Trưa mùa hè, trời nắng chang chang, gió im phăng phắc. Trong nhà, ngoài ngõ, vắng vẻ, tĩnh mịch. Ở một chái bên, bà ôm cháu vào lòng. Hai bà cháu nằm trên cái võng, đưa đi đưa lại, tiếng kêu kẽo cà kẽo kẹt, theo một điệu.
Bà cất tiếng hát, bà ru:
“Cái ngủ mày ngủ cho lâu
Mẹ mày đi cấy ruộng sâu chưa về”.
Cháu nghe êm tai, ra chừng thiu thiu ngủ, mà bà cũng ra dáng lim dim hai con mắt.
“Ừ, cái ngủ mày ngủ cho say,
Mẹ mày vất vả chân tay tối ngày”(1)
Đọc đoạn văn xưa trên nửa thế kỷ, người viết rút ra được hai bài học Giáo Khoa Thư :
Tình gia đình, tình bà cháu của nguời Việt ta. Ông bà trông nom cháu cho các con tần tảo kiếm gạo nuôi gia đình. Người Già Việt Nam sao mà hy sinh, sao mà hữu dụng!
Bài học thứ hai là về sức khỏe, về giấc ngủ ban trưa, mà người viết muốn có ít lời ghi lại…
Ngủ trưa vẫn là một thói quen của mọi sinh vật trên trái đất từ nhiều ngàn năm và căn cứ trên lẽ phải thông thường thực tế từ kinh nghiệm sống.
Một chuyên viên về giấc ngủ, tiến sĩ Gregg Jacobs, có ý kiến như sau: “Ich lợi của giấc ngủ giữa ngày đã được nhiều người để tâm nghiên cứu và khoa học xác nhận. Chúng ta hy vọng là vào một thời điểm nào đó, viên chức công tư sở có thể làm mươi phút ngủ trưa thay vì mươi phút giải lao”.
Cố Thủ Tướng Anh Quốc Winston Churchill thú nhận có một tật xấu là sau mỗi bữa ăn trưa ông phải ngủ nửa tiếng, nhưng sau đó ông làm việc rất có hiệu quả. Theo ông Thủ Tướng ghiền cigars : “Tạo hóa không có ý bắt loài người phải lao động từ tám giờ sáng tới nửa đêm mà không có một thời gian ngắn thư giãn. Dù chỉ hai chục phút thôi cũng đủ tái tạo tất cả sinh lực trong người”.
Khi còn bé, con trẻ rất ham chơi, lén lén ra vườn nghịch ngợm, bỏ ngủ trưa. Ông bà thường canh chừng bắt các cháu phải lên giường ngủ. Tai các lớp mẫu giáo, trẻ em cũng được dành nửa giờ sau khi ăn để nhắm mắt ngủ. Ngay cả con trâu con bò, sau một ngày vất vả phụ người cầy bừa ruộng, cũng nằm dưới gốc tre, lim dim cặp mắt, để lấy sức kéo cầy buổi chiều
Cái lệ ngủ trưa được nhiều quốc gia, nhất là ở vùng nhiệt đới, vẫn còn áp dụng.
Việt Nam ta khi xưa thì từ các thầy thông thầy phán tới thứ dân, lao động đều làm một giấc ngủ trưa trong cả bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Chỉ có một số quốc gia kỹ nghệ tiến bộ, để tiết kiệm thời giờ, người ta làm việc một lèo từ sáng đến chiều, với nửa giờ ăn trưa, vài phút giải lao uống cà phê, hút thuốc. Mà giờ ăn trưa lại được dùng vào việc chạy đi mua đồ bán sale, còn mệt hơn.
Vì thế Tiến sĩ Antonia Will bình luận về giờ giấc làm việc này như sau: “Hệ thống giờ giấc làm việc hiện đại được thành hình mà không để ý tới nhu cầu thực tế của cơ thể. Người ta chỉ nghĩ tới giải lao uống cà phê mà không nghĩ tới thư giãn nhắm mắt; chỉ nghĩ tới sự kích thích nhân tạo chứ không đếm xỉa tới sự phục hồi sức khỏe tự nhiên. Đây là một lỗi lầm rất lớn”.
Gerald Celente, Giám Đốc một tổ chức nghiên cứu sinh học ở Nữu Ước cho rằng con người cần một chút thời gian để nạp lại bình điện và hài hòa tâm trí.
Theo bác sĩ Jesse Hanley thì con người cần một nghỉ ngơi sau buổi trưa, vì vào thời điểm đó đa số đều cạn sinh lực. Nang thượng thận vào giữa trưa không còn sản xuất được đủ kích thích tố cần thiết cho các chức năng của cơ thể. Nếu không nghỉ, con người sẽ cảm thấy lo lắng, bồn chồn, phải đi kiếm cái gì để kích thích như uống ly cà phê, chai nước ngọt. Nhưng chỉ với mươi mười lăm phút ngủ là nang thượng thận hoạt động lại bình thường ngay.
