Kính dâng Đức Thế Tôn nhân ngày thành đạo
Tu chứng quan là địa hạt quan trọng nhất trong giáo lý Phật. Nó như một bức tường vững chãi, ngăn chận những phiêu lưu của hành giả vào con đường tri thức phức tạp. Nếu không có tu chứng quan thì giáo lý Phật chỉ là một loại triết học chỉ làm thoả mãn tri thức hiếu kỳ mà thôi. Như một thông lệ, Đức Phâﴠluôn nêu ra những phương thức để thực chứng những lời Ngài dạy trong những lần thuyết pháp. Đó là sự thể hiện đặc trưng hai tính chất: Từ Bi và Trí Huệ. Vì từ bi nên pháp Phật thuyết luôn viên mãn; vì trí tuệ là những gì Ngài dạy là chân lý tối thắng qua kinh nghiệm tu chứng tự nội. Người ta thường tán thán Đức Phật như một vị đại lương y toàn bích về tài năng cũng như lương tâm. Ngài không nói lên cơn bịnh hiểm nghèo rồi phó mặc bệnh nhân với nỗi sợ, chán chường, kinh khiếp; Ngài cúng không dùng tài năng để khoe khoang, ru ngủ con bệnh trong huyễn hoặc, giả tạo. Sau khi chỉ rõ bệnh lý, nguyên nhân tạo thành bệnh và phương thức hữu hiệu dứt trừ bệnh, Ngài khuyến khích bệnh nhân hãy dùng phương thuốc đó. Ngày nay, một số người trong chúng ta đã đi quá xa truyền thống tốt này. Những bài giảng, những bài tham luận hoặc trở thành sự khoe khoang kiến thức, sáo ngữ rỗng tuếch hoặc là hiện thân của những từ ngữ giáo điều, kinh viện khô chết. Bình tâm một chút, chúng ta sẽ thấy có những bài viết những từ ngữ Phật giáo đông tây kim cổ, nhưng không có “chất Phật” nào cả. Xác nhận như vậy là để làm chuẩn đích cho bài viết này, sẽ được trình bày theo hai chiều hướng: sách vở và kinh nghiệm tu hành.
Tất cả giáo lý Phật qua ngôn thuyết là những bước sơ khai cho người học Phật. Trước tiên, hãy xem nó như là một sự điều chỉnh ngôn ngữ. Vì ngôn thuyết dù là chân lý, chỉ giúp ta rũ sạch những khái niệm sai lầm về phạm trù tu chứng thực tại với một ít kinh nghiệm của người đã đi qua. Sự rụng đổ những suy diễn trong tâm thức, dầu có những bước nhảy vọt, cũng chỉ là những bước đột phá giới hạn của tư duy hữu ngã. Sự dừng chân tại đây đã không ích lợi gì mà còn khiến chúng ta rơi vào hai trạng thái: hoặc tự cao, tự mãn hoặc ngây ngô trước thực tế như trường hợp Pháp Đạt gặp Tổ Huệ Năng; Thần Tú lúc trình kệ với Tổ Hoằng Nhẫn. Nếu không gặp minh sư, hai vị này đã không tự vượt qua chính mình vì ngôn ngữ ràng buộc họ. Thực tế khẳng định, “cái gọi là” chỉ là định đề thôi. “cái gọi là” giải thoát, niết-bàn không giải quyết được những khổ đau quằn quại ngày đêm đang thiêu đốt chúng sanh. Như một cơn bịnh trầm kha không thể nào chữa khỏi bằng những lời khuyên của một bác sĩ cả. Vậy, niết -bàn và giải thoát, cái đích của tu chứng quan, sẽ đạt đến bằng những phương pháp chân chánh và nỗ lực không ngừng của hành giả. Một số người hiểu giáo lý Phật qua ngôn ngữ thường thấy rằng đạo Phật phủ nhận giá trị cuộc sống, vì nơi họ tu chứng quan không được nhìn thấy. Con đường tu chứng quan thường được giới thiệu bằng Tam Vô Lậu Học: Gới, Định, Huệ.
