Lời Giới Thiệu
Silavanta Sutta ghi lại cuộc đối thoại giữa tôn giả Sariputta và tôn giả Mahakotthika. Tôn giả Mahakotthika, vì lòng bi mẫn đối với chúng sanh trong hậu thế, đã nêu lên những lời vấn đạo hết sức thiết thực.
Qua duyên lành đó, tôn giả Sariputta đã tuần tự ban bố Pháp bảo một cách sâu sắc, thể hiện trí tuệ thực chứng siêu việt của Ngài. Đây là một bài kinh quan trọng đối với những ai đang bắt đầu hoặc đã tiến bước trên lộ trình thiền Minh Sát một cách nghiêm túc, và ước mong có một tài liệu trình bày mạch lạc những quy tắc thực tập và chứng nghiệm theo tiến trình rõ ràng, từ Nhập Lưu tới Nhứt Lai, tới Bất Lai, và sau cùng là A La Hán, thành tựu Đạo, Quả, Niết Bàn. Silavanta Sutta đặc biệt nhấn mạnh sự quán niệm về Ngũ Uẩn Thủ để thấy rõ Ba Đặc Tánh tự nhiên của chúng và không còn tự đồng hóa với chúng, loại trừ tà kiến về “tôi” và “của tôi.”
Vào năm 2001, cố thiền sư U Silananda đã thuyết giảng về Silavanta Sutta tại Như Lai Thiền Viện ở San Jose, California. Những bài giảng ấy được thâu băng, rồi phiên tả và đúc kết thành một tập sách bằng tiếng Anh. Các hành giả được tăng thêm phần lợi lạc qua những lời diển nghĩa, phân tích, phụ chú và thí dụ của Sayadaw.
Gần đây, cư sĩ Nita Truitner đã phát tâm chuyển ngữ tập sách trên để tạo duyên lành cho người Việt. Nỗ lực quý báu của cô Nita thật đáng tán dương.
Cô Nita sanh trưởng trong một gia đình có đức tin thuần thành nơi Tam Bảo. Mặc dù cô xuất ngoại du học và làm việc tại Hoa kỳ đã trên 40 năm, cô vẩn còn giữ bản sắc của một phụ nữ Việt Nam và, hơn thế nữa, cô dành nhiều thời gian để học giáo lý Nguyên Thủy và hành Thiền Minh Sát. Cô đã từng sang Miến Điện dự các khóa thiền, cũng như thường xuyên dự các khóa thiền mười ngày do chúng tôi hướng dẩn tại Thích Ca Thiền Viện ở Riverside, miền nam California.
Kiến thức giáo lý, kinh nghiệm thiền tập và khả năng xuất sắc về Anh ngữ của cô Nita là một sự phối hợp tuyệt hảo cho việc thực hiện bản dịch.
Chúng tôi hoan hỷ giới thiệu tập sách nầy đến quý độc giả và ước mong quý vị có thêm sức mạnh trên đường tu tập Giải Thoát cho mình và tạo hạnh phúc cho tất cả.
Thiền sư Khippapanno Kim Triệu
Riverside, California.
-ooOoo-
Vài lời của người dịch
Tôi vô cùng hoan hỷ khi vừa nhận được quyển sách “Silavanta Sutta” của Hòa thượng Thiền Sư U Silananda viết, do Như Lai thiền viện biếu ngay sau dự khóa thiền với Ngài Thiền Sư Khippa Panno January 2005. Tôi xin miển dài dòng giới thiệu Ngài U Silananda, vì quí vị sẽ đọc phần tiểu sử của Ngài U Silananda mà tôi chép lại y nguyên văn trong quyển dịch sách của Ngài tựa đề “Chánh Niệm, Giải Thoát và Bồ Tát Đạo“ cũng do Như Lai Thiền Viện phát hành. Tôi lại vô cùng hoan hỷ khi được Như Lai thiền viện cho phép dịch quyển sách nhỏ nầy.
Ngài U Silananda có dạy trong quyển kinh nầy là việc hành thiền Minh sát là việc thực hành trong suốt cuộc đời chớ không phải là một việc làm tùy hứng. Thậm chí đến tất cả các bậc Thánh nhân như Tu Đà Huờn, Tư Đà Hàm, A Na Hàm, và A La Hán mà cũng cần phải tiếp tục hành thiền.
Sau khi đọc qua quyển kinh, tôi phát tâm muốn phiên dịch sang tiếng Việt để chia sẽ với các bạn đạo nhứt là những bạn đạo thực tập thiền Minh Sát tại chùa Phật Ân, Minnesota.