Tuy nhiên, do thói quen, có người cảm thấy bối rối, ngượng ngùng khi nói ra là mình muốn ngủ trưa. Có người lại sợ sau khi chợp mắt tỉnh dậy thì lờ đờ, không làm việc được.
Ích lợi ngủ giữa ngày
Về sinh học, khi làm việc liên tục không có lúc nghỉ thì cơ thể sẽ tích tụ những mệt mỏi.
Và sự gắng sức không những làm tiêu hao sinh lực mà còn tạo ra nhiều hóa chất cặn bã và chất độc làm tê liệt thần kinh. Hậu quả này chỉ được giải trừ bằng sự ngủ.
Kinh nghiệm cho thấy với sự mệt mỏi vừa phải chỉ cần một thời gian ngắn để lấy lại sức nhưng nếu mệt mỏi nhiều hơn thì thời gian phục hồi phải gấp đôi. Làm việc tới kiệt sức cũng khiến nang thượng thận suy nhược vì phải liên tục sản xuất kích thích tố để đối phó. Bình thường, nang này hoạt động mạnh vào buổi sáng sớm, tăng dần cho tới trưa, rồi giảm dần cho tới mức thấp nhất vào khoảng thời gian từ 3 tới 5 giờ chiều.
Một kiến trúc sư có tiếng người Mỹ, ông Buckminster Fuller, đã áp dụng phương thức cứ sau ba giờ làm việc thì ngủ nửa tiếng, ngày cũng như đêm. Ông ta cho biết là trong người rất tỉnh táo, hiệu năng làm việc tăng rất cao và sau mấy tháng, đi khám sức khỏe thấy kết quả mọi thứ đều tốt.
Theo kinh nghiệm của nhiều người, ngủ trưa khiến họ trở nên tinh nhanh, linh lợi hơn và có thể giải quyết được nhiều việc tế nhị, rắc rối.
William Anthony, tác giả sách Nghệ Thuật Ngủ Trưa Tại Sở The Art of Napping at Work, cho hay một chút ngủ nghỉ nơi làm việc là phương thức rẻ tiền và tự nhiên nhất để tăng sản xuất của nhân viên.
Tác giả Charles P. Kelly, một chuyên gia nổi tiếng về sự ngủ, kể lại kinh nghiệm cá nhân về vấn đề này.
Khi còn học Đai học, ông ta phải đi làm thêm, bán hàng qua điện thoại. Một hôm ông ta mệt quá, nằm ngủ thiếp đi nửa giờ đông hồ. Khi tỉnh dậy, ông ta cứ lo là không đủ thì giờ để rao bán cho đủ số khách hàng đúng như tiêu chuẩn. Nhưng kết quả ngược lại: không những đủ mà còn vượt quá chỉ tiêu vì buổi chiều hôm đó ông ta thấy trong người sảng khoái, nói năng lưu loát, thuyết phục hơn những ngày trước. Từ đó, ông ta tiếp tục ngủ nửa giờ sau mỗi bữa ăn trưa để có thể làm việc trễ hơn vào buổi tối.
Trong lịch sử, có nhiều dẫn chứng về ích lợi ngủ giữa ngày.
Nhà phát minh Thomas Edison thường được coi là ngủ rất ít, không tới tám giờ một ngày. Nhưng ông ta cho hay là trong khi làm việc, ông ta ngủ khi nào thấy trong người mệt mỏi, kém tập trung. Không bao giờ ông ta làm việc quá bốn giờ giữa hai thời gian ngắn ngủ và nghỉ.
Cựu Tổng Thống Mỹ Harry Truman đặt lệ là ngủ một giờ sau bữa ăn trưa; Tổng Thống Teddy Roosevelt đều ngủ trưa trong thời gian đi vận động tranh cử.
Theo thống kê của các hãng bảo hiểm và cơ quan công lộ Hoa Kỳ thì một số đáng kể tai nạn xe hơi xẩy ra vì người lái quá cố gắng, lái xe liên tục không nghỉ trong nhiều giờ. Trong khi đó thì nhiều người thấy rằng sau vài giờ lái xe, chỉ tạt vào lề đường, nhắm mắt mươi phút là tỉnh táo, hơn là uống một ly cà phê đặc.
Trong một cuộc điều tra về vấn đề ngủ của các phi công, do cơ quan Không Gian Hoa Kỳ thực hiện, thì các phi công đều nhận là họ có ngủ giữa ngày, một điều cấm kỵ khi bay. Phi hành đoàn thường vượt qua nhiều múi giờ, nên giấc ngủ bị rối loạn, đôi khi họ chỉ ngủ dưới sáu tiếng một ngày. Kết quả nghiên cứu cho hay nhiều phi công ngủ ngày nhưng họ không ghi vào phiếu lộ trình.