Nó cũng là con đường truyền thống được chư Phật ba đời và các bộ phái Phật giáo đều chấp nhận. Tam vô lậu học này phải được thực hành trước tiên với chánh kiến, chánh tư duy một cách liên lục. Kinh điển Nguyên Thuỷ xem việc hộ trì giới bổn Patimokha như là căn bản ách yếu hỗ trợ duy trì chánh niệm và dập tắt ác pháp do sáu căn nhiễm xúc sáu trần phát khởi. Tôi không muốn xem giới như là những điều hỗ trợ có khả năng giúp chúng ta điều chỉnh những rối loạn, mất thăng bằng do các thói quen tạp nhiễm gây ra cho tâm sinh lý chúng ta. Sau khi điều chỉnh tự thân, các phương pháp như hộ trì các căn, chánh niệm tỉnh giác, tiết độ trong ăn uống, sinh hoạt là các tiến trình tiếp theo cần thiết. Giới được thọ trì như là sự tự nguyện, không có kiềm toả, bắt buộc. Muốn đi vào phạm trù này, hành giả phải có những thăng trầm, sống chết trước thực tế cuộc sống, nhận chân được những hoan lạc, khổ đau mà cuộc đời “dâng tặng”. Những phút giây cảm nhận sống chết trong mọi cảm giác sẽ giúp hành giả thấy được cuộc đời là vô thường. Sau những phút giây trực nhận đó, hành giả phải luôn duy trì chánh niệm: cái gì vô thường là khổ, cái gì khổ là vô ngã, cái gì vô ngã phải tuệ tri: “Cái này không phải là ta, cái này không phải của ta, cái này không phải là tự ngã của ta.” Đây không phải là một bản nhạc chỉ được hát lên khi hứng khởi, mà phải được thường xuyên thấybằng chánh niệm với nghị lực sắt đá.
Đức Phật thường bác bỏ những quan niệm phiêu lưu, thoả mãn tri thức trong lĩnh vực tu học. Người học Phật không phải để giải quyết tính hiếu kỳ hoặc để tranh luận khoái khẩu. Thái độ học Phật, trước tiên phải xác quyết là thái độ “gạn đục khơi trong.” Đức Phật thường im lặng trước các câu hỏi siêu hình, phi thực tế về vũ trụ nhân sinh. Đây là thái độ tràn đầy từ bi và trí tuệ của Phật. Ngài không muốn đẩy đưa những ngôn thuyết của mình vào đầu óc đệ tử như là một sự nhồi sọ, sơ cứng; Ngài cũng không muốn ai hiểu mình, tin mình qua những lời dạy khô chết; Ngài lại càng không muốn biến những lời dạy thành các giáo điều, kinh viện được mạ vàng để cất giữ trong tâm trí đệ tử. Chúng ta nên hiểu những lời Phật dạy là tấm bản đồ và ước mong duy nhất của Ngài là chúng ta hãy nhìn rõ tấm bản dồ, rồi hãy bước những bước chân kiên định trên những con đường đã chỉ dạy. Thái độ ca tụng hoặc chỉ trích tấm bản đồ là không cần thiết và chẳng giúp ích gì cả cho những người tu học.
Daiseiz Teitaro Suzuki có góp ý về quan điểm này như sau: “học Phật mà chỉ thấy lý vô ngã, không màng thâm cứu lý giác ngộ ắt không nhận chân được tất cả ý nghĩa của thông điệp Phật trao cho thế gian. Kể ra trên phương diện tâm lý, Phật phủ nhận cái tôi sau khi nghiền nát nó từng phần, chỉ một việc ấy, trên phương diện khoa học, Phật đáng gọi là vĩ đại rồi, vì khả năng phân tích của Phật vượt hẳn người đương thời. Tuy nhiên, nếu chỉ có vậy thì ảnh hưởng của Phật, với tư cách lãnh đạo tinh thần, không thể phổ quát và lâu dài đến thế. Giáo lý vô ngã của Phật không phải chỉ thiết lập bằng sự khảo sát khoa học như hiện nay, mà cốt yếu hơn là sự tu chứng, nếu vô minh được thấu triệt đến cùng lý thì vô minh diệt là đương nhiên, cái tôi cũng bị phủ nhận luôn, không còn là một thực thể căn bản hoạt động trong đời. Giác ngộ là một quan niệm thực tế rất khó nhận chân được cho người thường, chỉ khi nào ta nhận ra được ý nghĩa của nó trong toàn bộ Phật giáo và dồn hết nỗ lực nhằm thực hiện nó thì đương nhiên mọi việc khác sẽ tự giải quyết lấy, như khái niệm về: ngã, ngã chấp, vô minh, triền phược, lậu hoặc v.v…giới hạnh, quán tưởng, cầu lý, tất cả phương tiện ấy chỉ nhằm đưa đến cứu cánh duy nhất đặt ra cho Phật giáo.” (Thiền Luận, Quyển Thượng, Trúc Thiên dịch, trang 208-209, nxb TP. HCM, 1992).