Ngoài kiến thức bao la về lý thuyết cũng như kinh nghiệm thực chứng thâm sâu trong Pháp hành, Ngài U Silananda còn có một chút khôi hài vô cùng tế nhị khi viết hay giảng giáo lý vi diệu của Đức Phật. Có khi đang ngồi mệt mõi đánh máy bản dịch, tôi bật cười khi đọc qua vài câu thêm bớt của Ngài U Silananda, thí dụ như: when you are enjoying good food, do you say: “Oh, I am suffering!”? According to The Buddha, indeed you are (p.50). Hay: So what does an Arahant do after he becomes an Arahant? Retire? (p.124) Hay: “the fully enlightened one’s “breast born” son and daughter. (Actually there is no daughter in the books—I put it in because I am afraid.)” (p. 103.) Hay: “According to this, a person does not have to know much about the teaching of the Buddha in order to practice meditation. (I think you will like this.)” (p.37) Hay “Credit cards have a saying “Don’t leave home without it.” I would like to say the same thing for mindfulness- don’t leave home without it.”(p. 146)
Cầu mong cho quyển sách nầy sẽ giúp quí vị thiền sinh gặt hái nhiều kết quả hơn trong Pháp học và Pháp hành.
Nita Truitner,
Minnesota 2005
-ooOoo-
Lời giới thiệu của Như Lai Thiền Viện
Quyển “Silavanta Sutta” gồm những bài Pháp thoại của Hoà Thượng Thiền Sư U Silananda về Kinh “Giới Hạnh” trong khóa thiền chín ngày tại Như Lai Thiền Viện năm 2001. Kinh nầy là một cuộc đàm thoại giữa Ngài Xá Lợi Phất và Ngài Mahakotthika, là hai trong các đại đệ tử của Đức Phật về đề mục thiền quán. Thế nên kinh nầy là một trong những kinh trực tiếp nói về sự thực tập pháp môn Tứ Niệm Xứ.
Loạt bài nầy, Thiền Sư U Silananda tuần tự giảng giải chi tiết ý nghĩa của những giáo lý chính chứa đựng trong kinh như:
– Ngũ uẩn thủ là đề mục của thiền quán.
– Những điều cần thiết cho sự quán chiếu về ngũ uẩn thủ.
– Đặc tướng vô thường, khổ, và vô ngã của ngũ uẩn thủ.
– Tính ẩn tàng ba đặc tướng chung.
– Những lợi ích của sự quán niệm về ngũ uẩn thủ.
– Phước báu của các tầng giác ngộ.
Bài kinh kết luận rằng ngay cả những vị A La Hán, những bậc hoàn toàn giác ngộ, vẩn phải tiếp tục hành thiền. Thế nên thông hiểu rốt ráo ý nghĩa kinh nầy rất có lợi lạc cho tất cả thiền sinh.
Nhận thấy bài kinh Silavanta nầy được Thiền Sư U Silananda lý giải rất cụ thể và thâm sâu nên Như Lai Thiền Viện, với sự cho phép của Ngài, đã yêu cầu Bà Caroline Karuna Rakkhita, một đệ tử kỳ cựu của Ngài cũng là một người hiệu đính nhiều kinh nghiệm đảm nhiệm việc hiệu đính loạt bài giảng nầy để có thể phổ biến rộng rải đến những ai thích học hỏi giáo pháp và thực tập thiền quán.
Như Lai Thiền Viện xin hoan hỷ giới thiệu quyển sách nầy đến tất cả quí vị thích học hỏi giáo pháp và thực tập thiền quán.
Trong Tâm Từ
Như Lai Thiền Viện.
-ooOoo-
Thiền Sư U Silananda (1927-2005)
Hòa Thượng Thiền Sư U Silananda sinh ngày 16 tháng 12 năm 1927 tại Mandalay, Miến Điện. Cha mẹ của Ngài là ông Saya Hsaing và bà Daw Mone. Cha của Ngài là một Phật tử thuần thành và là vị kiến trúc sư nổi tiếng với nhiều công trình xây cất xuất sắc các cơ sở tôn giáo trên toàn quốc.
Ngài theo học tại trường trung học Kelly High School của phái bộ truyền giáo Hoa kỳ American Baptist Mission Schơol of Mandalay. Vào năm 16 tuổi, Ngài thọ giới Sa Di tại tu viện Mahavijjodaya Chaung, Sagaing Hills với Hòa thượng pháp sư danh tiếng U Pannavanta và nhận pháp hiệu là Shin Silananda.
Được sự hỗ trợ và khuyến khích của cha mẹ, Ngài thọ Tỳ Kheo giới vào năm 1947 với hoà thượng U Pannavanta. Được sư phụ và những bậc cao tăng danh tiếng ở Sagaing Hills và Mandalay hướng dẩn học Tam Tạng Kinh Điển, Ngài trúng tuyển ba kỳ thi khảo hạch về Giáo pháp của chánh phủ Miến Điện, đỗ đầu bực hai và đứng thứ nhì bậc ba. Sau đó hoàn tất văn bằng Pháp sư (Master of Dhamma) năm 1950.
Năm 1954, Ngài trúng tuyển kỳ thi Phật Pháp được xem là khó nhứt tại Miến Điện của hội Pariyattisasanahita Association ở Mandalay, đạt danh hiệu “Abhivamsa.” Do đó, pháp hiệu đầy đủ của Ngài là Hòa Thượng U Silanandabhivamsa.
