rơi vào bẩy ái tình vì thật ra anh chàng đó cũng rất đẹp trai và học cũng rất giỏi.

Rồi thì lập gia đình vừa đi học vừa làm thầy kèm dạy tư gia cho đến khi đi làm được tại một bịnh viện lớn nhất Saigon chưa được một năm thì cách mạng 1975 và cha nàng chết vì đứt mạch máu não khi đi thăm người anh đang bị học tập cải tạo và lại một lần nữa Dung lại phải bảo bọc mẹ nàng và hai người em còn lại cùng gia đình người anh. Cả tám người vừa trẻ con và người lớn hầu như trông vào đôi bàn tay của Dung vì bây giờ chỉ có nàng mới có nhu yếu phẩm được cung cấp từ bịnh viện, nàng cố thu mua không sót một món hàng nào mà nàng có thể ngay cả việc nuôi heo từ lúc nhỏ cho đến khi được lớn lớn một chút rồi nhờ chồng chuyển đến một nhà nông dân để bán lại, lúc ấy nàng đã có một đứa con gái hai tuổi rồi thì một hôm chồng nàng lại bảo rằng “Anh vừa gặp một anh bạn giới thiệu cho một chủ tàu có thể giúp mình ra khỏi nơi này hầu giúp má và các em cũng như gia đình mình có tương lại sáng lạn hơn”. Và cứ thế anh bí mật, miệt mài theo đuổi một mình với công chuyện đó cho đến hàng năm trời mà chẳng đi đến đâu cho đến một hôm cả nhà nàng khũng hoãng khi hay tin anh bị bắt cùng với ông chủ tàu ấy và thế là nàng xin nghĩ việc ngay và tức tốc lo việc cứu chồng khỏi bị án nặng hơn, cũng vào thời điểm ấy nàng có thêm cháu thứ hai. Rồi hơn 6 tháng, giao hết con cái cho mẹ và bươn bả kiếm các người quen để mượn vàng lo lót hay dùng các thứ bùa phép mà nàng tin rằng có thể giúp nàng… Số vàng này nàng mới vừa trả lại cho chủ sau nhiều năm thất lạc.

Cũng may là không biết do sự hiệu nghiệm của điều gì mà chồng nàng sau ba tháng bị bắt lại được thả ra cũng bí mật như lúc mới bị bắt và chỉ trong vài tuần sau anh lại kéo nàng và hai con lênh đênh theo anh trên một chiếc tàu vượt sóng với độ 50 người.

Thời điểm ấy người ta gọi là điểm nóng nơi đảo tỵ nạn 1979, sau nhiều ngày lênh đênh trên biển cũng may không gặp hải tặc và trên tàu có nhiều người rất mộ đạo đọc kinh và cầu khấn Quan Thế Âm suốt chuyến hành trình cuối cùng ghe cũng đến được một hòn đảo du lịch Mã Lai và sau đó được hướng dẩn đến trại tỵ nạn gần đó. Nhờ có chút vốn liếng anh ngữ và kinh nghiệm về thuốc men nàng được làm việc tại trạm xá nên chút phần lương thực cũng đủ nuôi sống gia đình 4 người nhưng tiền bạc vàng vòng thì nàng không có một xu dính túi cho đến ngày đi định cư tại Australia (3 tháng sau đó). Người ta thì được đưa đến những hostel nơi các thành phố lớn còn nàng và một gia đình nữa lại được bảo trợ bởi một hội nhà giàu muốn làm từ thiện nơi vùng du lịch trên phía bắc Queensland, và chỉ cũng cấp lương thức ăn và nhà ở, học Anh ngữ để giao tiếp trong vòng hai tháng rồi phải tự mình đi kiếm việc làm, thế rồi hai tháng sau chồng nàng được giới thiệu đi vẽ ( draftman ) cho một nhà thầu xây cất còn nàng đến phụ giúp cho một nhà dưỡng lão dưới sự chăm sóc của các nữ tu dòng Thánh Giá, bấy giờ thì mọi thứ tự mình phải lo liệu, họ chỉ chỉ dẫn cho mình đi học lái xe rồi mua xe trả góp để tự túc trong khi hội tiếp tục bảo lãnh thêm một số người khác.