Tác giả nêu thâm ý ấy sau khi hiểu được lý vô ngã, hành giả phải “thâm cứu lý giác ngộ”; cụm từ này cho thấy đây là tiến trình thứ hai là phải thực chứng vô ngã chứ không hiểu trên danh từ. Đây là tiếng chuông cảnh tỉnh, đánh mạnh vào sự mê ngủ của những người tham cứu giáo lý Phật như một loại triết lý, hoặc tìm kiếm những giới hạn, những mong manh diệu vợi của ngôn từ mà đánh giá phê bình để bảo vệ luận điểm “tri thức béo phì” của mình. Những thái độ này hoàn toàn xa lạ với tông chỉ Phật thuyết. Những người này sẽ không an hưởng được một sự bình an nào trong chánh pháp.
Chúng ta thường bắt gặp thái độ phủ nhận những gì sau khi tuyên thuyết của Phật nơi kinh điển – từ nguyên thuỷ đến phát triển. Sự phủ nhận này không phải từ chối những gì mình dạy, đó là sự xác nhận những gì mình thuyết không phải là bản chất như thật những gì mình đã nói. Sự phủ nhận này cũng không ngăn trở đệ tử mình trong lãnh vực học tập mà đó là thái độ thích ứng để giáo dục đệ tử vượt qua và quên đi những gì chứa đựng trong ngôn từ. Vì cái nói về chỉ là một sự ám chỉ cái đang nói, chứ không phải là tự thân nó. Hiểu được như thế thì mới thấy rõ cái đang nói là gì. Đây không phải là lý luận lẩn quẩn mà là sự trực nhận ngữ ngôn.
Kinh Lăng Nghiêm, kinh Kim Cang, kinh Xà Dụ (số 22, Trung Bộ II) thường nêu những câu xem lời Phật dạy chỉ là phương tiện đạt đến chân lý, nó không phải là chân lý. W. Rahula đề cập đến vấn đề như sau: Once the Buddha explained the doctrine of cause and effect to his disciples and they said that they saw it and understood it clearly. Then the Buddha said: “O Bikkhus, even this view, which is so pure and so clear, if you cling to it, if you fondle it, if you treasure it, if you are attached it, then you do not understand that the teaching is similar to a raft, which is for crossing river, and not for getting hold off. (What the Buddha Taught, p.11).
Tạm hiểu: một hôm Đức Phật giảng cho các Tỳ-kheo về thuyết nhân quả, và các vị thưa rằng đã thấy và hiểu điều đó một cách rõ ràng. Phật liền dạy: này các Tỳ-kheo, ngay cả quan niệm này rõ ràng, tong sáng như vậy; nhưng nếu các Thầy bám chặt vào nó, nếu các Thầy quý trọng nó, nếu quý Thầy cất giữ nó, nếu các Thầy ràng buộc với nó thì chính các Thầy không hiểu được rằng giáo lý như một chiếc bè, chủ yếu để dùng vượt qua dòng sông, chứ không phải để nắm lấy.