Những người làm việc ca đêm thường có nhiều khó khăn trong việc tiêu hóa thức ăn. Họ ăn vào giờ khác với nhịp sinh học bình thường nên dịch vị bao tử tiết ra không đúng lúc cho sự tiêu hóa. Ngoài ra khi đã có một số bệnh như kinh phong, tiểu đường, thì làm ca đêm cũng khiến bệnh trầm trọng hơn. Cho nên để tránh những trở ngại đó, đã có đề nghị cho phép người làm ca đêm ngủ một lúc trong khi làm việc hoặc trước ca. Sự ngủ này giúp họ tỉnh táo hơn để làm việc suốt đêm.
Trong lịch sử y khoa Hoa Kỳ, đã có nhiều vụ làm việc không nghỉ rồi xẩy ra tai nạn nghề nghiệp.
Một bác sĩ chuyên về tê mê bị đưa ra tòa vì ngủ trong khi đánh thuốc mê cho một bệnh nhân để giải phẫu. Nhân chứng nói là trong thời gian giải phẫu gia làm việc, ông bác sĩ tê mê phải theo dõi tình trạng người bệnh. Nhưng ông ta đã chợp mắt ngủ ngồi mất mấy phút, đúng vào lúc huyết áp người bệnh xuống thấp, ông ta không biết để đối phó, nên bệnh nhân thiệt mạng. Ra tòa, ông ta khai là vì quá mệt sau mấy ca mổ liên tục trong ngày.
Trẻ sơ sinh có một thời biểu ngủ chưa ổn định rất cần giấc ngủ giữa ngày để tăng trưởng. Ở các em, nhịp sinh học circadian ngày làm, đêm ngủ chưa được thiết lập. Mới sanh, bé ngủ vài tiếng rồi thức dậy chơi độ hơn một tiếng rồi lại ngủ. Thời gian từ 2 đến 8 tuần lễ, bé thay đổi nhịp ngủ/thức mỗi 4 giờ. Từ 3 tháng tới 1 tuổi, bé bắt đầu ngủ đêm nhiều hơn, khoảng 6 đến 8 giờ và ngủ ngày ít đi vào mỗi sáng và chiều. Sau một thời gian, trẻ thơ chỉ giữ giấc ngủ ban ngày vào sau trưa cho tới khi lên 3 hoặc 4 tuổi.
Giờ ngủ và vị thế ngủ
Tùy theo từng người nhưng đa số đều cho rằng giấc ngủ khoảng giữa trưa là tốt hơn cả.
Theo kết quả nghiên cứu của bác sĩ Nathaniel Kleitman thì với một giấc ngủ ban đêm, khả năng lao động của con người tăng dần từ lúc ngủ dậy, tới một cao điểm trong ngày rồi xuống dần, thấp nhất vào lúc đêm. Bây giờ nếu ta ngủ ngắn hạn vào buổi trưa, thì sẽ có hai cao điểm của khả năng lao động thay vì một cao điểm.
Nhiều người chớm thấy mệt, kém tập trung, thấy không còn sinh lực là nghỉ ngay hoặc đi kiếm ly cà phê, uống chai nước ngọt để lấy sinh lực.
Vị thế để nghỉ trưa cũng quan trọng. Có người ngồi ngay thẳng trên ghế làm việc, có người ngồi xếp bằng dưới đất, cũng có người nằm gác chân lên bàn, tháo bỏ giầy cho thư giãn, rồi nhắm mắt ngủ.
Sửa soạn cho phút ngủ trưa
Ngủ trưa đúng cách cần sắp xếp cho chu đáo và một vài quy luật:
- Kiếm chỗ vắng, yên tịnh, thoải mái để chợp mắt.
- Tắt đèn, bỏ điện thoại. Có miếng vải đen che mắt tránh ánh sáng càng tốt.
- Đặt đồng hồ báo thức 10 phút. Ngủ nhiều quá đâm ra ngây ngất lờ đờ vì rơi vào tình trạng ngủ say, khó thức dậy.
- Nhắm mắt, thư giãn, để lắng tâm hồn.
- Chú tâm vào nhịp thở, theo dõi không khí đi vào mũi, cuống họng, phổi.
- Thở hơi to để có thể nghe hơi thở và tập trung vào đó.
Nhiều người cho rằng chỉ nằm yên lặng nhắm mắt cũng có công hiệu phục hồi sinh lực như ngủ nhưng khác nhau về diễn biến. Khi ngủ thì con ngươi thu nhỏ, và ngủ càng say con ngươi càng nhỏ. Còn khi nhắm mắt nghỉ thì con ngươi vẫn nở rộng
Khi ngủ trưa, nhiều người tự nhiên thức dậy mà không cần báo thức, vì họ ngủ lâu mau tùy theo nhu cầu giải tỏa mệt mỏi của cơ thể. Do đó sự mệt mỏi hết rất mau, tránh được sự tích tụ mệt mỏi. Và công năng lao động cao hơn.
Không tin, quý vị hãy thử mà coi.
Nhưng nhớ đóng cửa, kẻo ông bà chủ bắt gặp, đang nhất nghiệp trở thành thất nghiệp thì gặp rắc rối với người bạn đường.
Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức
http://tuvien.com/tai_lieu_chua_benh/show.php?get=1&id=sk_gntru