Cũng từ năm nầy, Ngài sang Tích Lan (Sri Lanka) và dự kỳ thi khảo hạch thâm cứu (Advanced Level Examination) và hoàn tất chứng chỉ G.C.E (General Certificate of Education) của trường đại học University of London với sự xuất sắc về các cổ ngữ Pali và Sankskrit. Thời gian ở Tích Lan, trong các chuyến về thăm Miến Điện, Ngài đã hành thiền Minh Sát theo truyền thống của Hòa Thượng Thiền sư Mahasi Sayadaw.
Trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ sáu (Sixth Buddhist Council) tại Ngưỡng Quảng, Miến Điện năm 1954, Ngài là thành viên của ban Kiết Tập hiệu đính kinh điển. Năm 1957, Ngài được bổ nhiệm Trưởng Bộ Tự Điển Tam Tạng Pali – Miến (Tipitaka Pali – Burmese Dictionary Department) tại Hội Đồng Phật Pháp Buddha Sasana Council.
Năm 1960, sau khi Sư phụ Ngài viên tịch Ngài trở thành vị trụ trì của tu viện Mahavijjodaya Chaung kiêm giảng sư tại Đại học Atithokdayone Pali University ở Sagaing Hills. Năm 1968, Ngài dời đến tu viện Abhayarama Shwegu Taik ở Mandalay. Sau đó trở thành viện phó tu viện nầy, giảng dạy Giáo pháp và các cổ ngữ Pali, Sanskrit và Prakit. Ngài cũng kiêm nhiệm chức khảo hạch cấp bực cử nhân và cao học cho bộ Đông Phương Học Department of Oriental Studies của trường Arts and Sciences University of Mandalay. Hiện nay Ngài là Hòa Thượng trưởng tràng của tu viện nầy.
Năm 1979, Ngài tháp tùng Đại lão Hòa Thượng Mahasi Sayadaw, vị thiền sư danh tiếng bực nhứt ở Miến Điện , sang Hoa kỳ.Theo lời thỉnh cầu của Phật tử Miến Điện ở Cựu Kim Sơn và vùng vịnh Bay Area, Hòa thượng Mahasi để Ngài và Sayadaw U Kelatha ở lại hoằng pháp tại Hoa kỳ và các nơi khác trên thế gìới. Với sứ mạng nầy, Ngài đã hướng dẩn các khoá thiền Tứ Niệm Xứ hay thiền Minh Sát và giảng dạy giáo pháp, đặc biệt là môn Vi Diệu Pháp, môn tâm lý học của Phật giáo, trên toàn quốc Hoa kỳ và các quốc gia khác như Gia Nã Đại, Mễ Tây cơ, Jamaica, Nhật Bản, Mã Lai, Singapore, Đại Hàn, Tích Lan và Úc Đại Lợi. Với kinh nghiệm thực chứng thâm sâu và kiến thức bao la về Phật Pháp Ngái giảng giải giáo pháp, hướng dẩn thiền tập một cách rành mạch trong tinh thần từ bi và độ lượng của một bực thầy đáng kính. Ngài là tác giả của nhiều sách viết bằng tiếng Miến và tiếng Anh trong đó có cuốn The Four Foundations of Mindfulness (Tứ Niệm Xứ), Volition – An Introduction to the law of Kamma (Định Luật Nghiệp Báo), và No Inner Core – An Introduction to the doctrine of Anatta (Thuyết Vô Ngã) và Silavanta Sutta.
Hòa Thượng U Silananda là vị sáng lập và cũng là hòa thượng trụ trì tu viện Dhammananda Vihara ở Half Moon Bay, California. Ngài là cố vấn tối cao cho hội Phật Giáo nguyên thủy Hoa kỳ Theravada Buddhist Society of America, trung tâm thiền Dhammachakka Meditation Center, California, trung tâm Phật Pháp Bodhi tree Dhamma center ở Largo, California và hội phát triển Phật giáo Society for Advancement of Buđdhism ở Ft. Myers. Florida. Ngài cùng các đệ tử Mễ Tây cơ thành lập Dhamma Vihara ở Mễ Tây cơ từ năm 1999 và là vị hướng dẩn tinh thần của thiền viện nầy.
Năm 1993, Ngài được hội đồng tôn giáo Miến Điện trao tặng tước hiệu Aggamahapandita (Bậc Đại Trí Tuệ), Ngài lại nhận được tước hiệu Aggamahasađhamma Jotika (Diệu Trí Đại Pháp Sư) từ chánh phủ Miến Điện năm 1999. Cũng từ năm nay, Ngài đảm nhận chức vụ viện trưởng Viện Đại Học Phật Giáo Nguyên Thủy Quốc tế (ITBMU) tại Ngưỡng Quảng, Miến Điện.
Hòa Thượng U Silananda là Thiền Sư Trưởng Như Lai Thiền Viện từ 1992 cho đến năm Ngài viên tịch 2005. Dưới bóng mát từ bi và trí tuệ của Ngài, Thiền viện tăng trưởng trong sứ mạng truyền bá giáo pháp nguyên thủy của Đức Phật.
Hòa Thượng U Silananda viên tịch ngày 13 tháng tám, năm 2005 tại tiểu bang California, hưởng thọ 78 tuổi.
Trong Tâm Từ
Như Lai Thiền Viện.