Xa hơm một bước, sự phủ nhận các pháp không thật có, như huyễn mộng, không chỉ dừng lại ở các cảm thọ thông thường, đối đãi hữu biên mà Thế Tôn còn phủ định những cảnh giới chứng đắc nữa. Thật là một lời tuyên thuyết làm rung chuyển các triết thuyết đương thời. Vì quả vị tu chứng là những khổ luyện liên tục, phải trải qua nhiều thăng trầm kinh khiếp. Sự phủ nhận này có làm các đệ tử Thế Tôn mất thăng bằng và chán nản không? Không. Các đệ tử chân chánh hành trì những lời Phật dạy, xem sự phủ nhâﮠnày là một sự nâng đỡ bước chân của mình đi đến toàn thiện. Nó giúp cho các vị không bị trói buộc, bế tắc, tham đắm nơi những cảnh giới huyễn mộng mình thân chứng. Chúng ta xem sự phủ nhận toàn triệt này, trích từ Tiểu Phẩm Bát-nhã: “lúc bấy giờ các vị thiên tử suy nghĩ như vầy: những ai là người có thể tuỳ thuận nghe những điều tôn giả Tu-bồ-đề nói? Tu-bồ-đề biết rõ những gì các vị thiên tử đang suy nghĩ và nói với họ rằng: người huyễn có thể tuỳ thuận nghe những điều ta nói, sự nghe cũng không và sự chứng cũng không.” Các vị thiên tử nghe xong nghĩ thế này: “nếu người nghe mà huyễn thì chúng sanh cũng như huyễn, Tu-đà-hoàn quả đến Phật đạo cũng huyễn.” Tu-bồ-đề biết rõcác suy nghĩ của các thiên tử bèn nói với họ rằng: tôi nói chúng sanh như huyễn, như mộng; Tu-đà -hoàn quả cũng như huyễn, như mộng; Tư-đà-hàm quả cũng như huyễn, như mông; A-na-hàm quả, A-la-hán quả, Bích Chi Phật quả cũng như huyễn, như mộng.” Các vị thiên tử nói: thưa Ngài Tu-bồ-đề, phải chăng Ngài nói Phật Pháp cũng như huyễn, như mộng? Tu-bồ đề: Này các thiên tử, giả như có pháp nào cao hơn Niết-bàn, tôi cũng nói là như huyễn, như mộng. Các vị thiên tử, Niết-bàn và huyễn mộng không khác không hai.” Thích-đề-hoàn-nhân nghe xong tán thán: trí tuệ của trưởng lão Tu-bồ-đề thật là sâu xa, ngài thuyết thật nghĩa mà không hoại giả danh” (Triết Học Tánh Không, Tuệ Sĩ, trang 39-40, An Tiêm xuất bản).
Qua đoạn kinh này ta thấy huyễn mộng được sử dụng như là một công cụ công phá sự còn nương chấp vào thực tế cảnh giới tu chứng của các vị thiên tử. Đây là cứ diểm tập trung mọi bám víu nhỏ nhít cuối cùng trong tâm trí của người tu hành. Bước tháo gỡ cuối cùng này có giá trị tuyệt đối, đặt hành giả vào tình thuống đứng trên đầu sào trăm thước và hối thúc nhảy một bước vào hư không trong tư thế buông xả hai tay. Tu chứng quan Phật giáo đặc sắc ở điểm này. Nếu không có bước xả ly cuối cùng thì đạo Phật đã xác lập tu chứng quan tương tợ Bà-la-môn giáo, xem Đại Ngã là nơi nương tựa cuối cùng của muôn ngàn tiểu ngã. Sự bàng hoàng đến mức nghi ngờ của các thiên tử ở đoạn kinh nêu trên không có gì là lạ cả. Vì chư vị đang trong quá trình tu tập, nên nhị nguyên đối đãi là phạm trù chư vị đang an trú. Trưởng lão Tu-Bồ-dề không phải thúc đẩy chư vị đến chỗ hoang mang mà thực ra là giúp chư vị phá tan những vướng bận tâm trí do ngôn từ đem lại. Thế Tôn thuyết, hết thảy pháp đều vô ngã, từ thực tại đến thực tế. Hai phạm trù này không tách rời nhau dù có sai biệt trên ngôn từ. Dụ như bóng tối và ánh sáng. Ta gọi là ánh sáng