Chúng tôi ngụ nơi đây được hai năm thì biết được rằng trong tương lại nếu lên Cấp 10 thì phải cho con về thành phố xa cả ngàn cây số vì nơi đây không có trường, quá ngỡ ngàng lại thêm biết được anh bạn mới vừa được bảo lảnh có người chú làm giáo sư đại học đang lãnh anh về Geelong / Melbourne nên chúng tôi xin Anh địa chỉ và số điện thoại để kiếm dường về lại Melbourne may ra chúng tôi có thể học lại và tiếp tục cho con theo đuổi học vấn cao hơn nếu có thể …

Thế là chỉ trong ba tháng chúng tôi quyết định thu vén trong ngoài thật kín đáo và xin nghĩ việc đồng thời loan báo với hội rằng chúng tôi có người quen mời về giúp việc tại Melbourne, mặc dù chúng tôi chỉ có anh bạn ân nhân đấy nhiệt tình giúp cho mà thôi cả gia đình trên một chiếc xe hơi củ hành lý, mền mùng vật dụng cần thiết đem hết theo cứ thế mà đi vượt 4000 km đến Geelong. Sau một tuần sáng đi tối ngũ lang thang trong các motel và điểm đến cũng phải đến. Có thể lúc đó

” Chúng tôi chẳng sợ gì mùa đông băng giá
Vẫn tin rằng hai vai rộng chuyển đổi tương lai ”

Nhờ sự nhiệt tình giúp đỡ của gia đình người thân của anh bạn thuê nhà và làm thủ tục xin tiền chánh phủ, chúng tôi đã lần mò tìm đến Melbourne để mướn nhà và cho con tiếp tục đi học rồi hai vợ chồng nỗ lực ra sức đi làm, nhờ có kinh nghiệm về nhà thương và nấu ăn mà các nữ tu đã dạy tôi xin được rất nhiều chổ làm bán thời ban ngày thì giúp cho Meals on Wheel của council, ban đêm phụ bếp cho nhà hàng Ý cuối tuần thứ bảy và chủ nhật thì phụ giúp cho một nhà dưỡng lão. Trong khi chồng tôi tiếp tục đi học lại ngành Kiến Trúc, bạn thấy mình chỉ có thể mỗi ngày ngủ 5, 6 tiếng đồng hồ mà thôi và còn phải chăm lo cho con.

Trong lúc đi học lại, chồng tôi nghe đồn rằng Australia Post có tuyển nhân viên vào làm việc nhưng phải qua kỳ thì tuyển. Thế là Anh xin cho tôi một form để dự thi, cuộc đời tôi bước qua ngỏ khác, chỉ hai tuần sau khi thì tôi được nhận vào làm việc, phải nói với số lương đó đã gấp mấy lần việc làm bán thời của tôi rồi, nhưng còn cần đủ thứ cho con nên tôi vẫn phải đi làm thêm ngày cuối tuần hơn hai năm sau mới nghỉ mà không dám mua cho mình một món đồ nào với giá chính thức mà chỉ xài đồ second hand. Bây giờ thì mọi chuyện mà tôi mơ ước khi xưa đã thành sự thật và cuộc sống gia đình tôi gọi là không cần phải tranh đua gì hơn chỉ tiếc là mẹ và hai em tôi không được dung thân nơi đất này có lẽ do duyên phần mặc dù chúng tôi hết sức cố gắng …..

Chuyện phần cuối của chị cũng kết cuộc khá đẹp, nhưng tôi chỉ muốn kể lại cho mọi người cùng hiểu, đừng than vắn thở dài dù gặp nghịch cảnh nào mà phải phấn đấu bằng hết sức lực của mình, rồi mọi chuyện cũng sẽ qua.

Chị cũng ngâm hai câu thơ mà tôi mượn chép trong bài thơ “thì thầm ” để làm đề tài thơ văn nghệ của tôi….

“Mình đã trôi lăn vào muôn ngàn thử thách
Gặp nghịch duyên luôn nên mới trưởng thành “

Huệ Hương ( Viết theo tâm sự một người )

This entry was posted in Tùy Bút. Bookmark the permalink.