vì có bóng tối. Đó là tuỳ thời, tuỳ nhân, tuỳ duyên mà tạm gọi; khi gọi là ánh sáng không có nghĩa là không có bóng tối. Ngược lại cũng thế, vào cấp độ của trưởng lão Tu-bồ-đề, dầu an trú Niết-bàn thì Niết-bàn cũng là huyễn, vì nơi Ngài đã vắng mặt các ngã và ngã sở. Khi dùng ngôn ngữ để nói về bản chất sự vật, điều trước tiên chúng ta phải hiểu là trong tận cùng ngôn ngữ trở thành phi thực. Muốn định nghĩa bản chất sự vật ta phải thấy rõ định nghĩa là khẳng định, mà khẳng định luôn bao hàm những phủ định khác. Dụ như khi ta khẳng định một cái bàn thì đó là sự phủ nhận hằng bao cái không phai là cái bàn như không phải là cái tủ, cái ghế,v.v… vậy là khẳng định và phủ định không phải là những sự thể chống đối lẫn nhau nữa. Chúng sinh hoạt trật tự theo quy luật hiển nhiên và vận hành tuỳ theo chủng loại. Thế nên, trong phủ định có khẳng định, trong khẳng định có phủ định. Vậy huyễn là thực, thực là huyễn; Niết-bàn là sanh tử, sanh tử là Niết-bàn.
Thiền sư Huyền Giác Vĩnh Gia trong Chứng Đạo Ca có đề cập đế鮠tu chứng quan như sau:
Cư sĩ Trúc Thiên luận như sau: Vô minh không phải là chơn nên đừng tìm cầu, không phải là vọng nên đừng trừ. Còn cầu, còn trừ là còn bị phân tâm. Còn gây chướng ngại. Nghĩ nhiều thì bị cái chướng của phiền não. Biết nhiều thì bị cái chướng của sở tri. Phiền não chướng ngăn lấp Niết-bàn. Sở tri chướng ngăn lấp trí tuệ. Tuy nhiên, dưới ánh sáng nhất như, trí tuệ và vô minh cũng như mọi cặp đối đãi khác của tri thức suy luận, đều ứng hiện từ tánh Phật và như thế dựa vào cái thực của tự tánh. Nói một cách khác, ngoài vô minh không có tự tánh, ngoài tự tánh không có vô minh. Vô minh chỉ là một ảo tưởng không có thực chất, không thực có. Khi diệt trừ hết vô minh, mới rõ “tánh” của vô minh là tánh Phật, bình đảng như nhau. (Chứng Đạo Ca- Huyền Giác, Trúc Thiên giới thiệu, Lá Bối, 1970).
Luận giải như thế là đúng. Nếu tánh Phật đối lập vô minh thì có hai từ những tự thể riêng biệt sanh ra; chúng tồn tại tương khắc nhau trong chung cùng thân tâm chúng ta.
Sự phá vỡ hay thắng thế của phạm trù này trên phạm trù kia luôn tạo cho chúng ta sự mất thăng bằng vào một khoảng không nhất định. Thực tế cho thấy, từ những sự vật nhỏ bé cho đến núi sông, đều hiện hữu trong chung cùng một bản thể. Sự diệt vong của một sinh vật là một sự hình thành của một sinh vật khác.
Nói tóm, tu chứng quan Phật giáo là cửa ngõ ách yếu mà hành giả sau khi thông lý- những lời Phật htuyết phải được thực hành một cách liên tục bằng con đương truyền thống Giới – Định – Tuệ. Bằng cách này những xả ly cuộc đời do ngã tạo nên mới rụng đổ, và những cảnh giới không thật sau khi ngã rụng đổ sẽ không còn, hành giả sẽ được tự tại trong các pháp. Từ đó mang ánh sáng trí tuệ và từ bi đi vào đời phục vụ nhân loại, cải tạo xã hội. Khi ấy, ánh tà dương của buổi chiều huy sẽ là ánh thái dương rực rỡ của buổi bình minh; tiếng sóng gào của đại dương sẽ là bản du ca cho lão ngư ông thong dong gác mái chèo nhìn về viễn phố.
Thích Hạnh Chánh
http://www.buddhismtoday.com/viet/phatphap/122-tuchung.htm